Ngành lúa gạo Việt Nam đang có bước chuyển giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

PV
Theo TTXVN: Ngành lúa gạo Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chú thích ảnh Nông dân tỉnh Cà Mau xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ảnh: TTXVN

Từ những mô hình như lúa - tôm ở bán đảo Cà Mau đến đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp  gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, ngành lúa gạo Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này cũng đang từng bước khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị lúa gạo toàn cầu không chỉ bằng sản lượng hay chất lượng, mà còn bằng hướng đi khác biệt: sản xuất xanh, phát thải thấp.

Tại bán đảo Cà Mau, mô hình canh tác luân canh lúa - tôm đã chứng minh hiệu quả vượt trội cả về kinh tế lẫn môi trường. Giống lúa ST24 và ST25 được trồng tại đây cho năng suất ổn định 6 tấn/ha, giá bán lên đến 9.200 đồng/kg, cao hơn khoảng 3.000 đồng so với lúa thường. Đặc biệt, vào vụ thu hoạch tháng Chạp, thương lái sẵn sàng trả tới 13.000 đồng/kg cho lúa ST25 - Lúa Tôm. Không chỉ tạo lợi nhuận gấp đôi, mô hình còn giúp giảm 30% lượng phân hóa học, 75% thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời ổn định môi trường sinh thái, bảo vệ vụ tôm và giảm phát thải khí nhà kính. Với hơn 2.000 ha đã được bao tiêu theo quy trình sản xuất xanh, mô hình này đang tạo nền tảng vững chắc để thương hiệu “Gạo Ông Cua” vươn ra thị trường quốc tế.

Trong khi đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp được đánh giá là bước đi chiến lược, góp phần định hình lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo theo hướng sinh thái và bền vững. Tính riêng năm 2025, diện tích đăng ký thực hiện đề án đã vượt 312.000 ha. Cả vùng đã chủ động triển khai hơn 100 mô hình thí điểm, với diện tích trên 4.500 ha, ghi nhận năng suất tăng từ 5 - 10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 3 - 5 triệu đồng/ha.

Tại Trà Vinh, một trong những địa phương đi đầu trong triển khai đề án, vụ Đông Xuân 2024 - 2025 có tới 16 mô hình với diện tích hơn 883 ha. Hai hợp tác xã Phát Tài và Phước Hảo là những điển hình thành công. Gia đình ông Nghị Mân, thành viên Hợp tác xã Phát Tài, thu hoạch 8 tấn/ha lúa giống OM 5451 - cao hơn 1 tấn so với ruộng ngoài mô hình, lợi nhuận tăng thêm gần 10 triệu đồng/ha. Còn ông Nguyễn Văn Phúc, thành viên Hợp tác xã Phước Hảo, trồng giống ST24 cho năng suất 8 tấn/ha, chi phí giảm mạnh nhờ sử dụng ít giống, ít phân bón và thuốc trừ sâu, lợi nhuận đạt 49 triệu đồng/ha, cao hơn 7 triệu so với cách làm truyền thống.

Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, mô hình còn ghi nhận mức giảm phát thải khí nhà kính tới 40–50% so với tập quán canh tác cũ. Nhờ giảm lượng giống gieo sạ từ 150 kg xuống còn từ 60 - 70 kg/ha, giảm phân bón hóa học 20 - 30%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất được cắt giảm đáng kể, lợi nhuận bình quân tăng 6,5 - 7,8 triệu đồng/ha. Từ thành công này, tỉnh Trà Vinh dự kiến nhân rộng mô hình lên 10.550 ha trong năm 2025, hướng tới 30.736 ha vào cuối năm 2030.

Chú thích ảnh Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, tỉnh Trà Vinh, thu hoạch lúa. Ảnh: TTXVN

Tại Tiền Giang, mô hình canh tác mới ban đầu khiến nông dân e ngại vì phải giảm lượng giống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cây lúa đẻ nhánh khỏe, tăng sức chống chịu sâu bệnh, năng suất cao hơn và lợi nhuận tăng thêm 8 - 10 triệu đồng/ha. Nhờ được bao tiêu sản phẩm và cơ giới hóa toàn bộ quy trình, người dân rất phấn khởi. Tỉnh đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn, giúp nông dân nắm rõ quy trình kỹ thuật và tư duy sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Không chỉ ở những diện tích trong mô hình, hay tham gia đề án, những kỹ thuật sản xuất lúa như áp dụng tưới ngập - khô xen kẽ (AWD) được khai ở nhiều vùng sản xuất lúa có điều kiện thủy lợi tốt đã giúp tiết kiệm nước, giảm phát thải khí mê-tan. Tại Nghệ An, mô hình AWD cho thấy mức giảm phát thải lên tới 50% so với truyền thống, tương đương 6,3 - 6,7 tấn CO₂ tương đương/ha, mở ra cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện. 

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, phương pháp canh tác tưới ngập khô xen kẽ AWD là giải pháp phù hợp cho nhiều vùng lúa, dễ đo đếm và tích hợp vào cơ chế chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải.

Bên cạnh kỹ thuật sản xuất, việc xây dựng thương hiệu cũng được ngành lúa gạo chú trọng. Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang xúc tiến phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp”, cấp cho các hợp tác xã, doanh nghiệp đạt chuẩn. Gạo Việt đạt tiêu chí xanh hiện đã xuất khẩu sang Nhật Bản, chuẩn bị vào thị trường Australia. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, để gạo xanh thực sự đi xa, cần chọn giống phù hợp từng thị trường. Với thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, nên tập trung vào giống Japonica hoặc ST25 - vừa hợp khẩu vị, vừa đảm bảo yếu tố phát thải thấp.

Ở cấp độ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc đồng bộ: từ hoàn thiện quy hoạch, cấp vốn, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, đàm phán hiệp định thương mại, đến tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Đặc biệt, yêu cầu các địa phương phát huy tối đa lợi thế thủy lợi để triển khai mô hình; tăng cường truyền thông, tập huấn; hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực và mở rộng diện tích canh tác theo đề án.

Sản xuất lúa gạo phát thải thấp không còn là mô hình thí điểm mà đang dần trở thành chuẩn mực canh tác mới. Sự thay đổi bắt đầu từ chính tư duy của người nông dân từ “làm nhiều để đủ ăn” sang “làm xanh để bền vững”. Đây không chỉ là bước tiến về kỹ thuật mà còn là lời khẳng định của Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp xanh toàn cầu.