Văn hoá len lỏi vào từng gia đình thì danh hiệu “văn hoá” mới thực chất
Trong tham luận “Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới – thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống” tại Hội thảo Văn hoá 2022 diễn ra tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn Chương trình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tạo nên sức bật cho cả đất nước Hàn Quốc, được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá nhân loại.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trình bày tham luận tại hội thảo.
“Vì sao một chương trình đổi mới nông thôn lại chứa đựng giá trị lan toả toàn cầu?” – ông Lê Minh Hoan đặt câu hỏi và cho rằng, đấy chính là nhận thức về văn hoá như “sức mạnh mềm”, “nguồn lực mềm”, thúc giục sự thay đổi một địa phương, một đất nước.
Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần.
“Đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ. Nhưng nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn “đồng phục hoá”, lạc lõng với khung cảnh làng quê” – ông Lê Minh Hoan bày tỏ
Nhấn mạnh nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc, là không gian văn hoá và cần được xem là tài nguyên phát triển, là một di sản và do đó cần có sự quan tâm đúng mức và có những chính sách tương xứng.
“Ai trong chúng ta không yêu làng quê của mình, nhưng rồi bỗng một ngày nơi ấy chỉ còn trong khắc khoải. Bôn ba chốn thị thành, hình ảnh làng quê chỉ còn mờ ảo như những cuộn khói mùa đốt đồng. Rồi cũng đôi khi trở về nơi mình ra đi như một cuộc du ngoạn, về rồi vội vã rời đi. Vội vã có khi vì công việc, mà cũng có khi vì nơi ấy không còn cảm xúc thân thuộc như ngày nào” – ông Lê Minh Hoan nói.
Khẳng định xây dựng nông thôn mới là vun đắp tinh thần con người, ông Lê Minh Hoan cho rằng, khi và chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được, thì mới tự giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá. Khi và chỉ khi văn hoá len lỏi vào từng gia đình, thì những danh hiệu “văn hoá” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hoá được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế thời đại, văn hoá mới mãi trường tồn.
Đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiến nghị cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Chương trình nhằm cụ thể hoá Luật Di sản Văn hoá, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2022. Chương trình huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc, tự tin đóng góp cho kho tàng văn hoá nhân loại.
Bên cạnh đó cần có những chương trình giảng dạy văn hoá nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, chú trọng nhóm đối tượng học sinh là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy văn hoá dân tộc liên tục.
“Chúng ta đang đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như: bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố. Đã có những đứt gãy văn hoá nông thôn” – ông Hoan nói.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hoá nông thôn, cần đến tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Văn hoá không thể áp đặt một cách khiên cưỡng. Cần xây dựng những tiêu chí về văn hoá nông thôn có thể đo lường được, cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.
Dẫn chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh “chúng ta cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán “giá như”!”.