Phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao

Từ một thú chơi nhân văn tao nhã có truyền thống lâu đời của ông cha, cách đây 65 năm trước, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Tết Trồng cây, đặt ra tiền đề quan trọng để phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao.

Theo Viện Kinh tế - Văn hóa và Nghệ thuật, sinh vật cảnh được hiểu theo nghĩa chung nhất là một lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, bao gồm các hoạt động liên quan đến việc trồng, chăm sóc và sử dụng cây xanh, hoa, cây cảnh, thảm xanh thực vật, động vật cảnh và các loài sinh vật khác để trang trí, làm đẹp, giải trí và cải thiện môi trường sống. Sinh vật cảnh không chỉ tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ cho mục đích thẩm mỹ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và là nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Sinh vật cảnh là một thú chơi nhân văn có truyền thống lâu đời của người Việt, phản ánh sâu sắc sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên trong văn hóa dân tộc. Sinh vật cảnh không chỉ là một hình thức trang trí mà còn là một phần của phong cách sống và giá trị tinh thần của người Việt. Nhiều làng hoa, cây cảnh có tuổi đời gần thiên niên kỷ là bằng chứng sống động cho thú chơi gắn liền với những biến thiên của dân tộc. Sinh vật cảnh gắn liền với tâm thức của người Việt như một lẽ sống và đã được khắc họa qua nhiều tác phẩm văn thơ, hò, vè, điêu khắc mỹ thuật phản ánh lối sống hòa đồng với thiên nhiên của người Việt tự ngàn đời. Tiêu biểu phải kể đến Làng cây Vị Khê (Nam Định) nằm ven sông Hồng gần thành phố Nam Định đã có tuổi đời hơn 800 năm.

1aa714ee7fa4d8fa81b5-1724668387.jpg

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân (bên trái)

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Tết Trồng cây và Người đã gương mẫu trong việc trồng hoa cây cảnh tại nơi người sống và làm việc, cũng như trồng cây xanh mỗi khi có điều kiện. Trong suốt 10 năm sau đó, Người đã có 14 bài viết, bài nói chuyện về chủ đề Tết Trồng cây với một mục tiêu xuyên suốt là làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta. Người đã đề cập đến việc hoa cây cảnh, sinh vật cảnh không chỉ được trồng trong gia đình, nơi làm việc mà còn được trồng ở đường nông thôn, công trường, nhà máy, phố phường với các tác dụng khác nhau. Người nhiều lần đề cập đến vai trò của sinh vật cảnh trong cải tạo nông thôn và đô thị.

Để tiếp nối những ý nghĩa cao đẹp đó, mùa xuân 1989, hơn 20 vị lão thành cách mạng đã xin phép Đảng và Nhà nước cho phép thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Năm 2010, Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Bác Hồ với nhiên nhiên và Sinh Vật Cảnh”. Từ sau Hội thảo quan trọng này, chủ đề phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh đã thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân. Mở đầu là Lễ hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010 đến hàng trăm cuộc triển lãm với các quy mô khác nhau được tổ chức ở các địa phương trong cả nước nhiều năm sau đó là minh chứng cho nhận định, Tết Trồng cây đã thực sự trở thành một mỹ tục mới trong nhân dân và Sinh Vật Cảnh là một hoạt động không thể thiếu trong các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước.

Từ sự chuyển động có tính chất tất yếu đó, ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ - CP đã chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 07 nhóm ngành nghề phát triển kinh tế nông thôn. Sinh Vật Cảnh là một trong 06 nhóm sản phẩm nông nghiệp được xét công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định 919/QĐ - TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; là một trong những sản phẩm làng cần bảo tồn và phát triển gắn với phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Trên những cơ sở đó, ngày 26/10/2022, Bộ nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 với mục tiêu: Xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. 2. Mục tiêu cụ thể - Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hoa, cây cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 6 - 8%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 50 - 55 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 70 - 75 nghìn tỷ đồng. - Giá trị xuất khẩu sản phẩm hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 130 - 150 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 180 - 200 triệu USD. - Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm. - Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 130 - 150 làng nghề hoa, cây cảnh được cấp có thẩm quyền công nhận.

f536bf6bed214a7f1330-1724668388.jpg
Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của cả nước ước đạt 51.600ha, giá trị sản xuất và tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh của nước ta ước đạt 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân/ha canh tác 350 triệu đồng/năm; Xuất khẩu hoa đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hoa của Việt Nam năm 2021 đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với 2020. Trong đó, hoa hồng có mức tăng trưởng mạnh nhất trên 100%. Tiếp đến là hoa ly, cúc, lan hồ điệp. Xuất khẩu hoa năm 2022 đạt 67 triệu USD, tăng trưởng 6,7%. Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2023  đạt xấp xỉ 80 triệu USD, tăng trưởng 19,4% so với năm 2022.

Nhằm xây dựng và phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn, trong nhiều năm qua, phong trào chơi, thưởng lãm và kinh doanh sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển và lan rộng. Qua phong trào không chỉ duy trì thú chơi tao nhã có từ lâu đời, mà còn góp phần gia tăng giá trị cây trồng và làm giàu chính đáng. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 9/9 huyện, thành phố; 89 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có tổ chức Hội, CLB sinh vật cảnh; 3 làng nghề Sinh Vật Cảnh; 1 hợp tác xã hoa, cây cảnh; 3 câu lạc bộ chuyên ngành Sinh Vật Cảnh với tổng số trên 3000 hội viên sinh hoạt. Các hội, CLB là môi trường thuận lợi để những người yêu SVC có thể giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc Sinh Vật Cảnh, từ đó có nhiều cơ hội phát triển kinh tế từ các mô hình này, đồng thời đóng góp vào các phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Với diện tích trồng và trưng bày Sinh Vật Cảnh của tỉnh Thái Nguyên đạt trên 50ha, thu hút trên 3.000 lao động, Các doanh nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà vườn Sinh Vật Cảnh đã và đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Tổng doanh thu năm 2023 từ Sinh Vật Cảnh ước đạt trên 130 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 900 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng Trung tâm Thương mại và Du Lịch Dũng Tân hàng năm đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng là 40 người lao động và hàng năm được thu về từ nguồn sinh vật cảnh là từ 20 đến 50 tỷ đồng.

Từ thực tiễn phát triển Sinh Vật Cảnh của cả nước đến những chuyển biến của tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh tỉnh Thái Nguyên nói chung và hiệu quả từ hoạt động của mô hình phát triển Sinh Vật Cảnh gắn với du lịch sinh thái tại Trung tâm và Du Lịch Dũng Tân, trong bài viết này, xin đề xuất một vài giải pháp thúc đẩy sinh vật cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao ở các địa phương như sau:

Một là, Đầu tư vào nghiên cứu để cải thiện chất lượng và năng suất của các loại hoa, cây cảnh được trồng tập trung với quy mô công nghiệp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Điều này có thể bao gồm phát triển giống mới, công nghệ canh tác tiên tiến, và các phương pháp bảo vệ cây trồng hiệu quả hơn.

Hai là, Đẩy mạnh việc đào tạo chuyên sâu cho người lao động trong ngành sinh vật cảnh về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và thiết kế cảnh quan. Gắn việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ba là, Ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc, quản lý và sản xuất sinh vật cảnh. Công nghệ thông minh như cảm biến để theo dõi điều kiện môi trường, hệ thống tưới tiêu tự động và phần mềm quản lý có thể giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí. Đảm bảo rằng các hoạt động sinh vật cảnh không gây hại cho môi trường và có thể duy trì lâu dài. Áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường và hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học.

Bốn là, Xây dựng thương hiệu mạnh và quảng bá sản phẩm sinh vật cảnh qua các kênh trực tuyến và truyền thống. Thúc đẩy nhận thức về giá trị và lợi ích của sinh vật cảnh đối với môi trường và chất lượng cuộc sống. Mở rộng thị trường xuất khẩu và tiếp cận các thị trường quốc tế. Tham gia các triển lãm quốc tế, xây dựng mạng lưới phân phối toàn cầu và nghiên cứu nhu cầu của các thị trường quốc tế.

Sáu là, Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào ngành sinh vật cảnh. Đồng thời, khuyến khích các hợp tác công-tư và liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để tối ưu hóa nguồn lực và cơ hội.

Bảy là, Hợp tác với các nhà thiết kế và quản lý đô thị để tích hợp sinh vật cảnh vào các dự án phát triển đô thị, tạo không gian xanh và nâng cao chất lượng sống trong các khu vực đô thị. Xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết như vườn ươm, trung tâm nghiên cứu và khu vực triển lãm để hỗ trợ hoạt động sản xuất và tiêu thụ sinh vật cảnh.

Cùng với đó, Hội Sinh Vật Cảnh các địa phương cần chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng tập trung quy hoạch vùng cho sản xuất sinh vật cảnh; Tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đào tạo lao động chuyên ngành sinh vật cảnh cùng với lồng ghép các chương trình khuyến nông để giúp các hội viên nâng cao tay nghề, phát triển mạnh nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh, đưa Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh thế sinh thái có giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương./.

Một số hình ảnh tại Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân

941c2d2f7f65d83b8174-1724668388.jpg
1f5d5c6d0e27a979f036-1724668387.jpg
39c5fad7ac9d0bc3528c-1724668386.jpg
561b8207d44d73132a5c-1724668386.jpg
d52aff37a97d0e23576c-1724668386.jpg
fe2be8c8b78210dc4993-1724668388.jpg