Giá nhiều hàng hóa vẫn "phớt lờ" khi giá xăng giảm mạnh

05/08/2022 08:20

Sau 4 phiên giảm giá liên tiếp, từ mức kỷ lục gần 33.000 đồng/lít đối với xăng và hơn 30.000 đồng/lít đối với dầu, giá các mặt hàng này đã xuống còn khoảng 26.000 đồng/lít với xăng và 25.000 đồng/lít với dầu.

Thế nhưng, thờ ơ trước đà "lao dốc" của giá xăng, dầu, giá các mặt hàng dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là giá cước vận tải vẫn ở mức cao. Trước tình hình này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.

Giá nhiều hàng hóa vẫn "phớt lờ" khi giá xăng giảm mạnh
Người dân mua bán hàng tại chợ Châu Long, Hà Nội. Ảnh: THU TRANG 

Việc giá xăng, dầu giảm sâu có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Bởi đây là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giảm giá mặt hàng này sẽ trực tiếp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, qua đó giảm giá thành sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, đó là khi giá xăng tăng, hàng hóa đồng loạt tăng giá theo, nhưng khi giá xăng giảm nhiều lần thì hàng hóa vẫn giữ giá, hoặc có giảm cũng rất ít, khiến người tiêu dùng không khỏi mong ngóng. Chị Nguyễn Thị Thanh, cư dân ở khu đô thị An Bình City (quận Bắc Từ Liêm) thắc mắc: "Cứ mỗi lần giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng, lập tức giá các loại hàng rau, củ, thịt lợn, gà, thịt bò, trứng...; giá cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa "té nước theo mưa". Nhất là trong đợt giá xăng, dầu tăng kỷ lục vừa rồi, hầu hết các quán bún, phở cũng tăng 5.000-10.000 đồng/bát. Nhưng hiện nay, giá xăng, dầu đã giảm khoảng 5.000-7.000 đồng/lít tùy loại nhưng vẫn chưa thấy người bán giảm giá mặt hàng nào".

Lý giải vì sao giá hàng hóa chưa giảm cùng giá xăng, dầu, nhiều tiểu thương tại các chợ ở Hà Nội như chợ Châu Long (Ba Đình), chợ Đại Từ (Hoàng Mai), chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy)... chia sẻ, hiện các đầu mối phân phối hàng vẫn chưa giảm giá nên họ chưa thể tính toán giảm giá bán lẻ. Không chỉ vậy, các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... thậm chí còn có xu hướng tiếp tục tăng 5-10% tùy mặt hàng. Nguyên nhân là bởi giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp vẫn neo mức cao, dẫn tới việc điều chỉnh theo giá cả thị trường. Ở góc độ vĩ mô, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm vận hành theo thị trường nên để điều chỉnh, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ phải mất thời gian định giá và có độ trễ nhất định. Điển hình như trong lĩnh vực vận tải, khi giá xăng, dầu tăng thì giá cước tăng nhưng khi giá xăng, dầu giảm thì sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Cùng với đó, do thời gian đầu giá xăng, dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm.

Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp, nhà sản xuất cần có thời gian để điều chỉnh giá, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, độ trễ không thể là hàng tháng hay mấy tháng được. Theo đó, cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa trong vấn đề kiểm soát thị trường. Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng, dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

TH
Bạn đang đọc bài viết "Giá nhiều hàng hóa vẫn "phớt lờ" khi giá xăng giảm mạnh" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309