Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 24

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 24

Tự Đức hỏi:

-Nhưng mà thương thuyết thì Pháp có trả lại bốn tỉnh cho ta không?

Trần Tiến Thành còn lúng túng thì Trương Bá Nghi bước ra:

-Tâu hoàng thượng, thần cho rằng Pháp đánh ta không phải để chiếm nước ta mà là buộc ta bỏ sắc lệnh cấm truyền bá đạo Thiên Chúa để tôn giáo này lan rộng, nhiều cư dân theo đông hơn. Cho nên khi đàm phán ta chính thức cho Pháp truyền bá đạo thiên chúa thì chúng sẽ chấm dứt chiến tranh và trả lại bốn tỉnh cho ta. Tình hình miền Nam ngoài hòa đàm ra thần nghĩ không còn chước gì hơn.

Lâm Duy Hiệp bước ra:

-Bẩm hoàng thượng, thần tán thành ý kiến cần giảng hòa với Pháp của ngài Trần Tiến Thành và ngài Trương Bá Nghi. Ngoài đòi hỏi tự do truyền đạo, Pháp còn muốn ta mở cửa cho chúng thông thương. Ta cho họ quyền tự do thông thương chắc họ sẽ trả lại bốn tỉnh cho ta.

Trương Đăng Quế bước ra:

-Tâu hoàng thượng, thần tán thành ý kiến của các đại thần trên, người Pháp là bọn con buôn tham lam, ngoài cho chúng được quyền thông thương, truyền đạo còn cho chúng ít tiền bồi thường, coi như là để ta chuộc lại bốn tỉnh.

Nguyễn Đang Giai bước ra tiếp lời của Trương Đăng Quế:

-Tâu hoàng thượng, thần nghĩ giảng hòa là đúng. Trong tình hình đất nước ta hiện nay kinh tế tài chính sa sút, tình hình hỗn loạn. Ngoài Bắc còn có bọn Lê Văn Phụng lợi dụng sự bất mãn của nông dân đã xúi giục nông dân nổi loạn, bạo động khắp các tỉnh đồng bằng, Đoàn Hữu Trưng nổi dậy ở ngay kinh thành Huế. Cho nên cần phải hòa ở miền Nam để ổn định tình hình miền Bắc. Vả lại trình độ khả năng trang bị hiện nay không thể đánh lại quân Pháp có vũ khí tàu chiến đại bác hiện đại. Ở Đà Nẵng, khi mặt trận rời xa biển không có sự yểm trợ của tàu chiến đại bác thì Pháp đã bị Nguyễn Tri Phương đánh thua. Nhưng nay chúng đặt đại bác cả lên xe ngựa kéo, hỗ trợ cho đánh xa sông nước, không có tàu chiến yểm trợ. Các trận ở thành Gia Định, Đại Đồn Chí Hòa, Đồng Nai, Định Tường chứng tỏ thành cao hào sâu, những con đê đập ngăn sông đều không chịu nổi sức công phá của đại bác Pháp. Cho nên chúng ta thủ để hòa nhưng nay cũng không thủ được thì lại càng phải hòa ạ.

Tôn Thất Thuyết bước ra:

-Muôn tâu hoàng thượng, thần kịch liệt phản đối các ý kiến chủ trương giảng hòa. Thủ để hòa nhưng nay không thủ được nữa mà hòa thực chất là xin đầu hàng. Giảng hòa để cho chúng tự do truyền bá đạo Thiên chúa, tự do thông thương, bồi thường chiến phí thì chúng trả lại bốn tỉnh chỉ là ảo tưởng, đó chỉ là giấc mộng, là bán nước. Không nhìn ra phương Tây xa xôi thì các vị nhìn sang Trung Hoa ngay gần nước ta, láng giềng của ta. Sau khi đánh Trung Quốc thua trong hai cuộc chiến tranh thuốc Phiện lần 1 từ tháng 9-1839 đến tháng 8-1842, lần 2 từ tháng 10-1856 đến tháng 10-1860, Anh, Pháp buộc Trung Quốc ký Điều ước Nam Kinh và Điều ước Thiên Tân, buộc Trung Quốc mở cửa tự do buôn bán, tự do truyền bá đạo Thiên Chúa, bồi thường chiến phí hàng triệu lạng bạc nhưng chúng có trả lại đất đã chiếm cho người Trung Quốc đâu, mỗi nước chiếm giữ một vùng rộng lớn, độc chiếm, người Trung Quốc ngoài vùng đó cũng không được vào, trong đó chúng tổ chức cai trị và vơ vét. Những vùng còn là của người Trung Quốc thì chúng tự do đi lại buôn bán, luật pháp Trung Quốc không có ý nghĩa gì, ví dụ chúng giết người Trung Quốc nhưng phải giao lại  thủ phạm cho chúng xử. Ai bảo Pháp không có ý đồ xâm lược chiếm đất đai của Việt Nam, xem chúng hành động ở Trung Quốc thì rõ. Cho nên trả lời câu hỏi vì sao Pháp xa xôi như vậy mà lại đánh nước ta? Câu hỏi khác là vì sao chúng xa xôi như vậy mà câu kết với Anh và các nước khác đánh Trung Quốc? Câu trả lời đã rõ ràng ở Trung Quốc. Ở nước ta đòi tự do truyền đạo, tự do thông thương chỉ là cái cớ. Nguyên nhân Pháp đánh nước ta là để chiếm Nam Kỳ để bóc lột vơ vét lúa gạo cá mú giàu có, sau đó chúng sẽ đánh chiếm toàn bộ miền Bắc và chiếm toàn bộ nước ta. Các vị hãy nhớ lấy lời của tại hạ xem có đúng không, lấy cái nguy của Trung Quốc xem lại cái nguy của mình xem có đúng không?

Nguyễn Văn Tường bước ra sau Tôn Thất Thuyết:

-Muôn tâu hoàng thượng, muốn lấy lại bốn tỉnh Nam Kỳ bằng thương lượng là  không được. Trong hòa đàm, Pháp đang ở thế mạnh, áp đảo thế yếu. Ta thế yếu thì khiếp sợ nhân nhượng, nhân nhượng là đầu hàng, phải cho chúng đất đai và quyền lợi...

Ngự sử Phan Đình Phùng bước ra sau Phan Văn Tường.

-Tâu hoàng thượng, thần phản đối ý kiến cho rằng ta giảng hòa vì có muốn đánh cũng không đủ sức. Trong khi quân đội triều đình và các tướng lĩnh ở các thành cứ nghe đại bác của quân Pháp là tan vỡ mở cửa thành bỏ chạy. Ở Định Tường Pháp chưa đánh Tuần phủ, Tổng đốc đã bỏ trốn từ trước. Ở Biên Hòa tướng lĩnh trong tay hàng vạn quân vào cứu thành Biên Hòa nhưng án binh bất động, mặc cho Biên Hòa thất thủ. Trong khi đó các tướng lĩnh chỉ huy dân binh là những đội quân không chuyên nghiệp nhưng đã đánh Pháp làm chúng rất khiếp sợ như Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy tàu Hi Vọng của Pháp trên sông Nhựt Tảo, những tướng lĩnh như Trương Công Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, Trần Xuân Hòa, Bùi Quang Diệu đã và đang đánh Pháp tơi tả khắp miền Đông. Theo tin do thám bây giờ mang tiếng là Pháp chiếm bốn tỉnh Nam Kỳ nhưng trên thực tế chúng chỉ kiểm soát được những vùng chúng mạnh như các trấn thành Gia Định, Định Tường. Còn toàn bộ vùng nông thôn rộng lớn là do quân ta làm chủ, kiểm soát. Cho nên từ khi chiến tranh nổ ra, chúng ta đã quên một lực lượng quan trong là nhân dân. Triều đình chưa giúp được gì cho kháng chiến của nhân dân cả. Bây giờ mà thương nghị ký hòa ước là thế nào Pháp cũng buộc ta phải giải tán các đội quân của nhân dân, như vậy ta đã đứng về phe Pháp chống lại nhân dân, thực là vô cùng nguy hiểm, thưa các quý vị. Vậy bây giờ không hòa thì ta phải đánh. Đánh như thế nào? Thứa quý vị Triều đình phải củng cố lại tinh thần chiến đấu của quân đội, của các tướng lĩnh, ngay lập tức phải cải chính lại trang thiết bị cho quân đội, ngay lập tức nâng cao đời sống cho quân đội. Ủng hộ giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân, phối hợp tác chiến giữa quân đội và nhân dân. Các vị kêu là quá khó đúng không? Chính quyền trong tay các vị mà không hành động cứu nước, ngồi chờ lòng nhân từ của bọn xâm lược, ngồi chờ thương thuyết để chúng trả đất, nhàn tản quá, ai mà chả làm quan được. Tôi nói rõ hơn, các vị đang đứng bên bờ vực phản quốc, là tội nhân của thiên cổ. Sự sợ hãi nhất của quân Pháp bây giờ là triều đình kêu gọi nhân dân Nam Kỳ đứng dậy chống Pháp. Triều đình hãy dò la tin tức xem có đúng không? Bây giờ là lúc triều đình và quân đội triều đình phải giúp đỡ, phối hợp với nghĩa quân chống Pháp. Nếu ký hòa ước là triều đình đứng về phía Pháp chống lại nhân dân. Xin hoàng thượng nghĩ lại.

(Còn nữa)

CVL