Hà Nội: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành

Ngày 19/2, huyện Đan Phượng (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành”.

Làm rõ vị trí, vai trò Thành Ô Diên

Đây là lần thứ ba hội thảo về chủ đề này được tổ chức nhằm tiếp tục làm sáng tỏ hơn vị trí, quy mô, vai trò của Thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ VI; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành; công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hoá liên quan đến Thành cổ Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành.

Chú thích ảnh Quang cảnh hội thảo.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, Đan Phượng là vùng đất cổ, nơi hợp lưu của 3 con sông: Hồng, Đáy, Nhuệ. Đây là nơi có Thành cổ Ô Diên được chọn làm kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế. Đây cũng là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa gắn với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như hát chèo tàu, ca trù, thả diều sáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp thành phố. Một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và Thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (nay thuộc xã Hạ Mỗ)…

Theo TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, qua các hội thảo đã xác định được Khu vực thành cổ Ô Diên là khu vực trung tâm chính trị quân sự của Nhà nước Vạn Xuân. Hiện nay, trên vùng đất này còn hiện hữu những di tích lịch sử quan trọng liên quan đến Thành cổ Ô Diên như đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến. Vì thế hội thảo lần này nhằm tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để làm cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên.

Khai thác giá trị văn hóa để phát triển kinh tế

Tại hội thảo, một số chuyên gia đã nhấn mạnh những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản, gắn kết phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng và cả vùng di tích 2 bờ sông Hồng, liên kết với khu vực Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, một số tham luận cũng nêu những việc cần làm để trong tương lai có những dự án khả thi để khôi phục dòng sông Nhuệ cổ, xây dựng Công viên văn hóa lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành.

Chú thích ảnh Cụm di tích lịch sử tại xã Hạ Mỗ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đề xuất, huyện Đan Phượng cần đặt hàng các viện nghiên cứu, các nhà quản lý xây dựng quy hoạch đô thị huyện Đan Phượng có chất lượng. Trong đó, bảo tồn được không gian di sản văn hóa, lịch sử về Nhà nước Vạn Xuân, sự hình thành của cố đô Ô Diên theo hình thức công viên mở với mô thức cộng đồng chung sống.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia chia sẻ, nhận thức mới, nguồn lực văn hóa không đứng ngoài kinh tế. Tại khu vực này, lễ hội đền Văn Hiến (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) nếu có đề án tổ chức, thực hành tốt gắn với phát triển du lịch sẽ thúc đẩy, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế của huyện Đan Phượng, có thể đóng góp thiết thực cho mục tiêu hiện thực hóa khát vọng biến Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị đã nỗ lực, cố gắng tổ chức hội thảo khoa học nhằm cung cấp những luận cứ, khẳng định quyết tâm của TP Hà Nội trong việc cụ thể hóa quy hoạch cũng như định hướng của Chính phủ đã phê duyệt trên địa bàn huyện Đan Phượng và các huyện lân cận.

Ông Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện Đan Phượng sau hội thảo sớm có báo cáo với lãnh đạo thành phố những kiến nghị, đề xuất trên cơ sở kết luận của hội thảo những công việc cụ thể. Với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của huyện, cần phải làm ngay, trong đó sớm cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung ngay kết quả của hội thảo, đặc biệt là khu vực Thành cổ Ô Diên trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển của huyện.