Diễn ra trong 03 ngày 23-25/03/2024 (tức ngày 14 - 15 - 16 tháng 2 năm Giáp Thìn), Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội được biết đến là một trong những lễ hội độc đáo nhất của Thủ đô ngàn văn, văn hiến, anh hùng.
Sông Hồng mang theo phù sa và trầm tích văn hoá trong dòng chảy lịch sử ngàn năm để bồi tụ nên sự giàu có của một làng gốm sứ lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam - làng gốm Bát Tràng. Không chỉ được biết đến với những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng khắp năm Châu, mà còn bởi di sản văn hóa và nghệ thuật độc đáo, lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua cho du khách thập phương và bạn bè Quốc tế trong dịp này.
Khám phá di sản văn hoá độc đáo
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng là cuộc hành trình đưa du khách trở về với những nét đẹp văn hoá truyền thống của ngôi làng ngàn năm tuổi, cổ kính linh thiêng và nức tiếng hương danh của nghề gốm sứ độc đáo. Từ những công trình kiến trúc đồ sộ đến những giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo, lễ hội là cơ hội để tận hưởng và khám phá những giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt của Bát Tràng.
Nằm trong quần thể di tích của làng gốm sứ cổ truyền Bát Tràng, đình Bát Tràng được xây dựng vào năm 1720. Với kiến trúc bề thế, đình quay về hướng Tây, nhìn ra dòng sông Hồng. Kiến trúc đình theo lối chữ Nhị, phía sau là Hậu cung, nơi thờ 6 vị thánh thần được được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng. Phía trước là tòa Đại bái gồm 5 gian 2 trái với hai tầng bục gỗ và được dựng bởi nhiều cây cột gỗ lim lớn hàng vòng tay người ôm không xuể. Chính giữa tòa Đại bái là hương án thờ Công đồng, bên trên treo hai bức đại tự sơn son thếp vàng lớn: "Thiên địa hợp kì đức" 天地合其德 (Đức lớn thuận theo trời và đất).
Bên cạnh Đình Bát Tràng, một trong số những ngôi đình lớn của xứ Kinh Bắc xưa, làng Bát Tràng đến nay còn giữ gìn được nhiều di chỉ văn hoá, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo khác.
Trong hành trình qua miền di sản văn hoá Bát Tràng độc đáo không thể không nhắc đến công trình Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, biểu tượng cho sự thịnh vượng của Bát Tràng hôm nay. Một quần thể kiến trúc nằm trong khu đất rộng 3.700 m², với một mặt hướng vào làng Bát Tràng, một mặt ngoảnh ra dòng kênh Bắc Hưng Hải. trưng bày các sản phẩm làng nghề, kết nối các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Không gian kiến trúc nghệ thuật độc đáo này là nơi gìn giữ và lan tỏa tinh hoa nghệ thuật gốm Bát Tràng, mà còn là nơi để du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng, trải nghiệm những nét đẹp tinh hoa của làng nghề Việt.
Trải nghiệm đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ
Với hơn 1.000 năm phát triển, làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi sản xuất gốm mà còn là trung tâm của nghệ thuật gốm truyền thống. Tại Hội Làng, du khách sẽ được chứng kiến các nghệ nhân tài ba thổi hồn vào từng sản phẩm gốm bằng kỹ thuật truyền thống, từ gốm tâm linh thờ cúng đến gốm mĩ thuật trang trí.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng nghề được hình thành từ thời Lý với sự quy tụ của năm dòng họ làm gốm nổi tiếng nhất phủ Trường Yên. Nhận thấy Hoàng thành Thăng Long có nguồn nguyên liệu chất lượng là đất sét trắng, năm dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn nơi đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng. Đến với Bát Tràng, du khách không thể bỏ qua các sản phẩm từ chợ gốm cổ truyền. Gốm nơi đây có chất lượng cao với những nét đặc trưng không nơi nào có được, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Việt từ ngàn xưa. Chính điều này đã biến Bát Tràng trở thành nơi sản xuất và phân phối gốm sứ hàng đầu Việt Nam.
Trong khuôn khổ Lễ hội năm 2024 đã diễn ra sự kiện ra mắt Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng
Sự đa dạng về loại hình, mẫu mã là một điểm cộng lớn của khu chợ. Khách hàng có thể chọn lựa nhiều đồ gia dụng như bát, đĩa, lọ hoa, bình cổ; đồ trang trí như tranh gốm sứ tứ quý, đĩa treo tường, tượng gốm phù điêu,... Đồ thờ cúng với những hoa văn, họa tiết tinh tế, quý phái cũng là một lựa chọn phổ biến của khách hàng khi đến với làng gốm.
Nét đẹp của sản phẩm Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét từ khi chỉ là vật liệu thô cho đến khi thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cốt đất đặc trưng của gốm được phối tạo nên từ cát và phù sa của dòng sông Hồng. Men gốm được nung ở nhiệt độ tương đối cao từ 1250 đến 1320 độ C, tạo nên màu men sâu, đằm, mang đặc thù riêng của dòng gốm cổ.
Ngày nay, nhiều nghệ nhân của làng Bát Tràng đã tìm tòi, sáng tạo và phát triển nhiều dòng sản phẩm với những thương hiệu mang bản sắc riêng như gốm men gio, gốm vẽ vàng, gốm men rạn tinh xảo, ngàn năm gốm Việt được người tiêu dùng trong và ngoài nước sưu tầm, mua sắm.
Lễ hội văn hoá, nghệ thuật đậm đà bản sắc
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng là nơi lưu giữ những nét tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam kết tinh trong từng sản phẩm gốm nói riêng và mỹ nghệ nói chung. Một lễ hội độc đáo với nhiều hoạt động hấp dẫn như rước nước, cúng tế và lễ hội văn nghệ, du khách sẽ được trải nghiệm và tham gia vào không khí vui tươi của làng gốm Bát Tràng…
Đây cũng là dịp để thế hệ sau này thể hiện sự tự hào và tưởng nhớ các bậc tổ nghiệp đã truyền dạy cách để tạo ra các sản phẩm thực sự tinh xảo mang tầm hồn người Việt. Qua đó người dân cũng thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, gửi gắm khát vọng về cuộc sống luôn được hạnh phúc, no ấm; cầu mong “Mưa thuận gió hòa”, “Quốc thái dân an”,“ Dân sinh an lành hạnh phúc”, “Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, “Tăng cường khối đại đoàn kết”…
Theo đó, Lễ rước nước, tắm bài vị, rước bài vị được diễn ra từ Miếu Bát Tràng và rước về Đình Bát Tràng, buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với cờ phướn và kiệu đỏ rực rỡ giữ một vùng. Mâm lễ dâng lên rất hoành tráng được gọi là Tam chính gồm 1 Con Trâu tơ thui béo, 1 con dê thui béo, 1 con heo sữa quay. Mâm cỗ bao gồm 6 mâm cỗ mặn và 4 mâm xôi.
Độc đáo lễ hội rước nước tại Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng
Sau khi tế lễ xong, các quan viên chức sắc đại diện các dòng họ trong làng sẽ chia nhau mâm hưởng lộc thánh như là phần thưởng mà Thánh ban cho người dân. Lễ rước nước là nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, phần nghi lễ được thực hiện nghiêm trang. Chủ tế lễ sau khi dâng lễ lên thần sông sẽ đại diện dân làng xin nước thiêng từ sông Hồng và lọc qua tấm vải đỏ để rước nước về Đình cổ Bát Tràng.
Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi đặc sắc khác nhau và tạo nên nét đặc trưng riêng những nổi bật và ấn tượng nhất có lẽ là trò chơi cờ người và hát thờ. Để tổ chức cho trò trò cờ người thì hai đội chơi sẽ chọn ra 2 bà tướng cờ được cho là người người có phẩm hạnh, đạo đức tốt và giàu có nhất trong làng để làm tướng. Mỗi tướng bà sẽ nhận nuôi 16 thiếu nữ độ tuổi từ 10 đến 15 vừa xinh đẹp vừa nết na để nuôi ăn uống và cho mang áo quần đẹp. Các cô gái sẽ được cho rèn luyện tập làm cờ người trong một tháng mới được thi đấu trình diễn ở sân đình. Những chuẩn bị công phu cả tháng trời đủ để thấy trò chơi này quan trọng và hấp dẫn đến thế nào. Sau 3 chầu thi và 4 chầu cầm cờ đội nào vượt qua sẽ được hát thờ trong lễ hội của năm.
Đến với lễ hội làng nghề Bát Tràng, du khách không chỉ được tận hưởng những vẻ đẹp và sự sôi động của một làng gốm truyền thống mà còn là cơ hội để học hỏi và khám phá miền di sản độc đáo, nơi tinh hoa hội tụ. Từ những công trình kiến trúc độc đáo, lễ hội truyền thống giàu bản sắc văn hoá đến trải nghiệm tinh hoa ngàn năm gốm Việt… Đây còn là cơ hội để mua sắm những sản phẩm gốm tinh xảo, được chế tác tỉ mỉ dưới bàn tay của những nghệ nhân tài hoa.
Một số hình ảnh tại Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng: