Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 27

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 27.

Hai người lại bê ly uống. Chợt Lagrandire đặt ly xuống và nói:

-Tôi có kế này.

Luis Bonard hỏi:

-Thiếu tướng có kế gì hay vậy?

-Thứ nhất về địa hình, đường sá nhất là các khu căn cứ thì mua chuộc bọn Việt gian để chúng dẫn đường. Thời nào, nước nào cũng có bọn người bản xứ hám danh lợi tiền tài, nhất là những tên từng là hầu cận cho chủ soái, nhờ chúng dẫn đường mới triệt hạ được. Thứ hai, người Việt vốn có truyền thống trung với triều đình, trung với vua. Khi nhà vua Việt Nam ra lệnh cho các thủ lĩnh hạ vũ khí mà họ không làm theo thì họ bất trung. Cho nên chúng ta phải đánh lừa, đàm phán với triều đình, rằng nước Pháp không đánh chiếm Việt Nam làm gì, chỉ cần mở cửa thông thương, không cấm truyền bá Đạo Thiên chúa thì không có chiến tranh, sẽ có hòa bình. Ghi vào trong văn bản hiệp ước là triều đình Huế phải ra lệnh cho các thủ lĩnh giải tán nghĩa binh để kết thúc chiến tranh, bảo vệ hòa bình. Khi triều đình không ủng hộ nữa thì nghĩa quân sẽ suy yếu, sẽ thất bại. Có lẽ nếu thương lượng sắp tới Đô đốc cứ hứa trả lại Vĩnh Long và thứ hai hứa sẽ không đánh lan ra các tỉnh khác. Mơ hồ như sứ giả nhà Nguyễn, mù tịt về tình hình thế giới mà được trả lại đất, không đánh ba tỉnh miền Tây là sướng rơn lên rồi.

-Nhưng như vậy ta cũng bị bó tay khi muốn đánh ba tỉnh miền Tây?

Lagrandire nói:

-Khi muốn đánh thì cứ đánh chứ sao, có ai bắt bẻ ta là bội ước đâu. Lẽ phải trong tay kẻ mạnh mà. Hahaha...

Lagrandire và Luis Bonard lại uống và cười ngất:

-Hay, hiệp ước, hay, kí kết rồi xóa bỏ hahaha....

Hai tên đang lơ mơ trong men rượu và mơ thấy một bản Hòa ước thì có người ở phòng tham mưu vào:

-Trình Đô đốc, xin gửi Đô đốc bản bảo cáo mà Đô đốc yêu cầu.

-Báo cáo gì vậy?

-Dạ báo cáo tình hình chiến sự từ tháng 1 đến hết tháng 5 năm 1862 ở ba tỉnh miền Đông ạ.

Luis Bonard cầm báo cáo và đọc. Báo cáo viết: “Ngày 10-1-1862, Trương Công Định tấn công đồn Gia Thạnh ở Tân Hòa. Quân ta bị tiêu diệt, số còn lại đã rút chạy. Nghĩa quân đánh đồn Tân Hòa để báo thù việc Pháp ngày 1-2-1862 đã bắt Phủ Cậu Trần Xuân Hòa. Ngày 11-1-1862 Trương Công Định liên kết với Võ Duy Dương tấn công đồn Rạch Gầm. Từ ngày 22-1-1862 đến ngày 28-2-1862, Trương Công Định và Võ Duy Dương đã ba lần tấn công vào đồn Kỳ Hôn. Quân ta đã tháo chạy. Nghĩa quân truy kích. Ngày 23-1-1862 quân của Võ Duy Dương bao vây tấn công đồn Rạch Gầm. Ngày 28-1-1862 nghĩa quân Trương Công Định đồng loạt tấn công đồn Cái Bà, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm và tấn công pháo hạm Shamrock. Ngày 6-2-1862 đến ngày 18-2-1862 Trương Công Định đem quân đánh mạnh ở vùng Chợ Cũ (Mỹ Tho)., Thiếu tướng Hairb Pháp đã ra lệnh rút khỏi đồn Gia Thạnh, đồn Kỳ Hôn, đồn Chợ Cũ (Mỹ Tho) và đồn Rạch Gầm. Các quan chức hội tề của ta cũng bỏ chạy theo quân Pháp. Đêm 4-4-1862 nghĩa quân Trương Công Định đột kích vào Chợ Lớn, dọc rạch Tàu Hủ đánh tới đồn Cây Mai, tất cả đồn Pháp bị đốt cháy. Mọi cơ cấu chính quyền Pháp ở những vùng chiếm đóng bị sụp đổ. Nghĩa quân còn tấn công đồn Rạch Tra ở Củ Chi, dọc đường đi từ Sài Gòn đến Tây Ninh, đồn Thuận Kiều. Đặc biệt là trận tấn công Chợ Lớn, trung tâm của Pháp ở Gia Định, tiêu hủy kho đạn và nhiều cơ sở vật chất của Pháp. Lực lượng của Trương Công Định ngày càng lớn mạnh, nhân dân ba tỉnh miền Đông nổi dậy đánh Pháp khắp nơi. Các quận huyện quan trọng của hai tỉnh Gia Định, Định Tường đều do nghĩa quân làm chủ, quân Pháp chỉ còn giữ được tỉnh lỵ và một số đồn, tinh thần rất hoang mang lo sợ. Tháng 3 năm 1862, do những chiến công, triều đình đã cho thị vệ Nguyễn Thi vào phong Trương Công Định làm Phó Lãnh binh Gia Định, Bình Tây Tướng quân, chỉ huy toàn bộ nghĩa quân ba tỉnh miền Đông Đánh Pháp. Nguyễn Thi còn đến Kiến Hòa phong Võ Duy Dương chức chánh Đô đốc, phong Nguyễn Hữu Huân chức Phó Đề đốc. Trương Công Định đã liên kết với các thủ lĩnh ở các địa phương tạo nên sức  mạnh tấn công. Những bài hịch của Trương Công Định được truyền tay người này đến tay người khác, phổ biến khắp nơi. Sau khi Đại Đồn Chí Hòa thất thủ, lực lượng của Trương Công Định có ảnh hưởng to lớn. Riêng ở căn cứ Gò Công, ông đã có tới 6.000 quân.

Từ khi Đại Đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Công Định đã đem quân về xây dụng căn cứ ở Gò Công (Tân Hòa), Tân Hòa biến thành vùng đất hiểm trở, trung tâm kháng chiến chống Pháp mạnh nhất ở miền Đông. Trương Công Định còn liến kết với nhiều thủ lĩnh nghĩa quân nổi tiếng như Nguyễn Trung Trực ở Tân An, Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hữu Huân, Bùi Quang Diệu  ở Cần Giuộc”.

Luis Bonard đọc xong bàng hoàng nói với Lagrandiere

-Bọn nông dân xứ này còn đáng sợ hơn quân đội triều đình nhiều lần. Thiếu tướng đọc đi.

Lagrandiere  cầm báo cáo lên đọc, đọc xong thì nói:

-Cho nên ký hiệp ước với triều đình là diệu kế để mượn tay Tự Đức dẹp các cuộc khởi nghĩa đi. Ta hãy nhanh chóng cho triều đình thấy rằng ta sẵn sàng ký hòa ước,

-Thiếu tướng nói phải lắm...

   *

 

Tại Tổng hành dinh quân Pháp ở Sài Gòn, Bonard đang ngồi lo lắng cho chiến cuộc ở miền Nam. Trong khi Pháp đánh chiếm các thành thì các thành thất thủ dưới tầm đại bác mạnh của Pháp, nhiều quan lại hèn nhát bỏ chạy, thì những đạo quân ứng nghĩa của dân chúng tự đứng dậy đánh Pháp ngày càng lan rộng khắp nơi, ngày càng mạnh mẽ, họ dùng chiến thuật du kích tiêu hao, tiêu diệt quân Pháp mà không một đại bác nào có thể tiêu diệt hết được. Hơn nữa, họ lại thông thuộc địa hình sông nước, họ được sự ủng hộ của hàng triệu nhân dân. Vài nghìn quân Pháp chắc chắn sẽ bị tiêu diệt trong biển cả chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Những đội quân này đã làm cho Đô đốc Sáclơ Đơgiơnuli, kẻ đã dày dạn trong cuộc xâm lược Trung Quốc, kẻ đã hạ thành Gia Định mà cuối cùng bất lực, bị triệu hồi về Pháp. Luis Bonard lo nhất là nếu triều đình Huế kêu gọi toàn dân đứng dậy đánh Pháp, quân triều đình kết hợp với những đội quân ứng nghĩa thì công cuộc chinh phục Đại Nam có khả năng thất bại và tương lai của y sẽ giống như của Sáclơ Đơgiơnuli. Y đang cầm chai champagne tu một ngụm thì có lính vào báo:

-Dạ, bẩm Đô đốc, có sứ thần của triều đình Tự Đức là đại thần Phan Thanh Giản tới xin được nghị hòa với chúng ta.

Bonard mừng rỡ:

-Lạy Chúa, thực là Chúa giúp con và giúp quân viễn chinh Pháp trong cuộc chinh phục này. Cho ông ta vào ngay.

-Dạ, thuộc cấp tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL