Người phụ nữ suy thận mạn do sử dụng thuốc viêm khớp kéo dài 24 năm

Sau gần 5 năm chiến đấu với bệnh suy thận mạn, một phụ nữ 52 tuổi ở Lâm Đồng đã được "hồi sinh" nhờ ca ghép thận thành công từ con gái ruột. Nguyên nhân dẫn đến suy thận là do bà đã sử dụng thuốc điều trị viêm đa khớp liên tục trong hơn hai thập kỷ.

24 năm sống chung với thuốc điều trị viêm khớp

Bệnh nhân T.T.K.T (52 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) được chẩn đoán mắc viêm đa khớp dạng thấp từ năm 28 tuổi. Trong suốt 24 năm, bà T. thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm – đặc biệt là corticoid và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) – để kiểm soát triệu chứng đau và viêm.

Từ năm 2020, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường như teo cơ, phù toàn thân, mệt mỏi kéo dài và chán ăn. Sau khi thăm khám, bà được chẩn đoán suy thận mạn và bắt đầu điều trị bảo tồn. Đến năm 2023, tình trạng bệnh tiến triển nặng, buộc bà phải lọc máu định kỳ để duy trì sự sống.

Trong năm đầu tiên lọc máu, bệnh nhân gặp biến chứng tắc đường tiết niệu, khiến thể trạng ngày càng suy kiệt, sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn.

Ghép thận từ con gái – cuộc hồi sinh kỳ diệu

nguoi-phu-nu-suy-than-man-do-su-dung-thuoc-viem-khop-keo-dai-24-nam-1753160962.png
Ê-kíp ghép thận cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Trước nguy cơ tử vong, gia đình đã quyết định tiến hành ghép thận cho bệnh nhân. Sau khi kiểm tra sức khỏe, con gái bà – chị V.T.C.D (32 tuổi) – được xác định phù hợp về mặt miễn dịch và mô học, và đã tình nguyện hiến tặng một quả thận để cứu mẹ.

Ngày 24/6, ca ghép thận được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á với sự phối hợp giữa ê-kíp Ngoại Tiết niệu của bệnh viện và các bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau hơn 5 giờ phẫu thuật, quả thận ghép bắt đầu hoạt động, bệnh nhân có nước tiểu ngay trên bàn mổ – dấu hiệu cho thấy ca ghép đã thành công.

Sau 3 ngày, chức năng thận của bệnh nhân ổn định. Đến nay, sức khỏe của cả hai mẹ con đều hồi phục tốt, bệnh nhân đã có thể tự đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường.

Tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc điều trị viêm khớp

Bác sĩ CKI Vũ Lệ Anh – Trưởng khoa Nội Thận, cho biết bệnh nhân T. có nhiều bệnh lý nền phức tạp như viêm đa khớp dạng thấp, hội chứng Cushing do thuốc, loãng xương và béo phì. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ biến chứng sau ghép thận như nhiễm trùng và rối loạn đường huyết.

nguoi-phu-nu-suy-than-man-do-su-dung-thuoc-viem-khop-keo-dai-24-nam-1-1753160961.jpg
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

“Trước phẫu thuật, chúng tôi đã điều chỉnh liều corticoid về mức thấp nhất có thể nhằm kiểm soát đau khớp mà vẫn đảm bảo an toàn. Sau ghép, các dịch truyền cũng được hiệu chỉnh phù hợp để kiểm soát đường huyết”, bác sĩ Anh cho biết.

Trường hợp của bà T. là lời cảnh báo rõ ràng về những tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng thuốc điều trị viêm khớp kéo dài mà không được theo dõi chặt chẽ. Các loại thuốc ức chế miễn dịch, corticoid và NSAID nếu lạm dụng có thể gây tổn thương gan, dạ dày, và đặc biệt là thận.

“Nhiều bệnh nhân viêm khớp hiện vẫn tự ý dùng thuốc giảm đau hàng ngày mà không theo dõi chức năng gan – thận định kỳ. Thuốc có thể gây viêm thận kẽ cấp, viêm mạch thận, dẫn tới suy thận mạn tính”, bác sĩ Anh cảnh báo.

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như viêm khớp, lupus ban đỏ, đái tháo đường,... cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý tăng liều hoặc dùng kéo dài thuốc chống viêm mà không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc tái khám định kỳ và theo dõi chức năng thận là hết sức cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.