Mitsubishi Destinator vừa chính thức trình làng tại Indonesia vào ngày 17/7, ngay lập tức thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam.
Định vị ở phân khúc CUV cỡ C, mẫu xe được kỳ vọng sẽ sớm gia nhập thị trường Việt trong năm nay.
Dựa trên thông số kỹ thuật được công bố, bài viết dưới đây sẽ so sánh Mitsubishi Destinator với 3 đối thủ bán chạy nhất tại Việt Nam nửa đầu năm 2024: Mazda CX-5, Ford Territory và Hyundai Tucson.
Kích thước: “Tân binh” chiếm ưu thế rõ rệt
Mitsubishi Destinator sở hữu kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4.680 x 1.840 x 1.780 mm cùng trục cơ sở 2.815 mm và khoảng sáng gầm từ 214–244 mm.

So sánh với các đối thủ:
-
Mazda CX-5: 4.590 x 1.845 x 1.680 mm, trục cơ sở 2.700 mm, khoảng sáng gầm 200 mm
-
Ford Territory: 4.630 x 1.935 x 1.706 mm, trục cơ sở 2.726 mm, khoảng sáng gầm 190 mm
-
Hyundai Tucson: 4.650 x 1.865 x 1.700 mm, trục cơ sở 2.755 mm, khoảng sáng gầm 181 mm
Dễ thấy, Destinator “nhỉnh” hơn cả về chiều dài tổng thể lẫn chiều cao, mang lại cảm giác bề thế hơn.
Đặc biệt, trục cơ sở 2.815 mm – tương đương Hyundai Santa Fe hứa hẹn mang đến không gian cabin rộng rãi vượt trội.
Khoảng sáng gầm của xe cũng đạt mức rất cao, từ 214 đến 244 mm, tiệm cận các mẫu bán tải như Ford Ranger hay Mitsubishi Triton. Đây là điểm cộng lớn khi xét tới điều kiện đường sá tại Việt Nam.
Động cơ tăng áp: Gọn gàng nhưng chưa mạnh
Destinator được trang bị động cơ 1.5L tăng áp, cho công suất 161 mã lực và mô-men xoắn 250 Nm.

Đây là bước tiến so với đồn đoán ban đầu về việc dùng chung động cơ hút khí tự nhiên với mẫu Xforce. Tuy nhiên, khi đặt cạnh các đối thủ cùng phân khúc, thông số này vẫn chưa thực sự nổi bật.
So sánh nhanh:
-
Mazda CX-5: 2.0L (154 mã lực), 2.5L (188 mã lực)
-
Ford Territory: 1.5L tăng áp (158 mã lực)
-
Hyundai Tucson: 2.0L (156 mã lực), 1.6L turbo (180 mã lực), 2.0L diesel (186 mã lực)
-
Honda CR-V (1.5L tăng áp): 188 mã lực
Như vậy, Destinator chỉ tương đương phiên bản cơ bản của CX-5, Tucson hoặc Territory và hoàn toàn lép vế so với các biến thể động cơ cao cấp.
Trong bối cảnh thị trường đang ngày càng chuộng xe mạnh mẽ, thông số này có thể khiến một bộ phận khách hàng cân nhắc.
Thiếu hệ dẫn động AWD: Điểm trừ về khả năng vận hành
Theo thông tin từ hãng, Destinator chỉ trang bị hệ dẫn động cầu trước (FWD) – một điểm yếu khi đặt cạnh Mazda CX-5, Hyundai Tucson hay Honda CR-V, vốn đều có tùy chọn hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD) ở các phiên bản cao.
Dù phần lớn người dùng CUV không sử dụng xe cho mục đích off-road nhưng AWD vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng độ bám đường, an toàn khi chạy tốc độ cao hoặc đường trơn trượt.

Để bù đắp, Mitsubishi trang bị cho Destinator 5 chế độ lái, bao gồm 3 chế độ địa hình, giúp tăng cường khả năng thích ứng với nhiều điều kiện mặt đường.
Treo sau thanh xoắn: Giống CUV cỡ B hơn là C
Điểm đáng chú ý và cũng gây tranh cãi là Destinator chỉ sử dụng hệ thống treo sau dạng thanh xoắn, vốn phổ biến ở các dòng CUV hạng B.
Trong khi đó, CX-5, Tucson và Territory đều sử dụng hệ treo đa điểm, giúp xe vận hành êm ái và ổn định hơn, nhất là khi đi đủ tải hoặc trên đường gồ ghề.

Việc dùng treo thanh xoắn khiến cảm giác vận hành của xe cứng hơn, phản hồi mặt đường rõ ràng hơn, có thể khiến hành khách phía sau kém thoải mái khi đi đường dài.
Đây cũng là điểm yếu từng bị người dùng Việt phàn nàn trên mẫu Mitsubishi Xforce – người anh em cùng nền tảng đang bán tại Việt Nam.
Mitsubishi Destinator có thể xem là một “tân binh” đáng gờm về mặt hình thể, sở hữu kích thước lớn nhất phân khúc, khoảng sáng gầm cực tốt và không gian nội thất hứa hẹn vượt trội.
Tuy nhiên, xét về hiệu năng động cơ, trang bị khung gầm và hệ dẫn động, mẫu xe vẫn chưa thể vượt mặt các đối thủ lớn như CX-5, Tucson hay CR-V, nhất là ở các phiên bản cao cấp.

Nếu được định giá cạnh tranh và hướng đến khách hàng ưu tiên không gian rộng, kiểu dáng SUV đậm chất việt dã, Destinator vẫn có cơ hội chinh phục thị trường Việt Nam, nhất là khi phân khúc CUV đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để thực sự thuyết phục người dùng về chất lượng vận hành và trải nghiệm cao cấp, Mitsubishi cần thêm nhiều cải tiến thực tế khi xe về Việt Nam trong thời gian tới.