HTX là điểm tựa của nền nông nghiệp cần phải hỗ trợ để phát triển nhanh, mạnh và bền vững

Trong những năm qua, tên cương vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Lê Minh Hoan luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động của Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, nhất là công tác chỉ đạo phát triển HTX. Dưới đây là một số trao đổi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan về HTX trên một số diễn đàn.

HTX là điểm tựa của nền nông nghiệp

Trao đổi với báo chí ngay sau khi Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá HTX là điểm tựa của nền nông nghiệp, tuy nhiên, đôi lúc, ở nhiều nơi, chưa hiểu hết được vai trò, tầm quan trọng, bản chất, mục tiêu của HTX đối với phát triển nông nghiệp. 

Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp bao năm nay chịu "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, quy mô hộ không lớn. Mà khi quy mô sản xuất quá nhỏ thì khó làm hàng hóa lớn, khó có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát cũng là điểm nghẽn lớn đeo bám ngành nông nghiệp trong nhiều năm. Muốn sản xuất lớn bắt buộc phải tích tụ đất đai, liên kết, tập hợp những người làm nông lại, chỉ khi người nông dân bắt tay hợp tác, đất đai mới được tập trung.

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, HTX là một trong những giải pháp quan trọng để tập trung đất đai với quy mô lớn, từ đó xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh, sản xuất theo quy trình đồng bộ, thống nhất, tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã.

bt11-1710345632.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của HTX

Thực tế, thời gian qua, do nhiều lý do, thể chế cũng có, tập quán cũng có, có những địa phương chưa nhìn thấy lợi ích, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của HTX như một cứu cánh để chuyển từ nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn, từ đó cấu trúc lại ngành hàng dựa trên sự hợp tác của những người sản xuất thông qua đại diện HTX.

Trên cùng một diện tích đó nếu chỉ có một người nông dân sản xuất kết quả sẽ rất khác với nhiều người nông dân liên kết lại với nhau. Rõ ràng, đất đai không thể nở ra nhưng khi tư duy của người nông dân thay đổi, biết liên kết, phá bỏ bớt bờ vùng bờ thửa thì không gian sản xuất sẽ mở ra rộng lớn, sẽ mang lại những thay đổi lớn lao. 

Không gian sản xuất rộng, cho phép bà con dễ dàng ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tạo thành chuỗi ngành hàng, từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường. Một hộ khó có thể làm được một chuỗi ngành hàng hoàn hảo nhưng nhiều hộ sẽ làm được, sẽ tạo ra giá trị gia tăng. Không những thế, trên tinh thần mua chung, một người đi mua giá cao hơn so với nhiều người mua, từ đó giúp chi phí đầu vào giảm.

Có một thực tế, nhiều mặt hàng nông sản khi đàm phán được thị trường thì lại không có hàng hóa đạt chuẩn, thiếu số lượng, thậm chí có lúc bị đứt gãy do yếu tố mùa vụ. Nguyên nhân là do sản xuất riêng rẽ, HTX sẽ giúp tổ chức lại ngành hàng. Khi HTX lớn hơn sẽ hoạt động đúng bản chất hơn và để có được điều này, bên cạnh việc đưa Luật HTX vào cuộc sống, quan trọng hơn là sự theo dõi, hỗ trợ xuyên suốt của các cấp lãnh đạo, của địa phương.

Tư duy liên kết ngày càng được cải thiện

Bộ trưởng cho biết thêm, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tập trung một số chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển HTX. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết “muốn HTX phát triển, trước hết, phải để người ta hiểu được năng lực, bản chất HTX. Bản chất của HTX là tận dụng lợi thế số đông để mua giá tốt hơn, bán được giá hơn. Dựa vào số đông để cơ giới hóa, tự động hóa, thay đổi quy trình canh tác, để cải thiện năng suất, chất lượng”. Việt Nam còn đang tiếp cận, tiến tới phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, 1 hộ không thể làm được điều này. Bởi vậy phải tiến tới HTX là một cấu trúc kinh tế để hợp tác người nông dân, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích khi chuyển từ kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác. Đồng thời, cần phân nhóm HTX để thúc đẩy kết hợp với doanh nghiệp, khi doanh nghiệp liên kết với HTX sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics cho HTX.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang có đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại thành phố Cần Thơ, với 5 nhiệm vụ trọng tâm: khai thông các luồng vận tải hàng hóa (đường thủy, bộ, hàng không và biển); thông quan bằng việc xây dựng theo mô hình cảng cạn kiểm hóa hiện đại ICD Cần Thơ, các kho ngoại quan, khu phi thuế quan; xử lý và bảo quản nông sản thông qua các giải pháp bảo quản an toàn, xây dựng và bố trí các kho lạnh; thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL; quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản ĐBSCL. 

Trung tâm nhằm mục tiêu thúc đẩy hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL lên tầm cao mới, hướng tới một nền kinh tế nông nghiệp phát triển, hiện đại, xuyên suốt từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu. Khi đó, các HTX sẽ là mạng lưới cung cấp nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.

Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025" nhằm thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 13 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2022-2025. 

Trong quá trình thực hiện đề án, Bộ NNPTNT cũng xác định, HTX sẽ đóng vai trò trọng tâm để hình thành các vùng nguyên liệu với mục tiêu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu, từ đó giảm chi phí đầu vào sản xuất từ 5-10% cho các thành viên HTX và người nông dân; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% số nguyên liệu và tăng giá từ 10-20%. Qua đó, tăng thu nhập 5-10% cho thành viên HTX và người nông dân. 

Tăng cường năng lực cho ít nhất 250 HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu, giúp nâng cao khả năng điều hành và tổ chức sản xuất của các HTX, thay đổi những tập quán sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân, từ đó phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị của chuỗi nông sản.

Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng Đề án sản xuất 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với phát triển HTX, gắn HTX với doanh nghiệp để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Có thể thấy, trong các đề án, chương trình, dự án của Bộ NNPTNT, vai trò của HTX luôn được coi trọng, coi đó là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tư duy liên kết hiện nay của nông dân đã có bước chuyển rất mạnh nhờ các hoạt động tuyên truyền, vận động, tôn vinh của các ban ngành, đoàn thể, các địa phương. Bà con đã không muốn đi một mình mà muốn hợp tác và hợp sức, hợp vốn lại, thể hiện qua con số thành viên của các HTX nông nghiệp ngày càng tăng, hiện đạt 3,8 triệu thành viên. 

Bộ trưởng cho biết đây là hiệu ứng tốt, thể hiện rõ việc hợp tác không chỉ trên phân chia lợi ích mà còn là niềm tin của thành viên với lãnh đạo HTX. Bộ trưởng nhấn mạnh: Các giám đốc HTX phải như thủ lĩnh, định ra chiến lược dài hạn, để bà con thấy vào HTX không chỉ lợi một vụ mà còn lợi cả những vụ sau, vào HTX là yên tâm đã có doanh nghiệp thu mua sản phẩm, phân phối vật tư.

Tiếp tục hỗ trợ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển

Tham luận tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022-Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới" diễn ra vào sáng ngày 02/02/2024, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá, khu vực kinh tế tập thể, trong đó có hợp tác xã (HTX), đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng nông nghiệp thông minh, số hóa, cơ giới hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập, cải thiện phúc lợi cho thành viên hợp tác xã và cư dân nông thôn.

Nhắc lời Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, tỉnh Đồng Tháp: “HTX đi đúng hướng, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, công nghiệp hóa nông thôn”, Bộ trưởng cho biết, Bộ NNPTNT thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 4 nhóm chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một là, hỗ trợ phát triển đa dạng các mô hình tổ chức, quản trị hợp tác xã, phù hợp với đặc trưng từng vùng miền, ngành hàng sản phẩm.

Hai là, đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, quản trị, nhất là đào tạo nghề giám đốc HTX và đào tạo đội ngũ trẻ làm việc trong HTX. Bộ NNPTNT cũng chuẩn hóa hệ thống tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo như tiêu chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình, học liệu điện tử... tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo.

Ba là, phát triển HTX gắn với vùng nguyên liệu. Bộ NNPTNT đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn 14 địa phương, trải dài từ Bắc vào Nam, với 5 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, gồm trái cây, lúa gạo, cà phê, tôm.

Ngoài ra, khoảng 1.000 HTX tham gia chuỗi lúa gạo trong vùng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ được hưởng lợi từ các chương trình, kế hoạch của Bộ NNPTNT.

Bốn là, đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các dịch vụ logistic hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.

"HTX không chỉ là một mô hình kinh tế đơn thuần, không chỉ là một phong trào có tính thời điểm. Hơn hết, HTX là hành trình đổi mới tư duy bền bỉ, không ngừng, là triết lý cấp tiến của nhân loại về giá trị của liên kết, hợp tác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.

img-4262-1710346012.jpeg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại mosự kiện của ngành Nông nghiệp Hà Nội

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm hơn nữa vào các nhóm chính sách. Đầu tiên là chính sách đất đai. Cụ thể: Đưa ra những giải pháp khả thi, linh hoạt về tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất kinh doanh để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn; Hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng hạ tầng (kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản); Thí điểm hình thành thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Nhóm chính sách thứ hai là về thuế, phí và lệ phí. Bộ trưởng gợi ý, cần nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng cho đối tượng HTX nông nghiệp, đặc biệt là các giao dịch nội bộ giữa HTX và thành viên. Ngoài ra, có thêm chính sách ưu đãi đối với HTX hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, HTX có nhiều thành viên, người lao động nữ, có nhiều thành viên, người lao động khuyết tật.

Cùng với đó là hỗ trợ chính sách tín dụng theo hướng tăng độ mở và linh hoạt đối với việc vay vốn cho HTX nông nghiệp, hoặc khuyến khích hoạt động tín dụng nội bộ. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đến hết năm 2023, cả nước có 96 Liên hiệp HTX nông nghiệp, trên 20.000 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt; gần 2.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; trên 4.000 HTX thực hiện bao tiêu nông sản.

Từ đó, Bộ trưởng đánh giá, kết quả này thể hiện vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới, Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, HTX là cấp số nhân tạo ra sức sống mới cho nông nghiệp, nông thôn; HTX là giải pháp đầu tiên trong mọi giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp; HTX chính là con đường dẫn đến sự thành công của nông nghiệp; Phát triển HTX sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều; Nếu không có HTX thì vẫn là sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết…

Có thể thấy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan không chỉ dành sự chỉ đạo sâu sát tới các mặt hoạt động của ngành Nông nghiệp và PTNT nói chung, sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của HTX, mà ông còn được biết đến người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những nhà quản lý, giới chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân, người nông dân và những chủ thể sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn./.