Chuyện làng - Chuyện phố: “Hạ cánh” hưu gần 10 năm vẫn không thoát khỏi lao lý ? Kỳ 1: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”

Dân làng Ba Dê bên dòng Phó Đáy lại một phen dậy sóng về nhân vật Ngọc Hồn từng là Chủ tịch tỉnh về nghỉ hưu cách nay gần 10 năm với đống tài sản khủng, tưởng chỉ bị cảnh cáo, “hạ cánh an toàn”.

 

dt1tn1a-1731120634.jpg

Tranh biếm hoạ chống tiêu cực, tham nhũng: "Quan tham" trước vành móng ngưa. Ảnh: Internet.

 

Bỗng dưng đầu tháng 11 này, Cơ quan chức năng đã khởi tố ông ta là bị can nhưng được tại ngoại về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì đã có hành vi vụ lợi, làm trái các quy định pháp luật để cho “Tập đoàn Tiền Nổ” được làm nhà thầu thi công các gói thầu tại tỉnh, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Kỳ 1: “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”

Câu tục ngữ “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” chẳng phải ngẫu nhiên mà trở thành một lời cảnh báo muôn đời, đang ứng nghiệm với “quan tham” Ngọc Hồn. Nó là lời khuyên rằng dù có cố che đậy, dù có khéo léo đến đâu, thì sự thật cuối cùng vẫn sẽ được phơi bày. Và câu chuyện về Ngọc Hồn, nguyên Chủ tịch tỉnh, chính là một minh chứng rõ ràng cho điều này.

Ngọc Hồn, trong những năm tháng đương nhiệm cùng với Phạm Vấn là Bí thư tỉnh, đã từng là cặp đôi quyền lực, vung tay quá trán, từng tự hào đưa ra những quyết sách quan trọng để phát triển tỉnh nhà. Nhưng trong cái bóng của quyền lực ấy lại là những “con sâu đục khoét”, những món lợi ích chảy vào túi cá nhân. Để rồi sau tất cả, khi những "cái kim trong bọc" không thể giấu mãi, ông đã bị vạch trần dính dáng tới tham nhũng, làm trái quy định pháp luật, lợi dụng quyền lực để cho “Tập đoàn Tiền Nổ” làm các gói thầu khủng, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Hậu quả, Phạm Vấn chỉ mới bị kỷ luật cách chức Bí thư tỉnh uỷ. Còn Ngọc Hồn tha hoá từng bị cảnh cáo, vướng vào cái bả vật chất trong tay “thế lực” có tiền, đã làm mờ đi lý trí của mình, đặt lợi ích cá nhân lên trên mọi thứ. Ông ta đã quyết định cho nhà đầu tư thiếu năng lực vào các dự án lớn bằng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước mà trục lới, để rồi người dân phải trả giá bằng những khoản thất thoát khổng lồ. Vậy nhưng, cho dù có bao nhiêu công luận lên án, có bao nhiêu cuộc điều tra tiến hành, thì Ngọc Hồn vẫn cứ an nhàn nghỉ hưu, cho đến khi "cái kim" không thể giấu được nữa, sau gần mười năm, những sai phạm của ông ta mới bị lộ ra ánh sáng.

Điều đáng nói, không chỉ có Ngọc Hồn, mà ngay cả con trai ông ta là Phù Du, một cán bộ đã có dư luận hủ hóa khi được cử làm trưởng đoàn công tác kiểm tra ở huyện nọ, nhưng đầu tháng 7/2024 vẫn được thăng quan tiến chức, giữ vị trí đứng đầu huyện Sông Cà Bé. Phù Du là một minh chứng cho cái mà người ta gọi là “con quan lại làm quan”, dù “quan bố” hỏng hẳn, vướng vào lao lý, chờ ngày đưa ra xét xử mà vẫn được bổ nhiệm ngay con ông ta làm “huyện trưởng” là cán bộ nguồn cho nhiệm kỳ sau ?

Một câu hỏi cứ ám ảnh: Làm sao có thể để một người như Phù Du tiếp tục leo cao như vậy? Đó là một câu chuyện không chỉ về sự tha hóa của một gia đình mà còn là lời cảnh tỉnh về sự buông lỏng kiểm soát trong công tác cán bộ ở các địa phương. Phù Du không phải là một cá nhân đơn lẻ; anh ta là đại diện cho một lớp người "hậu duệ", những người không làm nên được giá trị từ bản thân mà từ mối quan hệ gia đình đã bị hư hỏng, bất chấp năng lực và phẩm hạnh?

Để không còn cảnh “con quan lại làm quan”, để những "cái kim trong bọc" không còn có cơ hội lòi ra nữa, chúng ta cần phải đổi mới công tác cán bộ từ gốc. Mọi quyết định về công tác cán bộ cần được thực hiện công khai, có sự giám sát từ các cơ quan có thẩm quyền. Không thể để những quyết định bổ nhiệm chỉ được thông qua trong bóng tối của các cuộc họp kín.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm. Những sai phạm của cán bộ phải được điều tra và xử lý kịp thời, không để họ tiếp tục lợi dụng chức vụ để làm hại đến lợi ích của người dân.

Công tác cán bộ phải khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh, trao cơ hội cho những người có năng lực, có phẩm hạnh, bất kể gia đình họ xuất thân từ đâu. Những người thực sự xứng đáng cần được trao cơ hội để phục vụ đất nước.

Công tác tổ chức cần phải loại bỏ các yếu tố gia đình, thân quen trong việc bổ nhiệm cán bộ. Cần có một hệ thống thi tuyển minh bạch, nơi năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân được đặt lên hàng đầu, và mọi sự phân biệt phải được dẹp bỏ.

Câu chuyện về Ngọc Hồn và Phù Du là một lời cảnh tỉnh đau đớn cho những ai còn lạm dụng quyền lực và thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành. Để đất nước có thể phát triển bền vững, không thể có sự tồn tại của những cán bộ tham nhũng, vô trách nhiệm, thiếu đạo đức. Công tác cán bộ cần phải được cải cách toàn diện, để mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng, không phân biệt con quan hay con dân. Chỉ khi đó, xã hội mới có thể tiến lên, phát triển bền vững trước những thách thức và vận hội mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(Còn nữa)

Đón đọc Kỳ 2: "Quan tham" cuỗm tiền “đặt cọc”?

Q.Y