Cố tình để mắc COVID-19 nhằm miễn dịch là quan niệm sai lầm

Trong khi hầu hết mọi người đang nỗ lực phòng, tránh bị mắc COVID-19, thì một số người lại có tâm lý “ai rồi cũng trở thành F0”, thậm chí cố ý để mắc bệnh, với hy vọng sau đó có thể miễn dịch.

“Nhiều người có suy nghĩ là cố tình mắc COVID-19 để sau này không bị nữa. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì người bệnh nhiễm chủng Delta rồi vẫn có khả năng nhiễm chủng Omicron, thậm chí đã nhiễm chủng Omicron vẫn tái nhiễm chủng đó, nhưng type khác”, ThS. BS chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường - Trưởng Đơn nguyên chống dịch, BV Thanh Nhàn cho biết.

Những người mắc bệnh đều có khả năng tái nhiễm, phổ biến nhất ở là những người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 .

"Người bị tái nhiễm thường có triệu chứng nặng hơn lần đầu. Tái nhiễm, tái dương tính đều để lại những nguy cơ khó lường đối với bệnh nhân như các huyết khối, phổi, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, tổn thương não, chậm chạp về mặt tư duy, nhận thức; các bệnh lý hô hấp kéo dài có thể gặp di chứng xơ phổi, viêm phổi kẽ, kể cả ở người trẻ không có bệnh lý nền…", bác sĩ Nguyễn Thu Hường chia sẻ.

Do vậy khi đã khỏi bệnh rồi cần theo dõi sức khỏe, bồi bổ để cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng và đặc biệt không được chủ quan khi tiếp xúc với các F0 và người có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Chú thích ảnh
Đây là phòng khám đại trà cho F0 đầu tiên tại Hà Nội. Trước đây, Bệnh viện Thanh Nhàn chỉ tiếp nhận bệnh nhân tầng 2 và 3, không tiếp nhận F0 nhẹ.
Chú thích ảnh
Bệnh viện bố trí khu khám hậu COVID-19 gồm các phòng khám sàng lọc, khám nội, ngoại, sản, nhi, phòng mổ để tầm soát và điều trị toàn diện cho người bệnh.
Chú thích ảnh
Người bệnh sẽ được khám, điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc COVID-19.