Đắk Lắk: Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng

Để đảm bảo lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà nước ta cam kết với Tổ chức Liên Hợp Quốc, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712 về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025. Dù mới triển khai 3 năm, nhưng chương trình đã có những tác động to lớn, giúp đồng bào miền núi thoát nghèo.

Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” được tỉnh Đắk Lắk xác định đến năm 2025: giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào dưới 1.800Kcal/người; tăng mức tiêu thục rau, củ, quả trên 400g/ngày/người; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 20% và vùng đồng bào DTTS dưới 25%. Để đạt được mục tiêu này thì dinh dưỡng hợp lý trong những năm đầu đời của trẻ em là yếu tố quan trọng. Trên cơ sở đó, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai phong trào chống suy dinh dưỡng trẻ em dựa vào cộng đồng.

Bên cạnh phong trào phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dựa vào cộng đồng, tỉnh Đắk Lắk còn đẩy mạnh các chiến dịch: “Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển”, “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ”… Các hoạt động này làm thay đổi nhận thức của phụ nữ trong khám, chăm sóc sức khỏe khi mang thai và nuôi con nhỏ. Qua thống kê, số phụ nữ có thai được khám, tư vấn và chăm sóc tại trạm y tế xã đạt trên 90%. Hàng nghìn bà mẹ được tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ; trên 80% trẻ được theo dõi tăng trưởng hàng tháng. Phụ nữ có con dưới 2 tuổi và người chăm sóc trẻ được tuyên truyền cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Xã Ea Púk số hộ là người dân tộc thiểu số chiếm 50%, trình độ phát triển và nhận thức không đồng đều, những nhà khó khăn thì mình động viên họ tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho trẻ.

4f503c2ec08219dc4093-1670905758.jpg
Đẩy mạnh khám, chăm sóc y tế tại trạm y tế đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ

Để từng bước giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các trường thực hiện chương trình cải thiện bữa ăn cho học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Tuy tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em tại Đắk Lắk có giảm hàng năm nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, suy dinh dưỡng thể cân nặng ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 19,5% và thể thấp còi là 29,5%. Đồng bào dân tộc thiểu số còn ít kiến thức về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho đối tượng phụ nữ và trẻ nhỏ. Nhiều bà mẹ chỉ biết cho con ăn no bụng, chưa quan tâm đến thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn. Vì vậy, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Từ đó, rút ngắn chênh lệch phát triển giữa trẻ em thành thị và nông thôn, miền núi.

Nhằm hỗ trợ nhân dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện dinh dưỡng, đồng thời tăng thu nhập, Nhà nước đã triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Chính việc lồng ghép các chính sách giảm nghèo bền vững, các dự án hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số vào Chương trình hành động quốc gia không còn nạn đói đã thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Tại tỉnh Đắk Lắk, so với năm 2015, phần lớn các hộ sản xuất nhỏ đều đã tăng năng suất và thu nhập lên 10%. Một trong những mô hình khá thành công tại nhiều địa phương, đó là nuôi bò nhốt thâm canh.

Quanh năm mưu sinh nhờ 1 ha cà phê và trồng thêm lúa rẫy, gia đình anh Y Nên Niê tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ luôn rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Khi tham gia mô hình nuôi bò nhốt thâm canh, gia đình anh Y Nên Niê có thêm hi vọng thoát nghèo khó. Anh Y Nên Niê chia sẻ: “ Hiện tại, mình có nguồn thu nhập từ cà phê, tiêu, lúa… Mình nuôi bò để đầu tư cho cây cà phê, tiêu, sầu riêng… Việc gì khó mình cố gắng vượt qua để phát triển kinh tế gia đình”.

Ưu điểm của nuôi bò nhốt thâm canh là bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh lây lan dịch bệnh khi chăn thả ngoài đồng, tiết kiệm thời gian và sức lao động. Bò được nuôi trong chuồng thay vì thả rông thì được ăn cỏ tươi mỗi ngày. Nguồn cỏ được các hộ gia đình trồng trong vườn hoặc ngoài ruộng, rẫy. Sau 18-20 tháng, bò có thể xuất bán. Cách làm này mang lại kinh tế cao hơn nhiều so với chăn thả trước đây.

Nhờ áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp với thế mạnh của địa phương, nhiều hộ dân tại Đắk Lắk đã thoát khỏi đói nghèo, chất lượng đời sống ngày càng nâng cao. Hơn thế, đồng bào dân tộc thiểu số còn tham gia vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo nhóm cộng đồng, hình thành các tổ hợp tác để đảm bảo thu nhập ổn định và hưởng phúc lợi từ các chính sách của Trung ương. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Đắk Lắk dưới 5%, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là dưới 19%.

Với các đối tượng còn thiếu đất sản xuất, Nhà nước có trách nhiệm bố trí đất đảm bảo sản xuất. Hoặc những vùng có chương trình kế hoạch sẽ chuyển người dân sang làm nghề khác để có thu nhập. Những hộ đã có đất sản xuất, có nghề thì phải tổ chức cho họ, xác định ưu thế của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế từ cây gì, con gì thì tập trung sản xuất. Hỗ trợ giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, có chứng nhận thì tiêu thụ mới hiệu quả.

Việt Nam là một trong số 34 quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Theo Tổng Điều tra dinh dưỡng Quốc gia năm 2019, khoảng 42% trẻ em từ 6-23 tháng tuổi ở Việt Nam có chế độ ăn đúng và đủ. Tuy nhiên, con số này ở các vùng nông thôn và miền núi chỉ đạt gần 30% và ở Tây Nguyên là 23%. Thế nên, không chỉ đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo mà vấn đề đảm bảo lương thực tại khu vực Tây Nguyên cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Cứ đến dịp Tế Nguyên đán, mùa giáp hạt hay các đợt thiên tai, dịch bệnh…hàng nghìn người nghèo tại Tây Nguyên được Chính phủ hỗ trợ gạo từ nguồn gạo dự trữ quốc gia. Việc xuất gạo dự trữ quốc gia cấp cho người nghèo, những hộ dân còn thiếu đói, gặp khó khăn… luôn là nguồn động viên nhân dân vượt qua thời điểm khó khăn, ổn định đời sống.