Những người như tôi hồi ấy chưa có gia đình riêng, đi B (chiến trường miền Nam) nhẹ tênh, cũng như những đồng chí cán bộ tập kết sống độc thân trở lại miền Nam, hoặc những người từ đồng bằng thoát ly lên căn cứ, đều được gọi là BÊ TRỌC, không để lại cho người thân một chút quyền lợi nào.
NĂM 1975
NGÀY 14/1/1975
Trời hửng nắng.
Thế là mưa ròng rã hơn một tháng rồi, nay mới chịu tạnh. Đáng sợ thật, hơn một tháng trời không một ngày ngừng mưa!
Liệu đã kết thúc mùa mưa chưa?
Trong Nam Bộ, tình hình phát triển tốt quá. Ta đã giải phóng tỉnh lỵ Phước Long - lần đầu tiên tiêu diệt được cả tiểu khu quân sự địch. Chắc Trung Bộ cũng sắp đánh.
Chúng tôi đi Trà Mi vào đầu năm 1975. Vẫn mưa. May có đường ô tô nên khỏi phải vượt nhiều suối sâu. Đường lép nhép, đỏ quạch. Đến sông Tranh, nước lên lớn quá, mấy vị lái đò không chịu chở. Cà rà tán mãi mà chẳng ăn thua. Bên kia bờ, có mấy người đứng, gọi tên anh lái đò ầm ĩ. Anh ta càu nhàu: “Qua đây, ai biết tên tôi mà chẳng cố nhớ mà kêu!”. Mãi sau, nhận ra người quen, anh mới lấy thuyền ra bến.
Thuyền cao su bơm căng hơi, chở được 4 người, kể cả lái. Anh lái thuyền to, mập, khoẻ mạnh. Ra giữa dòng, nhìn nước chảy chóng cả mặt. Anh lái quạt mạnh mái chèo, mũi thuyền vừa hơi quay ngược với dòng nước thì đã tạo ra một con sóng lớn muốn chồm vào thuyền. Anh bảo: “Cứ ngồi im”. Thuyền tiến vào bờ, cập đúng bến. Anh chèo khoẻ thật, chỉ trôi chừng mấy mét thôi.
TỪ 8/3//1975
Suốt mấy hôm nay không khí chung cũng như cơ quan thật sôi động. Chuẩn bị một đoàn công tác gồm nhiều bộ môn để xuống vùng mới giải phóng.
Ngày 4, ta đánh, cắt đứt đường 19.
Ngày 8, ta giải phóng quận Thuận Mẫn (Đắc Lắc)
Ngày 9, ta giải phóng quận Đức Lập (Đắc Lắc)
Sớm 10/3, đánh Phước Lâm, Tiên Phước, diệt 17 điểm chốt xung quanh. Chiếm 2 đường phố của thị xã Buôn Mê Thuột. Các thị xã Kon Tum, Plâycu nằm chơ vơ, không còn đường bộ tiếp tế. Trong khi đó, các sư 3, 2, 22 nguỵ đang rải ra ở đồng bằng (Quảng Đà, Quảng Ngãi, Bình Định). Việc điều bọn này đi ứng chiến đâu phải chuyện dễ.
NGÀY 10/3/1975
Tôi được phân công tham gia chiến dịch: làm Phó trưởng đoàn đội quân tuyên truyền khu xuống vùng mới giải phóng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng, ổn định tình hình.
Đoàn chúng tôi có 72 người, do anh Nguyễn Văn Bình làm trưởng đoàn. Cùng đi, có 2 đoàn Dân ca và Tuồng của Khu. Nhà văn Phan Tứ được Thường vụ Khu ủy cử cùng đi với đoàn chúng tôi.
Tôi đi trước bằng xe con để kịp thời nắm tình hình làm tin. Buổi trưa, tạm biệt hậu cứ, với những người đồng chí thân mến và người vợ trẻ, tôi khoác ba lô bước lên xe để tiến về Tiên Phước - quê hương của vợ tôi, cũng là cửa ngõ chiến dịch xuống đồng bằng của quân Giải phóng. Xe bon bon trên những con đường ô tô ta mở xuống tận cơ quan huyện. Dọc đường, đầy những xe tải chở vũ khí, quân đội, có cả những chiếc xe tăng hùng dũng.
Chiều, thấy 2 chiếc AD6 quần thả bom Tiên Phước. Chúng bay trên cao. Những chùm đạn cao xạ của ta nổ bùm bụp, toả khói trắng xung quanh.
Đêm, một C130 quần lượn, bắn ò ò một hồi rồi cũng cút. Địch phản ứng yếu.
Ban chỉ huy tiền phương của chúng tôi đóng ở một vùng rừng thưa, không dân, cách Tiên Phước khoảng trên chục cây số. Phải đào hầm phòng phi pháo. Tối, làm việc sơ với Huyện ủy mới. Tình hình phát triển rất nhanh. Toàn bộ địch ở Phước Lâm bỏ chạy. Ta cũng đã tiến vào quận lỵ Tiên Phước. Kiểu này sẽ có nhiều tàn binh lẩn trốn.
Có buổi, chúng tôi đang họp nghe báo cáo tình hình chiến sự thì địch dội pháo tới, mảnh văng sàn sạt quanh hầm. Tôi muốn lao ngay vào Tiên Phước, nhưng Ban chỉ huy vẫn trụ lại nơi này.
NGÀY 11/3/1975
Trời nắng. Nghe pháo nổ ì ầm phía Tiên Phước. Nghe đã bắt trên 100 tù binh, thu 10 pháo, 11 xe.
NGÀY 12/3/1975
Ra trại tù binh. Trại này nhốt toàn lính Bảo an, Dân vệ.
Gặp anh Duk, người dân tộc Ka dong, du kích Bắc Bền, đang đứng đón tù binh vào trại, tôi hỏi có bao nhiêu tên, anh cười hồn nhiên: "Nhiều quá, mình không biết đếm!"
Anh em trong trại mời tôi nói chuyện với bọn tù binh. Tôi nhấn mạnh rằng tình hình chiến sự đang sôi động, quân cách mạng đã toả xuống đồng bằng, làm chủ hầu hết địa bàn, do vậy, tốt nhất là ở yên trong trại, đừng tìm cách trốn chạy mới mong an toàn tính mạng. Có một tên chuẩn uý Bảo an mắc bệnh xã hội, lở lói cùng mình, tôi bảo anh em coi trại thả ra, cho nó về nhà chữa bệnh.
TỪ NGÀY 13/3/1975
Sốt ruột quá, tôi rời Ban Chỉ huy tiền phương để vào Tiên Phước. Không thể cứ ngồi ở căn cứ mà nghe ngóng mãi. Phải tận mắt chứng kiến những biến động lịch sử hiện nay, tận mắt chứng kiến cảnh nhân dân phá khu dồn, về vùng giải phóng và làm chủ vùng mới giải phóng. Hai xe của đoàn anh Bình đã đi Tiên Phước trước tôi rồi.
Nghe tin cả 2 xe của đoàn bị đổ. Chắc chạy đường rộng, tốc độ nhanh, không quen! May không ai chết.
Hồi nửa đêm về sáng nghe pháo ta nổ cấp tập hướng Dương Con. Bọn Biệt động lên phản kích đóng ở chân núi này.
Thị trấn dưới quyền kiểm soát của chúng ta có gương mặt sáng lạn, hồ hởi. Tôi viết một bài ghi nhanh gửi về Khu, sau đó nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam đã thấy phát sang sảng. Tôi làm việc cật lực: khai thác tài liệu, viết tin, rồi ngồi quay ragono (máy phát 15 Wat) để điện báo viên chuyển tin về Khu... Khoẻ mạnh và hồ hởi, ít ăn, quên ngủ, lòng tràn ngập niềm vui.
Thật là sung sướng, Thuý Ngân, vợ tôi, cũng được tham gia chiến dịch và dịp này đã nhập vào đoàn quân của tôi. Thế là không những chúng tôi được kề vai sát cánh trên chiến khu cùng nếm trải mọi nỗi nhọc nhằn, mà còn được gắn bó với nhau trên đường giải phóng quê hương đầy vinh quang. Chúng tôi gặp được người nhà của Ngân vừa bung từ khu dồn về, mừng mừng tủi tủi, ôm nhau khóc hoài. Má Nga - mẹ kế của Ngân, người đã có công nuôi Ngân từ tấm bé - đang ở tạm nhà của một người dân ở xã Phước Kỳ, gần thị trấn Tiên Phước, kể cho chúng tôi nghe chuyện khổ cực những tháng năm nằm trong vùng kìm kẹp của địch. Vậy mà Má vẫn giữ nguyên 5 chỉ vàng do ba Ngân giao cho lúc Ông sắp hi sinh, và dúi vào tay Ngân! Ôi, lòng người mẹ nào cũng mênh mông như trời biển, không ai lường hết được tình yêu thương, đức hi sinh cao cả của Người! Chúng con xin nhận ở Má trọn vẹn tình cảm sâu nặng, còn hơn ruột thịt, nhưng xin Người giữ lấy chút của để về quê gây dựng cuộc sống mới! Bây giờ, Má thiếu mặc, thiếu cả muối. Chúng tôi đang trên đường đi chiến dịch, chỉ kiếm được cho Má 3 lon muối và mấy bộ quần áo cũ!
Tình hình dân bung từ các khu dồn về cũng giống gia đình má Nga: thiếu gạo, muối, mì chính. Chính quyền cách mạng đã tổ chức cho quần chúng mua lương thực, mở các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm cho dân ở Phước Hiệp, Kỳ Sơn. Tuy vậy, nhiều người cũng không có tiền để mua hàng hóa. Chính quyền giải quyết bằng cách vận động nhân dân giúp nhau, trường hợp quá khó khăn thì cho mua chịu.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 17/3/1975
Long yêu dấu của bố mẹ!
Ngân dâu hiền của bố mẹ!
Dịp Tết gia đình đã nhận được thư của hai con. Đọc thư của Ngân, bố mẹ rất cảm động vì thấy rõ tính chân thật và hiền lành của con. Bố mẹ rất mừng vì đã có dâu hiền. Bố được nghe 2 lần băng ghi âm lễ cưới của các con trong ấy, nghe được tiếng của con trai và con dâu của bố mẹ. Chân thành cám ơn sự quan tâm của các đoàn thể trong đó trong việc xây dựng hạnh phúc và tương lai của hai con, chỉ còn mong các con được nghỉ phép một số ngày để ra thăm bố mẹ, các em và họ hàng. Mong thì mong như vậy, song cũng thấy rõ ràng cách mạng miền Nam, đặc biệt trong lúc bố viết thư này, đang có một sự chuyển biến lớn. Miền Nam đang cần có những cán bộ có đạo đức và khả năng, như vậy việc con nghỉ phép ra ngoài này khó mà có thể thực hiện được. Tuy nhiên mong thì vẫn mong, nhất là mẹ con thì mong ngày mong đêm, mong sao được gặp con trai và con dâu, dù chỉ trong một ít ngày. Bác Nhung ở trong đó ra ngoài này đã kể chuyện gặp Long cho bố mẹ nghe. Các thứ con gửi ra ngoài này như khăn voan, bít tất, quần áo cho cháu Trang... mẹ đều nhận được đủ cả.
Bố đi chữa bệnh ở Quế Lâm (Trung Quốc) từ 15/9 đến 19/12/1974 thì về nước. Lúc mới về, sức khoẻ có hồi phục được một phần, đi lại cũng khá, nhưng đến nay bệnh lại trở lại. Bệnh chính là sơ cứng động mạch kèm theo sơ nghẽn mạch não. Chân tay phải bị yếu và hơi bị liệt. Bố đã dùng cao gấu con gửi ra. Bố thấy sức khoẻ chung có đỡ, song chân tay mỗi ngày một yếu thêm.
Bố rất lo nếu bệnh phát triển theo hướng xấu thì sẽ bị liệt hẳn. Mẹ cũng lo chạy thuốc cho bố nhiều lắm.
Từ khi đi chữa bệnh ở Trung Quốc về bố vẫn nghỉ và chữa bệnh ở bệnh viện Việt Xô, ngoại trú, thuốc men mỗi ngày một hiếm con ạ. Hết năm nay bố sẽ về hưu đúng tuổi.
Các em ở nhà vẫn đi học như thường. Thuỷ năm nay hết cấp 2, học lực yếu, nên cũng lo. Lan học khá, em được vào thẳng lớp 8, không phải thi. Em học khá lại quán xuyến được việc nhà.
Em Diệp đang học tiếng Pháp ở Khoa tiếng Pháp trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Em học tốt, tiến bộ nhanh, có triển vọng. Bố vẫn phù đạo thêm cho em.
Ngọc vẫn học tiếng Anh ở Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em vẫn học tốt, song chưa có từ điển Anh Việt, em cũng bị hạn chế.
Con xem trong đó có từ điển Anh - Việt và Anh - Anh con mua cho em, tạo điều kiện tốt cho em đọc sách.
Thư con gửi nên đề địa chỉ về khu tập thể Kim Liên, đừng gửi về Bộ Đại học vì bố được phép làm việc ở nhà, chỉ lên Bộ khi có hội nghị, hay họp làm việc mà thôi.
Vợ chồng em Phúc và cháu Trang vẫn khoẻ mạnh, sống hoà thuận vui vẻ. Còn em Việt từ Tết đến giờ chưa biên thư về, mẹ hơi sốt ruột.
Anh Đức đến 22/3 này thì cưới vợ. Anh đã chọn chị Hoà, sau một thời gian tìm hiểu và tự anh quyết định.
Các con nên năng biên thư cho bố mẹ. Long có đi công tác lâu thì Ngân biên thư về. Tuy chưa gặp mặt song bố thấy Ngân có nhiều đức tính tốt, qua thư Ngân viết cho bố mẹ.
Chúc hai con khoẻ mạnh, hạnh phúc.
Bố mẹ
Phạm Đức Hoá
TB. Anh Sâm vào, mẹ gửi cho con 50 đ + hơn 1 kg mứt mẹ làm.
BÀI ĐĂNG TRÊN BẢN TIN ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT, TRÊN BÁO CỜ GIẢI PHÓNG, PHÁT TRÊN ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM:
TIÊN PHƯỚC NHỮNG NGÀY SÔI ĐỘNG
Hà Nội (VNTTX 21-3-1975) Suốt mấy ngày nay, cả huyện Tiên Phước sống trong bầu không khí sôi động lạ thường. Cái ổ ung nhọt lớn của bọn Thiệu gây nhức nhối bấy lâu trên vùng đất này, đã bị quân và dân ta phá vỡ. Hai chi khu quân sự, 74 chốt điểm địch đã dày công xây dựng bỗng chốc biến thành tro bụi. Sáu tiểu đoàn bảo an, 39 trung đội dân vệ, 32 liên toán phòng vệ dân sự, cùng toàn bộ hệ thống kìm kẹp của bọn Thiệu bị đánh tả tơi.
Trong những ngày đầu giải phóng, đi trên những con đường ô tô xuyên huyện hoặc những con đường mòn xuyên xã, tôi gặp nhiều tù binh lếch thếch kéo nhau về trại. Bên bờ sông Tiên, chừng gần trăm tên đang ngồi chờ dẫn lên tuyến trên. Tôi gặp một tù binh tên là Lê Trường Sổ, 17 tuổi, cấp bậc binh nhì, thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 135 địa phương quân, đóng ở Dương Bàn Quân. Sổ cho biết trước khi bị tấn công, đơn vị hắn đã nhịn đói hai ngày vì sợ nấu cơm có khói, quân Giải phóng pháo kích. Hôm bị tấn công, ngay từ mấy loạt pháo đầu, cả đơn vị hắn đã bỏ chạy, vậy mà cũng không tránh khỏi những đòn trừng trị. Hẳn kể: Sáng ngày 10-3, đạn pháo của quân Giải phóng nổ trúng ngay giữa đồn, giết chết 20 tên. Tên Truyền, tiểu đoàn trưởng, nói với bọn hắn: "Pháo quá trời, chịu chi thấu, chạy bớ tụi bay". Rồi tên Truyền biến mất. Đơn vị hắn chạy tan tác mỗi đứa một ngả. Hắn mò đến chân núi thì vì mệt và đói, không chạy nổi nữa.
Được biết trong số tù hàng binh có tên thiếu uý Thê, phân chi khu trưởng phân chi khu Phước Lộc, sau khi bị bắt, đã dùng loa kêu gọi đồng bọn ra hàng, tôi liền đến hỏi chuyện. Thê cho biết, tuy đồn hắn chưa bị tấn công, nhưng thấy đồng bọn ở Dương Ươi bị tê liệt trong phút chốc và bị mất liên lạc với chi khu, hoảng sợ quá, đơn vị hắn đã bỏ chạy. Tôi hỏi hắn nghĩ thế nào mà kêu gọi đồng bọn ra hàng, hắn nói, trước đây hắn bị lừa dối, nay bị bắt, được cách mạng đối xử nhân đạo nên làm việc đó để lấy công chuộc tội, và cũng để đồng ngũ được hưởng lượng khoan hồng như hắn.
Tôi còn hỏi chuyện các tên trung uý Phan, thiếu uý cảnh sát Nguyễn Minh Cứ, thiếu uý Trần Văn Song và nhiều tên khác, tên nào cũng thể hiện sự khiếp sợ của mình trước sức tiến công vũ bão của quân Giải phóng, và oán trách cấp trên của chúng đã cưỡng bức, lừa dối. Họ đều biết ơn cách mạng đã đối xử nhân đạo với binh sĩ Sài Gòn bị bắt.
Rời đám tù binh, tôi đi tới trạm lương thực của huyện. Ở đây, công việc thật nhộn nhịp, xe tới lui, người qua lại chuyển gạo như thoi đưa. Tôi gặp đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng huyện, đẫm mồ hôi, đang vác một bao gạo lớn chất lên xe. Đồng chí Chủ tịch tuy bận việc suốt ngày đêm, nhưng hôm nay cũng tranh thủ ra giúp đội công tác chuyển gạo về vùng mới giải phóng. Vùng giải phóng mở ra rộng, thật phấn khởi, đồng thời cũng thật nhiều công việc phải lo toan. Việc trước mắt là phải thu xếp nơi ăn, chốn ở cho đồng bào từ các khu dồn về, hoặc sơ tán từ những nơi ác liệt đến. Gạo trên đã cấp, huyện phải lo chuyển tới tận tay bà con. Công sức dồn vào đây không phải ít. Hàng chục thanh niên xung phong và cán bộ phía sau của huyện hăng hái làm việc đó.
Với tấm lòng "nhiễu điều phủ lấy giá gương", đồng bào vùng giải phóng cũ đã cùng cán bộ dựng nhà giúp đồng bào mới giải phóng. Những ngày trước đây, bà con đã chuẩn bị sẵn mỗi nhà 10 cây tre, tranh, hom, lạt... Bởi vậy nhà cửa cứ đua nhau mọc lên. Trong khi ấy, đồng bào cũng đua nhau bung về. Từ 10, 20 tăng lên 50, 55 người. Lo cho dân ăn ở, chính quyền cách mạng còn chăm lo sức khoẻ cho dân nữa. Anh Hoàng, phụ trách y tế huyện, cho biết: huyện đã tổ chức được một nhà thuốc, lập hai đội phẫu, một đội sơ cứu, 10 tổ y tế lưu động đi khắp các xã, thôn chăm nom sức khoẻ cho đồng bào. Tới một khu nhà mới dựng, xung quanh quét dọn sạch sẽ, tôi gặp hai cán bộ y tế đang phun thuốc trừ muỗi. Anh Hoàng cho biết đồng bào ở trong khu đồn sống cơ cực nên sức khoẻ yếu. Vì thế, chính quyền cách mạng đã lo ngăn chặn dịch bệnh cho đồng bào từ đầu. Tất cả bà con mới về đều được uống thuốc phòng sốt rét kèm thuốc bổ để trợ sức.
Đem theo niềm vui của những người dân mới được giải phóng, tôi rảo bước theo con đường tiến về quận lỵ. Nhìn cảnh những chốt điểm, đồn bót địch như Dương Dẽ, Dương Ươi, điểm cao 211 v.v.. tan hoang xơ xác, nằm phủ phục dưới bầu trời trong xanh, nhìn cảnh những xóm làng vừa thoát khỏi ách kìm kẹp của địch đang đổi sắc thay da, lòng người nào chẳng bồi hồi xúc động. Cuộc sống thay đổi nhanh quá. Chỉ vài ngày sau khi bọn địch bị quét sạch, chính quyền cách mạng các thôn, xã đã ra mắt, lãnh đạo nhân dân ổn định đời sống. Cán bộ tỏa đi tìm dân tạm lánh khi xảy ra chiến sự, đưa về nhà cũ. Cán bộ trông nom, bảo vệ tài sản cho dân. Đồng bào trở về nhà ngày càng nhiều; khắp các xã đều có những cuộc mít tinh chào mừng ngày Giải phóng. Ở xã Phước Lâm - nơi bọn tề lưu vong của quận Hậu Đức đặt làm quận lỵ - có tới trên 700 người dân dự mít tinh. Mọi công việc nhanh chóng vào nề nếp. Bà con cuốc khoai, xắt khoai, sửa lại bờ xe nước, đào hầm, dựng lại nhà cửa...
Và đây, quận lỵ Tiên Phước đã hiện ra trước mắt tôi với bộ mặt thật rạng rỡ. Đường tấp nập xe, người qua lại. Chợ quận và các cửa hàng tạp hoá, thực phẩm, gạo... người tới lui, mua bán tấp nập. Trên nóc nhà thông tin của địch trước đây, lồng lộng tung bay lá cờ xanh đỏ sao vàng. Nổi bật trên cổng chợ tấm băng đỏ mang dòng chữ lớn: "Kiên quyết đánh bại âm mưu phản kích lấn chiếm của địch, bảo vệ và giữ vững thành quả cách mạng". Tôi được biết băng khẩu hiệu đó do chính tay những thanh niên ở quận lỵ mới giải phóng này căng lên. Những thanh niên ấy giờ đây không còn phải trốn chui trốn lủi nữa. Họ hớn hở tự do đi trên đường phố làm những việc có ích cho quê hương. Họ xoá các dấu tích của địch, viết khẩu hiệu, treo cờ, dán thông báo, mệnh lệnh của cách mạng. Họ nhanh chóng đứng vào các tổ chức cách mạng. Ở đây vừa thành lập bốn chi hội thanh niên giải phóng.Trong buổi lễ, thay mặt cho các bạn, cô Phấn phát biểu: "Em không nói nhiều nhưng những hành động của em và các bạn em sẽ nói lên tình cảm của chúng em đối với cách mạng". Tôi biết, trong mấy ngày qua, Phấn không nề hà một việc gì khi cán bộ phân công: nào viết khẩu hiệu, dán mệnh lệnh, nào vận động, tổ chức thanh niên vào đội ngũ. Cứ như thế, Phấn và lớp thanh niên ở đây đang mạnh bước tiến theo con đường mà cách mạng mở ra cho họ - con đường của người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
Cùng với thanh niên, các đoàn thể quần chúng khác như thiếu niên, phụ nữ, phụ lão... đã được thành lập. Đội Thiếu nhi giải phóng mới thành lập đã trống dong cờ mở, đi cổ động, mừng cuộc sống mới. Các bậc cha mẹ, anh chị gấp rút tiến hành những công việc góp phần giành giữ quê hương. Bà con nhanh tay đào nhiều hầm hào phòng tránh bom đạn. Bác Lê Tới là người đầu tiên đào hầm phòng tránh và vận động bà con trong phố cùng đào. Từ dãy phố ấy, hầm hố lan ra khắp nơi. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của người dân Tiên Phước đều nói lên lòng tin tưởng và quyết tâm giữ vững quê hương giải phóng của mình. Khi kể cho tôi nghe những chuyện trước đây về bọn địch, như chuyện một người lính nguỵ tự chọc kim và đổ mủ xương rồng vào mắt để khỏi phải ra trận, chuyện cả đại đội Bảo an góp tiền lo lót cho tên chỉ huy tiểu đoàn để khỏi phải đóng quân ở nơi nguy hiểm, chuyện vừa qua có đơn vị đã bỏ chạy trước khi bị ta tấn công, một công nhân xe thồ kết luận: "Chúng nó nhất định phải thua trước sức mạnh tấn công và nổi dậy của ta".
Tin vào chính sách khoan hồng của cách mạng, những gia đình có người thân cầm súng cho địch đã đi kêu gọi chồng con còn lẩn trốn trở về. Chị Vân ở thôn Bình An gọi về một lúc 6 lính dân vệ. Anh Niệm đã dẫn 7 lính tới đăng ký và nộp vũ khí cho cách mạng. Ở các địa điểm đăng ký, lúc nào cũng có người đến xin được tiếp nhận. Tại nơi đăng ký ở trung tâm quận lỵ, một lính dân vệ xin trở lại nơi lẩn trốn để lấy vũ khí về nộp, sau đó đã về nộp 1 súng M.79 và nhiều đạn. Anh ta được cấp giấy và trở về nhà. Lúc tôi đến, bà mẹ vợ anh ta mừng mừng tủi tủi nói: "Thiệt may phúc, tôi tìm gặp, kêu được hắn về".
Bà con ở đây hiểu rằng, những người đã lầm đường lạc lối theo địch, nay ra đăng ký với cách mạng thật là có phúc lớn, nếu không sẽ chết uổng mạng. Con số người ra đăng ký tăng lên vùn vụt, từ hàng chục lên hàng trăm. Đến nay, toàn huyện đã có gần 600 binh lính, sĩ quan, cảnh sát và nhân viên nguỵ quyền Sài Gòn đem theo nhiều vũ khí, tài liệu ra đăng ký với cách mạng và đã được đối xử tử tế.
Về chiều, quận lỵ Tiên Phước càng đông vui. Mọi người ra đường nghe loa truyền thanh, xem tranh ảnh, áp phích của cách mạng.
Tiên Phước sôi động, náo nức và cảnh giác. Trưa hôm nay 17-3, một máy bay A37 của địch mò đến xâm phạm vùng giải phóng đã bị quân và dân trong vùng quật tan xác, đâm đầu dưới chân núi Sấu. Đòn trừng trị lũ giặc trời, bảo vệ vùng giải phóng càng làm nức lòng quân dân Tiên Phước - động viên họ thừa thắng xốc tới lập những chiến công vang dội hơn nữa.
(Ghi nhanh của Việt Long - Phóng viên TTXGP).
NGÀY 24/3/1975
Nghe tin giải phóng Tam Kỳ.
Dân túa ra đường vỗ tay reo hò. Có người khóc vì vui mừng. Những chiếc Honda lao vùn vụt về phía đường số một.
NGÀY 25/3/1975
Tiến vào Tam kỳ. Đông vui tấp nập.
Lại gấp rút lấy tài liệu làm một bài ghi nhanh đầy không khí sôi động ở nơi này.
NGÀY 26/3/1975
Đoàn công tác sẽ chia làm hai: một về Khu để chuẩn bị cho kế hoạch tuyên truyền lớn hơn, một tiếp tục ở lại Tam Kỳ. Vợ chồng tôi cũng chia hai - tôi về Khu. Bây giờ, Ngân trở thành người tiền tuyến, tôi là người hậu phương, lo cho Em nhiều.
NGÀY 28/3/1975
Nghe tin sắp giải phóng Đà Nẵng. Lên ô tô xuôi xuống. Đường xấu, tắc luôn. Dọc đường, hàng hàng lớp lớp bộ đội hành quân xuống đồng bằng. Đêm mới tới đường số một.
NGÀY 29/3/1975
Sớm tinh mơ. Đường đầy người, dân có, lính có, từ Đà Nẵng tràn về.
Mưa tầm tã.
Qua cầu Bà Rén.
Tắc đường, phải để ô tô lại. Đón Honda đi. Người chở tôi đi là một trung niên, anh tự giới thiệu anh là y tá ở bệnh viện Đà Nẵng. Anh hết sức vui vẻ, tự giác chở tôi vào Đà Nẵng. Mưa như roi quất vào mặt. Qua cầu Câu Lâu. Cầu bị địch đánh sập khi sắp rút chạy. Xuồng máy đầy sông. Sóng nước dào dạt. Anh y tá mua dưa hấu mời chúng tôi. Dưa đỏ au, đầy cát, ngọt lịm.
Bon bon trên đường số một. Qua Duy Xuyên, Vĩnh Điện. Vào thành phố. Đông vui lạ thường. Còn nguyên vẹn cả. Vào các nhà dân, bà con xúm lại thăm hỏi, đón mừng. Bỗng đó mà đã ở thành phố rồi, đã được sống trong lòng dân rồi. Rất nhiều người muốn biếu tôi đồng hồ, quần áo, máy ghi âm, tôi cảm ơn và từ chối. Bây giờ được hưởng cái vinh quang của người chiến thắng, thật bõ những ngày gian khổ, ác liệt. Đoàn công tác của Ngân từ Tam kỳ cũng đã về đến Đà Nẵng. Thế là hai chúng tôi được đi với nhau đến tận cùng cuộc chiến!
Tôi viết nhiều tin, bài, trong đó có bài sau:
PHƯỜNG NAM PHƯỚC
GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN
Hà Nội (VNTTX 8-4-75) - Tới phường Nam Phước (Đà nẵng), tôi ghé vào thăm thím Học, công nhân khuân vác. Nghe tôi hỏi về cuộc sống trước đây dưới chế độ Thiệu, thím than vãn: "Tôi đi khuân vác kiếm tiền, lang thang rứa đó, bữa có việc thì có ăn, bữa không có việc thì đi mượn gạo không nổi!". Tôi hỏi tiếp:
- Trước lúc giải phóng, tình hình Đà Nẵng ra sao?
- Lúc đó cả thành phố các sắc lính nguỵ thua chạy tràn đường, ăn cướp, bắn giết không gớm tay. Nhưng bà con nổi dậy đồng thời phối hợp với quân Giải phóng nên bọn Thiệu phải thua...
Vừa lúc đó, nhà thím Học có khách và đó là dịp may để tôi được biết rõ mọi chuyện hơn. Trước khi nhận lời kể chuyện, ông khách có mái tóc bạc từ tốn nói với tôi:
- Xin lỗi, đồng chí cho xem giấy.
Sau khi xem kỹ tờ giấy giới thiệu có con dấu đỏ của Uỷ ban Nhân dân cách mạng thành phố, bác nói :
- Tôi là Sum, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng khóm Đinh Thọ. Đồng chí thông cảm, hiện nay thành phố mới ổn định, cũng phải đề phòng bọn phản động đội lốt cán bộ.
Và bác kể cho tôi nghe chuyện phố, chuyện phường những ngày hỗn độn rồi những ngày sôi nổi vừa qua.
Cuối tháng 3, thị xã Tam Kỳ và thành phố Huế được Giải phóng làm cho bọn địch ở Đà Nẵng vô cùng khiếp sợ. Binh lính nguỵ các loại từ "Cộng hoà", "Thuỷ quân lục chiến", biệt động quân tới địa phương quân, vốn đã vô chính phủ càng vô chính phủ, tha hồ cướp bóc, phá phách trước khi rút chạy. Ngoài đường, trong nhà luôn luôn xảy ra những vụ cướp, giết trắng trợn. Chỉ trong hai ngày 27 và 28-3, ở khóm Đinh Thọ đã có 8 đồng bào bị tụi lính bắn chết giữa đường để cướp của. Ngoài ra, số bị đánh đập, bị thương không kể xiết. Tại chợ Cồn, chợ Hàn và khu thương mại Diên Hồng, tất cả các sạp hàng đều bị nậy nắp lấy đồ. Không hiệu buôn nào không bị phá cửa, cướp của. Tiếng kêu khóc, rên xiết và nguyền rủa của đồng bào vang lên khắp các đường phố, các ngõ hẻm.
Giữa lúc ấy thì được nghe lời kêu gọi ngày 28-3 của Uỷ ban Nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà nẵng và tin quân Giải phóng đang từ ba hướng tràn về thành phố.
Đồng bào Nam Phước vô cùng phấn khởi. Thời cơ nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân đã đến. Tại làng Nam Dương, các bác Chính, Sum, Lực, Ba, Tấn, Liễu - những cán bộ và cơ sở cách mạng hoạt động bí mật trong lòng địch hàng chục năm nay - họp bàn kế hoạch hành động. Sau đó, từng người về các khóm trực tiếp chỉ đạo quần chúng nổi dậy. Dọc các đường phố, các ngõ hẻm, nhà nhà vẫn đóng cửa, nhưng bên trong đều chứa đựng một sự chuyển động như sóng ngầm. Súng do bọn địch cấp cho lực lượng gọi là "Nhân dân tự vệ" được tập trung lại, trang bị cho những thanh niên giác ngộ. Vải mầu được chuyển về gấp. Nhiều máy may được dựng lên, chạy liên tục không nghỉ, may hàng loạt cờ Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Từng băng khẩu hiệu lớn viết bằng sơn đỏ nhanh chóng xuất hiện. Và trưa ngày 29-3, lúc quân Giải phóng xuất hiện, tiến vào thành phố, thì nhân dân Nam Phước cũng xuống đường. Hai chiếc ô tô con chở cán bộ cách mạng và lực lượng tự vệ phường có vũ trang chạy chầm chậm trên đường phố. Tiếng loa phóng thanh vang vang: "Đồng bào hãy vùng dậy cướp chính quyền!", "Hãy lật đổ Thiệu!". Tiếng reo hò, hô khẩu hiệu của đồng bào lan khắp các đường phố, náo động cả không trung.
Chiếc xe đi đầu do anh Lượm, công nhân xe lam, lái chạy dọc đường Huỳnh Thúc Kháng. Bên cạnh lá cờ cách mạng và dòng chữ đỏ trên nền vải trắng "Hoan hô chiến thắng của Quân Giải phóng" là 10 chiến sĩ tự vệ súng chắc trong tay. Xe dừng lại trước trụ sở nguỵ quyền phường Nam Phước. Một thanh niên vác cờ cùng một phụ nữ xuống xe. Đó là Bùi Xuân Lan, 17 tuổi, học sinh lớp 11 trường Kỹ thuật, và chị Lê Thị Liễu, 30 tuổi, tù chính trị mới phá ngục ra sáng nay. Chị Liễu giúp sức em Lan leo lên hàng rào. Trong phút chốc, lá cờ Chính phủ cách mạng tươi thắm nở xoè trước gió, tung bay trên hàng rào trụ sở nguỵ quyền phường Nam Phước. Một tên nguỵ quyền ngoan cố chạy ra lên đạn, giương súng về phía em Lan, lập tức anh Lượm đập cửa, xông tới cướp khẩu súng của nó. Cùng lúc ấy chiếc ô tô thứ hai lách lên, tiến qua cửa, vào đỗ giữa sân trụ sở. Bác Mai Xuân Lực, công nhân điện nước, và bác Đỗ Văn Kính, giáo viên, bước tới cột cờ hạ lá cờ ba que xuống, kéo cờ của Chính phủ Cách mạng lên. Lá cờ bay phấp phới vẫy gọi đồng bào khắp các phố ùa đến. Ông Đỗ Văn Kỉnh đứng vươn cao người, trịnh trọng đọc lời kêu gọi của Uỷ ban Mặt trận dân tộc Giải phóng và Uỷ ban Nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà nẵng. Ông vừa dứt lời, tiếng hoan hô của đồng bào dội lên như biển động:
- Hoan hô Quân Giải phóng!
- Hoan hô Chính quyền Cách mạng!
Tiếng reo hò, tiếng hô khẩu hiệu quyện vào nhau, truyền lan khắp các phố.
Chiếc xe tiếp tục chạy giữa hai hàng người nối dài vẫy chào. Xe bon bon lướt trên đường Phan Chu Trinh, Chu Văn An, quặt qua đường Hoàng Diệu, vượt lên đường Lê Đỉnh Dương, thẳng tới đường Trưng Nữ Vương. Cờ cách mạng lần lượt xuất hiện trên nóc trụ sở nguỵ quyền các khóm. Hình cờ ba que vẽ trên tường nhà máy điện cũng được thay thế bằng lá cờ đỏ xanh sao vàng tươi thắm.
Đồng bào xuống đường mỗi lúc một đông. Anh Sơn, cán bộ cơ sở, và anh Chính, công nhân, cưỡi xe Hon - đa, từ làng Nam Dương tới thằng toà Thị chính thành phố treo cờ cách mạng. Lá cờ lộng gió tung bay trên nóc toà Thị chính, đánh dấu giờ phút trọng đại: chính quyền phản động tại thành phố Đà nẵng đã bị đánh đổ, nhân dân Đà Nẵng đã hoàn toàn làm chủ thành phố quê hương. Lúc đó là 15 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 năm 1975.
Phường Nam Phước chuyển ngay qua nhịp sống mới. Uỷ ban Nhân dân cách mạng phường và các khóm được thành lập, đặt trụ sở tại các trụ sở nguỵ quyền phường, khóm cũ. Những người trước đây cầm súng hoặc làm việc cho địch lần lượt kéo đến các trụ sở Uỷ ban Nhân dân cách mạng trình diện, nộp vũ khí, tài liệu và nhận giấy chứng nhận của chính quyền cách mạng. Trong ngày 30 - 3 có tới 1.009 người tới trình diện, nộp vũ khí, tài liệu.
Lực lượng cách mạng vùn vụt phát triển. Mỗi nơi đều thành lập một trung đội thanh niên võ trang, thường xuyên canh gác, tuần tra, giữ gìn trật tự an ninh. Anh chị em công nhân, lao động phấn khởi đến nhà máy, xí nghiệp làm việc theo tinh thần mới, tinh thần xây dựng, làm người chủ thật sự. Anh em công nhân lái xe chạy không biết mệt, chở đồng bào bị giặc cưỡng bức di cư trở về quê cũ. Thanh niên, học sinh hăng hái tham gia lực lượng sinh viên học sinh bảo vệ thành phố Đà nẵng, làm nhiều việc cụ thể như cổ động, tuyên truyền chiến dịch, dọn vệ sinh đường phố v.v... Các mẹ, các chị tự động bảo nhau đem quà đến trụ sở Uỷ ban Nhân dân cách mạng để chuyển đến các chiến sĩ Giải phóng. Trước đây, trong giờ phút tàn lụi của chế độ Thiệu, bà con phải đóng chặt cửa bao nhiêu, thì nay sống với chính quyền cách mạng, bà con mở rộng lòng bấy nhiêu, chăm lo cho các chiến sĩ cách mạng.
Tạm biệt bác Sum và thím Học, tôi bước đi trên đường Huỳnh Thúc Kháng trong bầu không khí tĩnh mịch cuối đêm. Qua mỗi ngã ba, tôi lại gặp một tốp thanh niên đeo băng đỏ, bồng súng đứng canh cho giấc ngủ của thành phố. Phường Nam Phước và cả thành phố Đà Nẵng đang ngủ ngon để chuẩn bị bước vào một ngày mới sôi nổi, khẩn trương ./.
Việt Long
(Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng)
NGÀY 10/4/1975
Báo Cờ giải phóng, cơ quan của Ủy ban Mặt trận giải phóng khu Trung Trung Bộ, liên tiếp đăng tin, bài phản ánh khí thế tấn công và nổi dậy khắp nơi. Trong số 207 ra ngày 10 tháng 4, báo đăng tin ta đã giải phóng hoàn toàn khu Trung Trung Bộ. Báo đăng tin tổng hợp nêu rõ: Trong thời gian 1 tháng (từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 1975), quân và dân Trung Trung Bộ đã liên tục tấn công và nổi dậy, giành thắng lợi lịch sử: giải phóng hoàn toàn Khu, gồm 9 tỉnh, 3 thành phố và tất cả các thị xã, thị trấn với 5 triệu dân, loại khỏi vòng chiến đấu 30 vạn tên địch, thu hàng vạn súng các loại, thu và phá hủy 4.000 xe quân sự, bắn rơi, phá hủy và thu hồi 300 máy bay. Báo còn đăng bài, ảnh của anh em phóng viên Thông tấn xã chúng tôi từ khắp các chiến trường gưỉ về: Việt Long với bài Đà nẵng tưng bừng ngày hội giải phóng cùng 2 ảnh về sinh hoạt ở vùng giải phóng, Dương Đức Quảng với bài Thị xã Quảng Ngãi ngày giải phóng vui như hội, Phước Huề với bài Số phận bi thảm của Sư đoàn 23 ngụy, Hồng Phấn với ảnh Công nhân nhà máy điện Công Tum kiên quyết bảo vệ nhà máy không cho địch phá hoại và nhanh chóng đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường, và Quang cảnh trước hội trường Diên Hồng thị xã Plây - cu...
THƯ GIA ĐÌNH.
Ngày 12/4/75
Anh Long, chị Ngân kính mến!
Chắc dạo này anh Long bận lắm nhỉ! Đi luôn để viết tin mà lị, bận nhưng chắc là vui lắm, nhưng dù bận đến đâu anh cũng hãy tạm vui lòng dừng lại để đọc những dòng tình cảm của em, đứa em gái nhỏ của anh, anh nhé.
Anh Long, chị Ngân ở trong đấy dạo này có được mạnh khoẻ luôn không? và đã sắp có cháu bế chưa? Lần sau viết thư ra anh phải nói rõ đấy nhé. Còn ở ngoài này thì gia đình vẫn mạnh khoẻ, duy có bố là hơi yếu thôi. Hôm vừa rồi cưới anh Đức, cậu Hiếu, cậu Minh cũng về dự, còn trước đó độ nửa tháng bà và bà trẻ cũng về chơi. Hai bà thương anh, chị lắm và chỉ mong gặp được mặt anh, chị thôi.
Hôm 4/4 anh Việt lại được về thăm nhà nên gia đình lại càng vui vẻ hơn và lại càng nhớ, nhắc anh, chị nhiều hơn. Chắc ở trong ấy anh, chị phải hắt hơi luôn ấy nhỉ? Dạo này anh Long đi được nhiều nơi lắm nhỉ, hết Quảng Nam, đến Đà Nẵng... tha hồ mà toại nguyện. Ở ngoài này cả nhà đón nhận tin anh trong những tờ báo hay buổi phát thanh của đài. Mỗi khi đài phát bài của anh thì cả nhà lại ngồi im lặng để nghe anh ạ. Mừng cho anh, mà cũng lo cho anh nhiều.
Còn trong thời gian anh đi công tác chắc chị Ngân ở nhà một mình nhỉ, hẳn là cũng hơi buồn và luôn luôn lo lắng, đó là điều tất nhiên thôi, nhưng càng lo lắng bao nhiều thì càng làm cho anh Long phải cẩn thận, càng tốt chị Ngân nhỉ.
Hôm vừa qua em đã thi hết học kỳ I rồi và kết quả thì cũng tương đối, không đến nỗi tồi lắm anh ạ, còn Thuỷ thì cũng chuẩn bị thi hết cấp đấy. Anh chị tưởng tượng xem nó bé tí như học sinh lớp 5 ấy, bé mà gầy lắm, không biết nó có thi nổi không! Độ này ở ngoài này lấy đi bộ đội nhiều lắm anh ạ, các thầy giáo cũng lấy đi. Thầy giáo em cũng sắp đi rồi. Chắc là người ngoài này bớt đi thì người trong ấy đông lắm và chắc là vui hơn trước nhiều anh chị nhỉ.
Thôi, em tạm dừng bút, chúc anh chị luôn luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, công tác tốt. Bao giờ được gặp lại mặt anh chị thì vui quá anh chị nhỉ.
Em của anh chị
Bích Diệp
Long + Ngân của cô.
Hôm nay nhân tiện có bác Nhung ở cạnh nhà lại vào tiếp tục công tác, cô tranh thủ viết thư cho hai cháu, và cũng là báo tin để hai cháu biết tình hình gia đình hiện nay. Câu đầu tiên cô không quên chúc hai cháu thật hạnh phúc. Long Ngân! Trước đây cô tưởng là chú Phương chỉ khi nào hoà bình thực sự thì chú mấy có ngày mong trở lại quê hương nhưng không, hiện nay chú đã không còn ở trên mảnh đất Bắc này nữa, mà đã ở đất của miền Nam từ ngày 21/3/1975 rồi. Thật là một sự không ai có thể ngờ được, một ông già đã về hưu mà lại ra công tác, trở lại về Nam một cách dễ dàng... Thế mới gọi là thời buổi chiến tranh. Chú đi vào vùng Tây Ninh đấy, gọi là đoàn xây dựng B2, chú đi công tác chuyên môn của mình thôi không phải vất vả gì. Khi nào Long có đi công tác qua đấy hỏi thăm xem may ra gặp chú, hỏi là ông Lê Phương - Y sĩ. Ban thống nhất TW gọi đấy. Còn hiện giờ các em vẫn ở gần cô. Tiến đang học điện ở Ba Vì, còn Quang đang học sửa chữa ô tô ở Bộ Giao thông - Hà Nội, ở ngay cạnh trường chỗ mẹ cháu làm. Còn Chiêu lại đúp ở lại lớp 5, học dốt lắm, em mải chơi nhiều hơn là học. Trước tình hình này có lẽ em Quang phải đi bộ đội thôi vì ở ngoài này hiện nay đang lấy bộ đội nhiều lắm. Ở ngoài này có được xem mấy bài báo của Long viết, nói chung là được, đọc bài báo thấy phản ánh sự thực, cuộc sống thực tế. Còn Ngân độ này có khoẻ không? Đã có bụng chưa? Trong dịp này các cháu có ra cũng khó, là vì đang mùa làm ăn của Long phải không cậu. Nhưng thôi muốn thế nào đi nữa cháu cũng cố ra thăm bố mẹ và cô, cùng các em, bố cháu độ này yếu lắm, nếu cháu không cố gắng ra rồi sau này lại ân hận suốt đời. Cô chỉ nhắc thế thôi, còn ở trên Hà Giang cụ nội vẫn còn sống - 100 tuổi rồi. Bà và bà trẻ độ này vẫn khoẻ, cậu mợ Hiếu cũng rất khoẻ, cậu sang lái xe ô tô rồi, như vậy cậu đã được 5 em rồi, 2 gái 3 trai đấy, đứa nào cũng xinh đẹp cả. Khi nào có viết thư thì viết hỏi thăm trên đấy.
Thành cũng hỏi thăm đến cháu luôn đấy.
Thôi nhé, cố thu xếp ra Bắc một lần. Long Ngân, cô chú thì nghèo nên không có gửi cho cháu gì cả, hôm nay nhân tiện có tiền cô gửi cho hai cháu chút ít để tiêu tạm. Cô để dành tiền mới gửi cho hai cháu, chỉ có số tiền rất ít nhưng nó chứa đựng tình thương các cháu không tả nổi. Tuy tiền ít nhưng lòng thương không bến bờ. Vậy cô gửi vào cháu (30đ) ba mươi đồng để cháu thêm thắt vào, chứ cô cũng biết các cháu cũng chẳng thiếu thốn gì! Hơn nữa việc cưới cho các cháu nếu là ở ngoài này thì chắc cũng tốn kém đấy. Vừa qua cưới anh Đức cũng hết độ 1500đ đấy.
Thôi nhé để thư sau cô tiếp tục.
Chúc hai cháu hạnh phúc.
Cô
Chung.
TỪ 13/4/1975
Những ngày này, ngoài Tổng xã đã cử thêm cán bộ vào phụ trách cơ quan Thông tấn xã Khu, nhưng tôi vẫn bận rộn với công việc của một cán bộ từ chiến khu về, phải giải quyết bao nhu cầu của cuộc sống mới. Hàng tuần dự giao ban với Ban Quân quản thành phố Đà Nẵng, chỉ đạo việc làm tin và trực tiếp viết tin, bài. Lo đi tìm trụ sở cho cả Phân xã. Phát hiện nhà số 14 phố Lê Thánh Tôn của một viên tướng nguỵ bỏ chạy, đồng bào từ Huế di tản vào ở tạm, tôi dặn dò đồng bào khi rút đi phải giữ nguyên trạng. Sau đó, tôi làm việc với Uỷ ban Quân quản thành phố Đà Nẵng và Uỷ ban đã làm giấy cho phép Thông tấn xã Giải phóng Khu Trung trung bộ sử dụng nhà này cùng với ngôi nhà số 36 Quang Trung liền ngay đó. Cũng vui, thấy tôi đi tìm nhà, một bác trung niên ở phường Thạch Gián chỉ cho tôi căn nhà ngay mặt phố, đang là cửa hàng gạo, bảo hiến cho cá nhân tôi, có giấy tờ đầy đủ. Tôi cảm ơn và từ chối, chỉ nhận ở bà con tấm lòng thơm thảo. Qua các phương tiện thông tin, tôi biết rằng tại Sài Gòn, tình hình đang náo loạn. Đồng bào hàng ngày hàng giờ đóng kín cửa nhà, mở máy thu thanh nghe đài Giải phóng. Để giúp bà con không mắc mưu tuyên truyền của địch mà chạy theo chúng, yên tâm đón chờ quân Giải phóng, tôi nghĩ cách tốt nhất là phản ánh không khí thanh bình ở thành phố mới giải phóng này. Và tôi đi đến gặp dân, viết bài ghi nhanh sau:
MỘT NGÀY CHỦ NHẬT Ở ĐÀ NẴNG
Hà Nội (VNTTX 20-4-75) Sáng chủ nhật 13-4, đồng bào theo đạo thiên chúa khắp thành phố Đà nẵng nườm nượm đến các nhà thờ làm lễ. Tại nhà thờ lớn thành phố, mặc dầu đã qua buổi lễ thứ 2, người đến dự vẫn chật cả phòng cầu nguyện, tiếng linh mục vang vang giảng đạo.
Sau buổi lễ, mọi người tràn ra cửa, cười, nói vui vẻ. Tôi thấy trong số đồng bào này cùng với phụ nữ, trẻ em còn có rất nhiều thanh niên. Cao Sĩ Đài, 22 tuổi, trước đây là lính không quân nguỵ, dừng lại nói chuyện với tôi ở hành lang:
- Khi thành phố giải phóng, em ra trình diện, được cán bộ cách mạng giải thích chính sách khoan hồng, chính sách tự do tín ngưỡng. Rồi em được về nhà lo làm ăn và lại đi lễ nhà thờ đều đặn.
Bác Đặng Hoạt vui vẻ kể với tôi:
- Từ khi giải phóng đến nay, ngày chủ nhật nào gia đình tôi cũng đi lễ.
Tôi hỏi:
- Khi chưa giải phóng, gia đình bác có đi lễ đều và đầy đủ không?
Bác lắc đầu:
- Đâu có được! Tôi có thằng con trai phải trốn lính, đâu dám ra đường, đâu dám đến nhà thờ làm lễ.
Bác cười hồn hậu, nói tiếp:
- Cũng may phước là thành phố được giải phóng, con tôi khỏi trốn lính, cả nhà tôi được giữ đạo vẹn toàn, bà con tôi tự do đi lễ, không có ai chặn bắt cả.
Trở ra đường Độc lập, hoà vào dòng người náo nức, ngược lên phố Lê Đình Dương, tôi vào thăm chùa Tỉnh Giáo. Một bầu không khí thanh tịnh bao trùm cả khu chùa. Dưới bóng cây bồ đề toả bóng mát trước sân, mấy chú tiểu qua lại lo việc chùa. Ông Hoàng Hữu Khai, phụ tá đặc uỷ hoàng pháp thuộc tỉnh hội Phật giáo Đà nẵng, và hai tín đồ vui vẻ đưa tôi vào phòng khách. Nghe tôi hỏi việc lễ bái, ông Khai trả lời:
- Nói thiệt tình, khi cách mạng mới đến, một số tín đồ còn chưa hiểu nên nghi ngại, chưa dám đi lễ chùa. Nhưng chỉ vài ngày sau, nghe phổ biến chính sách tự do tín ngưỡng và trước sự thực diễn ra trước mắt, bà con đạo hữu yên tâm, lại đi lễ như thường.
Ông cười rồi nói tiếp:
- Trước đây chính phủ Thiệu tuyên truyền là giải phóng đến đâu thì ở đấy không còn tôn giáo. Nhưng thực tế vừa qua đã xoá sạch những lời tuyên truyền ấy. Từ khi vào thành phố đến nay, quân đội Giải phóng không hề vào chùa lục soát, không hề cấm đoán việc lễ bái.
Tiễn tôi ra khỏi chùa, ông Khai căn dặn:
- Các ngày mồng một, ngày rằm là ngày bà con phật tử tới chùa làm lễ, anh nhớ đến chùa vào các ngày ấy, đông vui lắm.
Tôi bước ra đường. Hôm nay hầu hết số đồng bào Huế, Quảng Trị và các nơi khác bị bọn Thiệu cưỡng ép "di tản" vào Đà Nẵng đã được chính quyền cách mạng tạo điều kiện trở về nguyên quán. Tuy thế Đà nẵng vẫn nhộn nhịp, đông vui. Ở chợ Hàn, đã gần trưa mà người mua bán vẫn đông, các dãy hàng rau, hàng cá bán la liệt, nào sò huyết, cua bể, cá mực, cá chuồn, nào cà chua, bắp cải, rau muống... Các dãy bán tạp hoá, bán vải... hàng cũng khá đủ. Đợi chị chủ một quầy hàng đo vải cho một thiếu nữ xong, tôi đến nói chuyện. Chị cho biết chị là Trần Thị Dược, bán vải ở chợ này từ nhiều năm nay. Chị than thở:
- Trước khi chạy, lính Thiệu ăn cướp dữ quá. Chúng cậy cửa quầy hàng này lấy mất phần nửa số vải của tôi. May phước mà quân Giải phóng vô liền, nếu không, bà con ở đây còn mất của, chết người nhiều lắm.
Tôi hỏi:
- Chị mở lại quầy hàng vào ngày nào?
Chị đáp:
- Nghe cách mạng biểu đồng bảo trở lại buôn bán, làm ăn bình thường, tôi bầy hàng ra bán liền. Tôi thiệt không ngờ mới đó còn cướp bóc bắn giết loạn, mà khi quân Giải phóng vừa vào đã yên ổn ngay.
Buổi chiều, tôi tiếp tục đi thăm các phố phường ở Đà nẵng. Tôi rẽ vào số nhà 34 phố Phan Chu Trinh. Đó là hiệu uốn tóc Hoàng My, một trong những hiệu lớn của thành phố. Trong căn phòng dài sáng ánh đèn có nhiều dãy ghế, bày đầy gương và những máy sấy, máy hấp. Tôi thấy nhiều thợ uốn tóc đang chăm chú làm tóc cho khách. Anh Nguyễn Vĩnh Ký cho tôi biết, ngay sau hôm giải phóng, phòng này đã mở cửa. Anh Lê Từ Hường nói xen vào:
- Trước đây bọn địch tuyên truyền là cách mạng không cho uốn tóc, cách mạng sẽ đập phá các tiệm uốn tóc, chừ so sánh những luận điệu ấy với thực tế trước mắt mà tức cười.
Tôi lại bước ra phố. Dòng người trên đường vẫn nối dài. Trên lề đường, mấy em nhỏ cầm từng chùm bóng đủ màu. Tới đường Hùng Vương, tôi rẽ vào một quán hàng.
Ông chủ quán nói rằng trước đây ông làm nghề may, nhưng thua lỗ quá, trù tính mở lại, nhưng sợ bọn lính trả lựu đạn thay tiền nên đang loay hoay, vừa khi ấy thì giải phóng, không còn cướp bóc, quỵt tiền nữa nên ông mở tiệm này. Các tiệm khác như Lộc Ngọc, Quỳnh Giao, Quỳnh Loan và hàng loạt tiệm ăn như Mây Hồng, Đồng Phượng, Mỹ Lệ Hoan cùng bao nhiêu quán nước ngọt nữa đều mở cửa đón khách.
Ngày chủ nhật cũng là ngày người dân Đà Nẵng đi dự những hoạt động giải trí bổ ích. Đồng bào rủ nhau đến Ty Thông tin đọc sách báo, xem hình ảnh của cách mạng hoặc đến các rạp xi nê xem chiếu phim. Tôi đến rạp Li Đô vào cuối giờ chiếu của buổi thứ hai. Xe đạp, Hon da xếp đầy ngoài cửa rạp. Trên biển quảng cáo ghi tên các phim: Em là thợ xây, Chỉ một con đường, Anh bộ đội xe tăng, Bác Hồ của chúng em.
Trước cửa rạp, tôi gặp hai bác công nhân lái xe Trần Thanh Cẩn và Lê Hữu Phúc. Bác Phúc tâm sự:
- Coi phim thấy Bác Hồ ngỡ là gặp Bác, tôi ứa nước mắt. Tôi muốn nhỏ lại để được Bác ôm vào lòng như các cháu bé trong phim.
Bác Cẩn so sánh:
- Tôi đã coi nhiều phim Sài Gòn, chỉ nhồi sọ sự đe doạ, chém giết lẫn nhau, còn phim của ta thì giáo dục thật toàn vẹn. Coi phim của ta, tôi thấy mình thay đổi hẳn, không còn phải băn khoăn về tương lai của mình và con cháu mình nữa.
Hai bác vội vã dắt xe xuống đường và giải thích:
- Phim Giải phóng hết là bọn tôi ra trước để qua rạp Tân Thanh coi phim khác ngay. Chủ nhật này tôi muốn đi khắp các rạp xem các loại phim của cách mạng cho thoả lòng mong ước.
Tôi đi tới đường Bạch Đằng thì thành phố lên đèn, tiếng chuông chùa vọng đến ngân nga, gió sông Hàn lồng lộng. Bên kia sông, đèn điện từ các dãy nhà toả sáng lung linh. Bên này sông, đèn trên các cột đèn cũng toả sáng. Xa xa, những ngọn đèn đỏ trên hai cột phát sóng của đài phát thanh Đà Nẵng nhấp nháy như những đôi mắt nhìn xuống thành phố cảng thân yêu này.
Tôi gặp nhiều cặp vợ chồng dắt con đi dạo mát bên sông. Ở mấy hàng ghế đầu nằm bên những gốc dừa tư lự có những đôi nam nữ đang ngồi tâm sự. Không gian khoáng đạt và bình yên. Cả Đà Nẵng đang hưởng trọn một ngày chủ nhật đầy thoải mái và bổ ích để rồi lại bước vào một ngày mới với nhịp sống khẩn trương, sôi nổi./.
Việt Long
(Phóng viên TTXGP tại Đà nẵng).
THƯ GỬI GIA ĐÌNH.
Ngày 18/4/1975.
Bố mẹ và các em yêu quý!
Anh Hà đã vào đến nơi, nói gia đình ta vẫn vui khoẻ, con rất mừng.
Con vừa nhận thư bố viết ngày 13/3 - chắc bố gửi đường dây.
Con và Ngân vẫn khoẻ. Cũng may mà cơ quan phân công 2 chúng con đi chiến dịch một đoàn, nên khi về Đà Nẵng là được ở một chỗ ngay, có một phòng riêng khá xinh với khá đầy đủ tiện nghi.
Tình hình chung trong này phấn khởi và yên ổn. Bây giờ chúng ta đang tập trung sức xây dựng kinh tế. Lo đời sống cho dân. Có lẽ chuyến này Miền Bắc sẽ phải dốc sức cho Miền Nam nhiều hơn nữa.
Con của gia đình.
NGÀY 22/4/1975
Sơ kết lại, thấy rằng tài sản quốc gia thu được rất lớn, gần như nguyên vẹn. Quần chúng rất phấn khởi. Đời sống trước mắt bình thường, có khả năng giữ được và nâng dần lên. Chúng ta triển khai lực lượng phòng thủ tương đối tốt nhưng chưa sâu trong quần chúng. Công tác phát động quần chúng, tuyên truyền chính sách tương đối tốt, nhưng chưa sâu. Tổ chức bước đầu tương đối tốt. Những mặt cần chú ý là: Lực lượng phản động còn đông, còn ẩn núp chờ thời (Đà Nẵng có 8 vạn quân ngụy ra khai báo, trong đó có khoảng 7.000 sĩ quan), nguời làm cho địch cần phải bắt thì bắt chưa hết. Còn hầm ngầm chưa khui. Vũ khí thu chưa hết, nhất là súng ngắn, mìn. Điện đài địch còn hoạt động. Hệ thống tổ chức của các đảng phái phản động còn. Có hiện tượng giả bộ đội, làm giấy thông hành giả, làm con dấu giả. Một số tài sản quốc gia bị phá (chủ yếu do quân ta), lãng phí. Thiếu cán bộ. Cán bộ thiếu kinh nghiệm. Nếu không có biện pháp về điều hành kinh tế thì đời sống đồng bào sẽ xuống. Tư tưởng đang tốt, nhưng đã xuất hiện tư tưởng công thần (nhất là quân nhân - quân phiệt rõ), tản mạn, cá nhân, hưởng lạc, an nhàn, trì trệ.
Khu ủy chỉ đạo thời gian tới phải làm tốt các nhiệm vụ sau: Ổn định tình hình vùng mới giải phóng. Tiếp tục chiến đấu, giải phóng toàn bộ miền Nam. Xây dựng vùng giải phóng vững mạnh. Một số công tác cụ thể phải tập trung thực hiện là: Truy tróc địch, gắn với trật tự trị an. Tiếp tục đi sâu phát động quần chúng để quần chúng có nhận thức đúng, phân biệt được địch - ta, hiểu biết về chính sách khoan hồng và chuyên chính vô sản. Đưa nông dân trở lại ruộng vườn ở nông thôn để sản xuất. Tạo công ăn việc làm ở thành phố. Ổn định nội bộ. Công tác kinh tế được coi là công tác lớn nhất. Tổ chức một đợt tuyên truyền tập trung về các hoạt động nói trên.
NGÀY 1/5/1975
Nghe tin giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vui, nhưng không phải là niềm vui bất ngờ.
Ngẫu nhiên, hay có hẹn trước mà chính ngày tôi cất bước đi chiến trường, sau 7 năm, lại là ngày toàn thắng của dân tộc.
Sáng, Khu và Thành phố tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Buổi lễ diễn ra tại sân vận động Chi Lăng, có diễu binh và diễu hành quần chúng. Đứng trên khán đài nhìn xuống những đội quân hùng dũng diễu qua, chợt nhớ da diết những người đồng chí đã hi sinh, trong đó hình ảnh Vượng và Nghị hiện lên rõ mồn một trong tôi. Rồi nước mắt cứ trào ra, nhoè hết mọi hình ảnh hiện tại, đưa tôi về quá khứ...
ĐÔI LỜI TÂM SỰ
Tìm mãi, tôi vẫn không thấy phần ghi chép giai đoạn nửa cuối năm 1971. Nhớ lại, lúc ấy sổ ghi bị hết, tôi xin một tập giấy để viết Nhật ký. Rồi trong một trận tập kích của địch, cái túi đồ của tôi, trong đó có tập Nhật ký, bị thất lạc. Rất tiếc, trong đó chứa đựng bao nhiêu chất liệu qúy, nhất là phần ghi lại cảm xúc của tôi khi nghe tin Lê Viết Vượng, Nguyễn Mỹ hy sinh. Đành để trống giai đoạn này. Vẫn may là còn lại khá đầy đủ những gì tôi đã thu lượm bấy lâu nay. Đọc kỹ lại, nhất là các thư từ, tôi thấy rõ rằng hồi ấy cả mấy thế hệ đều đi vào cuộc chiến với lý tưởng rõ ràng, với ý thức dân tộc sâu sắc, với niềm tin ở chiến thắng và với tình cảm chân thành, nồng hậu. Những người như tôi hồi ấy chưa có gia đình riêng, đi B nhẹ tênh, cũng như những đồng chí cán bộ tập kết sống độc thân trở lại miền Nam, hoặc những người từ đồng bằng thoát ly lên căn cứ, đều được gọi là BÊ TRỌC, không để lại cho người thân một chút quyền lợi nào. Mà ngay cả những Bê thường, có nghĩa là những người có gia đình, đi B được để lại phần lương ít ỏi cho gia đình, thì lại phải chịu đựng nỗi day dứt lớn hơn lớp trẻ chúng tôi bởi trách nhiệm của người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, người chủ gia đình. Vậy mà tất cả đều hăm hở lên đường đóng góp sức mình cho cách mạng. Trong số đồng chí mà tôi quen biết suốt gần 7 năm kháng chiến ấy, một số đã hy sinh, một số ít do tuổi cao, sức yếu phải ra hậu phương chữa bệnh, số còn lại đã đi đến cùng cuộc kháng chiến. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức gặp mặt truyền thống, ai cũng nhớ đến những ngày ấy với niềm tự hào và với tình cảm hết sức đằm thắm.
Gần đây, tôi đã trở lại chiến trường xưa, thăm lại bà con, bạn bè. Riêng việc lên Núi Bà (vùng ven Quy Nhơn), không hiểu sao, mãi mà các anh ở Sở Văn hoá - Thông tin không bố trí đưa tôi lên được. Có anh đùa với tôi: "Trở lại nơi xưa, để tìm người cũ sao? Nơi xưa còn đó, người cũ đã già rồi!". Đúng vậy, những cô gái mà tôi quen thời chinh chiến giờ đã luống tuổi rồi thật, nhưng tôi đâu có tìm họ vì cái lãng mạn tuổi xuân, mà để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm kháng chiến sâu nặng tình người, cái đó không lúc nào già đi cả.
Tôi trở lại Hoài Châu, thăm lại gia đình Má Phùng cùng hai con của Má là các chị Thi, Vinh. Hồi đó, nhà Má Phùng nằm ở rìa núi - vùng ranh. Không xẩm tối nào không có cán bộ, bộ đội từ trên núi xuống ghé nhà ăn uống. Cứ vậy, ngày này qua tháng khác, ngày nào cũng một hai mâm cơm gia đình sắp sẵn nuôi bộ đội, cán bộ. Tôi cũng ăn ở đó nhiều bữa cơm, và đã được các chị canh chừng cho trong khi ăn, đề phòng lũ địch tập kích. Bao nhiêu miệng ăn, biết mấy núi đã lở rồi? Bây giờ, Má Phùng đã là BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG. Má hỏi chúng tôi đi vô bằng gì. Biết chúng tôi đi bằng máy bay, Má bảo: "Tao lo cho lũ bay quá, máy bay rớt thì làm sao?". Chúng tôi cười, mà lòng ứa lệ. Các chị Vinh, Thi nay còn khoẻ mạnh, làm ăn cũng khá, gia thất đề huề. Các chị lại tíu tít kêu con cháu leo dừa lấy trái cho chúng tôi uống nước. Thứ nước trong vắt, mát ngọt, đậm đà ấy lúc nào cũng tràn đầy, bởi vì nó có nguồn từ thẳm sâu trong lòng TỔ QUỐC ta, NHÂN DÂN ta.