Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XIX)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

TỪ 19 ĐẾN 25/12/1972

Nghe tin máy bay Mỹ lại đánh phá phía Bắc miền Bắc - đặc biệt dã man là chúng cho cả B.52 tập trung đánh ồ ạt có tính chất huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng chúng đã bị quân và dân ta trừng trị đích đáng: từ 18 đến 24-12, bắn rơi 53 máy bay, có 17 B52, 5 F.111, bắt sống nhiều giặc lái. Chúng tôi chăm chú nghe đài, theo dõi tin và các bài tường thuật, xã luận, bình luận...

Nghe những tin này, chúng tôi đều thấy tràn lên đau xót, đồng thời thấy quá kinh tởm kẻ thù, thấy vô cùng cảm phục đồng bào  miền Bắc. Tôi nhớ đến Hà Nội, nơi tôi đã được học hành suốt 10 năm phổ thông, đã từ đó mà bước vào đời. Khi bọn địch tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại thì tôi đang học lớp 10 - lúc ấy, cả trường lập tức bừng lên một khí thế mới: thi đua học tập và xây dựng nếp sống quân sự hoá. Tôi nhớ mãi những buổi tối chúng tôi tập hành quân: ba lô nho nhỏ, nhè nhẹ sau lưng, cành lá nguỵ trang nối hàng hai hăm hở đi qua đường Ô Chợ Dừa, đường Nam bộ, vòng mãi qua bệnh viện Bạch Mai, vòng về Ngã Tư Sở.

bt1-1661139038.jpg
Ngân và Đào (Sau này, Đào bị nước lũ cuốcuốn, hi sinh)

Đi trên đường bằng, cõng ba lô nhẹ, vậy mà người vẫn đẫm mồ hôi và lòng rộn ràng lên với ý nghĩ rằng mình đã bước đầu bước vào cuộc sống của người lính chiến. Tôi hiểu, không bom đạn ác liệt nào có thể khuất phục được người Hà Nội. Khi một viên đạn xuyên qua trái tim một con người, trái tim ấy ngừng đập và cả cơ thể sẽ chết theo. Nhưng khi hàng trăm nghìn quả bom xuyên vào trái tim của một Tổ quốc, thì trái tim ấy càng đập nhịp nhàng, mãnh liệt, và Tổ quốc càng vươn lên với sức sống kỳ diệu. Hà Nội là trái tim bất tử của Tổ quốc chúng tôi. Nghĩ đến Hà Nội là nghĩ đến đau thương - không đau thương sao được khi hàng trăm máy bay các loại đã và đang đánh phá huỷ diệt cả thiên nhiên và con người ở đó - đồng thời, nghĩ đến thương yêu và tự hào, tự hào tới mức có thể nghĩ rằng con người Hà Nội sinh ra là để chiến thắng kẻ thù.

Kẻ thù ngoan cố và chúng ta quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do! Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu lâu dài và đang bước đi với phong thái vừa hào hùng quyết liệt, vừa ung dung đĩnh đạc. Trên mặt trận nghiệp vụ, chúng tôi vẫn tiến công: ra đều đặn bản tin hàng ngày gửi về miền Bắc và phổ biến trong Khu bộ, làm hàng chục bộ ảnh phát huy khí thế chiến thắng của quân và dân trong miền. Tôi tìm tài liệu viết thêm bài, mẩu chuyện. Còn trong sinh hoạt, chúng tôi cũng tiến công: kiến thiết lại nơi ăn ở cho đàng hoàng, sạch sẽ, làm cho cuộc sống ở căn cứ thêm tươi tắn, lạc quan. Hà Xuân Phong - hoạ sĩ - là người đầu tiên phát minh  ra cách làm bàn bằng rễ cây. Ở rừng già, thật lắm rễ cây lạ: mỏng thôi nhưng to như tấm phản. Chúng tôi làm theo Phong, chặt về một rễ cây lớn, làm một cái bàn, hình từa tựa một con cá quẫy đuôi. Rồi đóng ghế chí cha chí chát. Nhà cửa được lợp lại, che thêm bằng gỗ, vừa đẹp, vừa kín. Chúng tôi lại còn lấy phong lan về treo quanh nhà.  Trông nơi ở thấy sáng sủa, đẹp đẽ thật đáng yêu.

Cùng dự buổi trao đổi về tình hình, nhiệm vụ với một số đồng chí viết văn ở Ban và Quân khu. Anh Vương Linh nói rằng trước tình hình này, trong lòng thấy tràn ngập cảm xúc và thấy phải viết, viết để góp phần vào cuộc chiến đấu này. Anh làm thơ, thấy chưa đủ, xoay qua viết văn. Tuỳ bút, bút ký viết chưa quen, xoay qua viết nhật ký. Mấy ngày này anh viết 50 trang rồi, chưa biết tác dụng ra sao, nhưng cứ viết ra đó, viết để thể hiện tấm lòng mình. Tôi cũng có chung tình cảm như thế. Có điều viết gì, viết như thế nào quả là một việc hắc búa. Phải suy nghĩ nhiều, đầu tư trí tuệ vào đó thật nhiều!

bt2-1661139043.jpg
Tôi cùng anh em dừng lại nấu cơm trên đường đi cõng gạo.

NGÀY 27/12/1972

Nghe tin đêm 26-12, giặc Mỹ cho máy bay B.52 ném bom huỷ diệt phố Khâm Thiên. Trong lòng lại nhói đau. Nơi ấy, biết bao thân thiết: nơi tôi thường đi xe đạp qua trên đường từ nhà tới Bờ Hồ, nơi tôi đã tập hành quân nhiều tối. Nơi ấy rất đông vui, sầm uất, nhà cửa san sát. Đánh vào đó, giặc Mỹ đã giết bao nhiêu đồng bào của tôi? Vậy mà chúng xoen xoét chối cãi, nói rằng chỉ đánh vào mục tiêu quân sự. Ai có thể tin lời chúng được? Trừng trị chúng, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 5 máy bay B.52!

NĂM 1973

CHỦ NHẬT 1/1/1973

Năm nay bắt đầu bằng một ngày trời trong xanh, nắng rực rỡ và lại hơi lạnh. Đến đêm, trời hơi mưa lắc rắc.

TỪ 2 ĐẾN 15/1/1973

Nghe tin Mỹ đã buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và lại nối tiếp các cuộc mật đàm với ta. Rõ ràng bọn chúng đã bị thất bại nặng nề. Khả năng một vẫn còn.

NGÀY 16/1/1973

Theo tin tham khảo, Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt đánh phá miền Bắc. Chúng tôi vui, một niềm vui nao nao khó tả. Nó không sôi động, náo nức vì đây chưa phải là tin phổ biến chính thức, mà nó trầm trầm, sâu lắng bên trong. Buổi sáng, vui đến mức không muốn ăn cơm.

Chúng tôi ráo riết chuẩn bị để làm việc tốt khi khả năng một xảy ra. Bộ phận ảnh phóng nhiều bộ ảnh cỡ lớn để triển lãm.

Anh Phi (Phó ban), Hoài Nam (Tuyên truyền) và Lợi (đánh máy) đã vào thường trực ở Thường vụ Z11.

NGÀY 24/1/1973

Đài Phương Tây đưa tin trưa nay Nixơn sẽ đọc một bài diễn văn về Việt Nam. Chúng tôi đều bảo nhau chú ý nghe đài TNVN vì có thể sẽ có nhiều tin quan trọng.

Quả vậy, 10 giờ rưỡi, buổi thời sự đã đọc một bản thông cáo của Bộ Ngoại giao nước ta nói rằng Mỹ và ta đã ký tắt Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Tối, cơ quan họp. Anh Nhớ - Phó Ban - nói lại thông báo trên và cho biết cơ bản thì bản Hiệp định này vẫn như bản Hiệp định thảo ra hồi tháng 10.

Nửa đêm, đài công bố Hiệp định và 4 Nghị định thư kèm theo. Chúng tôi nằm trên võng, bên bếp lửa lắng nghe và bàn tán sôi nổi. Các văn kiện nói lên rất rõ sự thất bại của Mỹ, Thiệu. Nghị định thư về việc Mỹ tháo gỡ mìn ở các hải cảng, sông ngòi làm chúng tôi thật thú vị.

Chúng tôi chụp chung với nhau một tấm ảnh ngồi bên bếp lửa.

NGÀY 25/1/1973

Huề lên đường đi Bình Định - ở đó có một địa điểm trao trả tù binh hai bên.

Tôi nóng lòng sốt ruột muốn lao ngay xuống địa phương để được cùng đồng bào đón ngày đại thắng. Thật gay, nhà chỉ còn tôi và anh Đảo làm tin, biên tập, không thể đi được.

Tôi xuống chỗ hội nghị của Khu để gặp đại biểu một số tỉnh lấy phát biểu cảm tưởng của họ trước tình hình mới.

NGÀY 27/1/1973

Hôm nay, Hiệp định Pari về Việt Nam đã được ký kết. Chỉ sáng mai thôi, hoà bình, niềm ước vọng tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam, sẽ đến với Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Nhận được tin địch lấn chiếm vùng giải phóng, ta chặn đánh quyết liệt, đồng thời tấn công chiếm thêm một số vùng. Đêm, súng nổ rền vang khắp nơi. Chỉ mấy tiếng nữa thôi là hoà bình đến. Nhưng các chiến sĩ của chúng ta vẫn chiến đấu ngoan cường, vẫn hy sinh. Tôi nghĩ, cái chết lúc này đắt giá gấp mấy cái chết những lúc trước.

NGÀY 28/1/1973

Ngày hoà bình đầu tiên.

Sáng sớm, mưa lắc rắc, trời lành lạnh.

Nghe anh Tường giải thích về hiệp định và anh Năm chúc Tết (Anh Năm Công, tức Võ Chí Công, là Bí Thư Khu Uỷ). Anh Năm cười vui vẻ nhưng nói rất rắn rỏi, biểu hiện niềm sung sướng, tự hào nhưng rất quyết tâm, cảnh giác. Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ hết sức gay go, phức tạp.

Buổi chiều, trời lại hửng nắng. Tôi và hai Cường ra nước Y. Dòng suối vẫn chảy đều đều và reo róc rách. Những tia nắng xuyên qua những bông lau làm chúng óng lên, mỡ màng. Không còn nghe tiếng máy bay chiến đấu, chỉ có tiếng máy bay vận tải nặng nề. Nằm trên đá ngắm thiên nhiên, lại nhớ Hà Nội, nhớ gia đình da diết. Ôi, mới ngày nào, nghĩ đến hoà bình còn thấy xa vời quá. Vậy mà nó đã đến, đến thực sự rồi. Nghĩ lại cứ thấy ngỡ ngàng như vừa ngủ mơ xong! Tuy nhiên, cho tới nay, tôi vẫn hiểu rằng ngày về thăm nhà (thăm thôi) vẫn còn xa xôi lắm! Biết bao công việc đã bầy ra trước mắt. Không thể vắng mặt trong cuộc chiến đấu mới này.

Gặp đoàn cán bộ tập trung để đi Quảng Ngãi phục vụ việc trao trả tù binh. Ở đây có Xuyến, y sĩ ở bệnh viện một. Cô người Phú Thọ nhưng sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cô gái 22 tuổi ấy có vóc người khoẻ mạnh, có tác phong mạnh bạo. Lần này là lần thứ 3 tôi gặp và nói chuyện với Xuyến. Buổi tối, cùng ngồi xem phim với Xuyến, nói chuyện nhiều. Tất nhiên, chỉ nghe tiếng nói nhẹ nhàng, thanh thoát của con gái Hà Nội thôi, cũng đủ thấy ấm áp và êm dịu rồi. Cô gái này có những nét độc đáo: đối với một số người thì rất bướng bỉnh, với một số khác lại rất tình cảm; yêu nhạc, thích thể thao và tâm hồn cũng khá lãng mạn.

NGÀY 29/1/1973

Sáng sớm Xuyến đã đi. Không kịp bắt tay tạm biệt Xuyến.

Trời rực nắng một chút rồi lại u ám.

Về nhà. Anh Đảo đang cúm, nằm trong võng, phủ bọc kín mít. Tin để ùn lại, tôi cầm cả tập. Nổi bật là tin Mỹ nguỵ vi phạm Hiệp định.

Đang ăn dở cơm thì phải chạy xuống nghe điện thoại. Đỗ Phú hổn hển đọc tin: lại tin vi phạm Hiệp định. Tôi không hài lòng lắm vì tin viết lộn xộn, không có những chi tiết tốt. Tôi nhắc Phú nhớ khai thác kỹ điện: tố cáo thằng địch phải có bằng chứng cụ thể, do vậy tin phải hết sức chi tiết, rõ ràng.

Mưa nặng hạt. Lạnh.

Vừa biên tập tin, tôi vừa khai thác các tài liệu ghi chép được trong chuyến đi Bình Định vừa qua, viết một số bài, mẩu chuyện.

NGÀY 30/1/1973

Nhận được điện của anh Đỗ Phượng ngoài VNTTX báo tin gia đình bình an, mạnh khoẻ sau những trận B.52 dữ dội vừa qua. Đây là món quà đầu năm quý báu nhất. Vô cùng biết ơn cơ quan trước sự quan tâm chu đáo ấy.

NGÀY 31/1/1973

Nhận được tin: đi theo đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên làm tin, ảnh, đóng vai sĩ quan. Chưa biết cụ thể ra sao.

NGÀY 1/2/1973

Chạy nháo khắp nơi để liên hệ về việc đi công tác. Mệt bã ra, không muốn ăn uống gì cả.

Gặp Như Cảnh - thiếu tá - anh quen tôi từ trước và chuyến này cùng đi trong đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên vào Đà Nẵng. Vui quá. Anh cho biết: sẽ chuyển qua sinh hoạt quân đội - trang bị cũng vậy. Sáng mai sẽ đi Trà Mi - có máy bay lên thẳng đón ở đó.

Các anh lãnh đạo căn dặn khá nhiều. Vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề - tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Trời xám xì mầu xi măng.

NGÀY 2 ĐẾN 10/2/1973

Những ngày chờ đợi sốt ruột. Nằm ở gần sân bay mà đón Tết, một cái Tết long đong, nghèo về vật chất mà háo hức. Đêm 30, ngồi trên võng, dưới những lùm chuối, đón giao thừa. Bắt đầu từ ngày một, sáng nào cũng ba lô gọn gàng chờ ra sân bay mà hụt mãi. Cơm thì chỉ có rau với mắm.

Trong những ngày rỗi rãi này, có dịp ngồi suy nghĩ về những niềm riêng. Giữa những ngày xuân này, tôi có bước ngoặt khá lớn: bước vào một tình yêu! Thuý Ngân đã trở thành người yêu của tôi. Nghĩ lại mối quan hệ giữa hai đứa, cũng có nhiều cái lạ: hình như chẳng có khi nào tán tỉnh, tấn công lẫn nhau, như nhiều đôi trai gái khác, mà chỉ phát triển dần dần từ sự thông cảm lẫn nhau thành tình yêu. Cũng như nhiều cô gái miền Nam khác, Ngân không có được niềm hạnh phúc gia đình toàn vẹn và phải vất vả từ nhỏ. Má chết sớm, ba  bị bom đạn Mỹ giết hại, Ngân chỉ còn ba nuôi hiện đang ở miền Bắc. Thoát ly địa phương từ 15, 16 tuổi, Ngân đã lớn lên với cuộc sống đầy gian khổ ở căn cứ. Khi ở quân đội chuyển qua, Ngân làm y tá ở cơ quan này và tỏ ra rất siêng năng, tận tâm với công tác. Trong những ngày mưa, thấy Ngân chạy hết nhà này đến nhà khác chăm sóc anh em đau, người ướt lướt thướt, tôi thấy thương cô bé quá. Ngân thỉnh thoảng cũng lên chỗ tôi chơi. Cô rất mến anh em trong bộ phận này và cũng được anh em rất mến. Ngân hay kể chuyện về gia đình, về người cha nuôi nghiêm khắc, về những năm tháng gian truân bên quân đội. Ngoài những lúc chuyện trò chung với anh em khác trong nhà, tôi và Ngân rất ít khi nói chuyện riêng với nhau. Vậy mà thấy có cảm tình với nhau đặc biệt. Rồi Ngân chuyển về Xưởng phim. Xa, thấy nhớ lạ lùng. Trong những lá thư gửi Ngân, tôi cũng chẳng rào đón, giấu giếm gì tình cảm đặc biệt của mình với Ngân.

Mãi tới gần Tết chúng tôi mới lại được gặp nhau. Khi ấy, tôi sắp lên đường công tác. Ngân cuống quýt lên khi biết tin ấy. Nhưng chúng tôi không có thời giờ để nói chuyện riêng với nhau - tôi phải giải quyết gấp nhiều công việc, mà thời gian thì quá ít. Khi chia tay nhau, Ngân đưa tôi một lá thư và một chiếc khăn tay. Trong thư, Ngân đã đáp lại tình cảm của tôi bằng tình cảm thật đằm thắm, sôi nổi. Ôi, giá như chúng tôi được ngồi chuyện trò với nhau trong ít chục phút thì hạnh phúc biết mấy. Vậy mà không được, cuộc sống khắc nghiệt quá.

Chính trong những ngày này, khu V chúng tôi lại diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ địch. Chỉ sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam có hiệu lực 3 ngày, địch dã giở mặt, lấn chiếm vùng giải phóng. Ta phải chống lấn chiếm. Địch nống ra vùng giải phóng. Ta tổ chức nhiều mũi nhọn thọc sâu vào các thị trấn, thành phố tạm thời dưới quyền kiểm soát của chúng, làm cho hậu cứ của địch mất ổn định. Khẩu hiệu của chúng ta là Một tấc đất, một tấc vàng - Một góc gíang san, một dòng máu đỏ, quyết giữ các chốt điểm, nơi cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng. Chiến sự diễn ra phức tạp và ác liệt. Địch đã chiếm được chốt điểm Bàn Tân - Lâm Phụng trên tuyến đường 14 của ta, nằm trên vùng đất Đại Lộc. Chiến sự tiếp tục ác liệt. Mười ngày sau, chúng chiếm chốt điểm trên đồi Dương Thông thuộc huyện Duy Xuyên.

(Còn nữa)