Kỳ 9.
Tại phòng chỉ huy ở tàu Đô đốc trên sông Sài Gòn, Leonard Chamer chăm chú theo dõi chiến sự trên bản đồ. Hắn quyết định mở một mũi tấn công thứ hai cho chắc thắng và nhanh chóng chiếm Định Tường. Leonard Chamer ra lệnh:
-Truyền lệnh của ta cho chuẩn đề đốc Pagơ chỉ huy ba pháo hạm Fusec, Lyli và Rốc tấn công theo đường biển vào Mỹ Tho.
-Tuân lệnh.
Ngày 10 tháng 4, Pagơ dẫn ba chiến hạm từ Biên Hòa, men theo bờ biển tiến vào Cửa Tiểu sông Tiền, phá các đập chắn sóng ở Vàm Cửa Tiểu, Vàm Kỳ Hôn. Gặp các đồn của Quân Đại Nam, Pagơ ra lệnh:
-Nã đại bác, tiêu diệt đồn.
-Tuân lệnh.
Ngày 12 tháng 4, các đồn bảo vệ đập của quân Đại Nam bị tiêu diệt. Quân Pháp hai mũi tiến công cùng tiến đánh thành Mỹ Tho.
Trong thành Mỹ Tho, Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn đang tập trung theo dõi mặt trận phía sông Bảo Định thì thuộc hạ về báo:
-Dạ bẩm Tổng đốc, tất cả các đập từ số một đến số chín ngăn tàu Pháp trên sông Bảo Định đã bị phá, tất cả các đồn trên bờ đã bị đại bác quân Pháp triệt hạ.
Nguyễn Công Nhàn hoảng sợ kêu lên:
-Hả, sao lại như vậy?
Lại có thuộc hạ về báo:
-Dạ, bẩm Tổng đốc, quân Pháp đã tiến sát thành đang chuẩn bị bắn đại bác vào thành.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm Tổng đốc, một mũi tấn công thứ hai của Pháp gồm ba tàu chiến từ biển vào, phá đập và đã vào Vàm Cửa Tiểu và Vàm Kỳ Hôn.
Nguyễn Công Nhàn cả sợ:
-Hả, Thành Mỹ Tho đã nằm dưới tầm đại bác của giặc từ hai mặt sao? Mở cổng thành phía sau nhanh.
Cổng thành phía sau mở, Nguyễn Công Nhàn hoảng hốt cùng gia quyến chạy về Kiên Đăng, phủ Kiều An, Định Tường. Án sát Huỳnh Mẫn Đạt cũng bỏ trốn. Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành biết không thể giữ được thành, nói với Phó Đề đốc Đặng Đức:
-Đại bác của Pháp sẽ bắn vỡ thành, ta có cố thủ cũng không chống cự được, ý Phó Đề đốc thế nào?
Đặng Đức nói:
-Ta đành phải bỏ thành mà đi thôi.
-Nhưng còn trách nhiệm với triều đình?
-Người chịu trách nhiệm cao nhất là Tổng đốc đã bỏ chạy rồi, ta còn chờ gì nữa.
-Vậy thì chạy nhưng không thể để toàn bộ kho tàng, của cải cho giặc được, chi bằng đốt hết đi.
-Phải, đốt hết.
Rồi Nguyễn Hữu Thành ra lệnh đốt toàn bộ dinh thự, kho tàng. Lửa khói bốc cao báo hiệu thảm họa đã trút xuống Định Tường, cư dân xôn xao hoảng loạn. Thành và Đức thu gom giấy tờ rồi chạy về Vĩnh Long.
Tại Vĩnh Long, Tổng đốc Trương Văn Uyển đang ngồi trong dinh thự uống trà sau buổi ăn sáng thì có phụ tá vào báo:
-Dạ bẩm Tổng đốc, trấn trị Mỹ Tho, thủ phủ của tỉnh Định Tường đang bị quân Pháp tấn công, tình hình rất nguy ngập.
-Chuẩn bị binh mã để ta đi cứu Mỹ Tho.
-Dạ, tuân lệnh.
Trương Văn Uyển sai Án sát Nguyễn Duy Quang, Lãnh binh Tôn Thất Tuấn đem 1.000 quân từ Vĩnh Long đến Định Tường, giữa đường gặp thám mã về báo:
-Dạ bẩm Án sát, thành Mỹ Tho đã bị Pháp chiếm rồi. Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn, Án sát Huỳnh Mẫn Đạt bỏ chạy, Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành, Phó Đề đốc Đặng Đức đã đốt thành trì, kho tàng, dinh thự và chạy về Vĩnh Long rồi ạ.
Án sát Nguyễn Duy Quang thất kinh:
-Thanh Mỹ Tho thất thủ, Vĩnh Long của ta cũng nguy ngập đến nơi rồi. Đành cho quân quay về thôi.
Đô đốc Leonard Chamer đang ngồi trong phòng của chiến hạm chỉ huy uống rượu sămpanhơ mừng chiến thắng Mỹ Tho thì có sĩ quan tùy tùng vào báo:
-Dạ, bẩm đô đốc, nhân dân Nam kỳ đã nổi dậy chống lại chúng ta kịch liệt, gây cho chúng ta nhiều thiệt hại.
Leonard Chamer hỏi:
-Cụ thể hơn xem nào?
-Dạ, đó là đội quân của Trương Công Định, người đã từng chiến đấu ở Đại Đồn với Nguyễn Tri Phương, nay có 6.000 quân hoạt động và làm chủ Gò Công.
-Ai nữa?
-Dạ, quân ứng nghĩa của Đỗ Trình Thoại hoạt động ở Tân Hòa, Phủ Cậu Trần Xuân Hòa hoạt động ở vùng Rạch Chanh, Mỹ Tho, Võ Duy Dương hoạt động ở Đồng Tháp Mười, Nguyễn Trung Trực hoạt động ở vùng sông Vàm Cỏ, Quản Tu, người đã bắn chết trung tá Buốcđanh trên sông Bảo Định.
-Quân ta đối phó thế nào?
-Quân ta ở Định Tường chỉ còn đóng được ở ba đồn là Gia Thạnh, Chợ Gạo và Gò Công thôi ạ.
Tháng 10 năm 1861, do không đàn áp được những cuộc nổi dậy của nhân dân Nam Kỳ, Leonard Chamer gửi thư cho Bộ trưởng hải quân Pháp đơn xin từ chức Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Đô đốc Luis Adolphe Bonard sang thay, mang theo lệnh của bộ Trưởng hải quân Pháp: “Bằng giá nào cũng phải giữ vững Gia Định. Ở đó chúng ta có thể ở lại lâu dài”.
Trong tình hình nguy ngập của đất nước, triều đình Tự Đức không phối hợp với nhân dân cứu nước mà vẫn một mực ôm ảo vọng nghị hòa. Tự Đức không có một kế hoạch nào có hiệu quả cứu nước, chỉ biết hạ lệnh cho ba tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, mỗi tỉnh đem 500 quân vào hỗ trợ cho Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang. Đó là một hành động bị động, hành động cho có hành động. Con đường duy nhất để cứu nước là phát động nhân dân đứng dậy đánh giặc, nhưng triều đình sợ nhân dân hơn sợ giặc. Đường lối quân sự không có, đường lối chính trị và đối ngoại của triều đình đang nghiêng về phe chủ hòa để đầu hàng, bán nước.
(Còn nữa)
CVL