Xe điện và khả năng “lội nước”: Hiểu đúng để không ảo tưởng
Thời gian gần đây, hình ảnh những chiếc ô tô điện băng qua phố ngập ở Hà Nội, TP.HCM hay các tỉnh ven biển không còn xa lạ. Điều này khiến nhiều người tin rằng xe điện có thể “lội nước” tốt hơn xe xăng hay dầu. Tuy nhiên, đây là hiểu lầm tiềm ẩn rủi ro lớn nếu lạm dụng.
Về lý thuyết, xe điện có ưu thế nhất định trong điều kiện ngập nước. Không sử dụng động cơ đốt trong nên loại bỏ được nguy cơ thủy kích – tình trạng nước lọt vào buồng đốt gây hỏng máy. Ngoài ra, pin và động cơ điện thường đạt chuẩn chống nước cao như IP67, tương đương khả năng chịu được nước ngập 1 mét trong 30 phút.

Tuy vậy, đây chỉ là mức độ bảo vệ tạm thời và chủ yếu để đối phó với các tình huống bất khả kháng. Việc sử dụng khả năng này thường xuyên sẽ khiến xe nhanh chóng xuống cấp.
Rủi ro khi lái ô tô điện qua vùng ngập
Theo các chuyên gia kỹ thuật, dù phần pin và động cơ được bảo vệ tốt, nước vẫn có thể xâm nhập vào các bộ phận như giắc cắm điện, hệ thống lái, phanh, vòng bi bánh xe…

Những chi tiết này khi tiếp xúc với nước bẩn, bùn đất hoặc nước mặn sẽ dễ bị ăn mòn, gỉ sét và hư hỏng theo thời gian.
Đặc biệt, nước mặn hoặc nước lợ có thể gây ra hiện tượng đoản mạch ở hệ thống pin điện áp cao – nguy cơ dẫn đến cháy nổ.
Thêm vào đó, nếu nước tràn vào khoang cabin, chạm đến bậc cửa xe, nguy cơ xâm nhập vào hệ thống điện là rất cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn.

Không chỉ vậy, khi đi qua vùng ngập sâu, lốp xe mất độ bám với mặt đường, dễ bị trôi hoặc mất lái. Hệ thống phanh cũng hoạt động kém hiệu quả do nước lọt vào má phanh, làm tăng nguy cơ tai nạn trong điều kiện đường trơn trượt.
Cảnh báo từ nhà sản xuất: Xe điện không phải “tàu ngầm”
Các hãng xe, trong đó có VinFast, đều đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng xe điện trong mùa mưa bão. Theo đó, người dùng tuyệt đối không nên di chuyển qua vùng ngập nếu mực nước vượt quá khoảng sáng gầm xe. Trong trường hợp buộc phải đi qua, cần:
-
Duy trì tốc độ chậm dưới 10 km/h
-
Không dừng lại hoặc lùi xe giữa vùng ngập
-
Sau khi vượt qua, đạp phanh nhẹ nhiều lần để làm khô đĩa và má phanh

Ngoài ra, nếu nước ngập chạm đến ngưỡng cửa hoặc có dấu hiệu xâm nhập cabin, chủ xe cần lập tức liên hệ với đại lý chính hãng để được kiểm tra và xử lý đúng kỹ thuật. Việc tự ý sửa chữa tại cơ sở không đủ điều kiện có thể khiến xe mất bảo hành và tăng rủi ro về sau.
Xe điện vẫn có giới hạn, đừng chủ quan
Có thể nói, ô tô điện được thiết kế để hạn chế rủi ro trong điều kiện mưa ngập, nhưng không có nghĩa là chúng hoàn toàn miễn nhiễm với nước. Đây không phải là những “chiếc tàu ngầm hiện đại” và người dùng cần hiểu rõ giới hạn kỹ thuật của xe để không chủ quan.

Việc bất chấp lao xe vào vùng nước sâu không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mà còn kéo theo chi phí sửa chữa lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng – phần lớn không nằm trong diện được bảo hành.
Trong mùa mưa bão, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự thận trọng. An toàn cho người và phương tiện phải được đặt lên hàng đầu, thay vì “thử thách giới hạn” của xe trong những điều kiện mà nhà sản xuất không khuyến cáo.