Mong được phục dựng màu cho di ảnh chân dung các anh hùng liệt sĩ công an nhân dân

Từ sự thành công của chương trình “Phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến”, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” có mong ước sẽ thực hiện chương trình phục dựng màu cho di ảnh chân dung các liệt sĩ CAND trong nhiều thời kỳ, bằng kinh phí xã hội hóa. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng – Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính” – Người khởi xướng và đang thực hiện chương trình mang ý nghĩa nhân văn nêu trên.

dt4dvh4-1723947360.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

 

- Xin ông cho biết lý do Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã bắt tay vào thực hiện chương trình “Phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh hoặc có công trong kháng chiến” và Anh hùng Liệt sĩ?

Trong các cuộc khác chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới - biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đã có hàng vạn văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam trực tiếp tham gia và đã có những đóng góp to lớn cho thắng lợi chung của dân tộc. Do điều kiện khó khăn trong thời chiến, nên nhiều văn nghệ sĩ, tri thức khi hi sinh đã không để lại di ảnh thờ. Nếu có, thì đó là những bức ảnh đen trắng, chất lượng rất hạn chế, vì đã nhòe mờ bởi thời gian và năm tháng... Nhằm góp phần tri ân những văn nghệ sĩ, trí thức đã ngã xuống vì quê hương đất nước, hoặc có công trong thời chiến; bằng sự đam mê, nhiệt tình, nhóm họa sĩ trẻ của "Trái tim người lính" đã sử dụng công nghệ AI, để phục dựng những chân dung di ảnh màu sống động và cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn mới về những người nổi tiếng, đã có công với quê hương đất nước.

- Bên cạnh lợi thế do công nghệ tạo ra, phục dựng ảnh bằng AI, hẳn cũng đặt ra những thách thức với người làm thiết kế, thưa ông?

Đúng là như vậy! Công nghệ AI giúp người làm phục chế tái hiện nhanh và chính xác chân dung nhân vật. Tuy nhiên, để phục dựng màu những di ảnh chân dung, hay ảnh tư liệu đen trắng, chỉ có nắm vững kỹ thuật và công nghệ thôi thì chưa đủ. Mà người làm công việc này còn cần phải có kiến thức, am hiểu về lịch sử, văn hóa trang phục. Thậm chí là quân trang, quân hàm (đối với lực lượng vũ trang) từng thời kỳ. Và để phục dựng những di ảnh chân dung được thần thái nhất, thì người họa sĩ trẻ cũng phải có tâm hồn trong sáng và thành kính với những bậc tiền nhân đã có công với quê hương đất nước.

- Để ra mắt chương trình, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã lựa chọn ảnh chân dung một số Văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng của Việt Nam mà không phải tất cả các Liệt sĩ?

Chúng ta đã biết, Việt Nam có nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh trong kháng chiến. Họ đã để lại những tác phẩm, bài thơ, ca khúc… nhiều người đã thuộc, đã nhớ. Lý do chúng tôi chọn một số bức ảnh chân dung các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Bính, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc…. vì đây đều là các tác giả nổi tiếng, nhiều người đã được đặt tên đường phố, nhắc đến tên tuổi của họ ai cũng biết, để tạo điểm nhấn với dư luận.

- Dù chỉ mới ra mắt vào tháng 4/2024 nhưng chương trình phục dựng ảnh liệt sĩ của tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Với con số hàng triệu liệt sĩ đã ngã xuống, dự án này ắt hẳn cần tới đội ngũ thiết kế đông đảo mới có thể đảm nhận được khối lượng công việc không hề nhỏ này?

Cho tới thời điểm này, chúng tôi không nhớ dự án đã phục chế được bao nhiêu ảnh liệt sĩ, ước tính đã đạt tới con số hàng nghìn. Từ ngày ra mắt chương trình “Phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hi sinh, hoặc có công trong kháng chiến”, chúng tôi liên tục nhận được nhiều lời đề nghị của các gia đình, thân nhân Liệt sĩ nhờ phục chế ảnh chân dung của cha, ông… Điều đó làm chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn và công việc ý nghĩa hơn, khi mang theo hy vọng của biết bao người muốn được nhìn thấy chân dung của cha ông họ trước kia. Đặc biệt, một bức ảnh thờ “sống động và có hồn” lại càng mang nhiều ý nghĩa cả về tâm linh và hiện thực. Do vậy, các họa sĩ trẻ của chúng tôi đang nỗ lực làm việc để hoàn thành công việc tốt nhất.

Chúng tôi có các họa sĩ trẻ, đang làm việc ở nhiều vùng miền, từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Có cả những bạn bị khuyết tật sức khỏe. Nhưng họ đều có chung niềm đam mê với công nghệ và có sự thành tâm với thân nhân các gia đình Liệt sĩ. Lực lượng này không hùng hậu như mọi người nghĩ, bởi với sự hỗ trợ của công nghệ AI, chỉ những bức ảnh khó mới mất nhiều thời gian chỉnh sửa và can thiệp của nhà làm thiết kế. Còn với những bức ảnh còn tốt, có độ sắc nét, ít có dấu hiệu bong tróc thì AI sẽ tự động thực hiện thuận lợi hơn.

- Được biết, trong thời gian tới, tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” dự định sẽ tiến hành phục dựng ảnh liệt sĩ CAND. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về kế hoạch này?

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Biên giới, hàng vạn cán bộ chiến sĩ Công an đã ra trận. Trong đó, hàng nghìn người đã hy sinh. Đặc thù của ngành Công an là toàn bộ thông tin cá nhân đều được bảo mật, hầu như không để lại hình ảnh. Do vậy, công tác phục dựng di ảnh rất khó khăn. Nhưng vừa qua, phối hợp với Hội cựu CAND thành phố Phủ Lý, mà trực tiếp là đồng chí Đại tá Trương Minh Côn (nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam) chúng tôi đã phục dựng thành công hàng chục di ảnh màu cho các Liệt sĩ CAND đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; rồi trang trọng tổ chức trao tặng cho thân nhân các gia đình… (Mời xem một chùm ảnh đính kèm, thứ tự xếp theo năm sinh).

Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ phối hợp cùng Ban Liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bảo tàng CAND và Hội Cựu CAND một số tỉnh thành phố có điều kiện, để làm thí điểm trước. Sau đó, sẽ rút kinh nghiệm, đề xuất với Hội Cựu CAND, Công an các địa phương để thực hiện việc phục dựng ảnh các liệt sĩ CAND đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đấu tranh phòng chống tội phạm trong hòa bình. Chúng tôi coi đó là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhân văn, tiến tới chào mừng kỷ niệm 80 năm truyền thống của lực lượng CAND (1945 – 2025).

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà Nội, 18/8/2024

TTNL