Một cuốn sách gắn liền với cuộc đời người lính

Tôi không thể không viết ra những dòng này, khi chỉ một mình hưởng thụ cái cảm giác được " thăng hoa" đến điểm đỉnh trong những lúc đọc cuốn tiểu thuyết " Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán.

Cuốn tiểu thuyết " Tuổi thơ dữ dội" dày 719 trang, không đơn thuần chỉ là " ca ngợi tình yêu đất nước, ca ngợi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ca ngợi những người anh hùng..." mà còn hấp dẫn và lôi cuốn người đọc bởi hàng ngũ những đứa trẻ nghèo khổ, rách rưới cùng tham gia kháng chiến. Đó là những đứa trẻ kiên cường, sống bằng ý chí quật cường và bản năng tuyệt vời của một con người đầy bản lĩnh.

Những tâm hồn trong trắng của trẻ thơ, đã sớm có ý thức cách mạng và lòng nhiệt huyết vì cách mạng, như em Mừng, Ngạnh, Lanh, Thúi và những cái tên kèm theo biệt danh rất dễ thương như Vinh-sưa, Tư-dát, Vệ-to đầu, Quỳnh-sơn ca, Lượm-sứt, v.v... tất cả các em đều ở độ tuổi 13,14,15. Chỉ có thằng Thúi ít tuổi nhất là 12, đươc xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau : từ một gia đình bố mẹ bị chết đói năm 1945, phải đi ăn mày ở chợ Đông Ba, gặp mụ chủ thuê đi bán kẹo gừng, kẹo đậu phộng cho mụ, hoặc từ một gánh xiếc rong, hoặc từ một gia đình quí tộc.

dt2pq2-1725589007.jpg

dt1pq1-1725589089.jpg
 

Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhà văn Phùng Quán (1932 - 1995) là lính trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân, ông là nhân vật nào trong truyện không ai biết, nhưng tác phẩm của ông đã khắc hoạ thành công về một thành phố Huế vốn dĩ rất tươi đẹp và mộng mơ, về tình hình chiến sự xảy ra từng ngày, từng giai đoạn lịch sử và nhất là hình tượng tiêu biểu, điển hình về những tấm gương của một thế hệ anh hùng và quả cảm.

Nhân vật Vinh-sưa, bị lạc trong một đêm trinh sát đồn giặc, đã bất ngờ phát hiện ra kho xăng, đạn của địch, đã quyết định làm mục tiêu từ nóc nhà, gửi ám hiệu về cho đơn vị bắn phá và...Ngọn lửa đã bùng lên, " tưởng chừng như lửa đã tạc khắc nên hình tượng của em, dần biến thành nhân vật truyền thuyết của thành Huế..."

Đọc những dòng nói về chỉ huy trưởng mặt trận khu C - tướng Phùng Đông, bị bắn ở bán đảo Sơn Trà, tôi đã giật mình vì địa danh này tôi đã từng đến tham quan và chụp ảnh kỷ niệm nhưng không hề biết gì về sự kiện này. Còn Lượm ( trong truyện) khi nghe tin này cũng bàng hoàng, choáng váng. Vừa lúc tên Lép-sẹo, một tên phản bội Cách mạng đến khiêu khích em trong vụ dọn cầu tiêu ở Ba- ti-măng, Lượm đã đánh tên này :" không chỉ bằng sức mạnh man dại của nỗi tức giận, mà cả nỗi uất ức, buồn khổ bị dồn nén..."

Những chi tiết về nhân vật này rất đậm nét và ấn tượng : Lượm đã đối đáp bằng tiếng Pháp với tên chúa ngục khét tiếng có biệt danh là Một Điếu, để xử lý tên Lép-sẹo và cứu vãn tình thế cho các đội viên thiếu niên trinh sát. Cảnh cơm tù ôi thiu, nước lã hiếm như nước sâm cao ly. Cảnh dọn cầu tiêu bị tắc ở Ba- ti-măng (nước đái, phân, giẻ rách, giấy và dòi bò lổm ngổm...) đã được tác giả khai thác đến tận cùng của thực tế. Cảnh Lượm bị con chó béc giê tấn công và em đã tấn công lại bằng những quả bòng đã nướng chín, kết quả là con chó béc bị rụng hết hai hàm răng ...

Lần trốn tù, " vượt ngục" của Lượm, Thúi và Lép- sẹo: dưới ngòi bút của nhà văn đã khiến cho độc giả đứng tim và ngột thở, bởi những chi tiết ly kỳ và hấp dẫn.

Những tình huống trong quá trình hoạt động của lính trinh sát cũng có rất nhiều chi tiết rất thực tế mà người ngoài cuộc vẫn dễ dàng chấp nhận - đó là lần đi trinh sát đồn Hộ thành, Lượm và Tư- dát đã giả bộ tranh nhau một quả bóng bện bằng lá chuối khô và dây chuối, để dần dẫn dắt vào và ra cổng đồn. Giả vờ đi bắn chim hoặc câu cá để đi rải truyền đơn, tài liệu được giấu và họng chim hoặc bụng cá...

Cảnh anh Đồng-râu, đầu sỏ Việt minh, chỉ huy đánh đồn Hộ thành, bị bắn chết tại thôn Vĩ Dạ, bị bêu xác ba ngày ba đêm cho đến lúc bị thối rữa...và cái chết của Quỳnh- sơn ca, tác giả bài hát " Sông Ô Lâu kháng chiến" trong một trường hợp hy hữu nhưng đã ám ảnh người đọc một cách khủng khiếp...

Nhân vật Mừng, một em bé ngày ngày trèo lên những cây bút bút cao vòi vọi để hái lá tầm gửi chữa bệnh hen suyễn cho mẹ, đã trốn nhà theo Vệ quốc đoàn với một niềm tin : " đánh Tây, giành độc lập, chính phủ sẽ chữa lành bệnh cho mẹ..."

Bởi vì em ngây thơ và trong trắng quá, nên không hiểu và không tin trong cuộc sống vẫn còn tồn tại cái ác, cái xấu. Em đã " phải vĩnh viễn sống mãi cái tuổi mười ba..."

Sự cố xảy ra với tên Kim, đã dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc - em bị qui là phần tử Việt gian. Cho đến giây phút cuối cùng khi em truyền đi thông tin từ đài quan sát, giúp bộ đội ta dùng trận địa mìn làm tanh bành hơn hai đại đội giặc, bẻ gãy hoàn toàn cuộc tấn công tổng lưc của giặc vào chiến khu Hoà Mỹ. Em đã thốt lên với người trung đoàn trưởng : " anh ơi, anh đừng nghĩ em là Việt gian nữa anh hí..." và em đã hy sinh...

*

Thật thú vị khi mỗi lần được vuốt nhẹ góc trang sách đã gập lại, để đọc tiếp...và rồi câu chuyện đã được khép lại, khi tôi đã đọc đến chữ cuối cùng của trang sách số 719.

Sự cống hiến của nhà văn Phùng Quán với nhiều tác phẩm có giá trị bao gồm nhiều thể loại khác nhau, đã khiến cho tôi vô cùng cảm phục, ngưỡng mộ ông và bởi câu từ của ông không hề hoa mỹ, giật gân mà cứ thẩm thấu dần vào cảm xúc của người đọc. Đây cũng là sự đồng nghĩa với việc : ông chính là thần tượng của tôi trong lĩnh vực văn chương.

Vốn sống và tri thức ( kể cả nguồn cảm xúc) của ông, khiến tôi cứ nuối tiếc và ước mơ có một nền khoa học hiện đại, lưu giữ lại bộ não của nhà văn ( sau khi ông qua đời) để khai thác đến tận cùng nguồn năng lượng về văn chương cho hậu thế...

*

( Một chi tiết khiến người đọc bị ám ảnh, đó là - cuốn sách này, tác giả đã viết trong 18 năm : khởi thảo bên bờ hồ Tây năm 1968, hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh tâm năm 1986. Những giây phút cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn viết ở tư thế nằm ngửa, trang viết được gắn vào một miếng ván mỏng treo trước mặt...).

Đ.N

Trái tim người lính