Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XXII)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NGÀY 30/4/1973 - THỨ 2

Kỷ niệm 5 năm ngày tôi rời miền Bắc vào Nam.

Bầu trời mùa hè cao xanh vời vợi. Nắng vàng óng ả. Nhưng đến chiều thì giông nổi lên, gió cuốn ào ào vít cây cối xuống. Một cành cây to gẫy răng rắc, suýt nữa rơi trúng nhà tiểu đội quân sự làm mọi người hốt hoảng chạy dạt ra. Đã sắp đến mùa mưa giông rồi. Buổi chiều, trời hay dở chứng, làm mặt giận dữ.

1-1661139792.jpg

Nhớ lại cách đây 5 năm, cũng vào buổi chiều, chúng tôi lên ô tô bắt đầu cuộc hành quân lớn. Khi ấy, tôi còn là một thanh niên măng sữa, lòng đầy nhiệt tình, nhìn cuộc đời lúc nào cũng thuần khiết một mầu hồng. Những năm gian khổ đã dậy tôi nhìn sâu vào cuộc sống hơn, thấy mặt phải và cả mặt trái của cuộc sống. Nhiều lúc phải rùng mình ghê sợ vì thấy những biểu hiện đê tiện, xấu xa quanh mình, ngay trong đồng chí mình. Nhiều lúc thấy sung sướng, ngạc nhiên trước những biểu hiện đẹp đẽ, cao cả mà mình không hình dung ra được. Và phải nói, cũng có những lúc thấy xấu hổ với chính mình, vì những việc làm không tốt của mình mà mọi người không biết. Nhưng điều cơ bản là tôi vẫn giữ nguyên được bầu máu nóng, giữ được nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ và cũng không để hoài để phí những ngày đã qua.

Năm năm, so với cuộc đời không phải là dài. Nhưng năm năm qua là một giai đoạn rất quan trọng đối với tôi, 5 năm đặt nền móng cơ bản cho tôi xây dựng cuộc đời. Trong khoảng thời gian ấy, tôi đã bước vào vị trí chiến đấu và đứng vững ở vị trí ấy, đã phấn đấu tốt, được kết nạp đảng và trở thành đảng viên chính thức, được bầu vào chi uỷ, đã rèn luyện về nghiệp vụ và cống hiến khả năng chuyên môn của mình cho cách mạng. Tuy nhiên, về nghiệp vụ mà nói, bước tiến của tôi còn chậm quá. Đứng trước một thực tế rất phong phú và đã lăn lộn trong thực tế ấy, lẽ ra tôi phải viết được nhiều, được hay hơn. Tôi vẫn chưa đầu tư nhiều thời gian cho việc viết, nhất là viết văn.

Nhìn về tương lai, tôi thấy lòng đầy tin tưởng. Khó khăn còn nhiều, song thuận lợi lại rất nhiều. Điều kiện sống dễ chịu hơn, đỡ phải lo xoay xở về vật chất cho cuộc sống, chúng tôi có nhiều thời gian để đi sâu vào công tác chuyên môn. Bên những người bạn đồng nghiệp lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, tôi có thêm một đội ngũ đông đảo bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, xốc nổi. Sống trong không khí ấy, nhiệt tình viết sẽ luôn được hâm nóng và luôn rút được kinh nghiệm.

2-1661139819.jpg

Về đời tư, tuy xa gia đình, nhưng tôi vẫn luôn được sống trong tình gia đình đầm ấm. Anh Đảo, anh Nhị, những người anh cùng vào Nam một đợt với tôi, thương yêu tôi như một người em, luôn quan tâm đến hạnh phúc của tôi. Anh Phấn, Quảng, Quả... cũng sống với tôi thật chân tình, đằm thắm. Bên tôi lại có Thuý Ngân, cô gái miền Nam mà tôi yêu quý, đã đem lại cho tôi những niềm hạnh phúc riêng biệt. Tất cả những điều đó đã khiến tôi thực sự coi cơ quan là gia đình thứ hai, miền Nam là quê hương thứ hai của tôi, an tâm sống và chiến đấu lâu dài ở đó.

Nhớ lại ngày lên đường, cùng Vượng ngồi một ghế trên xe. Nay Vượng đã hy sinh rồi. Thương nhớ Vượng vô hạn. Chắc rằng nếu còn sống, Vượng sẽ rất nhiệt tình xây đắp cho tình yêu của tôi. Trước khi chết, Vượng tỏ ra rất quan tâm đến điều đó, đã đi thăm dò để tìm “đối tượng” cho tôi mà chưa được. So với tôi, Vượng vất vả hơn nhiều. Suốt từ 1968 đến 1971, anh đã phải đánh vật với bệnh tật, với sự đối xử tệ của một số người và phần lớn thời gian phải lăn vào sản xuất, gùi cõng. Đến khi điều kiện khách quan có nhiều thuận lợi để phát huy khả năng chuyên môn, được đi công tác, thì anh lại hy sinh. Hình ảnh Vượng luôn luôn rõ nét trong tôi: dáng người cao cao, gầy gầy, tính tình bộc trực thẳng thắn, hay châm biếm, yêu ai thì chăm sóc hết mức, ghét ai thì như đào đất đổ đi, dám bênh vực kẻ yếu, tuy bản thân không phải là người mạnh. Hồi mới vào, tôi đưọc phân công chép Bản tin đọc chậm của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Một hôm, đài hết pin, anh Hầu - cùng Tiểu ban, chi uỷ viên - lĩnh pin thay cho tôi. Đài vẫn bắt sóng yếu, cứ bập bà bập bõm, tôi ghi chữ được chữ mất. Anh Hầu trách cứ tôi, cho rằng tôi thiếu trách nhiệm. Vừa hay hôm ấy Vượng ở bên Quân khu về. Anh bảo tôi đưa đài rồi mở ra, kiểm tra lại pin. Anh kéo tôi lại chỗ anh Hầu, đưa hai viên pin ra và bảo: "Pin này cũ rồi, có phải anh đổi không?". Anh Hầu chưa kịp trả lời, Vượng đã cầm chiếc đài của anh ấy, bật bao, lấy pin ra. Rõ ràng, đây là những cục pin mới. Anh Hầu ngượng ngùng trả lại pin cho tôi, không nói được câu nào. Vượng bị một số anh trong chi uỷ thành kiến, suýt nữa không được chuyển Đảng chính thức, may có anh Huỳnh Ngọc Lý và mấy anh khác trong Đảng uỷ và Chi uỷ bênh vực nên mới khỏi bị thành "bạch vệ"- như anh nói.  Vượng ra đi còn để lại ở quê hương một vợ, một con nhỏ. Tôi nhớ hồi hành quân qua Hà Tĩnh, đoàn dừng lại, Vượng được phép về thăm nhà - vợ anh mới sinh. Khi Vượng trở lại, tôi hỏi thăm, anh lúng túng không biết trả lời tôi con anh là trai hay gái. Anh cười: “Mình ngó nó đỏ hỏn, có dám bồng đâu mà biết nó ra sao”. Đứa con đầu và là đứa con cuối cùng ấy của anh nay đã 5 tuổi, nhưng không bao giờ nó có thể được thấy mặt cha nó! Tôi cứ tâm niệm một điều: khi nào có dịp ra Bắc sẽ đến thăm gia đình Vượng, kể lại cho gia đình Vượng nghe về những năm tháng đầy gian khổ và cũng đầy yêu thương mà chúng tôi sống với nhau.

NGÀY 10/5/1973

Vì một vết bỏng ở chân, tôi phải đi bệnh xá C.12.

Bây giờ, đường ô tô đã chạy vào tới Khu bộ. Đi theo đường xe ra sông Tranh. Gặp mấy chiếc commăngca đi vào hoặc đang đậu dọc đường. Sau mấy cơn mưa chiều, con đường có nhiều đoạn bị đọng nước, lầy lội.

Tới sông Tranh, gặp con đường ô tô lớn. Một cái ngầm được đắp qua sông. Phía bên này, con đường đỏ tươi chạy bên bờ sông, bám theo các triền núi. Người ta đang làm thêm một con đường vòng lên trên ngầm, ở đoạn sông sâu - có lẽ bến phà sẽ là nơi ấy. Tiếng mìn phá đá nổ ầm vang, nối theo nhau.

Tôi đi nhờ một chiếc xe tải - nó chở đầy chất nổ đóng bánh. Đường xóc vô kể. Có những đoạn đường chui qua những vạt rừng già râm mát thật đẹp. Gặp khá nhiều trạm xe và nhiều xe. Xen vào tiếng xe chạy ì ì, thỉnh thoảng lại ầm vang tiếng mìn phá đá. Chúng ta tiếp tục mở đường và củng cố đường.

TỪ 11/5/1973

Bắt đầu bản trường ca nhàn rỗi với những điệp khúc tẻ nhạt: sáng tập thể dục, ăn cơm, yên tĩnh, tiêm thuốc, trưa uống thuốc, ăn cơm, chiều thay băng, ăn cơm, tối tập “Cốc đại phong” và ngủ sớm. Cứ như vậy ngày tiếp ngày trôi qua. Tuy nhiên, sinh hoạt đảng và sinh hoạt hội đồng thương bệnh binh được duy trì đều.

3-1661139835.jpg

Bệnh viện là nơi tập trung của các loại vi trùng, đặc biệt là vi trùng sốt rét. Chúng đến đây và đua nhau trổ tài hành hạ con người: có tên làm người ta sốt đùng đùng, có tên làm người ta sốt hâm hấp nhưng sưng lách, có tên làm người ta nằm liệt, mê man. Đặc biệt, đầu tháng 6 có một ca nguy kịch: đồng chí Hải, một thanh niên người miền Bắc, bị sốt ác tính. Bệnh viện cứu chữa Hải với đầy đủ thuốc và cho người trực suốt ngày đêm. Song, tình hình chưa có gì sáng sủa cả. Bệnh nhân gầy rộc đi, nằm thoi thóp. Cái chết đã hiển hiện trên khuôn mặt: má hóp, răng nhô ra, môi khô lạnh và đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt mở, không chớp, bạc mầu, dài dại, dường như không còn nhận biết gì mọi hình ảnh ngoài đời nữa.

Nằm ở đây nơm nớp lo bị vi trùng sốt rét tấn công. Do vậy phải chủ động tấn công nó trước và phòng ngự tích cực. Xẩm tối nào cũng đốt một đống lửa to rồi tấp lá tươi lên tạo thành đám khói dữ dội bao trùm cả nhà, lùa vào các ngõ ngách xua muỗi đi. Rồi đi bít tất, thả tay áo cho dài và phủ bọc võng cho kín. Các cô y tá luôn đi kiểm tra bọc võng bệnh nhân. Rồi uống thuốc phòng nữa. Mong rằng ta sẽ thắng.

NGÀY 13/5/1973

10 giờ 15’, Đoàn Văn Hải từ trần. Vi trùng sốt rét đã đầu độc trung ương thần kinh và phá huỷ hồng huyết cầu với mức độ quyết liệt. Chúng tôi đưa Hải đi vào buổi chiều trời đầy mây. Hoàn cảnh tương đối thuận lợi này khiến chúng tôi có thể chôn cất Hải một cách đàng hoàng. Lòng bùi ngùi thương xót người đồng chí chưa từng quen ấy. Người thanh niên 24 tuổi ấy đang học năm thứ nhất Đại học thì xung phong đi bộ đội và vào đây chiến đấu.

Có lẽ, ở chiến trường, bệnh sốt rét là kẻ thù lớn nhất trong các kẻ thù không vũ khí cướp đi sự sống của chúng tôi. Tôi còn nhớ, Thuý Ngân đã kể cho tôi nghe rằng, vào năm 1969, trung đội của Ngân đóng ở núi cao, giá lạnh, cả đơn vị bị sốt rét, sáng nào cũng có một hai cô gái qua đời. Đâm ra ai cũng sợ giấc ngủ - cứ ngủ là thiếp đi luôn. Nguyên nhân chỉ vì sốt rét, kèm với bệnh ghẻ và cái lạnh hoành hành.

Trong chiến trường, qua 5 năm đối mặt với chiến tranh, tôi đã chứng kiến bao nhiêu cái chết, với bao nhiêu kiểu chôn cất khác nhau: Bị sát thương do bom đạn: bom bi, bom phá, bom na pan, đạn pháo, đạn súng cối, đạn súng cá nhân... Bị ốm đau mà chết: sốt rét, thương hàn, suy kiệt. Bị nạn: rắn cắn, hổ vồ, lũ cuốn, cây đè, núi lở... Lại có bao nhiêu cảnh huống chết khác nhau: Đang ngủ bị trúng bom, tan xác giữa giấc nồng. Đi đường  bị địch phục kích, ngã gục bên vệ cỏ. Lãnh trọn một quả pháo, tan xác. Thiếp đi trên võng trong cơn sốt và lạnh dần, lạnh dần để rồi thầm lặng đi vào cõi vĩnh hằng. Vượt sông trong mùa nước lớn, bị nước nhấn chìm. Lại có biết bao kiểu chôn cất: Bọc trong võng, trong ni lông, hạ huyệt - đây là kiểu chôn cất chu đáo nhất có thể có được ở chiến trường, vì không thể nào tạo ra được bộ hòm áo quan. Mộ đá: có vùng toàn đá, không thể đào hố chôn cất được, đành để xác đồng chí nằm trên đá rồi khuân đá xếp dần, xếp dần thành ngôi mộ. Mộ nổi: đồng chí bị địch phục kích hy sinh, khi đến thì thi thể đã thối rữa, không thể đi chuyển, đành tấp ni lông lên, lấp đất, đắp dần thành ngôi mộ. Lại có trường hợp bị chết trôi trong mùa bão lũ, xác vướng vào ngọn cây, khi nước rút, xác gác trên ngọn cây. Chết nhiều kiểu. Chôn nhiều cách. Nhưng có một điều chung: hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

THƯ GỬI NGÂN.

Ngày 5 tháng 6 năm 1973

Ngân thương yêu của anh!

Nếu như em đang buồn, thì bây giờ em hãy vui đi nhé. Anh  của em lại về nói chuyện với em đây. Như anh đã nói với em, không khi nào anh muốn em của anh buồn, dù chỉ là buồn thoảng qua! Hơn thế nữa, không khi nào anh muốn em của anh phải khóc, anh không muốn những giọt nước mắt của em phải rơi hoài rơi phí, nếu em có để rơi thì hãy đợi anh về, anh hứng lấy mà uống vào lòng. Bởi vì anh yêu em lắm, Ngân ạ!

Thế mà chúng ta đã yêu nhau gần nửa năm rồi Ngân nhỉ! Trên 100 ngày yêu nhau mà chỉ được gặp nhau 3 lần, và nếu gom lại thì sống với nhau chưa trọn một ngày! Cuộc sống khắc nghiệt như vậy đấy. Nó thử thách tình yêu của con người một cách khá phũ phàng. Song, em thân yêu ạ, dù xa em bao nhiêu chăng nữa, anh vẫn luôn nhớ em và lúc nào cũng yêu em tha thiết. Biết bao nhiêu lần anh thầm gọi tên em trong giấc ngủ trăn trở. Anh ước ao mãi những giây phút sống bên em. Khi ấy, anh tha hồ yêu chiều em, đồng thời cũng có những điều khuyên bảo em nữa. Nhưng đó vẫn chỉ là mơ ước! Còn thực tế thì anh vẫn xa em và không biết  đến bao giờ mới được đoàn tụ. Anh được biết đoàn của anh sắp triển khai công tác rồi, bây giờ ở vùng ranh (Hiệp Đức), chứ không vào Đà Nẵng nữa. Hôm trước Ban có viết thư sang Ban Hiệp định "đòi" anh về. Song bên Hiệp định nói rằng anh chính thức là người của đoàn, chính thức chuyển sang quân đội nên không cho về. Bây giờ lại bắt đầu vào công việc.

Hiện nay vết bỏng chưa lành, có thể nửa tháng nữa anh mới ra viện. Nếu em hứa rằng khi anh đến, em không đưa anh một lá thư nào như "lá thư viết dở" bữa trước, thì anh sẽ vào thăm em.

Anh đang viết thì anh Thanh vội đi. Anh tạm dừng bút nhé.

Hôn em nhiều. Anh của em!

SUY NGHĨ TRONG NHỮNG NGÀY XA EM

Tháng sáu.

Bầu trời mùa hè cao xanh vời vợi. Không gian khoáng đãng, song vô cùng oi bức. Ánh nắng chói chang muốn thiêu đốt con người. Trong lòng anh cũng có một mùa hè cháy bỏng, đó là niềm thương nhớ em trong những ngày xa cách, em thân yêu của anh ạ! Nỗi nhớ nhung ấy vời vợi hơn bầu trời cao xanh, bao la hơn không gian khoáng đãng, rừng rực hơn ánh nắng mùa hè, muốn thiêu cháy trái tim anh.

Vào những năm trước đây, khi anh đang còn niên thiếu, những mùa hè đến với anh khác bây giờ rất nhiêu. Em biết không, vào những năm ấy, mùa hè đến với những hàng cây phượng vĩ trổ hoa đỏ rực trời, với tiếng ve kêu râm ran khắp các đường phố, với niềm vui rộn ràng của những người học sinh như anh: kết thúc một năm học, bắt đầu những ngày nghỉ ngơi thoải mái. Người ta nghĩ đến chuyện đi nghỉ mát ở những miền biển phóng khoáng, những vùng rừng núi xanh tươi, hoặc về quê thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Riêng anh thì không nghĩ đến chuyện về thăm quê được. Biết gọi thế nào là quê của anh được nhỉ? Quê bố ở Ninh Bình, một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Quê mẹ ở mãi Móng Cái, một tỉnh thuộc vùng biển gần biên giới Trung Quốc. Còn anh thì lại sinh ra ở tận phố Ngô Khê, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, một vùng rừng núi hẻo lánh nằm ở phía Bắc Tổ quốc, cách Hà Nội đến gần 400 cây số. Quê hương, nếu theo nghĩa thông thường người ta hiểu, thì đó là nơi mình sinh ra và lớn lên, đồng thời ở đó có một ngôi nhà, một mảnh vườn và có những người họ hàng thân thích của mình. Còn Ngô Khê? Đúng nó là nơi anh sinh ra, song anh không lớn lên. Mới sinh ra, còn đỏ hỏn, anh đã được bố mẹ đưa lên thị xã Hà Giang. Sau đó là những ngày rong ruổi trên đường kháng chiến.

Lúc ấy bố là một cán bộ quân đội, luôn luôn cơ động theo yêu cầu chiến đấu, do vậy gia đình cũng di chuyển theo. Anh đã từng ngồi trong quang thúng do bà, mẹ gánh, hoặc ngồi sau yên ngựa của bố mà đi qua Tuyên Quang, Phú Thọ, rồi lại từ Phú Thọ qua Tuyên Quang sinh sống, cũng có khi phải lẽo đẽo đi bộ hàng chục cây số nữa. Thời gian ấy, việc học hành của anh bị gián đoạn luôn, nên mặc dầu học khá thông minh, anh vẫn chẳng qua được lớp nào cả, Xem ra như vậy thì thời thơ ấu của anh cũng khá vất vả chứ chẳng được "bọc đường" như người ta tưởng đâu em ạ.

Mãi tới khi hoà bình lập lại anh mới cùng gia đình về Hà Nội ở, và từ đó mới được học hành tử tế. Anh cùng gia đình bắt đầu sống trong môi trường tập thể: cả gia đình đều sống trong khu tập thể của cơ quan. Mỗi lần cơ quan di chuyển là gia đình lại di chuyển theo, hết ở Bạch Mai lại qua Cầu Giấy, sau đó qua Gia Lâm rồi Mễ Trì. Nghĩa là anh đã sống cả 4 phương trời của Hà Nội, mỗi nơi sống một ít, nhưng chẳng sống ở đâu lâu để mà "bắt rễ" ở đó.

Suốt thời niên thiếu anh đã sống trong môi trường tập thể như thế, ngay trong những ngày hè, anh cũng nghỉ ngơi, vui chơi ở đấy chứ không đi các nơi như bè bạn khác. Đặc biệt mùa hè nào anh cũng dành ra một vài tháng đi lao động ở công trường hoặc nông trường để rèn luyện mình, mặt khác để có tiền tự mua sắm áo quần, sách vở, anh ít thích phụ thuộc quá vào gia đình. Có khi anh gọi đùa những chuyến đi lao động ấy là những chuyến về thăm quê.

Anh nói những điều như trên là để em hiểu rõ thêm về anh, đồng thời để lấy cơ sở mà giải thích cho em về một số quan niệm của anh về cuộc sống.

Như em đã biết đấy, anh cũng có một nơi sinh, nhưng lại chẳng có một quê hương cụ thể nào cả. Anh sinh sống và lớn lên ở nhiều vùng của Tổ quốc, trên mỗi mảnh đất ấy anh đều có những kỷ niệm yêu thương, đều thấy gắn bó với nó và đều có thể coi nó là quê hương của mình. Anh quan niệm rằng mảnh đất nào mà tại đó mình sống những ngày có ý nghĩa, mình có những kỷ niệm thân thương, thì mảnh đất ấy là quê hương của mình. Sở dĩ anh nói với mọi người quê anh ở Hải Dương là vì đó là địa bàn công tác đầu tiên của anh, từ đó anh thực sự bước vào đời. Cũng với quan niệm ấy, bây giờ anh có thể nói rằng miền Trung Trung Bộ là quê hương anh. Không gọi nó là quê hương sao được, khi mà tại đó, anh đã sống những năm tháng sôi nổi nhất của tuổi trẻ, đã bước những bước tiến quan trọng nhất của cuộc đời, đã cống hiến một phần nhỏ bé sức lực và trí tuệ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc? Bên cạnh đó, bây giờ anh lại có em, một cô gái anh rất yêu và cũng rất yêu anh. Điều đó càng làm anh gắn bó hơn với mảnh đất này. Anh rất biết ơn mảnh đất đã rèn luyện anh, đồng thời đã đem lại cho anh  hạnh phúc.

Em là một trong những nguồn hạnh phúc lớn lao của anh đấy, em thân yêu ạ. Cứ mỗi  lần nghĩ tới em là anh lại thấy lòng mình dào dạt tình yêu, cháy bỏng nhiệt tình và anh thấy cuộc đời đẹp đẽ quá, đáng sống quá. Trong những giờ phút ngắn ngủi bên em, anh muốn ngắm nhìn em thật kỹ để in sâu hình ảnh em vào trái tim anh, để khi xa em, hình ảnh ấy lại hiện lên rõ nét trong óc anh.

Trong những ngày nằm điều trị, không có việc gì làm, anh càng nhớ em da diết và dường như đêm nào anh cũng thầm nói chuyện với em, thấy như em đang ở bên anh. Biết rằng em cũng rất thương nhớ anh, luôn luôn nghĩ đến anh, anh thấy trái tim mình được sưởi ấm lên rất nhiều.

Nghĩ về em, anh lại nghĩ đến tương lai của chúng ta, ngày ấy không phải gần lắm, nhưng cũng không xa xôi lắm và nhất định sẽ đến. Ấy là khi cuộc đấu tranh của chúng ta để gìn giữ và xây dựng hoà bình đã giành được những thắng lợi to lớn hơn bây giờ, khi anh hoàn thành nhiệm vụ trở về, chúng ta sẽ ở bên nhau. Khi ấy nhất định anh sẽ đưa em về Hà Nội thăm gia đình, anh sẽ nói với bố mẹ rằng:"Thưa bố mẹ, con đã đem về gia đình ta một người con đấy", và rồi bố mẹ sẽ đón em bằng tình cảm nồng thắm, bằng không khí ấm áp thực sự gia đình. Anh sẽ đưa em đến thăm ngôi trường cấp 3 Trưng Vuơng, nơi đã chắp cánh cho những ước mơ của anh, đưa anh bay bổng vào cuộc đời. Anh sẽ dẫn em đi dạo mát ở đường Thanh Niên, ngắm nhìn những chiếc thuyền của những đôi trai gái êm trôi trên mặt Hồ Tây, giữa ánh trăng thanh, đón làn gió mát rượi của mặt hồ bao la. Trong làn gió ấy có hương thơm ngan ngát của hoa sen, lại có lời thủ thỉ tâm tình của những đôi trai gái yêu nhau. Chắc rằng chúng ta sẽ hoà vào làn gió ấy lời ân ái dịu ngọt của chúng ta - của anh, của em - của hai người đang yêu nhau tha thiết. Anh sẽ dẫn em đi dạo chơi ở công viên Thống nhất. Tại đó có nhiều hoa lắm: hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, hoa huệ, hoa lay dơn, hoa nhài... hoa nào cũng khoe mầu sắc rực rỡ, toả hương thơm ngào ngạt. Hoa cứ nhởn nhơ trước gió như thế, yêu chiều hết thảy mọi người như thế, nhưng chẳng về với riêng ai cả bởi vì hoa là của chung xã hội. Đi giữa vườn hoa ấy, em cũng là một bông hoa xinh đẹp, nhưng có điều khác là bông hoa ấy chỉ biết chiều anh thôi, bông hoa ấy là của riêng anh,

Em hãy tin tưởng vào tình yêu, tin tưởng vào tương lai em nhé. Tương lai đầy hạnh phúc sẽ đến với chúng ta, nếu chúng ta biết yêu nó một cách thực sự, biết chiến đấu, hy sinh vì nó. Anh nghĩ rằng nỗi đau xa cách hiện nay của chúng ta cũng là một sự hy sinh cho tương lai. Chắc rằng rồi đây chúng ta sẽ còn phải xa nhau, sẽ còn phải hy sinh tình cảm riêng tư nhiều hơn nữa. Anh tin rằng cả anh và em đều sẵn sàng hy sinh như vậy, đều có đầy đủ khả năng vượt qua mọi thử thách của nó để giữ vững mối tình này. Em sẽ đợi anh nhé. Chúng ta sẽ đợi nhau nhé. Chúng ta còn rất trẻ, còn có nhiều thời gian để đợi nhau. Trước đây nhà thơ Liên xô Ximônốp có viết bài thơ "Đợi anh về":

"... Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Thì em ơi cứ đợi..."

Ngày nay chúng ta cũng đợi nhau như vậy. Nhưng chúng ta sẽ không phải đợi nhau trong "mưa dầm dề", "ngày dài lê thê" mà là trong những ngày ấm nắng mặt trời, những ngày sôi nổi của cuộc đời. Xa nhau, thương nhớ nhau, nhưng chớ sầu bi mà hãy biến nỗi nhớ thương thành nhiệt tình công tác, học tập để rút ngắn thời gian xa cách lại.

Biết nói sao nữa em nhỉ. Chuyện yêu đương dài như năm tháng, chẳng bao giờ nói hết được. Đọc những dòng trên, em hiểu thêm về anh, em có thấy anh gần gũi với em hơn trước không? Đấy, anh cũng sinh ra từ một gia đình lao động, cũng đã từng chịu khổ từ nhỏ, cho nên anh rất quý những người lao khổ khác. Hoàn cảnh gia đình em chẳng những không làm cho em cách biệt anh, làm cho em hổ thẹn như em tưởng, mà ngược lại lại đáng làm cho em tự hào và càng làm cho em hoà hợp với anh. Em đừng nghĩ rằng đồng bào miền Bắc đều là những người giầu sang, đều sống cuộc sống phú quý như bọn tư bản trong này, cách biệt hẳn những người lao động. Hoàn toàn không phải như vậy. Hầu hết những học sinh, sinh viên, cán bộ, kỹ sư... ở ngoài ấy đều xuất thân từ đồng ruộng, nhà máy, đều đã chịu những nỗi cay đắng của cuộc đời, đều chịu chung cảnh nước mất nhà tan. Chỉ từ khi miền Bắc được giải phóng, xây dựng xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đời họ mới được sáng sủa lên, được học hành, lúc này học hành trở thành niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của mỗi một người dân đối với Tổ quốc, học là để tiếp thu tri thức khoa học mà xây dựng đất nước chứ không phải học là để xây dựng chỗ đứng cao cho cá nhân mình, để khinh miệt và đè nén những người khác.

Rồi đây, quê hương chúng ta cũng sẽ tiến lên như miền Bắc. Nhịp độ xây dựng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi có nhiều người lao động có kiến thức khá. Muốn đáp ứng tốt yêu cầu ấy, mỗi người chúng ta đều phải tích cực học tập em ạ. Anh cũng phải học, học nhiều hơn nữa vì anh mới học đưọc ít lắm. Em cũng phải học, học cho siêng năng. Khi chưa có điều kiện vào trường lớp chính quy thì chúng ta tự học: học các lớp bổ túc văn hoá, học qua sách báo, tài liệu khoa học. Ở bệnh xá có những quyển sách về y rất hay, vừa dễ hiểu, vừa bổ ích, anh đã đọc và anh lại nghĩ đến em: giá như em có những quyển sách đó thì rất có lợi cho công tác chuyên môn của em. Tiếc rằng anh không xin được về cho em. Tuy nhiên, bây giờ miền Bắc cũng đưa vào khá nhiều sách, nếu chịu khó tìm kiếm thì cũng có những sách cần thiết mà đọc.

Em thương yêu! Đã có lúc nào em nghĩ đến ngày chúng ta sẽ chung sống với nhau chưa? Anh đã nghĩ như vậy đấy em ạ, ngày đó tất nhiên sẽ đến. Anh nghĩ rằng muốn cho khi về ở với nhau chúng ta sống hoà thuận, hạnh phúc, thì trong quá trình yêu nhau, chúng ta phải tìm hiểu nhau thật nhiều, thấy được ưu điểm và cả nhược điểm của nhau, thấy được những điểm phù hợp và cả những điểm chưa phù hợp nhau để cùng tìm cách giải quyết, đưa đến chỗ phù hợp nhau hoàn toàn. Có điều trở ngại là chúng ta ít được ở gần nhau quá, ít có thời giờ ngồi trò chuyện với nhau. Để vượt qua trở ngại đó, anh nghĩ cách tốt nhất là chúng ta sẽ viết cho nhau thật nhiều: viết về mình để người yêu hiểu, viết về những suy nghĩ của mình, về quan hệ giữa hai người, về tình cảm yêu thương và cả những điều băn khoăn của mình, những điều mình chưa hài lòng ở người yêu.

Trong thư gửi em, anh có nói rằng anh cũng thấy ở em có một số nhược điểm, song không phải là nhược điểm cơ bản, có thể sửa chữa được. Bây giờ anh xin nói về một số nhược điểm ấy nhé. Nhưng trước hết, anh mong em hiểu rằng anh nói ra những điều sau đây không phải là để chê bai em, mà là để em thấy rõ thêm mà thôi. Điều đó cũng thể hiện niềm tin yêu của anh đối với em, thực sự muốn chung sống với em (nếu không thì anh nói làm gì phải không em?):

Trong quan hệ với mọi người, em hồn nhiên cởi mở, được nhiều người mến, điều đó rất tốt. Song như thế vẫn chưa đủ em ạ, vì bên cái hồn nhiên, cởi mở, còn phải có sự dịu dàng, ý tứ, hay như các cụ thường nói là phải nết na. Người ta nói rằng em hơi "lanh chanh" - anh thì chưa thấy như thế, nhưng cũng phải nhận rằng trong cách đối xử, có lúc em chưa được khéo léo, ý tứ. Có lúc người khác viết thư, em lại đứng xem rất tự nhiên, thậm chí đứng sau lưng, vịn vào vai người ta mà xem (mặc dù người đó là con trai). Không nên như thế em ạ. Cần thể hiện tính tự trọng mình và tôn trọng người khác. Em thử nghĩ xem, nếu em đang viết thư cho anh mà có anh chàng nào đứng xem thì em có khó chịu không? Do vậy phải giữ ý em ạ, thấy người khác đang đọc hay đang viết thì không nên xem, có khi phải tránh đi cho người ta viết tự nhiên là khác, trừ trường hợp người ta cho phép mình xem. Anh đã gặp trường hợp một người chồng nhận được thư người khác gửi cho vợ, anh ta giữ nguyên như vậy về đưa cho vợ chứ không tự ý bóc ra xem, như vậy là anh ta biết tôn trọng vợ đấy em ạ.

Có những lần đến nhà, em đã làm anh không vui, tuy đó là những chuyện nhỏ nhặt thôi, nhỏ nhưng cũng cần xử xự cho đúng. Tại sao em vào nhà, anh mời em ngồi mà em cứ đứng mãi, đưa nước em uống mà em không chịu cầm, cứ dùng dằng mãi trước mặt mọi người? Làm như vậy anh không vui đã đành, lại còn mọi người nữa chứ, họ sẽ nhìn vào mà chê cười cả hai đấy! Chắc em cũng biết đấy, trong phép lịch sự thông thường, thì khi có khách đến nhà phải mời khách ngồi, uống nước (đó là lịch sự cần thiết, không phải là khách sáo đâu) và khi mình vào nhà người khác, họ mời thì mình phải ngồi, họ đưa nước thì mình phải cầm lấy - nếu mình không muốn uống thì cũng cầm lấy rồi để xuống, nếu mình thấy cần để người khác uống thì cũng cứ cầm lấy và đưa mời người ấy uống - như vậy có phải là vui vẻ cả không? Có khi anh bảo em mà em không nghe, anh nói với em những lời thân ái mà em đáp lại bằng những lời khô khan (có khi anh biết em nói nhỏ như thế nhưng không nghĩ như thế, nhưng đã không nghĩ như thế thì nói làm gì? ). Anh nghĩ rằng khi đã yêu thì cần trải lòng chân thật với người yêu, nghĩ sao nói vậy, yêu nói yêu, giận nói giận, khi yêu thì âu yếm nhau, khi giận thì phê phán nhau, chứ đừng có thái độ nước đôi, thoắt thế này, thoắt thế khác, khó hiểu. Có người con gái khi sắp yêu thì rất ngoan ngoãn nghe lời người con trai, nhưng khi yêu rồi, được người yêu chiều chuộng thì trở nên hợm hĩnh, bướng bỉnh, luôn luôn làm khổ người yêu. Lẽ ra phải biết nghe lời người yêu hơn nữa và cũng phải chiều chuộng lại người yêu mới phải chứ em nhỉ. Em không phải là người con gái như thế, nhưng anh nhắc em trước để em tránh, em có đồng ý không? Thực ra khi yêu thì người ta có thể làm nũng người yêu tý chút, nhưng phải trong điều kiện có riêng hai người thôi và dứt khoát không phải là sự nhũng nhẽo, bướng bỉnh. Anh nói như vậy không phải là anh khô khan đâu, trái lại anh sẵn lòng chiều em rất nhiều nếu sự chiều chuộng đó không làm hại em.

Còn có chuyện này, anh thấy cần nhắc em để em chú ý. Ở trong này anh gặp rất nhiều cô gái rất vô ý: khi nói chuyện với con trai lại đứng dựa hẳn vào võng người ta, có khi lại tựa hẳn vào người ta, khi cần lấy một vật gì nằm khuất sau người con trai thì không đi vòng để lấy mà với qua mặt người ta, thậm chí lại áp cả những bộ phận cần giữ kín vào lưng, vào đùi người ta nữa chứ. Đó là hành động không đẹp mắt, anh thấy rất khó chịu. Những người con gái nết na không bao giờ đụng chạm vào người con trai và không bao giờ để người con trai đụng chạm vào cơ thể mình (tất nhiên là trừ quan hệ với người yêu, hoặc vợ chồng, nhưng cũng trong điều kiện là chỉ có hai người thôi). Em đừng nghĩ là anh quá phong kiến nhé, trong nếp sống mới, người ta cần xây dựng những điểm như thế đấy.

Trên đây là một vài điểm cụ thể của cuộc sống mà thôi. Nhìn chung lại, theo anh nghĩ, một con người, nhất là một người con gái, biết cởi mở nhưng lại biết kín đáo, biết hồn nhiên nhưng lại biết ý tứ, tế nhị, biết vui tươi nhưng lại biết tránh ồn ào, phô trương thì sẽ được mọi người quý mến và tôn trọng.

Bây giờ anh nói đến mặt hình thức. Em có biết em là một cô gái đẹp không Ngân? Thực đấy, em đẹp lắm Ngân ạ. Không phải vì anh yêu em mà anh khen em đẹp đâu, nhiều người khen em như vậy đấy. (Cũng nói thêm rằng không phải chỉ vì em đẹp mà anh yêu em đâu, tuy đó cũng là phần quan trọng). Mọi vẻ đẹp sẵn có trên cơ thể em, từ khuôn mặt đến đôi mắt, sống mũi, hàm răng, làn tóc... đối với anh đều là vẻ đẹp hoàn hảo rồi, không cần tô vẽ gì thêm nữa. Ôi, giá như em cũng cạo lông mày cho nhỏ đi, cũng bịt răng vàng hoặc cũng tô vẽ diêm dúa như một số cô gái khác thì anh buồn lắm đấy. Đáng mừng là em không như thế. Hãy tiếp tục sống giản dị như em đã sống nhé! Những mầu áo em mặc, anh đều rất ưa nhìn. Đặc biệt anh rất thích cái áo xanh mầu nước biển của em vì đó là mầu anh ưa thích, vì cái áo đó anh thấy em mặc khi anh mới quen em. Chiếc áo ấy đã trở thành kỷ niệm của anh rồi, mỗi lần gặp ai mặc áo mầu ấy anh lại nhớ đến em với tình cảm đằm thắm lạ lùng. May quần, em đừng may bằng loại vải bóng láng nhé. Trong này có loại vải sa tanh ni lông bóng nhẫy anh rất ghét nhìn. Người mặc quần vải ấy đi ngoài nắng trông cứ bóng nhẫy lên, làm anh có cảm giác là bao nhiêu mỡ trong cơ thể họ đều chảy ra thấm ướt đẫm quần ấy, dễ sợ quá. Nói chung, trong đồ trang sức không nên dùng thử gì quá sặc sỡ, hào nhoáng. Em thử quan sát xung quanh mà xem, nhìn vào một vật có mầu rực rỡ, chói loà, cảm giác đầu tiên là thấy hấp dẫn, muốn nhìn ngay, nhưng sau đó là cảm giác nhức nhối, khó chịu, không muốn nhìn nữa, nó có một sức đẩy đối với ánh mắt của con người, trái lại, một vật có mầu sắc dịu dàng, có bề mặt mịn màng, khi mới đến, người ta ít để ý nhưng khi đã thấy thì muốn ngắm nhìn mãi, ngắm nhìn không mỏi mắt - nó có một sức hút đối với ánh mắt của con người. Trong tính tình con người cũng vậy đấy, một cô gái nói to, cười lớn, nô dỡn ồn ào dễ làm cho người ta quen, biết, nhưng lại rất ít làm cho người ta yêu, còn một cô gái nói năng nhỏ nhẹ, kín đáo, không khoe mình ra trước mọi người thì khó được người khác để ý đến trong những lần gặp đầu, nhưng sau đó sẽ làm cho người ta quý mến, để lại những ấn tượng đậm đà trong tình cảm người ta khiến người ta muốn gặp, muốn nói chuyện mãi.

Anh nói thêm một điểm nữa về phong cách sống. Trong công tác cũng như trong đời sống riêng tư, biết độc lập suy nghĩ, hành động là đúng, mặt khác lại phải biết lắng nghe ý kiến của những người xung quanh thì mới dễ tiến bộ. Cần phải biết xem xét cách sống của những người xung quanh, thấy cái xấu của họ mà tránh cho mình, thấy cái tốt của họ mà làm theo. Ở chỗ em có Hải được nhiều người khen về tính nết. Riêng anh cũng thấy cô ấy rất khéo léo trong cách đối xử, nói năng thì dịu dàng, lễ độ, quan hệ với mọi người thì đúng mực. Em nên học tập những điểm tốt ở cô ấy.

Em yêu thương của anh! Em đã nói với anh rằng khi đoàn tụ, em sẽ chiều anh gấp bội. Anh tin đó là lời nói chân thực của em, chắc chắn em sẽ làm đúng lời nói ấy. Những điểm anh nói trên đây là những điểm anh muốn được em chiều đấy. Em thấy có khó không? Chắc không khó đâu em nhỉ. Ngược lại, anh cũng sẽ chiều em rất nhiều. Có những điều gì em chưa hài lòng ở anh, có những điều gì em mong muốn, em cứ nói, anh sẵn sàng tiếp thu và sẵn sàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của em.

Anh nói những điều như trên, em có cho là anh quá xét nét, nhỏ nhặt không? em có cho là anh khó tính không? Anh thì thấy cần phải như thế em ạ. Đó mới là yêu thực sự. Nếu thấy những nhược điểm của người yêu mà cứ nhắm mắt bỏ qua hoặc bao che cho nó thì chỉ làm hại người yêu mà thôi. Rồi đây trong quá trình sống với nhau, anh cũng sẽ làm như vậy đấy! Anh sẽ rất chiều chuộng em và cũng sẽ rất nghiêm khắc với em. Đấy, anh đã giãi bày cho em rõ con người anh là như thế đấy, em có thông cảm được không?

Viết tới đoạn trên, anh bỏ bẵng mấy ngày vì anh say mê đọc cuốn tiểu thuyết của E-lê-na I-li I-na nhan đề "Tuổi trẻ Các Mác". Đọc xong cuốn sách đó, anh cầm bút tiếp tục viết cho em đúng ngày 1-7, ngày sinh của anh, ngày anh vừa tròn 27 tuổi. Vào tuổi này, nhiều thanh niên đã có vợ, có con rồi đấy, còn anh thì mới yêu, đang yêu tha thiết. Anh lại nói với em về tình yêu, nhưng không nói về anh nữa, mà nói về tình yêu cao thượng của hai con người mẫu mực trong nhân loại: Các Mác và Gien ni. Khi Các Mác hỏi Gien ni "Gien ni có yêu Các không? "và Gien ni trả lời: "Có, Gien ni rất yêu Các" thì Các 18 tuổi và Gien ni 22 tuổi. Từ đó hai người càng gắn bó mật thiết với nhau hơn, giữ gìn tình yêu như một thứ quý giá nhất trên đời, tuyệt đối trung thành với nhau. Họ đã xa nhau, chờ đợi nhau đằng đẵng 7 năm trời rồi mới được chung sống với nhau. Hai người yêu nhau với tình yêu cao thượng lạ thường: không bao giờ họ nghĩ về mình, vì mình, mà chỉ nghĩ về người yêu; vì người yêu, họ sẵn sàng hy sinh và thực tế đã hy sinh rất nhiều cho nhau. Các Mác đã nâng cái vẻ đẹp sẵn có của Gien ni lên mức tuyệt vời - cả về thân thể lẫn tâm hồn và lý tưởng. Còn Gien ni là người vợ vô cùng thân yêu, cao cả, là người bạn tuyệt đối trung thành, người cộng tác đắc lực của Các. Chính Gien ni đã đem lại hạnh phúc tràn trề suốt cuộc đời Các và đã góp phần chắp cánh cho tư tưởng vĩ đại và phẩm chất sáng ngời của Các lên đỉnh cao tuyệt đối của nhân loại.

Anh và em cùng đọc một đoạn trong tác phẩm tuyệt hay này nhé:

"... Lại không có thư từ gì của Gien ni.

Các khổ sở đoán già đoán non đủ thứ. Có việc gì xẩy ra chăng? Gien ni có khoẻ không? Hay Gien ni không yêu anh nữa rồi?

Cứ nghe tiếng chuông gọi cửa anh lại chạy ra... May ra có thư chăng? Nhưng bác đưa thư dường như quên hẳn anh...

Và bỗng một hôm ra phố gặp một người quen ở Tơ re vơ đến (Tơ re vơ là quê hương của Các Mác và Gien ni, nơi Gien ni sống), Các được biết qua người này rằng ở Tơ re vơ mọi sự đều vẫn như cũ, nhưng "Cô Gien ni, theo cách nói thông thường, đang có một "đám" khá chững chạc đến hỏi".

Các không nói gì, nhưng cảm thấy máu bốc lên nóng bừng cả mặt.

Trở về phòng, anh vơ lấy bút, giấy và hối hả viết cho Gien ni một bức thư đầy đau buồn và tuyệt vọng. Viết xong, anh lại ngẫm nghĩ một lát, xé vụn bức thư ra rồi viết một bức thư khác vắn tắt dè dặt. Anh nghĩ:

"Nếu đã thế thì tốt hơn là nên biết rõ hết mọi sự càng sớm càng tốt. Còn trong trường hợp như thế này thì thuyết phục hay van nài đều vô ích".

Anh cố gắng hết sức dằn lòng được để đợi thư trả lời. Hai tay run bắn lên vì xúc động, anh mở chiếc phong bì đang cất giấu những gì sẽ quyết định số phận của anh.

Đây rồi, những trang đầy những nét chữ thân yêu.

Gien ni viết:

"Các thân yêu, Các duy nhất của Gien ni!

Các rất yêu quý, Các không giận Gien ni nữa chứ! Không lo lắng nữa chứ?..

... Gien ni thật đến chết điếng đi được vì những nỗi ngờ vực của Các đối với tình yêu và lòng chung thuỷ của Gien ni. Các ơi, nói đi: Làm sao Các lại có thể viết cho Gien ni một cách lạnh nhạt như vậy, làm sao Các lại tỏ ý nghi ngờ chỉ vì Gien ni im lặng lâu hơn thường lệ một chút?... Chả nhẽ Các không tôn trọng Gien ni, không tin Gien ni?

... Ôi, Các ạ, cái khổ của Gien ni là ở chỗ mối tình đẹp đẽ, cảm động, nồng nàn của Các, những hình ảnh bay bổng tuyệt vời trong trí tưởng tượng của Các. Tất cả những cái đó có thể làm cho bất cứ người con gái nào cũng phải say sưa thán phục, nhưng riêng Gien ni lại thấy hoảng sợ và nhiều khi tuyệt vọng nữa. Gien ni càng buông mình trong niềm cực lạc ấy thì Gien ni lại càng lo sợ hơn cho số phận của mình khi tình yêu nồng nàn của Các sẽ qua đi và Các sẽ trở nên lạnh nhạt và dè dặt. Và chính nỗi lo âu ấy, Các ạ, chính nỗi lo sợ sẽ mất tình yêu của Các làm cho Gien ni không còn biết vui là gì. Gien ni không hưởng được hạnh phúc được Các yêu, vì Gien ni không dám tin chắc rằng tình yêu ấy vững bền. Mà đối với Gien ni không có gì đáng sợ hơn là mất tình yêu của Các.

Chính vì vậy mà Gien ni không được bồng bột như lẽ ra Gien ni có thể bồng bột, và trong lòng Gien ni không có được một niềm biết ơn tình yêu của Các đúng như nó xứng đáng được biết ơn. Chính vì vậy mà Gien ni hay nhắc cho Các nhớ đến thế giới bên ngoài, đến thực tại, trong khi lẽ ra phải toàn vẹn hiến mình cho tình yêu của chúng ta như Các muốn... Giá Các có thể cảm biết được tâm trạng day dứt của Gien ni, chắc Các sẽ đối xử với Gien ni một cách nương nhẹ hơn... Gien ni cảm thấy Các hoàn đúng về mọi phương diện, nhưng Các hãy tự đặt mình vào tình cảnh của Gien ni, hãy nhớ cho Gien ni rằng Gien ni dễ rơi vào những ý nghĩ u ám, hãy nghĩ cho kỹ một chút về hoàn cảnh chúng ta, rồi Các sẽ không quá khắc nghiệt đối với Gien ni như thế này nữa.

Các yêu quý, Gien ni thật khổ tâm sau khi đọc bức thư vừa rồi của Các. Chỉ cần thoáng nghĩ rằng sự tình có thể đưa đến một trận đấu kiếm, Gien ni đã thấy hoảng hốt lên rồi. Đêm ngày hình ảnh Các cứ sừng sững trước mắt Gien ni: Các bị thương, máu Các chảy ròng ròng... nhưng xin Các tin cho rằng những ý nghĩ ấy chính lại không làm cho Gien ni đau khổ. Gien ni đã trở thành một người không thể có ai thay thế được bên cạnh Các. Gien ni sẽ cần thiết cho Các mãi mãi, và Các sẽ mãi mãi quý Gien ni. Các phó thác cho Gien ni những tư tưởng cao cả nhất, Gien ni sẽ ghi lại cho Các, và mãi mãi sẽ có ích cho Các.

Tất cả những điều đó Gien ni hình dung rất rõ rệt đến nỗi tưởng chừng như đang nghe thấy tiếng Các, đang lắng nghe tất cả những điều Các nói và cố ghi lại, giữ lại những tư tưởng của Các cho người sau.

Các đã thấy Gien ni tự vẽ ra cho mình những hình ảnh như thế nào chưa? Nhưng trong những giây lát như vậy Gien ni thấy hạnh phúc lắm, vì Gien ni biết rằng Gien ni là người duy nhất của Các.

... Các yêu quý, hãy viết ngay cho Gien ni, hãy nói cho Gien ni biết rằng Các khoẻ mạnh và vẫn quý Gien ni như trước.

Nhưng Các ạ, Gien ni phải hỏi lại Các một lần nữa, hỏi nghiêm trang: Làm sao Các có thể nghi ngờ lòng trung thành của Gien ni đối với Các? Chả nhẽ Gien ni lại có thể cho phép một người khác làm lu mờ hình ảnh sáng lạn của Các hay sao? Không phải Gien ni cho Các là người không ai bì kịp, nhưng bởi vì Gien ni yêu Các một cách không thể có lời lẽ nào diễn đạt được. Thế mà Gien ni lại đi tìm ở một người khác một cái gì xứng đáng được yêu hay sao?

.... Ôi Các ơi, Gien ni chưa bao giờ lừa dối Các một điều gì, ấy thế mà Các vẫn không tin Gien ni! Mà kể cũng lạ: người ta nói với Các về một người hầu như không bao giờ đến Tơ re vơ và chẳng ai có thể quen biết người đó cả, trong khi đó thì ai nấy đều thấy Gien ni giao thiệp với nhiều người khác. Gien ni biết cách tỏ ra vui vẻ và tinh nghịch, biết cười đùa với những người quen sơ, biết nói chuyện sôi nổi, nói tóm lại là biết cư xử với mọi người một cách mà Gien ni không thể có được khi ở bệnh cạnh Các, Các đừng ngạc nhiên nhé, sự thật là như thế đấy, Gien ni có thể nói chuyện thoải mái với bất cứ ai, nhưng chỉ cần Các đưa mắt một cái, là Gien ni đã cuống lên vì sợ hãi không thể thốt ra một lời nào, máu như thể ngừng lại trong các huyết quản, và tâm hồn Gien ni rung động hẳn lên".

Các à lên một tiếng. Điều này thật mới mẻ và bất ngờ đối với anh. Tưởng đâu kỳ vừa qua ở Ni đơ bơ ren, Gien ni cư xử tự nhiên và thoải mải, đó là chưa nói đến những lần gặp trước kia. Nhưng té ra với những người khác cô tự cảm thấy tự chủ hơn, tự tin mình hơn hay sao? Có lẽ tình yêu nồng nàn, cuồng nhiệt của anh đè nén Gien ni chăng?

Gien ni như thế đấy! Các không thể tưởng tượng rằng Gien ni nhìn anh như một người đã từ lâu vượt xa cô về trình độ phát triển. Ấy thế mà trong mỗi bức thư của cô vẫn chan chứa bao nhiêu tình săn sóc ân cần như mẫu tử!

"Nhiều khi - Các đọc tiếp bức thư - hễ bắt đầu nghĩ đến Các, là Gien ni im bặt, và lòng tràn đầy một nỗi sợ hãi khiến cho Gien ni  không thể nói ra một tiếng nào. Và bản thân Gien ni cũng không biết tại sao như vậy nhưng quả khi Gien ni nghĩ đến Các là mọi sự đã trở nên phi thường đối với Gien ni. Cả cuộc sống của Gien ni vỏn vẹn chỉ là một ý nghĩ hướng về Các không ngừng.

... Đôi khi Gien ni nghĩ đến lúc Gien ni sẽ được ở với Các, và Các sẽ gọi Gien ni là người vợ nhỏ của Các.

... Các ơi, thật là kỳ diệu khi người ta có một người được mình yêu! Giá Các biết điều đó, Các sẽ không thể dung thứ được ý nghĩ cho rằng Gien ni có thể cảm tình với một người nào khác.

... Các của Gien ni, đừng giận Gien ni nữa nhé. Mà cũng đừng quá lo cho sức khoẻ của Gien ni như vậy. Bây giờ Gien ni đã thấy trong người khoẻ hơn trước. Gien ni uống thuốc, đi dạo, và làm việc rất chăm suốt ngày. Nhưng đáng tiếc là Gien ni không đọc được, bởi vì Gien ni không đủ sức dứt ra khỏi những ý nghĩ của mình.

Giá Gien ni tìm được một cuốn sách nào có thể lôi cuốn và khuây khoả Gien ni thì hay quá!

Nhiều khi Gien ni ngồi hàng giờ trước một trang sách duy nhất mà chẳng hiểu chút gì.

Các yêu quý của Gien ni ạ, sau này liệu Gien ni có học bù được không? Các sẽ giúp Gien ni tiếp tục học thêm nhé? Gien ni cũng sáng dạ Các ạ.

Các biết có sách gì Gien ni có thể đọc được không? Có điều nó phải là thứ sách thật đặc biệt cơ. Sách khoa học, nhưng đừng khó quá. Dù trong sách không phải cái gì cũng dễ hiểu, cũng được, nhưng phải sao cho Gien ni có thể có được một khái niệm chung chung về đối tượng.

Còn truyện cổ tích với thơ thì Các đừng gửi nữa.

Gien ni đọc những thứ đó đã no nê rồi.

Gien ni nghĩ rằng mình nên có cái gì cho đầu óc nó làm việc thì mới có ích. Trong khi thêu thùa trí óc chẳng biết làm gì cả.

Thôi, Các khoẻ nhé..."

Các đọc đi đọc lại mãi bức thư từ đầu chí cuối.

"Không, tuyệt nhiên mình không nhất thiết phải cụt mất tay phải" - Các mỉm cười nghĩ thầm trong khi thận trọng xếp thư cho vào phong bì cất. Anh hiểu rằng Gien ni sẽ là người bạn trung thành của anh suốt đời.

Làm sao anh lại có thể nảy ra cái ý nghĩ là Gien ni không yêu anh nữa nhỉ?

Hình như chưa bao giờ Các yêu Gien ni như lúc này, sau khi anh đọc bức thư giống như một bản tự thú ấy.

Và giờ đây Các còn hiểu rõ thêm một điều này nữa: ngay đến cả một tình yêu nồng nàn nhất, tưởng chừng như vững chãi nhất, cũng vẫn có thể dễ dàng mất đi, nếu không biết cách giữ gìn nó, nếu ngày này sang ngày khác không luôn luôn nuôi dưỡng nó.

Và anh liền viết cho Gien ni một bức thư trả lời để cho cô hoàn toàn yên tâm...."

Em thân yêu! suy nghĩ trên những trang sách đó, anh càng hiểu em hơn, hiểu lý do vì sao em viết cho anh lá thư ngày 22/4 vừa qua. Anh hiểu rằng em đã nghĩ đến anh rất nhiều, đã vì anh mà nén tình cảm của mình lại rất nhiều. Và em cũng hãy hiểu cho anh rằng sở dĩ có lúc anh hờn giận em, và anh nói với em quá nhiều về lòng chung thuỷ để đến nỗi em có thể nghĩ rằng anh nghi ngờ lòng trung thành của em đối với anh, thì cũng chỉ vì anh yêu em vô bờ bến mà thôi, anh sợ hãi tình yêu ấy ngày nào đó sẽ bị tan vỡ đi! Khi người ta yêu quá cuồng nhiệt thì người ta dễ mất tỉnh táo. Nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại, người ta mới thấy hết cái cao đẹp của người yêu, và người ta hoàn toàn yên tâm.

Em, nàng tiên kiều diễm của anh, con thiên nga xinh đẹp của anh, mặt trời nhỏ thân yêu của anh! Và hơn thế nữa, sau này em sẽ là người vợ hiền hậu và trung thành của anh.

Viết trong những ngày hè nóng bỏng.

Tháng 7/1973.

THƯ CỦA NGÂN

Ngày 24/6/1973

Anh Long yêu!

Chắc giờ này anh của em đang nóng lòng mong thư em lắm nhỉ. Hôm nay chân đã khoẻ chưa. Chắc đau nhiều, nằm viện lâu anh khổ tâm lắm phải không anh. Em ở nhà cũng khá sốt ruột ghê, không biết sao mà lâu thế không thấy về. Biên cho anh thật nhiều thư rồi em huỷ đi, không biết anh về ở đoàn rồi hay nằm viện mà gửi thư. Sợ gửi không đến tay lại đến tay người khác, buồn lắm. Đúng gần 2 tháng xa anh rồi anh nhỉ, em cứ hình dung như đã 2 năm rồi. Long, em cảm thấy bồi hồi thương nhớ, cứ mong ngày anh khoẻ anh về. Từ ngày 5/6/1973 đến nay là 24 ngày dài trông anh. Đúng thật khó hiểu anh phóng viên quá, chắc bận hay đau nhiều mà không thấy biên thư cho em.

Anh Long yêu! Có nhớ em không, có buồn không, em nhớ anh nhiều, thương anh, mong anh khoẻ, anh về. Bao nhiêu hy vọng vào ngày anh về. Anh Việt Long yêu, tuy thời gian quen anh, yêu anh gần 180 ngày rồi song những ngày gần em quá ít song em cảm thấy một niềm hy vọng khá lớn chiếm vào trái tim em và nhìn vào cuộc sống chắc sau này thì hạnh phúc và đẹp đôi lắm. Anh thương, thật ra mà nói yêu anh, thương anh nhiều lắm, ước gì những ngày đau ốm này sẽ có em bên cạnh để chiều chuộng anh một tý đỡ bận tâm anh. Hôm nay chân đã khỏi chưa anh, ăn uống được không, có nhớ nhà không? Chân có dấu hiệu xấu không anh. Sau này có xấu về em đổi hộ chân em cho nhé....

CHỦ NHẬT NGÀY 1/7/1973

Đúng ngày này vào năm 1946 tôi đã cất tiếng khóc chào đời lần đầu tiên. Nhanh thế đấy, 27 mùa xuân của cuộc đời đã trôi qua rồi.

Hôm nay xứng đáng là một ngày của mùa hè. Những đám mây trắng xốp cuồn cuộn trên vòm trời cao rộng không ngăn cản ánh nắng, trái lại càng làm cho nó rực rỡ, chói chang hơn. Đầy rừng vang tiếng ve ngân. Phía dưới kia, nơi con đường xe chạy qua, tiếng động cơ luôn luôn rù rì, có khi gầm gừ như tức giận. Riêng trên mặt trận giao thông vận tải này thôi cũng thấy cách mạng tiến một bước khá dài. Các con đường lớn - chứ không phải đường mòn nữa - xẻ dọc Trường Sơn vươn tới và đua nhau xẻ ngang xuống phía Đông, phơi mình đỏ chói hoặc trắng lốp dưới ánh mặt trời, rất kiêu hùng. Ô tô đầy rừng đầy núi. Có cả những chú xe xích nặng nề kéo theo những cỗ pháo 130mm đồ sộ nữa. Hàng hoá từ hậu phương lớn ùn ùn kéo vào. Bệnh xá C12 này được xe đổ xuống tới chục tấn hàng, vừa lương thực, thực phẩm, vừa thuốc.

Thỉnh thoảng có những chiếc máy bay trinh sát phản lực Mỹ bay xoèn xoẹt dọc đường xe hoặc những chiếc trinh sát OV10A quần lượn nhòm ngó đường xe. Có lẽ chúng ta chẳng cần giấu giếm gì những con đường ấy, và sự phơi bầy này càng làm kẻ thù hằn học và run sợ. Những con đường cứ vươn dài dần xuống phía Nam và toả xuống đồng bằng.

(Còn nữa) - #phamvietlong #PVL #Btroc #Betroc