Học đại học và bắt đầu nghiên cứu khoa học
Năm 1953, sau khi tham dự lớp quân sự trung sơ cấp ở Vân Nam (Trung Quốc) và chiến dịch Tây Bắc, tôi về Tổng cục Chính trị, bấy giờ đóng tại Định Hóa, Thái Nguyên, thì được cử đi dự chỉnh huấn ở Tuyên Quang để chuẩn bị đi học nước ngoài. Tháng 8 năm 1953, tôi cùng với 50 anh chị em được chọn đi học tại Liên Xô. Sau khi đi bộ lên Lạng Sơn, chúng tôi sang Trung Quốc để đi Matxcơva bằng tàu hỏa. Sau một tháng học tiếng Nga tại thủ đô, một nhóm gồm 10 người chúng tôi được đưa về Tashkent (thủ đô của nước cộng hòa Uzbekistan), để học nông nghiệp. Khi đến trường Đại học Nông nghiệp Tashkent, chúng tôi được tiếp tục học tiếng Nga, đồng thời học các môn khoa học tự nhiên theo chương trình năm thứ nhất đại học. Nhờ sự kèm cặp tận tụy của các thầy cô giáo và sự giúp đỡ lẫn nhau, chúng tôi đã hoàn thành học kỳ đầu, để từ học kỳ thứ hai vào cùng học với các bạn Liên Xô cùng lớp ở khoa Nông học.
Năm 1955, khi học năm thứ ba, tôi bắt đầu tham gia nhóm nghiên cứu sinh viên ở khoa Nông học. Công trình nghiên cứu đầu tiên của tôi là về cây trồng ở Việt Nam. Báo cáo đã được thầy giáo khen vì đối với các bạn, cây trồng nhiệt đới là những điều mới lạ. Cuối năm thứ ba đi thực tập, tôi xin về Trạm Nghiên cứu Lúa Uzbekistan để bắt đầu nghiên cứu về cây trồng này dưới sự hướng dẫn của giáo sư Belov. Thực ra thì giáo sư am hiểu nhiều về cây lúa nên ông chỉ định hướng chung, còn để tôi tự đọc sách và xác định đề tài nghiên cứu. Hồi bấy giờ ở Liên Xô, trường phái Lysenko đang thịnh hành, nhưng ông giáo tôi lại là cộng tác viên của Viện sĩ Vavilov, nên tôi may mắn được giới thiệu với các nhà khoa học thuộc trường phái này. Tôi đọc các tài liệu của Vavilov và say mê về các cuộc thám hiểm của ông để thu thập tài nguyên di truyền và nghiên cứu nguồn gốc cây trồng. Các kiến thức thu thập được đã giúp tôi viết một báo cáo về sinh thái và nguồn gốc cây lúa. Tài liệu này được thầy giáo của tôi quan tâm, đánh giá cao nên đã giúp tôi biên tập lại và được Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp Liên Xô xuất bản bằng tiếng Nga. Có thể nói, đây là cuốn sách đầu tiên của tôi. Cuối năm học thứ tư, tôi xin về thực tập ở Trạm Nghiên cứu Lúa Trung ương ở thành phố Krasnodar (Liên bang Nga) dưới sự hướng dẫn của giáo sư Eryghin, một nhà sinh lý nổi tiếng ở Liên Xô. Tôi nghiên cứu về sự phát triển giai đoạn của cây lúa là một vấn đề mà giáo sư rất quan tâm. Kết quả nghiên cứu trong hai vụ lúa đã được trình bày trong luận văn tốt nghiệp, được hội đồng đánh giá xuất sắc và được đề nghị cho tiếp tục trong sáu tháng để làm nghiên cứu sinh. Sau một vụ thí nghiệm nữa, tôi đã hoàn thành các môn thi tối thiểu và bảo vệ thành công luận văn phó tiến sĩ vào năm 1958. Như vậy, là trong 5 năm tôi vừa hoàn thành chương trình kỹ sư và phó Tiến sĩ Nông học, tiết kiệm được 3 năm. Tôi là phó tiến sĩ Nông nghiệp (nay là Tiến sĩ) đầu tiên của Việt Nam được Liên Xô đào tạo.
Nghiên cứu về thâm canh lúa
Tốt nghiệp xong, cuối năm 1958 tôi về nước, được phân công về Trường Đại học Nông nghiệp, khi đó đang nhập với Viện Khoa học Nông nghiệp để thành Học viện Nông lâm. Tại đây, tôi dạy môn Sinh lý Thực vật và bắt đầu nghiên cứu về cây lúa. Thời gian này, tôi được cùng cộng tác với ông Bùi Huy Đáp, một chuyên gia về cây lúa mà tôi đã có liên hệ trong thời gian học tập. Hồi bấy giờ, do ảnh hưởng của phong trào Đại Nhảy vọt của Trung Quốc, ở nước ta nhiều nơi đã tiến hành cấy dồn lúa để đạt các năng suất cao, nhưng không thành công. Tôi nhận thấy việc làm này không có nghĩa nhưng không dám nói, nhưng qua sự thất bại mô hình này đã gợi mở cho tôi một hướng nghiên cứu mới về sinh lý học của năng suất để xây dựng cơ sở khoa học cho việc thâm canh. Tôi bắt đầu từ việc nghiên cứu về nguyên nhân của hiện tượng lốp đổ khi cấy dày và bón nhiều phân đạm. Các nghiên cứu này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nghiên cứu thâm canh lúa ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, các giống lúa cổ truyền của nước ta không thể đạt năng suất cao vì cao cây, dễ đổ. Công trình nghiên cứu này của tôi đã vạch ra hướng chọn tạo giống lúa và đề xuất kỹ thuật thâm canh. Đầu những năm 1960, sau khi các hợp tác xã được thành lập, đã có phong trào thâm canh để đạt 5 tấn thóc/vụ. Trên cơ sở phong trào này, hội nghị đầu tiên về thâm canh lúa được tiến hành ở Vĩnh Yên vì ở đó có 5 hợp tác xã đầu tiên đạt mục tiêu năng suất nêu trên.
Để phục vụ cho thâm canh, tôi bắt đầu nghiên cứu cơ sở sinh lý của việc sử dụng phân bón, trong đó có phân lân và đề xuất các biện pháp sử dụng phân bón hợp lý trong thâm canh tăng năng suất lúa. Nghiên cứu nhu cầu về lân của cây trồng đã giải thích được nguyên nhân tại sao cây rất cần lân nhưng bón phân lân lại không có hiệu quả, nhờ đó phong trào bón phân lân tăng lên, đồng thời đã giúp tiêu thụ phân supe lân Lâm Thao vốn tồn đọng nhiều năm.
Tiếp tục nghiên cứu về hiệu quả phân lân với cây lúa, chúng tôi khởi xướng các nghiên cứu để biến lân thành đạm thông qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh. Kết quả này được trình bày ở Hội nghị Khoa học Bắc Kinh năm 1963 và cũng được xuất bản trong cuốn “Phân supe lân và cách sử dụng, NXB Nông thôn, 1962” và “Các biện pháp nâng cao hiệu suất phân hoá học, NXB Nông thôn, 1965”. Cũng trong thời kỳ này, tôi được cử làm Trưởng phòng Khoa học kiêm Trưởng Bộ môn Sinh lý Thực vật của Học viện Nông lâm.
Năm 1963, Viện Khoa học Nông nghiệp lại được tách ra từ Học viện Nông lâm. Khi đó ông Bùi Huy Đáp làm Viện trưởng, còn tôi được cử làm Trưởng ban Nghiên cứu Trồng trọt, kiêm Trưởng Bộ môn Sinh lý Cây trồng. Ban này là tiền thân của các Viện Cây lương thực, Cây công nghiệp, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Viện Bảo vệ Thực vật sau này.
Thời gian đó, bệnh vàng lụi phá hoại lúa lan rất nhanh ở cả đồng bằng và miền núi nên tôi đã tổ chức một nhóm các nhà khoa học từ nhiều bộ môn: Côn trùng, sinh lý, chọn giống để nghiên cứu xác định nguyên nhân bệnh này. Đây là nhóm nghiên cứu đa ngành đầu tiên được triển khai ở nhiều vùng đồng bằng, trung du và miền núi để cùng nghiên cứu với nông dân ở các hợp tác xã. Kết quả cho thấy bệnh vàng lụi không phải là một bệnh sinh lý mà là bệnh virus do rầy xanh đuôi đen truyền bệnh, nhưng có thể phục hồi bằng các biện pháp canh tác như bón phân kali, làm cỏ sục bùn. Chúng tôi cũng chú ý vào việc tìm giống lúa kháng bệnh và phát hiện các giống Tẻ trắng Tây bắc, 813, I1, A10 có khả năng kháng bệnh vàng lụi nên đã tiến hành nhân nhanh các giống đó để gieo trồng ở các vùng bị bệnh. Lần đầu tiên một bệnh hại đã được giải quyết bằng giống kháng. Bệnh này một số năm sau được viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) xác định là bệnh Tungro và ngay sau đó, giống lúa kháng bệnh Tungro là IR64 được tôi đem về và phổ biến ở vùng Điện Biên là nơi có dịch vàng lụi tái phát nên đã giúp giải quyết bệnh này. IR64 là giống thích nghi rộng và có chất lượng cao đã giúp nâng cao chất lượng của lúa Điện Biên, hiện nay được gọi là “Tám Điện Biên”.
GS Đào Thế Tuấn
Phong trào thâm canh lúa được tiếp tục bằng việc nhập các giống lúa thấp cây và ngắn ngày từ Trung Quốc, cho phép làm vụ Xuân thay cho vụ Chiêm. Từ 1965, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu sinh lý của ruộng lúa năng suất cao và tìm ra quy luật cấu thành năng suất của các ruộng lúa năng suất cao. Ban Trồng trọt đã lập những điểm trình diễn thâm canh lúa ở các địa phương để cùng nông dân thực nghiệm. Công trình nghiên cứu này đã đặt cơ sở cho việc thâm canh lúa của nước ta với mục tiêu 10 tấn/ha vào các năm 70 của thế kỷ trước. Kết quả của các nghiên cứu này đã giúp tôi xuất bản cuốn sách: “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao”, mà hiện nay vẫn còn được cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp tham khảo.
Từ 1970, tôi đã lãnh đạo các bộ môn nghiên cứu cơ sở sinh lý của việc chọn giống năng suất cao, trên cơ sở nguồn và sức chứa của cây trồng làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu chọn tạo giống lúa năng suất cao ở nước ta. Bên cạnh định hướng nghiên cứu chọn tạo lúa năng suất cao, chúng tôi cũng đã tiến hành các nghiên cứu cơ sở sinh lý của chọn tạo giống cây trồng chống chịu các điều kiện bất thuận như chua, mặn, rét, hạn, ngập úng và sâu bệnh hại. Các công trình nghiên cứu này là cơ sở khoa học cho các nhà di truyền chọn tạo được một loạt các giống lúa đáp ứng yêu cầu thâm canh cũng như chống chịu trên nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Tôi đã cùng với PGS.TS. Tạ Minh Sơn nghiên cứu giống lúa NN75-10 (X1) lai giữa NN8 và IR22 và chọn theo hướng kháng bạc lá để có thể cấy trong vụ Mùa. Đây là giống lúa thấp cây, kháng bệnh đầu tiên của Việt Nam có thể cấy trong vụ Mùa và đã được tặng bằng sáng tạo số 1 của UBKHKTNN. Tôi cũng đã cùng với KS. Nguyễn Thị Trập lai tạo giống lúa cực ngắn đầu tiên CN2, chọn từ các dòng lai của IRRI, cho phép có thể gieo trồng trong vụ Mùa sớm, qua đó cho phép mở rộng vụ Đông bằng cây ngô hay đậu tương.
Đối với giống lúa CR203, tôi đã cùng với PGS.TS. Nguyễn Công Thuật chọn từ tập hợp dòng lai mang từ IRRI, là giống lúa mùa sớm, chịu rầy nâu đầu tiên của nước ta, được phổ biến rộng rãi nhất hồi bấy giờ.
Với các giống lúa V14 và V15, được chọn tạo cùng với PGS.TS. Phạm Văn Chương là các giống lúa chịu phèn đầu tiên của nước ta. Các giống này cho phép phát triển trong vụ Xuân trên các vùng khó khăn (phèn, mặn, hạn); giống lúa V18, cùng với PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuyền chọn tạo, là giống lúa thâm canh do có hiệu suất quang hợp cao.
Ngoài cây lúa, tôi cũng thấy cần thiết phải nghiên cứu sinh lý một số cây trồng khác để phục vụ cho chọn tạo giống và chuyển đổi cơ cấu cây trồng như ngô, đậu tương. Nhóm nghiên cứu về giống cây trồng kháng bệnh mà tôi tổ chức trước đây trong Bộ môn Sinh lý đã tạo ra nhiều các giống kháng bệnh đầu tiên của nước ta. Nhóm các nhà khoa học này, sau được chuyển về Viện Bảo vệ Thực vật.
Trên cơ sở nghiên cứu sinh lý cây trồng đã giúp tôi và cộng sự tạo được một số giống cây trồng cạn, điển hình như: Giống ngô số 6 là giống ngô lai đầu tiên của nước ta được chọn theo phương pháp chọn lọc chu kỳ cùng với KS. Phạm Đình Vụ. Giống này ngắn ngày hơn các giống ngô đông xuân nên cho phép có thể làm vụ Đông. Sau này đã tạo thêm giống ngô ngắn ngày S1 và giống ngô nếp S2. Giống đậu tương AK02 và AK03, được chọn tạo cùng với GS.TS. Trần Văn Lài, là giống ngắn ngày, cho phép trồng trong vụ Đông.
Các giống nêu trên, cùng với giống của các nhà khoa học khác chọn tạo đã hỗ trợ và thúc đẩy việc đa dạng hóa nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở miền Bắc và miền Trung.
Trên cơ sở nghiên cứu về sinh lý ruộng lúa năng suất cao, tôi đã tiếp tục nghiên cứu mô hình của ruộng lúa năng suất cao để đề xuất cơ sở cho việc chọn tạo giống và xác định kỹ thuật thâm canh trong những năm 80 của thế kỷ trước. Một số biện pháp thâm canh khác như chống rét cho mạ xuân, bón đón đòng cho lúa, bón kali đón đòng, bón đạm sâu để tránh mất đạm, hay quy trình canh tác giảm công lao động, trồng ngô bầu, trồng đậu tương đông không làm đất,... cũng được nghiên cứu trong thời gian này.
Năm 1977, tôi được UBKHKTNN cử làm Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Sinh vật học và Cách mạng xanh. Đây là chương trình đầu tiên của nước ta về nông nghiệp nghiên cứu về sinh học và chọn tạo giống các cây trồng quan trọng cần cho việc phát động Cách mạng xanh.
Nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp
Năm 1964, khi Mỹ bắt đầu ném bom ở miền Bắc nước ta, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sơ tán về nông thôn, cùng sống và nghiên cứu với nông dân tại các hợp tác xã. Đây là một cơ hội rất tốt để hiểu thực tế nông thôn và đề ra các tiến bộ kỹ thuật sát với yêu cầu của nông dân, kết hợp nghiên cứu và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Năm 1967, tôi được Bộ Nông nghiệp cử vào Nghệ An cùng với một đoàn cán bộ trẻ mới tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp để giúp tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi thực hiện ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân. Việc đầu tiên chúng tôi thực hiện là nghiên cứu và triển khai kỹ thuật hạn chế bệnh vàng lụi trên cây lúa, kỹ thuật thâm canh khoai lang đông xuân. Do khoai lang đông xuân giá trị thấp khiến tôi suy nghĩ phải đi tìm các cây trồng khác có thể trồng trong vụ Đông có giá trị cao hơn. Vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bằng thực nghiệm cùng với nông dân. Vấn đề này được tổng kết trong cuốn: “Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý ở hợp tác xã, NXB Nông thôn, 1969”. Cuốn sách này đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu về hệ thống cây trồng, làm cơ sở cho việc tăng vụ và phát triển vụ Đông ở nước ta trong những năm 70 của thế kỷ trước.
Năm 1969, về lại Viện tôi tiếp tục nghiên cứu vấn đề thâm canh lúa và bắt đầu xây dựng cơ sở khoa học của việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về sinh lý các cây trồng cạn ngoài lúa (ngô, đậu tương, lúa mì...) và nhập nội các cây ôn đới trồng thử ở nước ta. Nhóm nghiên cứu này sau tách ra thành Bộ môn Cây trồng cạn từ năm 1972 và ngay lập tức nghiên cứu đặc điểm khí hậu của miền Bắc, xây dựng cơ sở khoa học của việc sản xuất vụ Đông. Bộ môn đã tiến hành nhập nội hàng loạt các giống cây nhiệt đới và ôn đới để trồng thử trong điều kiện khí hậu của nước ta, như cây lương thực (ngô, lúa mì, đại mạch, yến mạch, mạch hoa, ngô), cây công nghiệp (đậu tương, hướng dương, củ cải đường) và cây thức ăn gia súc (cỏ lu xec, cỏ ba lá trắng Ai Cập và Ba Tư, các cây cỏ hòa thảo và bộ đậu để làm thức ăn gia súc). Các công trình này đã đóng góp vào sự thúc đẩy việc phát triển cây vụ Đông và cây thức ăn chăn nuôi, mở đầu cho việc đa dạng hoá sản xuất. Chúng tôi đã đề xuất phương pháp xác định cơ cấu cây trồng cho các vùng sinh thái khác nhau, chia cây vụ Đông ra làm hai nhóm: Nhóm cây ưa nóng gieo trồng sớm và cây chịu lạnh gieo trồng muộn. Nhờ vậy, có thể mở rộng diện tích vụ Đông. Các kết quả nghiên cứu này là cơ sở để tôi xuất bản cuốn sách: “Cơ sở khoa học của việc xác định cơ cấu cây trồng hợp lý, NXB Nông thôn, 1977”. Cuốn sách này đặt cơ sở cho việc nghiên cứu hệ thống canh tác ở nước ta.
Năm 1978, Bộ môn Cây trồng cạn được nhập với Bộ môn Canh tác, thành Bộ môn Sinh thái Canh tác. Bộ môn Canh tác là một bộ môn của viện đã được thành lập từ 1963, hồi bấy giờ chủ yếu nghiên cứu về canh tác ở Hải Dương, Thái Bình và các vùng miền núi như Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La. Chúng tôi xác định nhiệm vụ của Bộ môn Sinh thái Canh tác là phải nghiên cứu cơ sở khoa học của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các vùng sinh thái khác nhau. Các nghiên cứu về sự hoạt động của Hệ sinh thái Nông nghiệp, hệ thống canh tác của các vùng sinh thái khó khăn như vùng chiêm trũng, vùng phèn mặn, vùng lúa nước trời thường gặp hạn đã được tiến hành. Kết quả nghiên cứu tổng kết trong cuốn: “Hệ sinh thái nông nghiệp, NXB Khoa học Kỹ thuật, 1983” là sách giáo khoa đầu tiên về Sinh thái học Nông nghiệp.
Trong các năm 1976-1985, tôi với tư cách là Phó Viện trưởng phụ trách khoa học, đã chỉ đạo phát triển ngô vụ Đông bằng mạ ngô (ngô bầu) với các giống S1 và Ngô lai 16 (được công nhận năm 1975). Việc trồng ngô bầu được tổng kết ở xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định; sau mở rộng ra ở Yên Khánh (Ninh Bình), Thuận Thành (Hà Bắc), Vĩnh Lạc (Vĩnh Phú) và Phú Xuyên (Hà Tây). Còn trong các năm 1978-1982, tôi tham gia chỉ đạo việc cải tạo đất phèn ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và sử dụng các giống lúa chịu phèn.
Giai đoạn 1982-1988, chúng tôi nghiên cứu hệ sinh thái chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Hồng và chỉ đạo việc nuôi lợn hướng nạc ở Đình Bảng (Bắc Ninh), Thanh Trì (Hà Nội) và Phúc Thọ (Hà Tây). Giai đoạn 1985-1989, chúng tôi nghiên cứu phân cấp ruộng lúa theo chế độ nước và xây dựng bản đồ canh tác ở vùng chiêm trũng Thanh Liêm (Nam Hà). Giai đoạn 1985-1987, chỉ đạo trồng đậu tương đông sau lúa không làm đất ở Phùng Thượng (Hà Nội), Quảng Bị (Chương Mỹ), Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Tây) bằng các giống AK02 và AK03.
Nghiên cứu giải pháp xây dựng nền khoa học nông nghiệp của nước ta
Vấn đề thể chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng được tôi quan tâm và có một số đóng góp cho Trung ương về chiến lược. Với năng lực về ngoại ngữ tôi thường được mời tham gia các đoàn khảo sát nước ngoài.
Năm 1971, tôi được Ban Nông nghiệp Trung ương mời tham gia đoàn khảo sát công tác quản lý nông nghiệp, đặc biệt nghiên cứu hướng phát triển công tác nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ vào sản xuất tại Hungari, CHDC Đức và Bulgaria. Sau đó, năm 1972 tôi đi Ấn Độ để khảo sát về Cách mạng xanh.
Năm 1972, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, theo yêu cầu của Ban Thống nhất Trung ương, tôi được cử vào để góp ý kiến về việc phục hồi nông nghiệp của tỉnh. Cũng trong thời gian này, Ban Thống nhất yêu cầu tôi nghiên cứu về nông nghiệp miền Nam để chuẩn bị cho việc phát triển sau giải phóng. Đầu năm 1975, lúc chuẩn bị giải phóng miền Nam tôi được cử đi Tây Nguyên theo đường mòn Hồ Chí Minh để quy hoạch việc phát triển nông nghiệp ở vùng này. Sau khi giải phóng Tây Nguyên tôi vào Kon Tum, rồi Pleiku, Ban Mê Thuột ngay mấy ngày sau khi giải phóng. Trong thời gian ở Tây Nguyên thì chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, tôi tiếp tục vào Đà Lạt ngay sau giải phóng để thu thập tài liệu phục vụ quy hoạch Tây Nguyên. Sau đó, tôi lại có dịp đến Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế để tìm hiểu và thu thập thông tin về tình hình nông nghiệp của miền Trung và nam Trung Bộ. Về đến Hà Nội, sau khi báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Ban Bí thư, tôi lại được cử vào thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục nắm tình hình của miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, là tôi đã có cơ hội tìm hiểu được tình hình nông nghiệp của cả nước, để chuẩn bị cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển sau chiến tranh.
Năm 1976, tôi được đi nghiên cứu ở Pháp để tìm hiểu kinh tế trang trại ở một nước tư bản chủ nghĩa. Từ kiến thức thu được qua các chuyến khảo sát, tôi bắt đầu quan tâm đến các khía cạnh kinh tế xã hội của nông nghiệp.
Cũng vào năm 1976, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) giành cho Viện Khoa học Nông nghiệp Dự án VIE 76-02 để nâng cấp viện, phục vụ các yêu cầu nghiên cứu khoa học nông nghiệp và tôi được giao làm chủ nghiệm dự án này. Trong khuôn khổ dự án, chúng tôi được mời chuyên gia giúp xây dựng chiến lược nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học chủ chốt của viện và nhập một số trang thiết bị cần thiết cho việc hiện đại hóa công tác nghiên cứu khoa học. Dự án này thực sự đã nâng tầm về chất lượng nghiên cứu của viện, đào tạo đội ngũ và là nền tảng cho các hợp tác quốc tế về khoa học sau này.
Năm 1977, tôi đi dự Hội nghị Lúa Quốc tế ở Philippine và sau đấy có dịp đi thăm các nước Châu Á khác như Thái Lan, Indonexia, Bangladesh. Nghiên cứu kinh nghiệm của nước bạn trong việc tổ chức công tác khoa học và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tôi chú ý đến việc áp dụng các đòn bẩy kinh tế.
Trong thời gian từ 1980 đến 1988, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, tôi thường xuyên đi công tác ở nông thôn để nghiên cứu tìm cách đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các thay đổi lớn ở nông thôn trong thời kỳ này cho thấy, muốn đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cần các thể chế thích hợp. Năm 1986 và 1987, tôi dự Hội nghị Lúa Quốc tế ở Trung Quốc nên có điều kiện nghiên cứu về cải cách kinh tế ở nước này. Năm 1987, tôi viết tài liệu: “Cải cách kinh tế ở Trung Quốc” được UBKHKTNN xuất bản và phát hành rộng rãi. Tài liệu này có tác dụng đến việc ra đời Nghị quyết 10 năm 1988.
Nghiên cứu về Hệ thống Nông nghiệp
Đầu năm 1980, tôi bắt đầu quan tâm đến tiếp cận hệ thống trong khoa học nông nghiệp. Từ việc nghiên cứu hệ thống ruộng lúa, tôi đã tiến lên nghiên cứu hệ thống cây trồng, rồi hệ thống nông nghiệp bao gồm cả chăn nuôi và khu vực dân cư của hộ nông dân. Để phát triển hướng nghiên cứu này, tôi đã thành lập một nhóm nghiên cứu sau này trở thành Bộ môn Toán máy tính, đặt ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Nhóm này đã bắt đầu nghiên cứu về các mô hình phát triển, trong đó gắn liền phát triển nông nghiệp với mô hình kinh tế chung, có sự phối hợp các nhân tố kinh tế và xã hội.
Cũng cùng thời gian này, tôi tham gia vào tổ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo. Trong công việc này đòi hỏi phải nhìn nông nghiệp một cách toàn diện, nên tôi tiếp tục nghiên cứu về các vấn đề chiến lược phát triển, vận dụng mô hình hóa vào việc mô phỏng các chiến lược phát triển.
Chúng tôi đã hợp tác trong Chương trình Hệ thống Nông trại của Châu Á do IRRI tổ chức, qua đó nhiều cán bộ của Bộ môn Sinh thái Canh tác được đào tạo ở Philippine. Chúng tôi cũng tham gia vào chương trình đào tạo cán bộ về Hệ thống Nông nghiệp, được tổ chức ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 1984, tôi tham gia chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp gọi là Chương trình Hệ thống Nông nghiệp Lưu vực sông Hồng.
Tuy vậy, nếu Hệ thống Nông nghiệp chỉ bao gồm các thành phần tự nhiên và kỹ thuật thì không đầy đủ, vì trong thực tế thành phần kinh tế - xã hội có ý nghĩa quyết định sự phát triển của hệ thống. Vì vậy, sau chuyến khảo sát ở Châu Âu và Nga năm 1988, tôi thấy cần thành lập Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp để kết hợp việc nghiên cứu kỹ thuật và kinh tế xã hội, nghiên cứu về các thể chế nông thôn, nhất là thể chế kinh tế hộ nông dân. Từ năm 1989, Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp được thành lập với nhiều cán bộ trẻ mới ra trường, đưa về nông thôn cùng nghiên cứu với nông dân. Bộ môn này được phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp vào tháng 12 năm 2006. Đội ngũ cán bộ của trung tâm sau này trưởng thành và giữ các trọng trách tại nhiều viện nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ 1990 đến 1995, tôi làm Phó Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu về Phát triển Nông thôn KX-08. Trong chương trình này, tôi đã nghiên cứu sự phát triển của kinh tế hộ nông dân, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế hộ nông dân. Tôi cũng nghiên cứu vấn đề tổ chức nông dân và hợp tác xã kiểu mới, đề xuất các chính sách thúc đẩy việc xây dựng các tổ chức này. Kết quả các nghiên cứu trên được tổng kết trong cuốn: “Kinh tế hộ nông dân, NXB Chính trị quốc gia, 1997”. Cuốn sách này mở ra một hướng nghiên cứu mới phục vụ việc phát triển kinh tế hộ nông dân.
Sau khi quay trở lại nền kinh tế hộ nông dân, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để chuyển từ một nền kinh tế tự cấp tự túc sang kinh tế hàng hóa. Để giải quyết câu hỏi này, các chủ đề sau đây đã được thực nghiệm rộng rãi ở các vùng sinh thái khác nhau:
- Hệ thống tín dụng nhỏ do nông dân tự quản lý. Chương trình này được thực hiện ở đồng bằng, trung du và miền núi đã giúp các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách Xã hội mở rộng ra các vùng khác nhau; giúp nông dân giải quyết tình trạng thiếu vốn và xây dựng thể chế tín dụng nông thôn.
- Hệ thống quản lý nước của nông dân ở Nam Thanh, Hải Dương và vùng Bắc Hưng Hải. Chương trình đã xây dựng được thể chế quản lý thủy nông của các trạm bơm của Nhà nước và của nông dân, đặt cơ sở cho hệ thống do Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng cùng với các chương trình đầu tư của nước ngoài.
- Mô hình hợp tác xã chuyên ngành kiểu mới ở Nam Thanh, Hải Dương được nông dân rất hoan nghênh, hiện đang được nông dân tự mở rộng rất nhanh và lan ra các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Tây (cũ), Hải Phòng.
- Nghiên cứu việc phát triển nông nghiệp miền núi, xây dựng các hệ thống canh tác nương định canh chống xói mòn và nông lâm kết hợp.
- Nghiên cứu ngành hàng của các sản phẩm chủ yếu của nông thôn như lúa gạo, ngô, sắn, đậu đỗ, rau, mía đường, chè, cà phê, quả... Nhờ hiểu biết các ngành hàng, đã giải quyết được các cản trở để giúp nông dân bán hàng với giá cao hơn và xây dựng các thể chế thị trường.
- Nghiên cứu các thể chế tổ chức nông dân, để giúp nông dân chuyển từ kinh tế tự cấp sang kinh tế hàng hóa ở các vùng khác nhau (đồng bằng, trung du và miền núi).
- Nghiên cứu việc quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu (Tên gọi xuất xứ, Chỉ dẫn địa lý), nâng cao chất lượng sản phẩm (lúa Tám và vải Thiều), chiếm lĩnh thị trường, chống hàng giả và tăng giá bán cho nông dân.
- Nghiên cứu việc dồn điền đổi thửa, chính sách ruộng đất để giúp việc tập trung ruộng đất vào tay các hộ chuyên sản xuất hàng hóa, chống việc đầu tư.
Từ năm 2000, tôi tập trung nghiên cứu việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đề xuất các chính sách và thể chế thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu này. Qua nghiên cứu vấn đề trên đã tạo cơ sở khoa học để xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tôi đã tham gia chỉ đạo đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu luận cứ khoa học để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, KC-07-17”. Tôi đã viết nhiều tài liệu về cơ sở khoa học của việc phát triển nông thôn; đào tạo cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực này. Tôi cũng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học . Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp đã đào tạo được 6 tiến sĩ, 19 thạc sĩ chủ yếu ở nước ngoài. Năm 2006, bộ môn này được phát triển thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp với khoảng 50 cán bộ nghiên cứu