Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thuỵ

Sau Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945), tại Huế vua Bảo Đại nhận được bức điện tín đánh đi từ Hà Nội với nội dung: “Trước lòng quyết tâm của toàn thể dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập quốc gia, chúng tôi kính cẩn xin Hoàng Thượng làm một cử chỉ lịch sử là trao quyền lại”.

Trong hồi ký của mình Bảo Đại viết: “Sáng ngày 23 xung quanh tôi đều tróng khống...chỉ còn người em họ là Hoàng thân Vĩnh Cẩn ở cạnh tôi”, khiến Bảo Đại phân vân và nhớ lại lời tâm sự của Tạ Quang Bửu (phụ tá của Tổng trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh trong Chính phủ Trần Trọng Kim): Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) là cái gì, để có thể vận động quần chúng thực hiện những nguyện vọng của đám đông dân chúng.

Bảo đại viết tiếp: “Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi của tôi gửi cho Tổng thống Trman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh Hoàng và Tướng de Gaulle không được trả lời... Các lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng, trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết!...Đã đên lúc tôi phải có một sự lựa chọn để dung hoà số phận của tôi đối với số phận dân tộc tôi... là tôi phải ra đi ”!

bac-ho-voi-bao-dai-1680706517.jpg
Bác Hồ với Bảo Đại

Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng”, Bảo Đại sai em họ Vĩnh Cẩn và Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hoè ngoài thành nội hỏi tin tức về Việt Minh? Nhưng cả hai trở về không có tin gì cả. Bảo Đại liền đánh đi một bức điện gửi tróng không “Uỷ ban Nhân dân Cứu quốc” ở Hà Nội với nội dung: “Để trả lời kêu gọi của Uỷ ban, tôi sẵn sàng tự rút lui. Trong giờ phút của lịch sử đất nước, đoàn kết là sống chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh hết mọi sự để có thể thực hiện được sự hồng quần. Tôi xin những người cầm đầu Uỷ ban mau vào Huế để tôi trao lại quyền hành”.

Và ngay đêm hôm đó, Bảo Đại đã thảo Chiếu Thoái vị. Sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945, hai đặc phái viên, đại diện Việt Minh từ Hà Nội vào là ông Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch Uỷ ban làm Trưởng phái đoàn và ông Cù Huy Cận.

Trưởng phái đoàn Trần Huy Liệu trao cho Hoàng đế Bảo Đại một tờ giấy Uỷ quyền và trịnh trọng tuyên bố:

-       Nhân danh nhân dân Việt Nam, Cụ Hồ Chí Minh Chủ tịch Uỷ ban Giải phóng cho chúng tôi vinh dự tiếp nhận quyền hành từ Ngài.

Trong Hồi ký, Bảo Đại viết: “Đó là lần đầu tiên tôi nghhe đến tên Hồ Chí Minh. Tôi đưa bản Chiếu Thoái vị. Trần Huy Liệu đọc bản Chiếu cùng Cù Huy Cận, rồi hai người nói riêng với nhau, trước khi quay lại nói:

-       Thưa Ngài, nhân danh nhân dân Việt Nam, chúng tôi chấp nhận hoàn toàn bản Chiếu này. Nhưng chúng tôi xin đề nghị với Ngài là nên tổ chức một nghi lễ vắn tắt, để trong buổi lễ Ngài đọc bản Chiếu trước công chúng”.

Buổi lễ thoái vị của vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn được tổ chức vào chiều ngày 25 tháng 8 năm 1945 tại Ngọ Môn, Kinh thành Huế giữa vua Bảo Đại và Đại diện Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với sự hiện diện của hàng ngàn người dân xứ Huế.

Bản Chiếu Thoái vị có đoạn viết: “Trẫm thích được làm công dân một nước độc lập, hơn làm vua một nước bị trị. Hoan hô Việt Nam độc lập! Hoan hô nước Cộng hoà Dân chủ”.

Sau khi đọc xong bản Chiếu, Bảo Đại trao chiếc ấn bằng vàng và kiếm, tượng trưng quyền hành cho Trưởng phái đòàn Trần Huy Liệu. Đồng thời ông Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn Bảo Đại ra khỏi cửa. Trước khi chia tay, ông Trần Huy Liệu nói với Bảo Đại:

-       Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời Ngài ra Hà Nội để cùng thiết lập những thể chế Cộng hoà.

-       Thưa ông Trưởng phái đoàn, tôi xin ông cho tôi gửi lời cảm ơn Hồ Chủ tịch và sẽ không quên ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch- Bảo Đại trả lời.

Lúc này, tại Huế cựu Hoàng Bảo Đại cảm thấy không còn việc gì để làm. Ông liền quyết định đi Hà Nội theo lời mời của Hồ Chủ tịch và ngày 4 tháng 8 năm 1945, cựu Hoàng Bảo Đại đến Hà Nội, được bố trí ở ngay ngôi nhà số 51 đường Gambetta (nay đường Trần Hưng Đạo), vốn là ngôi biệt thự của thị trưởng thành phố Hà Nội, với đầy đủ tiện nghi và người phục vụ kể cả sỹ quan hậu cần là ông Hoàng Xuân Bình, học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến.

Sau khi đã đi một đoạn đường dài từ Huế ra Hà Nội bằng ô tô, tuy có phần mệt mỏi, nhưng tối hôm đó, ông Vĩnh Thuỵ đến Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ) dự tiệc chiêu đãi. Ông Vĩnh Thuỵ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đón tiếp niềm nỡ và đưa cố vấn Vĩnh Thuỵ đến ra mắt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ giang rộng vòng tay thân mật bắt tay cố vấn Vĩnh Thuỵ và cảm ơn Bảo Đại đã tự rút lui, đồng thời Bác nói:

-       Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của nước nhà.

Ngày hôm sau, 5 tháng 9 năm 1945 vào lúc 11 giờ, Cố vấn Vĩnh Thuỵ có sỹ quan hậu cần Hoàng Xuân Bình tháp tùng, đi gặp và nói chuyện với Hồ Chủ tịch. Hồi ký của Bảo Đại ghi: “Ông (Bác Hồ) đối với tôi có vẻ kính trọng  và xưng hô với tôi  như ở trong cung điện, khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ “Sire” trong tiếng Pháp...”.

Bác Hồ nói với cố vấn Vĩnh Thuỵ:

-       “Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà Ngài nhận được ở Huế đòi Ngài phải thoái vị. Riêng phần tôi đã nói trong ngày 22 tháng 8 năm 1945, tôi muốn Ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm Thủ tướng Chính phủ. Tôi không tán thành những kẻ đã lạm quyền lực với Ngài để Ngài phải thoái vị”.

Trước  thái độ tôn kính của Bác Hồ, cố vấn Vĩnh Thuỵ xưng hô với Chủ tịch Hồ Chí Minh là Cụ (Vénérable) và cam đoan rằng ông chỉ muốn làm một công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới thống nhất, độc lập.

Với tấm lòng cởi mở chân thành và kính trọng đối với Hồ Chủ tịch của Bảo Đại, Bác Hồ đã vẽ ra trước mắt viễn cảnh hứng khởi đầy lạc quan tin tưởng, Bác chậm rải nói:

-       “Tất cả những giấc mơ của chúng ta đang được thực hiện cùng một lúc không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nhật Bản đầu hàng càng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ, muôn người như một. Trong chế độ này mọi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc lập trở thành một từ ngữ biểu tượng của đất nước, mãnh liệt như làn sóng thuỷ triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được”.

Sau hơn một giờ nói chuyện, Bác Hồ tiễn ông cố vấn ra tận cửa Bắc Bộ phủ, đúng lúc xe vừa tiến lên đón Vĩnh Thuy trở về. Cố vấn Vĩnh Thuy lộ rõ ra mặt sự mừng rỡ, mãn nguyện về cuộc tiếp kiến.

Trong cuộc đàm đạo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với ông Cố vấn:

-       “Tôi yêu cầu Ngài tham dự các buổi họp của Hội đồng các Bộ trưởng và nhận chức Cố vấn Tối cao của Chính phủ” và cho biết chiều nay Bác sẽ đến thăm ông Cố vấn tại số nhà 51 đường Gambetta.

Trong Hồi ký của mình Bảo Đại tâm sự: “Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe Cụ Hồ nói, không thể từ chối được Cụ Hồ là người muốn độc lập và thống nhất đất nước một cách nồng nhiệt nhất, nên tôi nhận lời”.

chu-tich-hcm-va-co-van-vinh-thuy-1680706517.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố vấn Vĩnh Thuỵ

Đúng hẹn, ba giờ chiều hôm đó, xe Bác vào, Cố vấn Vĩnh Thuỵ chờ đón Bác dưới chân tam cấp lớn và hướng dẫn Bác lên phòng khách. Sau ít phút trò chuyện, Bác đề nghị đi dạo ngoài vườn để nói chuyện. Bác khoác tay ông Cố vấn xuống sân đi dạo theo các lối đi rải sỏi, chuyện trò thân mật như những người bạn cố tri: Một cảnh tượng chỉ có một không hai trong lịch sử, khiến mọi người chứng kiến vô cùng xúc động: Một cựu Hoàng đế trẻ, mập mạp, phương phi, quần áo đúng mốt của Paris hoa lệ với loại vải đắt tiền, đi giày hai mầu, bống lộn... cùng đi dạo rất tâm đắc với một nhà cách mạng lão thành, một con người giản dị, quần áo ka ki, cắt theo kiểu cổ lỗ, chân đi giày Tàu vải đen... đã từng mang án tử hình vắng mặt của toà án nhà nước thực dân, phong kiến.

Để hợp pháp hoá đúng pháp luật, ngày 10 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh 23/SL cử ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ làm Cố vấn Tối cao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bầu ông vào Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp của nước VNDCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu.

Trong các cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi một đàu bàn, và Cố vấn Vĩnh Thuỵ ngồi đối điện ở đầu kia.

Trong thời gian ở Hà Nội, Bảo Đại đã có dịp đọc cuốn sách “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” của A. Marty, viên trùm mật thám Pháp ở Đông Dương soạn thảo. Qua cuốn sách Bảo Đại nhận ra rằng Nuyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số mấy chục tên khác nhau trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trước khi trở thành Hồ Chí Minh. Đồng thời được Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp cho biết Cụ Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ năm 1941 và là người thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt Việt Minh) vào ngày 19 tháng 5 năm 1941, tại Cao Bằng.

 Ngay khi không còn làm cố vấn, Bảo Đại vẫn thừa nhận rằng: “ Giữa chúng tôi (Bảo Đại và Bác Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong các buổi đàm đạo, không bao giờ đả động đến  những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Bắc Bộ. Chúng tôi cùng đi gặp người Mỹ  và những phái viên  của họ: Lansdale, Thiếu tá Patty và sau này là Tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Miuh nói tiếng Anh khá được”.

Bảo Đại viết tiếp: “Đối với tôi Ông (Hồ), là người rất gắn bó với nền độc lập nước nhà. Những điều ông nói, tôi đều thấy hợp với nhãn quan của tôi. Không cần biết quá khứ và phương pháp hoạt động của Ông, với tất cả sự trung thực  của tôi, tôi ủng hộ Ông”...

Nói thực lòng, tôi thích tư thế của Ông hơn những lãnh tụ Quốc gia, thực sự chỉ là bù nhìn của bọn Tàu. Trong sự hỗn độn, tôi thấy Hồ Chí Minh vẫn giữ được trầm tĩnh”.

Khi được thực dân Pháp trao cho Bảo đại chức Quốc trưởng, trong buổi tiếp ông Nguyễn Văn Hoàng, một người được Bảo Đại tin dùng, nhưng cũng là điệp viên của cách mạng, mang bí số A13, Bảo Đại hỏi:

-       Ông ở ngoài nớ vô, thế có được tin tức gì về cụ Hồ Chí Minh không? Ngài có có được khoẻ không? Các ông Bộ trưởng trong Chánh phủ Kháng chiến có được mạnh khoẻ không?

-       Tôi không được nghe gì về các ông Bộ trưởng, nhưng về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì luôn luôn được nghe nói tới. Cụ vẫn khoẻ, đi bộ mỗi ngày 40 cây số, nhiều thanh niên khơẻ mạnh theo được còn mệt - Văn Hoàng trả lời lưu loát.

Bảo Đại nghe xong, nuốt tiếng thở dài. Giọng ông ta trầm xuống:

-       “Tôi đã từng sống cạnh Cụ Hồ, nghe Cụ nói chuyện, cùng Cụ đi công cán hay chủ toạ nhiều phiên họp nội các, từng chứng kiến đức độ của Cụ, coi Cụ như cha và cũng được Cụ thương yêu như con. Những điều đó đã để lại trong lòng tôi không ít kỷ niệm đẹp, và có thể nói nó đã chi phối không ít những việc làm của tôi kể từ ngày tôi xa Cụ tới nay (1950)”.

Về phần mình, Bác Hồ đối với Bảo Đại cũng rất chân tình, thân thiết. Hồ Chủ tịch đã có lời mời bà Nguyễn Hữu Thị Lan (Nam Phương Hoàng hậu) đưa các con ra Hà Nội đoàn tụ với ông Cố Vấn Vĩnh Thuỵ. Nam Phương Hoàng hậu trả lời: “Rất biết ơn Cụ Chủ tịch, nhưng sợ như vậy, sẽ tốn kém thêm cho Nhà nước, trong khi Chính phủ còn đang nghèo, phải lo trăm chuyện”. Không những thế, Bác còn lo đến đời sống riêng tư của cựu Hoàng Bảo Đại, nên có lần Bác nói với thư ký riêng của mình là ông Vũ Đình Huỳnh:

-       Nhớ đừng để ông Vĩnh Thuỵ thiếu thốn. Chúng mình quen chịu khổ, thiếu thốn không sao, chứ ông ấy túng thiếu thì khổ lắm đấy! Giữ được ông ấy về phía mình là tốt lắm. Để bọn khác lợi dụng ông ta là lắm chuyện phiền. Cảm kích trước sự chăm sóc chân tình, chu đáo của Hồ Chủ tịch, Bảo Đại trong thư gửi về Huế cho mẹ (bà Hoàng Thị Cúc- bà Từ Cung) nói rằng: “Cụ Hồ tốt lắm, con ra đây được Cụ Hồ thương lắm. Cụ thương con như con. Ả (tức mẹ) cứ yên tâm, không phải lo gì cho con cả”.

Ngày 16 tháng 3 năm 1946, Cố vấn Vĩnh Thuỵ được cử vào phái đoan Đại diện cho Chính phủ ta sang Trùng Khánh thăm Trung Hoa Dân quốc, để giới thiệu về chính thể Dân chủ Cộng hoà của Việt Nam với thế giới và đề nghị họ công nhận nền độc lập cũng như đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Việc mời một cựu Hoàng đi trong phái đoàn là một thiện chí và là ý tưởng tốt đẹp của Bác Hồ, để tạo điều kiện cho Cố vấn Vĩnh Thuỵ quen biết với ngoại giao quốc tế, nhằm đóng góp cho đất nước được nhiều hơn.

Nhưng tiếc thay, khi phái đoàn sang được ít lâu, Vĩnh Thuỵ tách đoàn ra sống riêng và không về nước nữa. Từ Trùng Khánh, Vĩnh Thuỵ đi Côn Minh rồi tới Hồng Kông. Trong những chặng dừng chân đó, Vĩnh Thuỵ đều được người Pháp, rồi người Mỹ tiếp xúc, o bế, bàn việc lập chính phủ riêng do Bảo Đại đứng đầu.

Tuy biết rõ điều đó, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn viết thư gửi Cố vấn Vĩnh Thuỵ: “Ngài chớ quên rằng, Ngài là đại diện cho nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ngài phải làm thế nào để đời sống của Ngài xứng đáng với cái tên mà Ngài đang mang, xứng đáng với Tổ quốc chúng ta, với nền độc lập của chúng ta đến nay mới giành lại được

Không chỉ gửi thư động viên khích lệ, Hồ Chủ tịch biết Cố vấn Vĩnh Thuỵ gặp khó khăn về kinh tế, nên trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) Bác Hồ đã cử bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đem tiền, vàng sang Hồng Kông cho Vĩnh Thuỵ chi tiêu.

Đặc biệt trong khi cả đất nước đang dồn sức chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, nhưng Bác Hồ vẫn luôn nghĩ tời Cố vấn Vĩnh Thuỵ. Từ ATK (An Toàn Khu), chiến khu Việt Bắc, vào mùa xuân năm 1947, Bác Hồ đã thân chính đến gặp cụ Bùi Bằng Đoàn (vốn là Thượng thư Bộ Hình dưới triều vua Bảo Đại, sau này là Chủ tịch Quốc Hội nước VNDCCH). Bác ngỏ ý với cụ Bùi một việc cơ mật: Qua bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Bác biết Cố vấn Vĩnh Thuỵ muốn gặp cụ Bùi. Ông Cố vấn muối chuyện trò với cụ Bùi. Và chỉ có cụ Bùi mới góp phần giải quyết việc ông Cố vấn có về lại Việt Nam hay không?

ho-chu-tich-va-co-van-vinh-thuy-du-buoi-chieu-dai-hoang-than-xuphanuvong-1680706517.jpg
Hồ Chủ tịch và Cố vấn Vĩnh Thuỵ dự buổi chiêu đãi Hoàng Thân Xuphanuvong 

Trước sự tin tưởng của Cụ Hồ, cụ Bùi cùng người con út là Bùi Nghĩa từ rừng núi Việt Bắc (ATK), lặn lội sang Hồng Kông đón ông Cố vấn về. Chuyến đi mất nhiều công sức và đầy nguy hiểm mới đến được Trung Hoa. Nhưng công việc bị lở dở, bởi sự thám thính, bủa vây, phá hoại của quân Tưởng Giới Thạch. Nhận được tin báo, thấy nguy hiểm, từ ATK Bác Hồ nhắn tin ngay và hai cha con cụ Bùi trờ về lại chiến khu Việt Bắc.

Bác Hồ một con người vị tha, luôn luôn tin tưởng rằng mọi người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước. Tháng 8 năm 1947, trả lời một nhà báo nước ngoài về ông Vĩnh Thuỵ, Người nói: “Nhiều thành viên trong Chính phủ và bản thân tôi, tất cả đều là bạn của ông Cố vấn Vĩnh Thuỵ. Chúng tôi rất mong muốn gặp lại ông Cố vấn và cầu mong ông sớm trở về cùng nhau lo việc nước”. (Philippe Devilles- lịch sử Việt Nam 1940 – 1954  Seuill, 1952)

Nhưng Vĩnh Thuỵ vốn rất nhu nhược, không vượt qua được sự túng thiếu về tài chính và các cạm bẩy của mật thám Pháp, nên ông đã bị đẩy vào cái thế trở lại làm bù nhìn cho thực dân Pháp, phản lại quyền lợi của đất nước, chống lại kháng chiến giải phóng dân tộc, đối đầu với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã cưu mang và tin tưởng ông. Bảo Đại viết thư về nước xin từ chức Cố vấn Tối cao của Chính phủ nước VNDCCH.

Trong lúc đó, Bảo Đại được trùm mật thám Đông Dương Cousseau tiếp xúc tại Hồng Kông và mời ông ta về nước nắm chính quyền.

Khi thực dân Pháp thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ, người Mỹ thấy Bảo Đại không còn là con bài đặc dụng nữa, người Mỹ liền thay con bài khác. Được Mỹ ủng hộ, Ngô Đình Diệm lật đỗ Bảo Đại, buộc Bảo Đại phải sống lưu vong ở Pháp.

Cuộc đời Bảo Đại, vị vua cuối cùng, sống thọ nhất của vương triều Nguyễn, từ ngày tuyên bố thoái vị với câu nói nổi tiếng: “Trẫm thích được làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị trị” và trao ấn, kiếm cho cách mạng, ông đã phải trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến cuối đời sống cô đơn trong căn nhà lạnh lẽo ở một góc phố của thủ đô Paris, Pháp, nơi đất khách quê người!

Tuy vậy, Vĩnh Thuỵ là người có lương tri, có học cho nên khi gặp cơ hội thuận tiện ông vẫn không dấu được những tình cảm tốt đẹp về Bác Hồ, về kháng chiến đã ẩn sâu dưới đáy tim ông. Và mỗi khi nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vĩnh Thuỵ luôn giữ một niềm kính phục. Đặc biệt sau khi thất sủng, đến tuổi già ngẫm lại sự thất thế của mình, Vĩnh Thuỵ nhiều lúc nhớ về đất nước, nhớ Cụ Hồ. Vì vậy cuối năm 1997, Hội nghị Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophone) được tổ chức tại nhà Hát Lớn Hà Nội, Vĩnh Thuỵ đã nhận lời về tham dự. Nhưng không kịp, ông đã qua đời tại Paris, ngày 8 tháng 8 năm 1997, thọ 85 tuổi./.