Người sáng tạo lối viết thư pháp mới

TH
Đến với thư pháp năm 50 tuổi, ông Lê Thiên Lý tạo lập được phong cách riêng khi khai sinh ra hai kiểu chữ "nhân diện thư" và "vật điểu thư".

Sinh năm 1947 trong gia đình thuần nông ở huyện Kiến Thụy, từ nhỏ ông Lý say mê chữ, thường đến chỗ thầy đồ trong làng nghe đọc thơ, giảng sách. Ông thuộc Tam Tự Kinh, Sấm Trạng Trình, Chinh phụ ngâm và hàng chục bài thơ Đường trước cả khi biết viết.

Học xong cấp ba lớp Trung văn, ông Lý nhập ngũ rồi về công tác ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kiến Thụy. Năm 1996, trong lần đi công tác ở Đông Hưng, Trung Quốc, ông Lý được nhà thư pháp nổi tiếng Lỗ Nguyên tặng sách hướng dẫn viết thư pháp. "Lần đầu tiếp xúc với bộ môn này, tôi thấy thú vị, nhưng vốn tiếng Trung đã mai một nên chỉ đọc để biết thôi", ông Lý chia sẻ.

Nhà thư phap Lê Thiên Lý luôn suy nghĩ, thử nghiệm các kiểu viết mới. Ảnh: NVCC

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý thường suy nghĩ, thử nghiệm các kiểu viết mới. Ảnh: NVCC

Mùng 3 Tết 1998, nghe tin cụ Lê Xuân Hòa tổ chức triển lãm thư pháp ở Văn miếu Quốc Tử Giám, ông Lý gác mọi công việc lên "xem cách người Việt Nam viết thư pháp thế nào". Sau nửa ngày ngắm 20 bức thư pháp của cụ Hòa, ông cho rằng người Việt có thể viết hay, đẹp không thua gì nghệ nhân Trung Quốc và hạ quyết tâm học môn này.

Thời điểm đó, tài liệu về thư pháp không nhiều, ông Lý phải ôn lại vốn tiếng Trung đã học thời phổ thông để nghe các bài dạy trên radio phát từ Bắc Kinh. Ông dành từ 6 đến 10 tiếng mỗi ngày luyện viết. Có những chữ, những bài thơ, ông luyện đi luyện lại hàng trăm lần, giấy mực la liệt khắp phòng. Nhờ vậy khả năng thư pháp của ông ngày càng tiến bộ.

Năm 2005, ông Lý được giới thiệu viết hai câu đối mừng thọ đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung "Tổng tư lệnh thánh võ hoàn cầu tài quán thế - Đại tướng quân thần văn nam việt trí siêu nhân". Câu đối được đưa lên Hà Nội cho nhiều nhà chuyên môn đánh giá, sau một tuần không ai ý kiến gì mới trình lên mừng thọ đại tướng.

"Khi tôi vào mừng thọ, đại tướng ngắm câu đối rồi nói Chưa khiêm tốn. Chúng tôi xúc động lắm, cụ tài đức sáng ngời mà vẫn khiêm nhường, giản dị", ông Lý kể lại. Sau lần đó, ông Lý nhiều lần viết chữ "Thọ" mừng đại tướng dịp sinh nhật.

Dù tinh thông các lối viết thư pháp truyền thống là Triện, Lễ, Khải, Thảo, Hành, ông Lý luôn trăn trở tìm ra lối viết thuần Việt hơn trong thư pháp. Tình cờ năm 2000, trong khi viết chữ "Điểu", ông chợt thấy hình dáng con chim trong đó. Xoay xở một vài nét, ông ngộ ra nguyên tắc để tạo hình từ chữ là kéo dài nét đầu và nét cuối. Không chỉ chim mà các con vật, đồ dùng đều có thể áp dụng được.

z5148851808018-7765962562508ddc0d09fdc0655e0864-1707490893.jpg
Dù tinh thông các lối viết thư pháp truyền thống là Triện, Lễ, Khải, Thảo, Hành, ông Lý luôn trăn trở tìm ra lối viết thuần Việt hơn trong thư pháp

Ngay sau đó, ông Lý thử sử dụng ba nét ngang trong chữ để họa ra chân dung con người. Hình dáng, thần thái của từng người được phác họa trên bức thư pháp không khác gì bức tranh chân dung.

Hai lối viết thư pháp mới được ông Lý đặt tên là Vật điểu thư và Nhân diện thư, giúp thư pháp dễ hiểu hơn, gần gũi hơn so với những lối truyền thống. "Nhân diện thư là mỗi chữ đều là mặt người. Vật điểu thư là mỗi chữ đều là con chim hoặc các loại con vật, đồ vật khác", ông giải thích. Nguyên tắc chỉ có thế, nhưng để thể hiện thần thái, đặc tính của người, con vật, đồ đạc theo nhiều tư thế, hình thái thì cần đam mê, kiên trì và sáng tạo.

Với hai lối viết thư pháp, ông Lý đã thể hiện 1.000 chữ "Long" không trùng nhau về kiểu dáng tại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được ghi danh vào kỷ lục Việt Nam. 1.000 chữ này sau đó được thể hiện trên đĩa gốm Chu Đậucó đường kính 1,2 m, được tổ chức kỷ lục Guinness thế giới vinh danh năm 2013.

Chữ Giáp Thìn được ông Lý thể hiện bằng Vật điểu thư và Nhân diện thư. Ảnh: Lê Tân

Chữ Giáp Thìn được ông Lý thể hiện bằng Vật điểu thư và Nhân diện thư. Ảnh: Lê Tân

Với mong muốn phát triển bộ môn thư pháp, năm 2003 ông Lý cùng nhà thư pháp Lê Đức Đôn thành lập CLB Hán - Nôm tại Hải Phòng. Ba năm sau, ông thành lập CLB Thư pháp TP Hải Phòng. 300 học viên của 20 khóa đã được truyền dạy miễn phí kiến thức và niềm đam mê về thư pháp, trong đó 9 người đã được công nhận danh hiệu nghệ nhân.

Nhận thấy tục khai bút đầu xuân là nét đẹp của cha ông, ông Lý lập đề cương xây dựng và triển khai lễ hội khai bút tại 15 đình, đền, trường học, tạo nên phong trào học tập sôi nổi, được chính quyền địa địa phương ghi nhận, tổ chức thường niên. Với những đóng góp của mình, năm 2014, ông được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân làng nghề Việt Nam" và "Nghệ nhân tiêu biểu toàn quốc" năm 2022.

z5148851240687-5eff265e2d90f449f0f8690ec66bc397-1707490892.jpg
Ông Lý đang ấp ủ mở bảo tàng thư pháp để lưu giữ, phổ biến lối viết thư pháp do mình sáng tạo ra

Hơn 20 năm gắn bó với thư pháp, ông Lý nói bộ môn này mang lại cho ông kiến thức, nuôi dưỡng thú vui sáng tạo và sức khỏe ngày càng tốt hơn. "Ngày nào tôi cũng làm thơ, viết câu đối, viết thư pháp đến 2h mới ngủ, sáng vẫn dậy sớm tập thể dục. Và tôi rất ít ốm vặt", ông chia sẻ.

Ông Lý đang ấp ủ mở bảo tàng thư pháp để lưu giữ, phổ biến lối viết thư pháp do mình sáng tạo ra.