1. Những buổi lên lớp ấn tượng
Lứa sinh viên khóa 5 Học viện Nông lâm Hà Nội chúng tôi (1960-1963) vừa học xong các môn đại cương, chuyển sang phần chuyên sâu nông nghiệp thì được học các thầy tốt nghiệp từ nước ngoài trở về. Các môn khoa học cơ bản tuy khó, nhưng dù sao cũng là sự tiếp nối và nâng cao kiến thức từ bậc phổ thông nên có phần quen thuộc. Bước sang học phần hướng nghiệp là một bước ngoặt, bắt đầu những chờ đợi, băn khoăn, bởi trước đó chưa có khóa nào tốt nghiệp ra hành nghề để tìm hiểu nghề nông là thế nào và một kỹ sư canh nông hành nghề ra sao. Mỗi thầy lên lớp là tâm trạng mong ngóng, quan sát.
Hầu hết các thầy từ Liên Xô và Trung Quốc về, trong số đó thầy Đào Thế Tuấn để lại một ấn tượng đặc biệt. Từ một anh bộ đội chưa biết tiếng Nga, đã đỗ kỹ sư xuất sắc và lấy bằng Phó Tiến sĩ Nông học (nay gọi là Tiến sĩ Nông nghiệp) chỉ trong 5 năm, trong khi bình thường phải mất 9-10 năm. Thầy là người Việt Nam đầu tiên nhận bằng này ở Liên Xô vào năm 1958, và cũng là giảng viên có học vị cao nhất của Học viện Nông lâm Hà Nội lúc bấy giờ.
Môn “Sinh lý Thực vật” mới mẻ đã đành, cái cách lên lớp của thầy vừa chuẩn mực hàn lâm, vừa sinh động tạo nên một không khí hấp dẫn khó cưỡng. Giảng đường im lặng, sinh viên chăm chú có thể nói không ai muốn bỏ qua một ý, nghe sót một lời. Nếu muốn nói “dạy ra dạy, học ra học” thì có lẽ đây là một ví dụ.
Đã 55 năm qua, chắc các bạn lớp tôi hẳn còn nhớ một tiết học đặc biệt có đoàn nước ngoài dự. Đó là đoàn đến từ Mali, do Bộ trưởng Mareida Keita dẫn đầu. Sau mấy lời giới thiệu bằng tiếng Pháp, thầy bắt đầu giảng bằng tiếng Việt. Giáo trình có trên bục, nhưng gần như không ngó tới, và bài giảng cứ như đã được lập trình trong bộ nhớ, để kể một câu chuyện về sinh lý cây lúa gắn với nghề trồng lúa. Giấy viết hiếm lắm, chúng tôi nhớ là chính, chỉ ghi vắn tắt vào các vòng tròn, hình vuông, mũi tên, và các thuật ngữ mới mẻ vào quyển vở.
Có đại biểu xem giáo trình, có người xem vở ghi của sinh viên. Rất tinh ý, đôi lần thầy đỡ lời cho người phiên dịch khi gặp những từ khó. Tiết học kết thúc, đoàn còn nán lại trao đổi, và điều tâm đắc nhất là bậc đại học Việt Nam đã giảng giải những kiến thức rất hàn lâm bằng tiếng Việt, trong khi nước bạn vẫn chưa thể dùng tiếng bản địa. Đáp lại câu hỏi cái gì cần và khó, thầy nói đại ý phải chuẩn bị khái niệm, thuật ngữ bằng tiếng mẹ đẻ từ sớm trước khi vào bậc đại học. Tôi chắc thầy nghĩ tới những tác phẩm của các bậc tiền bối như “Từ điển Hán - Việt”, “Từ điển Pháp - Việt” của cụ thân sinh Đào Duy Anh, “Danh từ khoa học” của Hoàng Xuân Hãn, các giáo trình trung cấp canh nông, các lớp dự bị đại học trong kháng chiến chống Pháp, nhờ đó giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ ở bậc đại học mới thuận lợi hơn so với các nước bị thuộc địa khác.
2. Giáo dục gia đình - chuẩn bị cho một tài năng
GS.VS. Đào Thế Tuấn là con cả của vợ chồng nhà trí thức cách mạng, cụ Đào Duy Anh và Trần Như Mân, những học giả và những nhà hoạt động xã hội, vận động cách tân nổi tiếng.
Thầy kể, thầy sinh ngày 4/7/1931 ở Huế. Biết tin vui, cụ Phan Bội Châu có thơ gửi mừng gia đình:
“Hai mươi lăm triệu giống dòng ta,
Hôm trước nghe thêm một tiếng oa.
Mừng chị em mình vừa đáng mẹ,
Mong thằng bé nọ khéo in cha.
Gió đưa nam tới sen đầy hột,
Trời khiến thu về quế nở hoa.
Sinh tụ mười năm mong thế mãi,
Ấy nhà là nước, nước là nhà”.
Cả cuộc đời 80 năm của thầy cho đến khi từ trần (19/1/2011) đã minh chứng lời tiên đoán và đáp ứng mong đợi của nhà yêu nước, cách mạng Phan Bội Châu.
Lên 5 tuổi thầy bắt đầu đi học mẫu giáo rồi sau đấy vào học lớp đồng ấu ở trường Jeanne d’Arc là một trường nhà dòng do các bà xơ dạy, học toàn bằng tiếng Pháp. Năm 1942 lên lớp 6 trường Quốc học Khải Định thì bắt đầu học thêm tiếng Anh và tiếng Latin. Còn trong gia đình thầy được cụ thân sinh dạy chữ Hán và bà mẹ dạy tiếng Việt. Như vậy, chỉ trong mười năm đầu đời đã được làm quen và sử dụng tới 5 ngôn ngữ, học một cách tự nhiên và dùng một cách hào hứng.
Thầy kể: “Tam quốc chí, Thuỷ hử, Đông chu liệt quốc và các tiểu thuyết Trung Quốc, kể cả truyện kiếm hiệp tôi đều đọc hết. Ngoài ra, tôi con đọc rất nhiều tiểu thuyết Pháp do đấy vốn văn học của tôi không đến nỗi nào”.
Tuổi niên thiếu thầy đã được hướng vào các hoạt động xã hội: 6 tuổi tham gia vào tổ chức Hướng đạo sinh; đi du lịch, điền dã, thăm các danh lam thắng cảnh vùng Huế và các tỉnh miền Trung; được nghe các cuộc thảo luận về lịch sử, văn hoá giữa các nhà nghiên cứu, bắt đầu học thói quen nghiên cứu. Khi chỉ hơn 15 tuổi thầy tình nguyện tham gia Đội Tuyên truyền Xung phong Trung Bộ và là đội viên ít tuổi nhất trong đội. Tiếp theo là thời học trung học trong Kháng chiến chống Pháp. Tránh giặc càn, toàn đi bộ tìm trường để học, rong ruổi từ trường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh), sang trường Nguyễn Xuân Ôn (Nghệ An), rồi trường Nguyễn Thượng Hiền (Thanh Hóa) rồi Cấp 3 Liên khu 3 (Ninh Bình). Nhớ về giáo dục gia đình và những trải nghiệm thuở thiếu thời, thầy viết: “Tất cả sự giáo dục này được tính toán một cách toàn diện nhằm đào tạo một người làm việc nghiên cứu sau này. Chính sự chuẩn bị ấy về sau đã giúp tôi trong việc học tập và làm việc”.
3. Xếp bút nghiên theo việc binh đao
Năm 1950, ở tuổi 19, anh thanh niên Đào Thế Tuấn tòng quân và lên đường hành quân hướng về chiến khu Việt Bắc. Thị xã Ninh Bình, Hòa Bình bị Pháp chiếm, phải đi vòng, xuyên rừng Hồi Xuân, La Hán, Suối Rút, vượt núi sang Phú Thọ lên An toàn khu (ATK) Tuyên Quang, Thái Nguyên. Trong năm ấy, thầy tham gia các chiến dịch Trần Hưng Đạo ở Trung Du và chiến dịch Hoàng Hoa Thám ở Đông Bắc, ở bộ phận tham mưu tiền phương. Hành quân liên miên, nhưng thầy vẫn tự đặt ra cho mình và thực hiện một chương trình tự học khoa học quân sự.
Sang năm sau, thầy được cử đi học lớp Trung cấp Quân sự ở trường Lục quân Việt Nam, bấy giờ đặt ở Vân Nam, Trung Quốc. Đây là lớp đào tạo cán bộ chỉ huy đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn do chuyên gia Trung Quốc dạy. Năm 1952 thì tốt nghiệp về nước, được điều về Tổng cục Hậu cần tham gia chiến dịch Tây Bắc đánh Nghĩa Lộ và giải phóng Sơn La.
4. “Đại học = Tự học”
‘Phương trình’ này đã được học giả Đào Duy Anh viết lên bảng, trong buổi học sử đầu tiên ở trường Dự bị Đại học tại Thanh Hoá trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp (theo lời kể của GS. Trần Quốc Vượng - sinh viên lớp đó).
Sau chiến dịch Tây Bắc, tháng 8/1953 thầy được cử đi học Liên Xô. Đoàn 50 anh chị em đi bộ lên Lạng Sơn, vượt biên giới sang Trung Quốc để đi Liên Xô bằng xe lửa. Hành trình từ Việt Bắc mất cả tháng mới tới Matxcơva. Một nhóm gồm 10 người được cử về Uzbekistan để học nông nghiệp. Trường Đại học Nông nghiệp Tashkent sắp xếp 1 lớp riêng, dự tính 1 năm cho sinh viên Việt Nam học tiếng Nga và các môn khoa học cơ bản. Nhưng chỉ sang học kỳ hai là nhóm Việt Nam của thầy đã vào học chung cùng với sinh viên Liên Xô.
Lên năm thứ ba, thầy tham gia nhóm nghiên cứu của sinh viên ở khoa Nông học và trình bày một báo cáo khoa học về cây trồng ở Việt Nam. Cuối năm đó thầy xin về Trạm Nghiên cứu Lúa Uzbekistan để nghiên cứu về cây lúa. Thực ra thì giáo sư hướng dẫn không thạo về lúa nên để thầy tự đọc sách và tìm lấy đề tài. Thu thập các kiến thức đã có hồi bấy giờ, thầy viết một tài liệu về sinh thái và nguồn gốc cây lúa; được Giáo sư Belov biên tập lại và được Viện Hàn lâm Nông nghiệp xuất bản bằng tiếng Nga, sách có tên “Nguồn gốc và sinh thái cây lúa, Tashkent, 1957”.
Cuối năm thứ tư, thầy về thực tập ở Trạm Nghiên cứu Lúa Krasnodar, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Eryghin, một nhà sinh lý thực vật nổi tiếng ở Liên Xô. Sinh viên Đào Thế Tuấn nghiên cứu về sự phát triển giai đoạn của cây lúa trong hai vụ để làm luận văn tốt nghiệp. Luận văn được đánh giá xuất sắc và tác giả được cho tiếp tục thêm 6 tháng nghiên cứu để trình bày luận văn phó tiến sĩ. Sau một vụ thí nghiệm nữa, đồng thời thi các môn tối thiểu thầy đã bảo về luận văn phó tiến sĩ vào năm 1958. Như vậy, là trong 5 năm vừa hoàn thành chương trình Kỹ sư nông học và phó tiến sĩ nông học, tiết kiệm được 3 năm, thầy là phó tiến sĩ (nay là tiến sỹ) đầu tiên của Việt Nam được Liên Xô đào tạo.
5. Người khai mở các cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Ra trường, tôi được phân công về công tác tại Bộ Nông trường nên không có cơ may làm việc gần gũi với thầy Đào Thế Tuấn, song luôn tìm đọc các bài báo khoa học và những cuốn sách của thầy, vừa cơ bản về lý luận vừa thiết thực trong ứng dụng vào sản xuất. Cuốn tôi thường đọc nhiều hơn cả là “Phương pháp thí nghiệm trồng trọt” của thầy. Các sơ đồ thiết kế thí nghiệm tương đối đơn giản: Như so sánh cặp đôi ô cơ bản, tuần tự bậc thang, ít công thức, diện tích ô nhỏ, phù hợp với cây ngắn ngày, mật độ dầy, cho phép ô nhỏ cũng có thể lấy được đủ cá thể để quan trắc. Tôi nghĩ kiểu này thích hợp với nghiên cứu trên đất bằng, độ phì nhiêu đồng đều, số lần lặp lại ít khi bị hạn chế.
Trạm Thí nghiệm Cây nhiệt đới Tây Hiếu, Nghệ An, nơi tôi làm việc, cần nghiên cứu nhiều về cây lâu năm trên đất đồi. Vào những năm 1960, thiết kế thí nghiệm chính quy, dài hạn với cà phê, cao su và các cây ăn quả là một thử thách lớn. Đất đồi dốc, độ phì nhiên biến thiên rất mạnh theo không gian. Các cây trồng khoảng cách rộng, lấy đủ số cây để quan trắc thì diện tích thí nghiệm sẽ tăng lớn và sự biến động độ phì nhiêu đất tăng theo, sai số ngẫu nhiên tăng vọt; có nguy cơ không thể kết luận chênh lệch giữa các công thức so sánh là do cái gì quyết định: Yếu tố nghiên cứu hay sai số ngẫu nhiên.
Vì tài liệu trong nước chưa có, các bậc đàn anh ra sức tìm kiếm. Kỹ sư Đoàn Triệu Nhạn tham khảo giáo trình “Sinh trắc học” của Hoa Nam Nông học Viện. Kỹ sư Ngô Văn Hoàng qua một vài Seminar với chuyên gia CHDC Đức, tự mình soạn sách “Giản yếu thống kê sinh vật”. Lần đầu tiên giới thiệu các kiểu thiết kế thí nghiệm so sánh nhiều nhân tố (multi-factorial trial design), như ô vuông Latin (Latin square), ô phụ (split-plot), song trùng (confounding), v.v. Hướng đi đã có là thí nghiệm tương tác nhiều yếu tố, nhưng áp dụng thật gian nan; nghiên cứu 3 yếu tố, chỉ cần nhắc lại tối thiểu 3 lần thì số ô cơ sở đã lên tới 81. Thời nay, phương pháp nghiên cứu nông học phát triển, các thuật toán ứng dụng được lập trình, máy tính phổ biến, chứ hơn nửa thế kỷ trước tính sai số cho 1 thí nghiệm như vậy bằng máy tính cơ quay tay (Nisa hay flying fish) mất cả tuần. Nếu chỉ vào sai 1 con số là công sức tính toán mấy ngày coi bằng bỏ.
Những năm bắt đầu nghiên cứu về canh tác học, hệ thống nông nghiệp một cách chính qui, sự đóng góp về các nguyên lý và phương pháp của các bậc đàn anh như GS.VS. Đào Thế Tuấn, PGS. Ngô Văn Hoàng, ThS. Đoàn Triệu Nhạn,… có ý nghĩa khai phá. Chỉ dẫn của các thầy giúp cho thế hệ trẻ thực hiện một cách bài bản đưa lại hiệu quả và nhanh chóng. Tham gia vào quá trình đó, cánh trẻ chúng tôi học hỏi được rất nhiều, lấp những lỗ hổng kiến thức mà nhà trường không dạy.
Tuy nhiên, bối cảnh và đối tượng khác nhau dẫn đến giải pháp khác nhau cũng là thường và được trao đổi rất minh bạch. Tôi vẫn còn nhớ một lần trao đổi như vậy. Trong bài: “Bàn về phương pháp thí nghiệm đồng ruộng” trên tạp chí “Tin tức hoạt động khoa học”, thầy Ngô Văn Hoàng viết hài hước rằng với đất đồi biến thiên, trong khi thuật toán có thể giải quyết được thì các phương pháp mà Phó tiến sĩ Đào Thế Tuấn đưa ra giống như “một tiểu thơ chân bó, ngập ngừng và khập khiễng trước đồng ruộng muôn mầu muôn vẻ của sản xuất đại trà”. Trong bài: “Lại bàn về phương pháp thí nghiệm đồng ruộng”, thầy Đào Thế Tuấn trả lời cái cần là thiết kế đơn giản, sao cho đỡ tốn công tốn của mà vẫn rút ra được kết luận xác đáng, chứ đâu cứ phải ứng dụng toán học. Ngoài đời, các thầy là những đồng nghiệp thân thiết, nhưng trong hoạt động khoa học, cần tranh luận là vừa sòng phẳng vừa hài hước, thật thú vị.
6. Xây dựng nền móng cho các nghiên cứu hệ thống nông nghiệp
Bẵng đi một thời gian, cho đến khi về lại Bộ Nông nghiệp tôi mới có dịp gặp lại thầy Đào Thế Tuấn, trong chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật với Viện Khoa học Nông nghiệp Pháp trong “Chương trình Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp Lưu vực sông Hồng”. Chương trình gồm 2 phần: Vùng đồng bằng và vùng đồi. GS.VS Đào Thế Tuấn chủ trì nghiên cứu vùng đồng bằng; còn Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chúng tôi chịu trách nhiệm vùng đồi. Phía Pháp, có chương trình đối tác là “Nghiên cứu Hệ thống Nông nghiệp vùng Casamance” của Viện Nghiên cứu Nông học Pháp (INRA Montpellier) do GS. Conessa chủ trì.
Nghiên cứu so sánh, tương tác là sở trường rất mạnh của trường phái Pháp, đây là dịp tốt cho cả 2 phía. Song tiếc rằng về phía ta, những năm 1980 ấy còn quá nhiều trở ngại về thủ tục hành chính, có lúc tưởng như phải dừng lại. Bên cạnh uy tín về học thuật, sự kiên trì và bền bỉ của GS.VS. Đào Thế Tuấn đã góp phần rất lớn trong việc duy trì mối quan hệ hợp tác song phương; và nhờ vậy, các nghiên cứu so sánh về hệ thống nông nghiệp được tiếp tục, không những ở phạm vi sinh thái tự nhiên, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực cư dân nông thôn, cơ chế, chính sách,... Kết quả nghiên cứu tổng kết trong cuốn “Hệ sinh thái nông nghiệp, NXB khoa học kỹ thuật, 1983”, là sách giáo khoa đầu tiên về Sinh thái học Nông nghiệp. Hàng loạt cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, để kế thừa các nghiên cứu phát triển nông thôn, vốn là khâu yếu trong hệ thống nghiên cứu và khuyến nông của ta trong nhiều năm.
7. Người dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển nông thôn
Nông học nước ta mang ít nhất 2 trọng trách, là nghiên cứu chuỗi sản xuất sinh học và xã hội nông thôn mới có cơ sở cho phát triển nông thôn, cải thiện đời sống cho cộng đồng cư dân to lớn này. Tiếc thay, trong một thời gian dài, ám ảnh bởi nạn đói, thiếu ăn và chiến tranh, chúng ta chỉ chăm chú vào phân khúc sản xuất để tăng sản lượng, lấy diện tích, số lượng lương thực làm đầu, xem nhẹ xã hội nông thôn. Đến lúc đủ lương thực, thậm chí thừa không biết bán đi đâu, mới lộ ra những điểm yếu “chết người” trong các cơ chế, chính sách dẫn đến được mùa rớt giá, hiệu quả kém, nông dân bỏ ruộng,...
Đọc các quyển sách của thầy như “Kinh tế hộ nông dân, NXB CTQG, 1997”. Cuốn sách này có tác dụng mở ra một hướng nghiên cứu mới, phục vụ việc phát triển kinh tế hộ nông dân. Tôi tin rằng thầy là một trong những chuyên gia đi tiên phong trong nghiên cứu nông nghiệp gắn liền với phát triển nông thôn. Cách tiếp cận do thầy khai mở, đã lôi cuốn các nhà khoa học xã hội vào cuộc, các nhà làm chính sách phải lắng nghe và bớt đi kiểu tư duy áp đặt, làm mất động lực phát triển.
8. Những tôn vinh danh giá
Năm 1980, TS. Đào Thế Tuấn được nhà nước phong học hàm Giáo sư và năm 1985 được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô, sau này là Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Bang Nga.
GS.VS. Đào Thế Tuấn đã được thưởng Huân chương Chiến thắng Hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Hai. Năm 2000 được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2005 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn được thưởng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, các huân chương Công trạng Nông nghiệp, và Giải thưởng Rene Dumont của Cộng hòa Pháp.