Nông dân Sơn La mong Chính phủ tạo thêm những “cú hích” để nông nghiệp phát triển bền vững

5 năm gần đây, Sơn La nổi lên như một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” của cả nước bằng bước tiến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Với 84.000 ha cây ăn quả cho sản lượng khoảng 450.000 tấn/năm, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước5 năm gần đây, Sơn La nổi lên như một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp” của cả nước bằng bước tiến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Với 84.000 ha cây ăn quả cho sản lượng khoảng 450.000 tấn/năm, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước

Sơn La đang duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; cấp 183 mã vùng trồng cây ăn quả với diện tích hơn 4.700 ha xuất khẩu sang thị trường 14 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Úc, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro và đối mặt với nhiều thách thức… Nhà nông, nhà doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ở Sơn La mong Chính phủ tháo gỡ những vấn đề gì?

Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đạt được, thì sản xuất nông nghiệp ở Sơn La còn gặp không ít khó khăn. Dễ thấy nhất đó là thị trường tiêu thụ và giá cả một số nông sản chủ lực của tỉnh chưa thực sự ổn định, nông sản của không ít HTX chưa vào được chuỗi cung ứng.

Ông Lò Văn Pản, Giám đốc HTX Hợp Lực Pản Phong, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La chia sẻ: HTX có trên 21 hecta nhãn, xoài, mận trồng theo tiêu chuẩn Việt Gáp, với 15 thành viên. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra các mặt hàng nông sản của HTX hiện vẫn trôi nổi theo thị trường, việc tham gia chuỗi ngành hàng còn gặp những khó khăn.

“Hiện nay, khó khăn nhất là tiêu thụ, sản phẩm của HTX làm ra còn khó về đầu ra, chỉ bán cho thương lái thôi nên giá cả không ổn định. Rất mong Chính phủ, các cấp các ngành hỗ trợ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân” - ông Lò Văn Pản nói.

 

2_anh_vi_van_viet_nguoi_sinh_mun_o_ban_bon_kham_xa_phieng_khoai_huyen_yen_chau_son_la_da_chuyen_toan_bo_dat_trong_ngo_san_kem_hieu_qua_sang_trong_man_hau_06-05-2022-17-13-13.jpg

Sơn La đang phấn đấu phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; liên kết chặt chẽ của 6 nhà: Nhà nông-Nhà nước-Nhà doanh nghiệp-nhà băng (ngân hàng)-nhà khoa học-nhà phân phối. Tuy nhiên, các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng còn những nhà nông, HTX khó tiếp cận nhà khoa học, vốn vay.

Anh Vì Văn Bình, giám đốc HTX nông nghiệp 26-3 ở Chiềng Ban, huyện Mai Sơn-Đơn vị chuyên sản xuất, cung ứng các loại nấm sạch, sẽ tham gia hội nghị đối thoại của Thủ tướng với nông dân kiến nghị: “Với những sản xuất mang tính chất chuyên môn ví dụ như trồng nấm ở đây, rất mong sẽ có những hợp tác chuyên sâu đối với những viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu. Với các cá nhân, để đi làm việc với viện nghiên cứu hoặc được viện nghiên cứu hỗ trợ nguồn gien mới nhất thì rất là khó. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ là đơn vị cầu nối để những nhà khoa học có thể hỗ trợ những người sản xuất như chúng tôi cụ thể nhất”.

Tỉnh Sơn La có gần 30.000 ha mặt nước thuộc các lòng hồ thủy điện. Toàn tỉnh đang duy trì nuôi hơn 2.900 ha thủy sản, với gần 10.000 lồng cá các loại; tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt trên 8.500 tấn cá nuôi và khai thác; giá trị sản phẩm thu hoạch mặt nước nuôi trồng thủy sản trung bình đạt 121 triệu đồng/ha. Nhiều nông dân, HTX thủy sản ở tỉnh mong muốn được đầu tư hoặc tạo cơ chế chính sách để xây dựng cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn để giải quyết bài toán cung vượt cầu.

Ông Phí Hải Vân, Giám đốc HTX thủy sản Hải Vân, Quỳnh Nhai nói: “Với sản lượng thủy sản ở tỉnh Sơn La phát triển lớn mạnh, cung vượt cầu, chúng tôi mong muốn Chính phủ, các cấp các ngành tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ sở sản xuất, chế biến thành phẩm để thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con chăn nuôi trên lòng hồ. Từ đó chế biến ra những sản phẩm tốt nhất, tạo được niềm tin của cả nước”.

5_nong_dan_muong_sang_huyen_moc_chau_son_la_lap_dat_he_thong_tuoi_nho_giot_2.jpg

Theo nhiều nông dân ở Sơn La, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 30%-35% chi phí sản xuất. Trước thực trạng  giá xăng dầu liên tục tăng cao cũng kéo theo giá cả vật tư nông nghiệp cũng tăng cao, bà con nông dân đều mong Chính phủ có những chính sách tiếp sức, hỗ trợ nông dân vượt khó.

Ông Hoàng Văn Chất, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xã viên HTX Trường Tiến, Chiềng Ban, Mai Sơn băn khoăn: “Vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng cao ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nhất là trong thời điểm đầu vụ sản xuất đối với cây trồng hằng năm. Chăn nuôi gia súc lợi nhuận thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mong Chính phủ có những chính sách, biện pháp hỗ trợ nông dân vượt khó trong thời điểm hiện nay, cũng như trong thời gian tới”.

Để nông nghiệp các tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Sơn La phát triển bền vững, theo ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La: “Kính mong Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương có những cơ chế chính sách để xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với điều kiện của các tỉnh miền núi, trong đó có Sơn La. Thứ 2, cần quan tâm đầu tư các trung tâm chiếu sạ tại Sơn La để giúp các sản phẩm nông sản có thể chiếu sạ trước khi xuất khẩu sang thị trường các nước. Thứ 3, chúng tôi mong Trung ương xem xét cho Sơn La được thực hiện hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp cho một số loại cây ăn quả mà Sơn La có lợi thế xuất khẩu. Thứ 4, chúng tôi thấy cần phải quan tâm, tiếp tục có các giải pháp để hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Chính quyền các cấp và nông dân Sơn La đã và đang nỗ lực vượt khó vươn lên dù đối mặt với nhiều thách thức. Sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc chắc chắn sẽ tạo thêm “cú hích” để nông nghiệp Sơn La thực sự phát triển bền vững và nông dân có thêm những mùa bội thu./.