Cây hoa tam giác mạch được trồng ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (TP Hà Giang) |
Thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi thu hoạch hạt hoa tam giác mạch ở dự án 50ha tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, TP Hà Giang, Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam đã hoàn tất quy trình đóng gói 5 tấn hạt để xuất khẩu sang Nhật Bản làm nguyên liệu sản xuất mì Soba - một loại mì đặc trưng của Nhật Bản.
Qua nghiên cứu của Hiệp hội ẩm thực Nhật Bản, trong thành phần hạt hoa tam giác mạch có chứa nhiều khoáng chất như Inositol, sắt, kẽm, được xem có giá trị dinh dưỡng ngang bằng với gạo và ngô. Đây cũng chính là nguồn nguyên liệu giá trị để tạo ra món mì Soba – một đặc sản của Nhật Bản ngay tại Việt Nam mà không cần phải nhập khẩu nguyên liệu.
Sau một thời gian thử nghiệm, các chuyên gia nhận thấy rằng mì Soba chế biến từ hạt hoa tam giác mạch ở Hà Giang có chất lượng cao hơn nhiều so với hạt hoa tam giác mạch được trồng nơi khác. Vì vậy, hạt hoa tam giác mạch của Hà Giang sẽ được sơ chế và sản xuất thành bột để phân phối cho các cửa hàng mì Soba lớn nhỏ tại Nhật Bản, trong đó có chuỗi cửa hàng mì soba lớn nhất Nhật Bản Yude-taro với hơn 200 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo kế hoạch, chuyến hàng chở 5 tấn hạt hoa tam giác mạch của Hà Giang sẽ đến và xuất bến tại Cảng Hải Phòng, Việt Nam vào 16/11 và sẽ cập bến Cảng Yokohama, Nhật Bản vào khoảng 23/11.
Được biết, vừa qua, các hộ nông dân cùng Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam tiếp tục tiến hành trồng hơn 15ha hoa tam giác mạch tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang với năng suất dự kiến gần 8 tấn. Trong tương lai Hiệp hội sẽ tiếp tục xuất khẩu số lượng lớn hạt tam giác mạch Hà Giang sang thị trường Nhật Bản, với mục tiêu dự kiến 300 tấn cho năm 2023 và mong muốn sẽ tăng lên 3.000 tấn vào năm 2025.
Hoa tam giác mạch từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch tỉnh Hà Giang, ngoài vẻ đẹp thuần khiết từ hoa, các sản phẩm từ hạt hoa tam giác mạch cũng được nhiều người biết đến. Có thể kể đến các sản phẩm như: Bánh tam giác mạch ngọt dạng bỏng; bánh nhãn tam giác mạch; kẹo tam giác mạch mật ong; trà tam giác mạch dạng túi bột lọc; bún khô tam giác mạch; rượu tam giác mạch (hay còn gọi rượu A Páo); bánh nướng tam giác mạch... Vì thế, cây tam giác mạch đã trở thành cây chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi mảnh đất địa đầu tổ quốc.