Đưa thương hiệu Miến mộc mường Then vươn xa khỏi vùng đất lịch sử

Để đưa sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của vùng đất lịch sử Điện Biên ra khỏi địa phương, được người tiêu dùng cả nước biết đến, chị Đỗ Thị Thúy Huyền đã lựa chọn miến mộc là đặc sản để thực hiện “ý tưởng” của mình.

Từ vùng nông sản Điện Biên

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân, trải qua nhiều năm kinh doanh nhỏ, chị Đỗ Thị Thúy Huyền (sinh năm 1974) nhận thấy Điện Biên có nhiều nông sản, thực phẩm ngon nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa thích như miến dong, gạo lứt. Nhưng những loại nông sản này thường chỉ được bán thô, chưa được chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm. Người nông dân vất vả trồng trọt nhưng củ dong, nguyên liệu đầu vào để làm miến, lại được bán với giá rất thấp.

d1-1665807580.jpg

CEO Đỗ Thị Thúy Huyền cùng sản phẩm miến mộc Mường Then

Từ những trăn trở đó, chị Thúy Huyền ấp ủ dự định xây dựng một hướng đi riêng với mong muốn đưa nông sản thế mạnh của địa phương ra thị trường. Tháng 12/2020, chị Thúy Huyền quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ Hoa Diên Vĩ. Chị lựa chọn một nhà sản xuất miến dong có uy tín tại địa bàn, có vùng nguyên liệu, nhà xưởng chế biến củ dong, sản xuất miến dong đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, có thương hiệu để hợp tác.

Bắt tay vào kinh doanh với số vốn khiêm tốn, nhân lực chỉ có 2 người, vốn kiến thức về khởi nghiệp còn ít, chị Thúy Huyền đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, chọn đối tác thiết kế mẫu mã sản phẩm và tìm nhà cung cấp dịch vụ đạt chất lượng như mong muốn. Sau nhiều lần thử nghiệm, tìm tòi nghiên cứu, chị sử dụng miến dong thành phẩm để đóng gói theo quy cách mới, lấy thương hiệu là “Miến mộc Mường Then” và tiến hành phân phối ra thị trường.

d2-1665807586.jpg

Sản phẩm miến mộc Mường Then

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, chị Thúy Huyền cho biết: “Đầu tiên là khó khăn về quỹ thời gian vì cả 2 vợ chồng tôi đều là công chức, kiến thức về thị trường, marketing còn thiếu và yếu. Tiếp đó là mình không có nhiều nhân lực để mở rộng thị trường, không chủ động được phương tiện, nguyên liệu. Việc tiêu thụ sản phẩm tại địa phương rất hạn chế do dân số ít, mức thu nhập thấp. Khó khăn hơn cả là dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến hoạt động kinh doanh vô cùng khó khăn”. Sau khi cân nhắc kỹ, chị Thúy Huyền đã vay thêm vốn, mạnh dạn mở văn phòng đại diện của công ty tại Hà Nội để làm nơi giới thiệu sản phẩm, đồng thời tuyển cộng tác viên, tìm đại lý, đối tác bán hàng, chọn kênh bán hàng phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch.

Phát triển thương hiệu gắn với du lịch sinh thái

Dù mới được phân phối trên thị trường nhưng sản phẩm miến dong của công ty Hoa Diên Vĩ đã chinh phục được nhiều người tiêu dùng. Ngoài miến mộc, chị Thúy Huyền còn cho ra sản phẩm “Gạo lứt Mường Then” với 2 loại gạo đặc sản là “Gạo lứt huyết rồng” và “Gạo lứt tím”. Các sản phẩm đều được thị trường đón nhận với lượng tiêu thụ khả quan.

d3-1665807592.jpg

CEO Đỗ Thị Thúy Huyền cùng sản phẩm miến mộc Mường Then

Ngoài chất lượng và mẫu mã, chị Thúy Huyền còn chú trọng xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm đi đôi với phát triển thương hiệu theo hướng gắn với du lịch bản địa, du lịch sinh thái. Du khách đến với Điện Biên, tìm hiểu về giá trị lịch sử của địa danh sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ sản phẩm của công ty, được trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái. Công ty của chị Thúy Huyền hiện nay tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động nữ tại địa phương, ngoài ra còn tạo việc làm cho 10-20 lao động ngoài tỉnh là nhân viên, cộng tác viên, đại lý...