Một vụ va chạm giao thông xảy ra vào chiều ngày 15/5 trên đường Tuyên Quang, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã thu hút sự chú ý của dư luận sau khi đoạn video ghi lại sự việc được lan truyền trên mạng xã hội.
Diễn biến vụ việc được camera giám sát của một hộ dân ven đường ghi lại, qua đó thấy rõ hành vi thiếu trách nhiệm của người điều khiển xe máy sau khi gây tai nạn.
Theo hình ảnh từ camera an ninh, một người đàn ông điều khiển xe máy dừng sát lề đường, có biểu hiện quan sát khá kỹ trước khi rẽ trái để sang đường. Tuy nhiên, ngay khi xe máy vừa di chuyển, một chiếc ô tô hạng sang Rolls-Royce đang đi tới đã không kịp tránh, dẫn đến va chạm.
Mặc dù cú va chạm có vẻ không gây thiệt hại lớn, người đi xe máy đã lập tức rời khỏi hiện trường mà không có bất kỳ động thái nào nhằm trao đổi, xin lỗi hay nhận trách nhiệm.

Sự việc sau đó đã trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn và mạng xã hội. Một tài khoản chia sẻ, nhiều người đi xe máy hiện nay thường chủ quan sau khi va chạm với ô tô. Họ cho rằng ô tô có bảo hiểm, thiệt hại nhỏ nên không đáng để giải quyết, và vì vậy cảm thấy không cần thiết phải dừng lại hay chịu trách nhiệm.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi bỏ đi sau khi gây tai nạn giao thông là vi phạm pháp luật. Điều 80 của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định rõ trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi xảy ra tai nạn.
Theo đó, người gây tai nạn có nghĩa vụ phải dừng ngay phương tiện, cảnh báo nguy hiểm, giữ nguyên hiện trường, hỗ trợ người bị nạn và thông báo cho cơ quan chức năng.
Người gây tai nạn cũng phải ở lại hiện trường cho đến khi có mặt của lực lượng công an, trừ trường hợp phải đưa người đi cấp cứu hoặc thấy có nguy cơ đến tính mạng. Nếu rời khỏi hiện trường, họ phải lập tức trình báo với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương gần nhất.

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển xe máy có liên quan đến tai nạn giao thông mà không dừng lại và giữ nguyên hiện trường sẽ bị phạt hành chính từ 1 - 2 triệu đồng. Đây là mức phạt nhằm răn đe và nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân.
Việc bồi thường thiệt hại trong các vụ va chạm như trên không được pháp luật quy định cứng nhắc mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên hoặc sự can thiệp, phân xử của cơ quan chức năng nếu không đạt được đồng thuận.