Trong bối cảnh TP.HCM chuẩn bị triển khai chương trình chuyển đổi 400.000 xe máy xăng của tài xế công nghệ sang xe máy điện, nhiều ý kiến cho rằng phương tiện sử dụng điện sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể.
Xe máy điện tiết kiệm năng lượng hơn
Để so sánh khách quan, bài viết sử dụng hai mẫu xe phổ biến trong cùng tầm giá: Honda Vision (giá từ 31,3 triệu đồng) đại diện cho xe máy xăng và VinFast Feliz S (34,9 triệu đồng) đại diện cho xe máy điện.

Theo công bố của hãng, VinFast Feliz S có thể vận hành tối đa 198 km sau mỗi lần sạc đầy với gói pin LFP dung lượng 3,5 kWh.
Trong khi đó, Honda Vision tiêu thụ trung bình 1,82 lít/100 km. Với quãng đường tương đương 198 km, mẫu xe xăng sẽ tiêu tốn khoảng 3,6 lít xăng.
Tại kỳ điều chỉnh giá ngày 15/5, giá xăng RON 95-III là 19.590 đồng/lít, tương đương khoảng 70.500 đồng cho 198 km.

Trong khi đó, chi phí sạc đầy Feliz S tại trạm công cộng V-GREEN hiện là 3.858 đồng/kWh, tương đương 13.500 đồng cho một lần sạc đầy.
Thông số | VinFast Feliz S | Honda Vision |
---|---|---|
Quãng đường di chuyển | 198 km | 198 km |
Giá năng lượng | 3.858 đồng/kWh | 19.590 đồng/lít |
Chi phí sử dụng | 13.503 đồng | 70.524 đồng |
Chênh lệch chi phí vận hành lên tới hơn 5 lần, trong khi VinFast còn đang áp dụng chương trình sạc miễn phí tại trạm V-GREEN trong vòng một năm (không áp dụng cho tài xế Xanh SM).

Như vậy, với nhu cầu di chuyển cao của tài xế công nghệ, xe máy điện có thể giúp tiết kiệm vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi tháng.
Chi phí bảo dưỡng: Xe điện chiếm ưu thế
Ngoài nhiên liệu, chi phí bảo trì cũng là yếu tố cần xem xét. Theo hướng dẫn của Honda, Vision cần bảo dưỡng sau mỗi 6.000 km, trong khi VinFast Feliz S cần bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 5.000 km, bắt đầu từ mốc 1.000 km.
Sự khác biệt lớn nhất là xe điện không cần thay dầu nhớt, trong khi xe xăng cần thay định kỳ sau mỗi 1.000-2.000 km. Với mức giá trung bình 100.000-150.000 đồng/lần thay nhớt, chi phí này có thể đội lên khá cao với các tài xế chạy nhiều.

Các khoản chi khác như thay dây curoa (khoảng 450.000 đồng/lần cho Vision sau mỗi 15.000 km), bugi, dầu láp hay lưới lọc dầu... cũng chỉ áp dụng cho xe xăng.
Trong khi đó, chi phí bảo dưỡng xe điện chủ yếu tập trung vào hệ thống phanh, giảm xóc, lốp... giống xe xăng và không quá chênh lệch.
Pin – mối lo lớn nhất của người dùng xe máy điện
Điểm khiến nhiều khách hàng phân vân khi chọn xe điện chính là chi phí và tuổi thọ gói pin. Theo công bố từ VinFast, bộ pin LFP trên Feliz S có giá 19,9 triệu đồng, cao hơn nhiều so với bất kỳ hạng mục nào cần thay thế ở xe xăng.
Tuy nhiên, bộ pin này đi kèm chính sách bảo hành 5 năm không giới hạn số km, trong đó hãng có thể thay thế hoặc sửa chữa tùy tình trạng thực tế.

Ngoài ra, gói pin LFP có thể chịu được hơn 2.000 chu kỳ sạc/xả, tương đương hàng trăm nghìn km vận hành – vượt xa nhu cầu thông thường của người dùng cá nhân hoặc tài xế công nghệ trong vài năm đầu.
Có nên chuyển sang xe điện để “gỡ vốn” nhanh?
Nếu chỉ xét trong ngắn hạn, việc sử dụng xe máy điện cho hoạt động giao hàng hoặc xe ôm công nghệ sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng, từ đó tăng thu nhập ròng cho tài xế.

Về dài hạn, yếu tố tuổi thọ và độ tin cậy của pin sẽ là mối quan tâm chính. Tuy nhiên, với các hãng xe lớn như VinFast áp dụng chính sách bảo hành rõ ràng và sản xuất pin LFP vốn nổi tiếng bền bỉ và an toàn, nỗi lo này phần nào được giải tỏa.
Giống như ô tô điện đang dần thay thế xe xăng trong mảng vận tải hành khách, xe máy điện có tiềm năng trở thành phương tiện chủ lực trong ngành giao thông đô thị, đặc biệt khi chính quyền và doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ quá trình chuyển đổi.