Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 8

16/06/2024 08:49

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 8.

    Leonard Chamer nói:

-Hai ngài nói phải lắm. Trung úy Maolini nhận lệnh.

  Maolini đứng dậy làm động tác dập chân nghiêm và nói:

-Có thuộc cấp.

-Trung úy dẫn một tàu đi dò đường xem cách bố phòng của quân Đại Nam, xem quân ta tiến công đường nào thì thuận tiện để công phá thành Mỹ Tho.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

  Trong cái mênh mông bát ngát của thôn ấp kênh rạch miền Nam thì Định Tường là trung tâm nối giữa miền Đông và miền Tây, nối Gia Định với Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trấn trị Định Tường là thành phố Mỹ Tho nằm trên bờ sông Mỹ Tho, từ Mỹ Tho đi ra sông Tiền Giang, từ đó đi được tới tất cả các tỉnh miền Tây và đi sang Cam Bốt. Sáng nay, trong dinh của Tổng đốc Định Tường, Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn cũng đang ngồi nghị sự với tuần phủ Nguyễn Hữu Thành, án sát Huỳnh Đắc Đạt, Phó đề đốc Đặng Đức. Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn nhấp một ly nước trà, đặt chén xuống bàn và nói:

-Đại Đồn Chí Hòa do Thượng thư Bộ hình Tôn Thất Hiệp đặt nền móng khởi công. Tiếp đến khi Tổng thống quân thứ Gia Định Nguyễn Tri Phương vào, đã huy động 3 vạn quân và dân xây dựng trong một năm mà chỉ cầm cự được vài ngày thì thất thủ. Không biết sau Gia Định và Đại Đồn, giặc sẽ tấn công Định Tường của ta hay nơi nào khác?

  Nguyễn Công Nhàn vừa dứt lời thì có người lính vào báo:

-Dạ, thưa Tổng đốc, quân ta đã nhìn thấy một tàu chiến của Pháp tiến vào sông Bảo Định (Kênh Trạm) và sau đó rẽ vào kênh Thường Mai.

  Nguyễn Công Nhàn hỏi:

-Dọc đường đi nó có bắn phá không?

-Dạ thưa không.

Nguyễn Công Nhàn nói:

-Nó chỉ đi một tàu mà không bắn phá thì đây là tàu do thám dò đường. Thôi chết rồi, chúng chuẩn bị đánh chiếm Định Tường của ta rồi. Các ngài có cao kiến gì để chống giặc không?

  Phó Đề đốc Đặng Đức nói:

-Xin Tổng đốc đừng lo, dọc Kênh Trạm, thuộc tướng đã cho bố trí nhiều đồn hai bên bờ phòng thủ. Dưới kênh quân ta đã xây dựng các đập chắn kiên cố chặn ngang kênh ngăn chặn tàu chiến. Tất cả có chín đập, bên bờ đập còn có cọc tre, dưới nước cạnh đập còn có chín thuyền đất chìm xuống bảo vệ. Những con đập này có thể ngăn tàu chiến Pháp, không thể tiến lại gần tầm bắn bắn vào thành Mỹ Tho.

 Nguyễn Công Nhàn hơi yên tâm nói:

-Đề đốc xây nhiều đập như vậy may ra chặn được tàu chiến không cho chúng bắn vào Mỹ Tho. Đề đốc Đặng Đức nghe lệnh:

-Có thuộc tướng.

-Đề đốc xuống sông Bảo Định (Kênh Trạm) chỉ huy đốc chiến, toàn quyền thi hành mọi biện pháp để phòng thủ Mỹ Tho.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

  Trong khi đó, tại tàu Đô đốc, Leonard Chamer đang ngồi chờ trung  úy Maolini trở về. Maolini trở về và báo:

-Bẩm Đô đốc, thuộc hạ đã đi thám thính và dò được đường vào trấn trị Mỹ Tho, chỉ có một con đường cho tàu chiến đi được là theo sông Bảo Định, còn gọi là Kênh Trạm nhưng mà…

-Nhưng mà sao?

-Nhưng mà dọc sông Bảo Định quân Việt đã xây dựng nhiều đập chắn trên sông, phải đến chín con đập, trên bờ còn nhiều đồn do lính Việt canh giữ. Còn một đường nữa là kênh Thường Mai nhưng tàu chiến to khó mà đi được.

    Leonard Chamer nói:

- Chúng ta đành phải đi theo sông Bảo Định mà tiến vào thôi. Phải phá tan chín con đập đó mà tiến.

-Trung tá Buốcđanh.

-Có thuộc cấp.

-Trung úy Maolini sẽ dẫn đường, Trung tá chỉ huy 200 lính Pháp, 20 lính Tây Ban Nha đánh chiếm thành Mỹ Tho. Phối hợp với trung tá có pháo hạm Lamin, Lalácmenlơ và 5 tiểu pháo hạm. Trung tá và trung úy phải hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào.

-Rõ, thuộc cấp tuân lệnh.

  Ngày 1 tháng 4 năm 1861, quân Pháp bắt đầu tiến vào sông Bảo Định, nã pháo vào hai đồn quân Đại Nam hai bờ sông. Hai đồn tan nát. Ngày 3 tháng 4, quân Pháp phá sáu đập chắn ngang sông, triệt phá một đồn của quân Việt. Ngày 4 tháng 4, đội quân đánh chiếm Định Tường được lực lượng của Pháp từ Sài Gòn tăng viện. Tàu Êso do đại úy Đevantơrê chỉ huy, chở 200 lính do đại úy La phôngmơ và Adirê cầm đầu, 100 lính thủy đánh bộ, hai cỗ đại pháo bốn nòng, hai súng cối và nhiều đạn dược do đại úy Am lơđơrơ ĐuySanaphôn chỉ huy, 50 lính công binh do đại úy Bôvet cầm đầu, có thiếu úy Matin và thiếu úy Amirôn phụ tá.

  Sau khi mặt trận Mỹ Tho được tăng viện,  Leonard Chamer ra lệnh:

-Truyền lệnh của bản Đô đốc, Trung tá hải quân Buốcdanh trao lại quyền chỉ huy mặt trận cho đại tá hải quân Lơcurion Benkiliô.

-Lệnh cho đội quân của trung tá hải quân Đuyvôxơ cũng tới tham gia tiến đánh Mỹ Tho.

-Lệnh cho trung úy bộ binh Guyhô ở Thủ Dầu Một cùng xuống tham gia chiến đấu.

  Sau khi thống lĩnh một đội quân mạnh, ngày 5 tháng 4 đại tá Ben kiliô ra lệnh:

-Tấn công phá đập thứ bảy trên sông Bảo Định.

-Tuân lệnh.

  Tàu chiến Pháp vừa nã đại bác lên bờ sông vừa lao vào bắn phá đập thứ bảy. Quân Việt từ hai bờ sông bắn xối xả vào tàu Pháp. Tàu Pháp bắn đại bác lên bờ dữ dội. Quân Đại Nam hy sinh nhiều bởi lửa đạn khốc liệt của đại bác Pháp. Đại tá Benkiliô ra lệnh:

-Dùng xuồng máy có đại bác nhẹ tấn công phá đập thứ tám.

-Tuân lệnh.

  Những chiếc xuồng máy gắn đại bác cỡ nhỏ vừa bắn vừa lao vào gần đập thứ tám. Đại bác hai bên bắn nhau kịch liệt nhưng vì đại bác quân Đại Nam sát thương kém, không gây nhiều tổn hại cho quân Pháp. Ngược lại quân Việt hy sinh gần hết và phải rút lui. Quân Pháp do đó phá được đập thứ tám.

  Sáng ngày 7 tháng 4, Bekiliô ra lệnh:

-Tiêu diệt đồn quân Việt trên bờ và đập thứ chín.

-Tuân lệnh.

  Quân Việt bị tổn thất nặng và đập thứ chín nhanh chóng bị phá hủy, nhưng tại đoạn sông này bảy tên pháp bị tử trận. Sáng ngày 9 tháng 4, Pháp dồn đại bác bắn vào phía sau đồn cuối cùng của quân Đại Nam trên sông Bảo Định, trong khi đó Benkiliô cho hạm đội bắn phá mặt trước của đồn. Pháo hạm số 18 của Pháp bị ba quả đạn của quân Đại Nam bắn lên boong. Trung tá Buốcđanh chỉ huy tàu thiệt mạng. Sáng ngày 10 tháng 4, Benkiliô cho tập trung bốn đại bác cấp tập bắn vào đồn. Quân Đại Nam núng thế phải rút lui. Con sông Bảo Định, đường vào Mỹ Tho do quân Pháp hoàn toàn làm chủ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên
Bạn đang đọc bài viết "Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 8" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309