Muốn có nền nông nghiệp trách nhiệm: Phải có nhà nông chuyên nghiệp

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu định hướng: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm, năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương” và phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”.

Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội, Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 16/6/2022) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh…; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường... Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới... Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh…

Vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên

         Vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên

Theo đó, xây dựng nông dân, dân cư nông thôn có trình độ và làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Hiện thực hoá Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, đồng thời phát triển nông nghiệp trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và thế giới....

Trên cơ sở xây dựng người nông dân - chủ thể và trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới - thành người nông dân chuyên nghiệp, phù hợp với mục tiêu xây dựng nông dân thông minh mà Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII năm 2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp được tổ chức. 

Tại diễn đàn, các ý kiến tham luận nhấn mạnh: Để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phải quan tâm đến người nông dân. Người nông dân phải có tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để làm chủ và đảm nhận vai trò chủ thể của mình trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới.

Khẳng định tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp”. Ông cho rằng, để trở thành nông dân chuyên nghiệp, người nông dân cần đáp ứng 7 yêu cầu: Sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất với giá thành hợp lý, có tư duy kinh tế, sản xuất ra những sản phẩm an toàn, sẵn sàng hợp tác, biết chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội và có sức khỏe về mặt tinh thần, thể chất... Nghĩa là phải giúp người nông dân có hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, không gian lớn hơn về nhiều lĩnh vực.

Theo các nhà khoa học, “chuyên nghiệp” là chuyên tâm với nghề nghiệp, công việc. Tính chuyên nghiệp không chỉ có trong các công việc có quy mô lớn, mức độ phức tạp cao mà thể hiện ngay trong từng việc nhỏ, hàng ngày. Mục đích của sự chuyên nghiệp là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả và tin cậy, những điều đó chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất được thiết lập đồng bộ, nhất quán, hợp lý. Tính chuyên nghiệp không phải cái gì đó phức tạp, khó thực hiện, mà ngược lại nó được thể hiện, đánh giá ở những việc đơn giản thường ngày.

Theo đó, để có người nông dân chuyên nghiệp, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, giá trị của sự chuyên nghiệp. Thứ hai, tăng cường trang bị kiến thức mọi mặt (kỹ thuật, công nghệ canh tác, nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh theo hướng nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, canh tác nông nghiệp thông minh công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải…; thị trường, hạch toán kinh tế, tổ chức sản xuất và kinh doanh, xây dựng mã số vùng trồng, tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu, bán hàng qua sàn thương mại điện tử…; phát triển nông nghiệp theo chuỗi đa giá trị…) cho nhà nông. Thứ ba, tạo điều kiện giúp nhà nông chuyển sang tư duy kinh tế. Thứ tư, hỗ trợ tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác, theo chuỗi. Thứ năm, nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân (xây dựng cơ sở dữ liệu; đa dạng các kênh cung cấp thông tin; xây dựng các diễn đàn online/offline cho người nông dân chia sẻ, trao đổi; tổ chức giải thưởng tôn vinh người nông dân...).

Xây dựng người nông dân chuyên nghiệp là cuộc “cách mạng mới” trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, là một tiến trình nhằm thay đổi nhận thức nên cần sự phối hợp đồng bộ của cả chính quyền, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mọi việc đều phải bắt đầu từ người nông dân. Nếu không thay đổi được nhận thức và hành động của người nông dân thì không có chiến lược nào thành công.