Chiều ngày 20/4 vừa qua, một tình huống tai nạn xe máy tay ga xảy ra tại khu vực đổ đèo Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng.
Đoạn video ghi lại vụ việc được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy một chiếc xe tay ga lao xuống dốc với tốc độ cao, mất kiểm soát rồi đâm thẳng vào lan can bên đường.
Theo thông tin ban đầu, hai cô gái quê ở tỉnh Thái Nguyên là người điều khiển và ngồi sau xe gặp nạn. Trong đó, người cầm lái chỉ bị xây xát ngoài da, còn người ngồi phía sau bị thương ở chân và phải khâu hai mũi.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn do xe tay ga mất phanh khi đổ đèo, đặc biệt là tại các cung đường đèo hiểm trở như Tam Đảo. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng xe ga khi di chuyển qua các đoạn đèo dốc, đồng thời đặt ra câu hỏi: liệu xe tay ga có thực sự phù hợp với đường đèo hay không?
Xe số vẫn là lựa chọn an toàn hơn
Theo các chuyên gia kỹ thuật, xe số luôn được khuyến khích khi di chuyển trên đường đèo nhờ khả năng hãm tốc bằng cả phanh và số, giúp người lái kiểm soát tốt hơn trong các tình huống đổ dốc.
Trong khi đó, xe tay ga với hộp số vô cấp CVT gần như không có khả năng "phanh bằng động cơ", dẫn đến tình trạng người điều khiển chỉ có thể dựa vào hệ thống phanh, khiến nguy cơ mất kiểm soát tăng cao.
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn khi đổ đèo bằng xe ga bao gồm: tắt máy khi xuống dốc, phanh gấp (phanh "chết"), không biết cách phanh bằng động cơ, và chạy liên tục không nghỉ, khiến hệ thống phanh quá tải.

Những sai lầm "chết người" cần tránh
Nếu phải điều khiển xe tay ga xuống dốc, đặc biệt ở những cung đường đèo dốc dài và quanh co, người lái cần đặc biệt thận trọng để tránh các tình huống nguy hiểm như kẹt phanh hoặc mất kiểm soát tay lái.
Tắt máy để xe tự trôi
Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm. Khi xe bị tắt máy, không còn sự hỗ trợ từ hệ thống thủy lực hoặc ECU, cả phanh động cơ và phanh tay có thể mất tác dụng, khiến xe trôi tự do.
Phanh "chết"
Nhiều người do hoảng loạn đã bóp chặt phanh liên tục, khiến má phanh quá nóng, dẫn đến giảm ma sát hoặc trượt bánh, làm xe mất lái. Thay vào đó, cần phối hợp nhịp nhàng phanh trước và phanh sau, đồng thời bóp-nhả liên tục để kiểm soát tốc độ.
Không biết phanh động cơ
Dù xe ga không có số, người lái vẫn có thể sử dụng kỹ thuật mớm ga nhẹ để giữ côn bám, duy trì lực hãm từ động cơ. Nếu nhả ga quá lâu, ECU sẽ ngắt côn (dưới 15km/h), khiến xe trôi tự do, rất nguy hiểm.
Đi liên tục không nghỉ
Di chuyển dài liên tục khiến hệ thống phanh nóng lên, làm giảm hiệu quả hãm tốc. Người lái nên dừng nghỉ sau mỗi đoạn dốc dài, giúp hệ thống làm mát và đảm bảo an toàn.

Trước khi bắt đầu hành trình qua các cung đường đèo, người điều khiển xe cần bảo dưỡng xe kỹ lưỡng, kiểm tra kỹ tình trạng phanh, lốp và động cơ. Trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, găng tay và đồ bảo hộ cũng là điều cần thiết để hạn chế thương tích khi xảy ra va chạm.