Ngày 5/01, UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tổ chức khai mạc Lễ hội quýt hồng lần thứ I năm 2023, diễn ra từ ngày 5 - 8/01.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, cây quýt hồng đã gắn bó với vùng đất Lai Vung qua hơn 100 năm, đặc biệt thổ nhưỡng nơi đây cho thấy phù hợp với cây quýt, cho sản lượng và chất lượng tốt.
Dự tính, vụ Tết các nhà vườn trồng quý sẽ đưa ra thị trường khoảng 5.000 tấn.
"Với chủ đề "Khát vọng vươn lên", lễ hội kỳ vọng sẽ mang đến không khí vui tươi cho người dân trước thềm năm mới, đánh dấu bước ngoặt, khẳng định giá trị cây quýt, góp phần đưa các đặc sản của Lai Vung vươn xa hơn sau khi đạt các chuẩn OCOP", ông Nghĩa nói.
Đến Lai Vung trong những ngày này, có thể thấy không khí tất bật của các nhà vườn trồng quýt hồng đang chuẩn bị để kịp phục vụ thị trường Tết. Với hơn 300 ha quýt hồng, trong đó diện tích đang cho trái trên 200 ha, nhà vườn Lai Vung đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ quýt hồng bội thu năm nay.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tin tưởng, Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung, với những hoạt động nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học nhằm gia tăng giá trị cây quýt hồng và phát triển bền vững, sẽ là một “cú hích” quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất và tiêu thụ quýt hồng Lai Vung, cũng như các sản phẩm khác của huyện, phát huy tài nguyên bản địa, góp phần phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Nông dân phấn khởi
Lễ hội quýt hồng Lai Vung giúp nông dân phấn chấn và tự tin mở rộng diện tích trồng quýt sau dịch bệnh cháy lá thối rễ kéo dài nhiều năm qua.
Ông Lưu Văn Tín, nông dân trồng quýt hồng, bất ngờ vì lần đầu biết được từ quýt có thể chế ra tinh dầu - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ông Lưu Văn Tín, nông dân xã Long Hậu, cho biết ông trồng khoảng 7ha quýt hồng, dịch bệnh thối rễ vàng lá làm cho những vườn quýt rớt sản lượng thê thảm. Tuy nhiên, hai năm gần đây dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các nhà vườn dần khôi phục diện tích.
"Hiện, chúng tôi cố gắng duy trì, tích lũy kinh nghiệm, dùng phân hữu cơ vừa trồng vừa cải tạo đất. Nông dân trồng quýt có lễ hội riêng cũng phấn chấn, vui mừng, nhất là Tết sắp đến, nhiều nhà vườn đã được thương lái bỏ tiền cọc, chờ ngày hái", ông Tín nói.
Trong buổi sáng cùng ngày diễn ra hội thảo Bảo tồn và phát huy tiềm năng giá trị quýt hồng, qua đó ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia "hiến kế" cho nông dân duy trì năng suất và sản lượng quýt hồng trong thời gian tới.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm diện tích cây ăn trái lớn. Hiện, trái cây của chúng ta đang vướng rất nhiều vấn đề như hàng rào thương mại phải đưa trái cây qua cho đối tác lựa chọn, hàng rào thuế quan bị đánh thuế cao... nhưng chúng ta đều có thể vượt qua.
"Ngoài ra còn có hàng rào kỹ thuật, phải thẩm định được mức độ an toàn của trái cây, đó cũng là điều còn hạn chế hiện nay. Chúng ta phải nâng chuẩn chất lượng sản phẩm lên đạt chuẩn như OCOP, VietGAP… sẽ bán được nhanh. Ngoài ra còn rất nhiều khó khăn, vì thế hãy tận dụng lễ hội này để quảng bá, nâng cao giá trị cây quýt để đạt hiệu quả kinh tế như mong đợi", ông Tùng nói.
Bảo tồn và phát huy tiềm năng giá trị quýt hồng
Trong những ngày diễn ra Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung còn có hội thảo, toạ đàm để bảo tồn và phát huy giá trị quýt hồng, không gian trưng bày sản phẩm; các hội thi cây quýt hồng đẹp, vườn quýt hồng kiểu mẫu, mâm ngũ quả đẹp, hội thi ẩm thực dân gian có sử dụng thực phẩm từ quýt, vẽ tranh thiếu nhi “Mùa quýt quê em” và các trò chơi dân gian tạo không gian văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch trong dịp Tết đến xuân về cho người dân và du khách.
Quýt hồng Lai Vung được trưng bày tại Lễ hội
Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy tiềm năng giá trị quýt hồng”, theo Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung, quýt hồng gắn bó với nông dân huyện Lai Vung đã gần 100 năm qua. Từ khoảng 2010 - 2016, mỗi năm tăng bình quân gần 100 ha quýt, nâng tổng diện tích lên gần 1.000 ha, với sản lượng bình quân khoảng hơn 30.000 tấn, mang lại giá trị gần ngàn tỷ đồng hằng năm.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Lễ hội còn tổ chức đoàn Famtrip tham quan các điểm du lịch cộng đồng, làng nghề, di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP để du khách tìm hiểu về những thế mạnh, tiềm năng du lịch. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, lễ hội nhằm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để gia tăng giá trị cây quýt hồng và phát triển bền vững, mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất và tiêu thụ, góp phần phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Tuy nhiên, đi kèm theo sự thâm canh tăng năng suất thì sâu bệnh cũng phát triển theo, các vùng quýt hồng truyền thống xuất hiện hiện tượng vàng lá thối rễ, héo xanh. Năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án bảo tồn, khôi phục cây quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung. Đến nay, cây đã hồi phục và dần cho năng suất cao trở lại, một số vườn cây bệnh nặng bị đốn bỏ đã bắt đầu trồng lại và hiện đang sinh trưởng tốt.
Hiện tại, toàn huyện có hơn 200 ha quýt hồng đang cho trái hàng năm, năm 2022 ước khoảng 5.000 tấn và khoảng 50 ha đang được trồng mới.
Nhằm giúp nhà vườn huyện Lai Vung sản xuất quýt hồng mang lại hiệu quả cao hơn, tại hội thảo, các chuyên gia nông nghiệp đã thông tin, định hướng tình hình sản xuất tiêu thụ các loại nông sản nói chung, cây quýt hồng nói riêng. Đồng thời, chia sẻ giải pháp công nghệ trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch cây có múi, đặc biệt là quýt hồng.
Áp dụng công nghệ chế biến và tận dụng phụ phẩm từ quýt hồng sẽ giúp giải quyết đầu ra cho trái quýt, góp phần phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả kinh tế. Trong đó, quýt hồng có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như: Rượu vang, kẹo, mứt vỏ, tinh dầu, mỹ phẩm…
Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, có nhiều đề tài khoa học đã và đang nghiên cứu trên cây quýt hồng. Trong đó, các đề tài như: Khắc phục hiện tượng khô đầu múi trái quýt hồng, khắc phục hiện tuợng cây bị chết xanh và rạn vỏ quả trên cây quýt hồng, cải thiện phẩm chất trái quýt hồng huyện Lai Vung.
Đầu mối tiếp nhận các kết quả nghiên cứu là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị trực thuộc Sở, đã triển khai ứng dụng thông qua việc phổ biến các quy trình kỹ thuật, tổ chức các buổi tập huấn và tổ chức tham quan học tập mô hình sản xuất mẫu. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân trong việc chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả cao, hướng đến sản xuất hàng hóa an toàn và chất lượng, góp phần giữ vững thương hiệu quýt hồng Lai Vung.