Lỗ hổng an toàn trong du lịch đường thủy lộ diện sau vụ lật tàu Vịnh Xanh trên vịnh Hạ Long

Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 mới xảy ra vào ngày 19/7 không chỉ để lại hậu quả nặng nề mà còn làm dấy lên lo ngại về năng lực cảnh báo thời tiết, quy trình giám sát hành trình và cơ chế phản ứng sự cố trong ngành du lịch đường thủy.

Ngày 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 rời cảng Bãi Cháy (Quảng Ninh) vào lúc 12h55, chở theo 46 hành khách và 3 thuyền viên. 

Khi đang tiến gần khu vực hang Đầu Gỗ, vào khoảng 13h30, giông lốc bất ngờ ập đến khiến tàu bị lật úp. Tất cả hành khách rơi xuống biển trong tình huống hoảng loạn.

Đến 14h05, tín hiệu GPS của tàu mất hoàn toàn. Vị trí xảy ra tai nạn cách bến Tuần Châu hơn 1km và cách đất liền khoảng 3km.

Tại cuộc họp ngày 20/7, đại tá Hoàng Văn Thuyết - Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh - cho biết lực lượng chức năng nhận được tin báo đầu tiên lúc 15h30, tức khoảng hai giờ sau khi tai nạn xảy ra. Ngay sau đó 10 phút, tàu cứu hộ đã được điều động đến hiện trường.

tau-vinh-xanh
 

Đại tá Thuyết lý giải nguyên nhân khiến thông tin chậm đến tay cơ quan chức năng là do sau vụ lật tàu, khu vực này tiếp tục xuất hiện mưa đá và giông lốc kéo dài đến 15h, gây cản trở việc liên lạc và phát tín hiệu cứu nạn.

Không được ứng cứu kịp thời, nhiều hành khách và thuyền viên trên tàu Vịnh Xanh 58 phải tự tìm cách thoát thân. Một số người bị mắc kẹt bên trong khoang tàu được bạn đồng hành giải cứu nhưng không may thiệt mạng do đuối sức. 

Thống kê đến sáng 21/7 ghi nhận 36 nạn nhân thiệt mạng, 3 người mất tích và 10 người được cứu sống. Công tác tìm kiếm những nạn nhân còn lại vẫn đang được các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai.

Tàu đạt chuẩn kỹ thuật nhưng thiếu thiết bị phát tín hiệu cấp cứu tự động

Tàu Vịnh Xanh 58 được đóng từ năm 2015, dài 24 mét, rộng 6 mét, trọng tải 12 tấn, công suất chở 48 hành khách.

Theo giấy chứng nhận của Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng) tỉnh Quảng Ninh, phương tiện này đã được kiểm định và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật cùng bảo vệ môi trường vào tháng 1/2025, hạn kiểm định kéo dài đến hết năm 2026. Tàu cũng được lắp thiết bị định vị GPS theo yêu cầu từ UBND tỉnh.

Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, khẳng định tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đều phải đáp ứng quy chuẩn an toàn cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia. Vịnh Xanh 58 đạt hệ số ổn định 2,3, trong khi mức tối thiểu theo quy định là 1.

tau-vinh-xanh-1
 

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đã được chỉ ra sau vụ lật tàu là khi GPS bị ngắt, tàu không thể phát tín hiệu cấp cứu tự động. TS Phạm Hà - CEO Lux Group - cho biết trong tình huống như vậy, thuyền trưởng chỉ có thể phát tín hiệu thủ công bằng bộ đàm hoặc nút AIS cạnh chỗ lái.

 Nếu thuyền trưởng hay thuyền viên không kịp phản ứng khi xảy ra sự cố, không có cơ chế nào tự động gửi cảnh báo tới cơ quan chức năng. Đây được xem là lỗ hổng trong thiết kế an toàn của tàu du lịch hiện nay.

Một chuyên gia hàng hải đề xuất cần lắp đặt thiết bị EPIRB - đèn hiệu vô tuyến khẩn cấp thường dùng trên tàu biển. Khi xảy ra sự cố, thiết bị này sẽ tự động phát tín hiệu cấp cứu qua vệ tinh, giúp trung tâm cứu hộ phát hiện ngay lập tức vị trí tàu gặp nạn.

Cơ chế giám sát tàu

Theo quy định của tỉnh Quảng Ninh ban hành năm 2024, tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long phải tuân thủ hành trình được ghi trong Giấy phép rời cảng, bến do Cảng vụ cấp. 

Nếu có thay đổi tuyến, chủ tàu phải xin phép Cảng vụ và được Ban Quản lý vịnh chấp thuận. Khi tàu ghé các điểm tham quan, thuyền trưởng trình báo giấy phép và Cảng vụ sẽ kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước khi cho phép tiếp tục hành trình hoặc quay về đất liền.

Quy trình xuất bến yêu cầu chủ tàu khai báo danh sách hành khách, mua vé từ Ban Quản lý vịnh, xin xác nhận của Cảng tàu khách và làm thủ tục xuất bến tại Cảng vụ đường thủy, đồng thời nộp một bản cho Biên phòng.

tau-vinh-xanh-2
 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy lỗ hổng trong giám sát: tàu Vịnh Xanh 58 mất tín hiệu GPS từ 14h05 ngày 19/7, nhưng phải đến 15h30 Biên phòng mới tiếp nhận tin báo tai nạn. 

Hiện chưa rõ liệu các đơn vị giám sát có phát hiện tàu mất kết nối hay không, và nếu có, cơ chế phản ứng cụ thể ra sao vẫn chưa được công bố.

Quy trình cảnh báo giông lốc và ứng phó tình huống đột xuất

Theo quy định an toàn hàng hải do tỉnh Quảng Ninh ban hành, khi tàu di chuyển trong khu vực cảng, bến hoặc vùng nước có nhiều phương tiện, nguy cơ va chạm cao hoặc điều kiện thời tiết xấu (mưa, sương mù, gió lớn...), thuyền trưởng buộc phải trực tiếp điều khiển tàu. 

Cùng lúc, thợ máy phải thường trực trong buồng máy, thuyền viên bố trí cảnh giới trên boong tại các vị trí quan trọng, đồng thời hành khách không được phép đi lại, ngồi hoặc đứng ở các vị trí nguy hiểm như mạn tàu, mũi, lái và boong dạo.

Trường hợp thời tiết chuyển biến bất lợi, không còn đảm bảo an toàn cho hành trình, thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo cho hành khách, đưa tàu vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời báo cáo vị trí và tình hình thời tiết cho Cảng vụ để cơ quan chức năng theo dõi, phối hợp khi cần thiết. Cảng vụ cũng có quyền thông báo tới các tàu du lịch về khu vực trú ẩn khi phát hiện điều kiện thời tiết bất thường.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy các quy trình này khó có thể triển khai hiệu quả nếu giông lốc xảy ra quá đột ngột. Trong sự cố lật tàu Vịnh Xanh 58 ngày 19/7, giông gió mạnh bất ngờ ập đến và nhấn chìm con tàu chỉ trong vài giây. 

Điều này khiến các bước xử lý khẩn cấp như phát cảnh báo cho hành khách, chuyển hướng về điểm trú ẩn hay liên lạc với Cảng vụ đều không kịp thực hiện. Vụ việc đặt ra câu hỏi: liệu có thể xây dựng hệ thống cảnh báo thời tiết nhanh hơn, hiệu quả hơn dành riêng cho hoạt động du lịch đường thủy?

tau-vinh-xanh-3
 

Tại cuộc họp chiều 19/7, ông Bùi Hồng Minh - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh - cho biết Cảng vụ Hàng hải địa phương hiện hợp đồng với Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh để cung cấp ba bản tin thời tiết cố định mỗi ngày. 

Trong ngày xảy ra tai nạn, bản tin lúc 6h30 và 10h đều khẳng định thời tiết thuận lợi, gió chỉ cấp 2-3. Tàu Vịnh Xanh 58 rời bến lúc 12h45 hoàn toàn theo đúng quy định. Tuy nhiên đến 13h30, thời điểm tàu đã đi vào vùng nguy hiểm, mới xuất hiện bản tin cảnh báo về giông lốc bất thường.

Theo TS Phạm Hà - CEO Lux Group, đơn vị đang vận hành nhiều du thuyền tại Nha Trang, Lan Hạ, hiện Việt Nam chưa có quy chuẩn rõ ràng hoặc hướng dẫn cụ thể về cách đối phó với hiện tượng giông lốc khi tàu đang hành trình. 

Các quốc gia khác cũng chưa có quy định cụ thể, nhưng tại Mỹ, thuyền trưởng có thể chủ động theo dõi các nền tảng dự báo thời tiết thời gian thực như windy.com, nơi cập nhật liên tục dữ liệu khí tượng từng phút, giúp họ đưa ra quyết định chính xác hơn khi đang lái tàu.

TS Hà đề xuất Việt Nam cần phát triển hệ thống cảnh báo thời tiết biển theo thời gian thực, sử dụng công nghệ như radar ven bờ, phao đo sóng, dữ liệu vệ tinh và trí tuệ nhân tạo để mô phỏng và cảnh báo theo từng vùng cụ thể. 

Các cảnh báo cần được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, ngôn ngữ dễ hiểu và có thể truyền tải qua nhiều kênh như ứng dụng điện thoại, đài VHF và cả màn hình trên tàu để tăng hiệu quả tiếp cận và phản ứng kịp thời trong mọi tình huống.

tau-vinh-xanh-4
 

Điều tra nguyên nhân, khắc phục toàn diện

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan đang khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. 

Đồng thời, toàn bộ hệ thống quy trình an toàn hàng hải sẽ được rà soát, đánh giá và điều chỉnh để đảm bảo không tái diễn những thảm kịch tương tự.