Điều ít biết về cầu Long Biên

Một số cuốn sách cung cấp thông tin về ý tưởng, vật liệu, kiến trúc và quá trình xây dựng cầu Long Biên.

Cầu Doumer trước đây, cầu Long Biên ngày nay, không chỉ có chức năng giao thông mà vượt lên đó là biểu tượng của kiến trúc và kết cấu thép đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á trong những năm đầu thế kỷ XX.

Những cuốn sách nói về cầu Long Biên trong những ngày đầu xây dựng. Ảnh: M.C.

  •  
  •  

Cau Long Bien anh 1

Cau Long Bien anh 1

Những cuốn sách nói về cầu Long Biên trong những ngày đầu xây dựng. Ảnh: M.C.

Cầu bắc qua sông Hồng và ý tưởng về một hệ thống đường sắt hội tụ ở Hà Nội

Tìm hiểu về cây cầu nổi tiếng này, chúng ta có thể đọc cuốn hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương 1897-1902, Tổng thống Pháp 1931-1932). Ông là người đã đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600 m.

Bên cạnh đó là sách Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 (Lưu Đình Tuân tuyển chọn và dịch) có bài Cầu Doumer của tác giả Paul Boudet (1888-1948), Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (1917-1947). Bài này đăng trên tuần san Indochine số 184 ngày 9/3/1944.

Kế đến là sách Lịch sử của những cây cầu của tác giả Henry Grattan Tyrrell (1868 1948), Nguyễn Tuấn Bình dịch và sưu tầm minh họa, có 2 bài viết nằm trong phần bài đọc thêm: Cầu Doumer 1.680 m trên sông Hồng ở Hà Nội (Bắc Kỳ) đăng trên tạp chí Le Génie Civil, số ra ngày 30/4/1909 và Mở rộng cầu Doumer trên sông Hồng ở Hà Nội (Bắc Kỳ) của Ch.Dantin, đăng trên tạp chí Le Génie Civil, số ra ngày 25/4/1925. Những bài viết này cung cấp nhiều thông tin mà chúng ta còn ít biết về cây cầu nổi tiếng này

Theo hồi ký của Paul Doumer, sau khi nhậm chức Toàn quyền, với ý muốn đem đến một cơ sở hạ tầng, giúp xứ sở này phát huy tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên của mình, ông đã nỗ lực tập trung mọi nguồn lực vào những công trình công cộng lớn.

Có một công trình mà ông cho là cực kỳ cấp thiết đó là xây dựng một cây cầu lớn bắc qua Sông Hồng. Theo ông, cây cầu này sẽ giúp cho việc đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh tả ngạn sông được thuận tiện hơn.

Hơn nữa ý tưởng của ông ngay từ lúc đó là nhất định phải thiết lập tại Bắc Kỳ một hệ thống đường sắt về hội tụ Hà Nội không chỉ nối thành phố này với biển, mà còn nối nó với Trung Kỳ và Trung Hoa. Do vậy không thể để hệ thống đường sắt bị dòng sông này gây ngăn cách.

Tuy nhiên, nhiều người, cả ở Bắc Kỳ và Paris hoài nghi và phản đối ý tưởng này. Họ cho rằng ý tưởng này là điên rồ và không thể thực hiện được. Họ phân tích sông Hồng rộng như một eo biển, sâu hơn 20 m và dâng thêm 8 m vào mùa lũ. Lòng sông luôn thay đổi, khi bồi chỗ này, lúc lở chỗ kia. Một con sông không thể chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ trong lòng sông đầy sóng dữ và không gì chống đỡ nổi.

Cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) lúc đang được thi công. Ảnh T.L.

  •  
  •  

Cau Long Bien anh 2

Cau Long Bien anh 2

Cầu Paul Doumer (cầu Long Biên) lúc đang được thi công. Ảnh T.L.

Quy mô và quá trình xây dựng

Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, bất chấp dư luận và khuyến cáo của các quan chức, Doumer vẫn quyết tâm xây cầu.

Trong cuộc đấu thầu tổ chức năm 1897, đồ án của nhà thầu Daydé et Pillé được lựa chọn. Công ty này đưa ra thiết kế kiểu dầm chìa đỡ hai bên, các thanh đỡ hình răng cưa, đỉnh cao nhất là 17 m tính từ trụ cầu.

Paul Doumer chọn thiết kế dầm chìa có lẽ là do nó đã được ứng dụng để xây cầu đường sắt tuyến Paris - Orléans. Khi họ giới thiệu đường nét kiêu hãnh và duyên dáng của cây cầu trong hình vẽ toàn cảnh, nhiều người lo ngại khối sắt hình răng cưa nhẹ tới mấy cũng không bao giờ có thể thành hiện thực.

Nhưng chính 20 trụ cầu, mỗi trụ cao 44 m, trong đó 30 m nằm dưới mực nước, sẽ đỡ cho cây cầu dài 1.682 m, cao 17 m so với mặt trụ và 61 m so với các móng. Cũng nhờ các trụ đó, cây cầu được nối thành khớp.

Ngày 12/9/1898, viên đá đầu tiên chính thức được đặt với nghi lễ long trọng. Hôm đó, Paul Doumer dùng chiếc bay bằng bạc gắn tấm biển đá hoa cương đen khắc dòng chữ 12/9/1898 lên đầu cầu và tuyên bố công việc xây cầu bắt đầu.

Việc thi công được tiến hành khẩn trương và tháng 11/1901, cầu đặt được khối sắt vào bờ trái. Chiếc cầu cạn bằng đá, nối cầu với ga bị phá hẳn.

Ngày 3/2/1902, hai bờ được nối với nhau; chỉ còn phải san lấp khoảng vài trăm mét, công việc chỉ cần vài ngày. Việc xây dựng cầu cần 30.000 m3 đá và 5.300 tấn thép. Chi phí lên tới 6.200.000 fr, xấp xỉ bằng dự toán.

Paul Doumer đã khánh thành cây cầu tại Hà Nội, hay cầu Doumer theo tên gọi của nó vào tháng 2/1902, đồng thời với tuyến đường sắt đầu tiên của hệ thống đường sắt Đông Dương, tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng nối liền các tỉnh lị ra phía biển.

Cầu Long Biên chụp từ trên cao, năm 1950. Ảnh T.L.

Cau Long Bien anh 3

Cau Long Bien anh 3

Cầu Long Biên chụp từ trên cao, năm 1950. Ảnh T.L.

Dự án mở rộng và gia cường cầu vào đầu thập niên 1920

Đầu những năm 1920, trước thực tế không có một công trình cố định nào cho phép ôtô và các phương tiện cơ giới khác vượt qua sông Hồng, đồng thời để giải quyết tình trạng giao thông ngày càng quá tải ở thành phố, chính quyền thuộc địa đã có ý tưởng thay vì xây dựng một cây cầu mới, sẽ mở rộng thêm 2 làn cho xe chạy trên cầu Doumer. Trước đó cây cầu này chỉ có đường ray tàu hỏa khổ 1 m (tuyến Hà Nội đi Hải Phòng, Lạng Sơn và Vân Nam).

Vỉa hè ban đầu của cầu sẽ được thay thế bằng 2 làn xe chạy 2 bên mặt phẳng giàn chủ. Mỗi làn xe bao gồm phần xe chạy 2,2 m và vỉa hè 1 m. Ngoài ra, còn có 4 đoạn tránh xe dài 15 m, rộng 4,2 m bố trí dọc cầu để phục vụ cho việc vượt xe. Chiều dài chuyển tiếp giữa đoạn tránh xe và đoạn thông thường 7,7 m mỗi đầu đoạn tránh.

Bề rộng của mặt cầu tính từ hai lan can cũng tăng từ 8 m 15 thành 12,33 m và đạt đến 14,7 m tại đoạn tránh xe…

Dự án mở rộng và gia cường cầu dùng 2.400 tấn thép và 1.600 m khối gỗ cho kết cấu mặt đường và vỉa hè. Nhà thầu đảm nhiệm công trình này là Daydé.

Công trình được khởi công vào đầu năm 1922 và hoàn thành vào cuối tháng 12/1923.

Sau khi làm xong các đường dẫn lên hai làn xe mới, dự án mở rộng cầu khánh thành và chính thức thông xe vào ngày 23/4/1924.