Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XV)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

 

 

NGÀY 29/4/1972

Nhận được lệnh về tiếp quản Bồng Sơn. Đi qua Hoài Hảo được biết đồng bào đang vây chặt đồn Mỹ Bình. Số đông đã vào được chốt. Lãnh đạo khéo có thể bốc hàng (tức là vận động được bọn địch đầu hàng).

Qua Hoài Thanh được biết có một Trung đội Dân vệ đã cầm súng về tập thể và một số khác khoảng 2 Trung đội về lẻ tẻ.

Pháo biển bắn vu vơ dọc đường, tiếng nổ rền hơn pháo đất.

Quân ta vây chặt khu Nhà thờ Dốc và lệnh cho địch 48 giờ sau phải đầu hàng. Chúng tôi đi gần nơi ấy, thấy điện vẫn sáng. Trên trời, một chiếc đa cô ta bay lượn dai dẳng, thả đèn dù liên tục và liên tiếp bắn xuống hàng dây đạn quanh cứ điểm.

Gặp anh Vân, Thường vụ Tỉnh ủy, được biết tình hình toàn huyện Hoài Nhơn từ đêm mở màn (12 tháng 4) đến nay như sau:

+ 10 ngày đầu: Đêm 12 tháng 4, bộ đội chủ lực đánh bọn Bảo an ở chốt Gò Vàng ( Hoài Châu) nhưng không gọn, đánh thiệt hại nặng 2 trung đội Bảo an, diệt 22 tên, làm bị thương 17 tên. Đêm 14 rạng 15 và đêm 15 rạng 16 đánh vào các vị trí then chốt như Tam Quan, Đệ Đức. Tại Tam Quan, ta đánh thiệt hại nặng 1 đại đội pháo binh, 1 đại đội Bảo an, tiêu diệt 80 tên. Đã tấn công 1 phần 5 số vị trí địch; riêng tại Đệ Đức, ta diệt 200 tên. Bộ đội địa phương diệt dược 1 chốt là đồi Giang Quang. Du kích xã chưa đánh chốt nào. Về nổi dậy, 10 xã phía Bắc đã họp quần chúng, phát lệnh khởi nghĩa, làm lễ ra quân ở 50 thôn. Ngày 13, quần chúng đã ra quân, bao vây 86 chốt và 5 trung đội địch trài ra ở các thôn xóm. 6 xã phía Nam, vùng địch kẹp chặt hơn, đồng bào cũng vây chốt Đồi Thường, Phú An và các thôn có bọn địch trài. Ở Đồi Thường, 7 trung đội Bảo an, Dân vệ ngoan cố dùng mù cay, đạn thẳng phản ứng, nhưng đồng bào kiên trì bao vây, binh vận suốt 2 ngày đêm, cuối cùng bọn địch phải chạy qua chốt Kim Giao; quần chúng san bằng đồn, thu chiến lợi phẩm. Quần chúng tấn công bọn địch ở Diêu Quang, chúng gọi pháo bắn bừa bãi, làm chết 3, bị thương 1 người. Quần chúng vác xác người hi sinh, xông tới, cho đạn vào lon, đốt quăng vào đồn, đạn nổ, địch tưởng là bị pháo kích, cuối cùng, chúng phải bỏ chạy. Tới 22 tháng 4, đã bức rút, san bằng 39 chốt và 4 điểm thôn trài.

+ Những ngày tiếp theo: Ngày 25 tháng 4, bộ đội chủ lực diệt gọn 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn 41 chủ lực ngụy. Tới sáng 27, ta đã làm chủ đầu cầu nam Bồng Sơn. Chiều 27, một bộ phận quân ta đánh thọc từ phía Bắc xuống. Các đơn vị chủ lực đã ém sát các thôn quanh Bồng Sơn: Trung Lương, Thiết Đính, An Bình, Đệ Đức. Chiều 28, nổ súng tấn công một số đơn vị địch, như đồn Quân cảnh, Đại đội Bảo An ở An Tây. Ngày 29, các mũi tiến rất nhanh, nổ súng lùa địch chạy như vịt, có một số chạy về Đệ Đức, Tam Quan. Bọn ở đồn Quân cảnh, chi Công an ngoan cố đánh trả, bị ta tiêu diệt. Ta phong tỏa tất cả các địa bàn phụ cận, bọn địch chạy ra tên nào bị bắt tên nấy. Trong khi đó, đồng bào ở Bồng Sơn đình công, bãi thị, đồng bào các xã xung quanh dấu thuyền, không cho bọn địch dùng để tháo thân. Quần chúng phía Tây ém xuống, phía Bắc ém lên đường số một, chặt đứt giao thông của địch. Từng xã chịu trách nhiệm làm chủ từng đoạn đường chạy qua xã mình, không cho địch sử dụng.

17 giờ ngày 29 tháng 4, ta giải phóng Bồng Sơn.

pvlo-1660485367.jpg
Vừa thoát khỏi trận oanh tạc của máy bay địch tại Bồng Sơn, Bình Định.

NGÀY 30/4/1972

Có điện của anh Ba: Phải tổ chức trong quần chúng những đội cứu lính, dẫn lính, xáp vô các chốt dẫn lính ngụy về với cách mạng.

Không khí ngoại vi thị trấn Bồng Sơn đã khiến tôi náo nức. Bộ đội đào hầm dọc đường. Du kích cưỡi Honda ra vào thị trấn. Một toán tề, lính bị trói tay giải ra, nối nhau thành một dây dài. Số này còn rất trẻ, khoẻ.

Chiều, tôi nhờ người chở Honda vào thị trấn. Đầu thị trấn có một trạm kiểm soát người ra vào. Có nhiều người cưỡi Honda, xe đạp, gồng gánh sơ tán về Mỹ Thành.

Thị trấn là một dãy phố dài nằm dọc 2 bên đường số một. Nói chung, lúc này còn thưa thớt người - phần lớn đã sơ tán khi cuộc chiến xảy ra.

Gặp một xác lính nguỵ nằm ngửa bên hè. Xa đó một chút có một xác chết mặc quần áo thường dân, nằm úp mặt giữa ngã ba đường. Anh em bộ đội cho biết đó là tên thiếu uý đại đội trưởng đại đội cảnh sát quận Hoài Nhơn. Khi bị bắt, nó đập đầu vào tường tự sát. Lúc này, máu còn chảy xuống đường. Gặp một xác lính nguỵ khác ở một hè phố. Tên này mang một bao đồ nhỏ, ngã úp mặt xuống rãnh. Có lẽ nó muốn chạy trốn nhưng không thoát.

Cờ của ta được treo trước một ngôi nhà. Đó là nơi làm việc của Uỷ ban Nhân dân cách mạng thị trấn. Một lá cờ khác nhỏ hơn được treo trước Chi Thông tin quận. Chi Cảnh sát ngổn ngang ảnh, tài liệu. Một chiếc xe gíp cháy còn bốc khói. Tôi vòng ra sau nhà, thấy có 2 hầm dài địch dùng để ngủ. Đồ đạc, màn vải... vứt bừa bãi. Những bao súng vứt lung tung.

Gặp 2 thanh niên bị thương nhẹ. Họ nói họ là Dân vệ, bị thương vì pháo, đã ra trình diện với cách mạng. Một người khác dẫn chúng tôi đi tiếp quản Chi Thông tin. Anh ta nói anh ta làm nhân viên kỹ thuật của Chi này, cũng đã trình diện với cách mạng.

Ba tên khác hỏi thăm nơi đến trình diện. Một tên mặt to, da láng bóng. Đồng bào cho biết đó là tên thiếu uý cảnh sát rất gian ác.

Bắt về 3 tên nữa. Một tên có bộ ria mép con kiến, bị còng. Chúng nói chúng là dân thường. Đồng bào báo chúng là cảnh sát. Chúng tôi giải thích: “Bây giờ chưa rõ, chúng tôi tạm giữ các anh, để kiểm tra sau. Nếu các anh là dân thường, các anh sẽ được thả”.

Phía cầu, có một số bộ đội gác. Dây thép gai dăng ra một phần đường, chỉ để một lối đi nhỏ.

Tôi đi nhờ một xe lam. Xe này chạy tới nhà thương chở thương. Ở đây còn một số người bị thương, địch không chuyển đi. Người ta khiêng ra một thanh niên. Một người đàn ông nói: “Nhờ Cách mạng cứu mới sống đây”. Xe vội vàng chuyển bánh về phía Long Mỹ - vùng giải phóng - chở người bị thương về nơi cứu chữa.

Tôi ở tại ấp Thiết Đính. Ông già chủ nhà có một con trai đi Dân vệ, một con trai và một con dâu chạy lạc. Còn vợ ông và 4 đứa con nhỏ mới đi sơ tán về. Ông hỏi tôi: “Lá cờ này trót vẽ, bây giờ xoá đi chứ?”. Tôi gật đầu. Ông lấy xẻng nạo tường cho tróc nước sơn vẽ lá cờ nguỵ đi.

Hồi chiều, vào một nhà gặp mấy bộ đội đang ngồi uống nước. Đồ đạc trong nhà còn nguyên vẹn. Mấy anh nói:

- Chúng tôi chiếm khu phố này ngay từ đầu. Ngôi nhà này chúng tôi ở suốt nên đồ đạc không bị phá phách.

Trên đường phố, có những thanh niên khoác súng, đeo băng đỏ: “Trật tự viên” đi lại. Một Honda chở 2 người vừa đi vừa gọi loa: “Lệnh không ai được lục lọi, phá phách các nhà”. Một xe lam của thông tin chạy trên đường phố gọi loa binh vận, loan tin chiến thắng.

NGÀY 1/5/1972

Con trai ông già chủ nhà tôi ở đã về. Cả nhà đều vui mừng. Anh ta có lẽ đã quen sống với bộ đội qua mấy ngày được dẫn đi nên đối xử với chúng tôi khá tự nhiên. Anh ta nói tên Trung đội trưởng ngăn anh ta đã bị anh ta bắn cho một băng đạn, gục trước cửa hầm.

Ngay buổi chiều, anh Ngô - anh lính dân vệ mới trở về - xoay trần ra mà làm thịt vịt liên hoan. Ngô có vẻ thành thạo về việc nấu ăn. Còn vợ anh ta cứ chạy lăng xăng bên cạnh. Không khí gia đình vui, cảm động như bất cứ gia đình nào có người đi xa về. Vợ anh Ngô nói anh Ngô đã trốn lính suốt 4 năm - 4 năm nằm hầm - cuối cùng cũng bị bắt.

12 giờ trưa hôm nay, Tam Quan đã được giải phóng.

NGÀY 2 ĐẾN 3/5/1972

Bộ đội tiếp tục tảo trừ. Nhiều nơi còn địch lẩn trốn. Nhà thuốc Vinh - nhà của tên đại uý kiêm tư bản - không biết vì cớ gì đó cháy đùng đùng, nổ bôm bốp. Vẫn còn những người tay đùm tay mang chạy tất tưởi trên đường. Ở nơi đón tiếp ngụy quân, ngụy quyền, tiếp tục có những người làm cho địch đến trình diện. Nhiều tên thực thà khai báo - trong đó có ấp trưởng Hoài Mỹ - đã được thả tại chỗ. Suối 2 ngày nay, số người trình diện về nườm nượp, ghi không kịp nữa.

Trưa 2 tháng 5, ta làm chủ căn cứ Đệ Đức. Chiều, bọn tàn binh tập hợp nhau lại được 2 tiểu đoàn, dắt díu nhau chạy về phía Hoài Xuân. Anh Sơn - cán bộ Tỉnh đội - chỉ huy bộ đội địa phương chặn bọn chúng lại. Chúng chạy thành từng tốp, vừa chạy vừa giơ tay đầu hàng, nhưng nếu thấy ít bộ đội thì chúng bắn trả và chạy tiếp, thấy nhiều bộ đội thì mới hàng thật. Chúng bắn anh Sơn hy sinh. Du kích diệt một số, bọn còn lại chạy về Hoài Hương. Lập tức, ta trang bị súng cho cán bộ và quần chúng. Đồng bào các xã Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Nam chặn đánh địch suốt đêm, mỗi xã diệt trên 30 tên địch. Tuy nhiên, bọn tề điệp vẫn còn có tên ngoan cố, dùng thuyền chở 6 chuyến giúp bọn tàn binh ngụy .

Gặp một số binh lính của Trung đoàn 40 nguỵ đóng tại căn cứ của trung đoàn ở Đệ Đức ra hàng. Họ mặc quần áo thường dân. Họ cho biết hầu hết lính đều muốn ra hàng nhưng bị bọn chỉ huy o ép rất dữ, rào lại, gài lựu đạn, mìn ở cửa, cấm không cho ra ngoài. Trong khi đó pháo của ta bắn tới rất dữ dội - tối qua, sáng nay pháo đã làm nổ tung kho xăng, đạn. Ngồi tại đây, tôi nghe rất rõ tiếng pháo ta đề pa, bay đi vun vút, nổ ùng ùng ở căn cứ địch.

Chừng 4 giờ chiều 2/5, có 3 chiếc khu trục và một chiếc L.19 quần lượn ở bầu trời thị trấn Bồng Sơn. Tôi phóng xe lao về phía Thiết Đính thì nghe bom rơi xoèn xoẹt. Xuống xe, nằm xuống, nghe bom nổ rền trước mặt, cách vài trăm mét, khói bụi tung lên mù mịt. Chưa kịp tìm thấy hầm hố đã nghe máy bay lao xuống. Bom lại nổ trước mặt. Tôi nhìn rõ cùng với khói, bụi, các mảnh tôn, bìa, gạch ngói bay tung lên như bươm bướm. Mảnh bom rơi rào rào. Lợi dụng lúc máy bay quần lượn, tôi lên xe phóng về phía đường số một, quặt ra Tam Quan. Lát sau, thấy một ông già đứng ngoài cửa, tôi hỏi:

- Có hầm không?

- Có!

Tôi xuống xe, dắt xe vào nhà và chui vào hầm. Chỉ nghe một tiếng “thịch”, và thấy đất rung chuyển. Sau đó, chỉ nghe máy bay bay lượn trên cao. Ra đường nhìn, thấy bầu trời đầy những tàn lửa đen thui bay chấp chới. Một ngôi nhà bên đường cách nhà chúng tôi mấy chục mét đang cháy rừng rực, nổ đùng đùng. Lá, gạch phủ đầy đường. Có nhiều người dân kêu khóc, chạy về phía chúng tôi. Tôi chạy tới một ngôi nhà sập, thấy một phụ nữ mình đỏ máu, bồng một đứa nhỏ, kêu:

- Cứu con tôi với.

Một thằng nhỏ chừng 6, 7 tuổi khóc, níu lấy tôi:

- Chú ơi, chú cứu em cháu dưới hầm với!

Tôi tới hầm, thấy một em trai 3, 4 tuổi bị thương ở trán đang khóc. Chui xuống bế nó lên. Nó ôm chặt lấy tôi, nín khóc, một mắt bị dính đầy máu. Chúng tôi chạy ra xa nơi nhà sập. Tôi lấy băng, xé đôi, băng cho chị phụ nữ và thằng nhỏ. Còn đứa bé bế trên tay bị thương nhẹ vào sườn, không có băng để băng. Đứa bé mặt xanh mét, nằm im, không khóc. Chỉ có mẹ nó và thằng anh 6, 7 tuổi là khóc. Tôi cố an ủi cho họ nín. Áo tôi dính đầy máu.

Trở về. Qua ngôi nhà cháy. Trước ngôi nhà, một xe lam cháy rụi. Trong thùng xe, một xác đàn ông cháy đen.

Một phụ nữ bị thương nhờ tôi chở đi. Đi ra xa thị trấn, tôi dừng lại, xin băng của anh em băng cho chị. Chị bị thương ở gần bả vai và bên hông.

Nghe tin ta đã chiếm khu Nhà thờ Dốc (căn cứ Đệ Đức) và tin ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Kẻ địch sắp đến ngày diệt vong. Nhưng như con chó điên rẫy chết, chúng cắn càn. Đồng bào ra 2 bên đường đào hầm hào.

Hà Huệ, Từ Quốc Hoài, Đoàn Tử Diễn lần lượt trở về. Diễn bị một mảnh bom nhỏ làm chảy máu ngón chân cái, bị gạch rơi sưng đầu và rơi mất chiếc đồng hồ. Huệ và Diễn đều bị mất xe đạp.

Con gái và con rể ông già cũng đã về. Thế là gia đình này được đoàn tụ. Cô con gái vừa cười vừa kể những ngày chạy lạc vất vả: nằm trên nền xi măng không có chiếu, muỗi nhiều, lạnh, không có củi nấu ăn có bữa phải nhịn, pháo biển bắn vào không ngủ được... Anh con rể kể cảnh chạy lộn xộn, cảnh bọn lính chạy lộn vào để thoát thân. Anh nói:

- Chúng tôi chạy vào nhà Mỹ ảnh, đóng cửa lại. Tụi lính kêu mở cửa. Thày Chùa la: “Lạy các ông, các ông đi nơi khác không có làm chết lây chúng tôi”. Chúng chĩa súng bắn vào rẹt rẹt. Thày Chùa bàn: “Nếu không mở cửa, chúng sẽ bắn chết. Thôi, mở rồi chạy”. Cửa vừa bật ra, chúng tôi chạy vội ra, tụi lính ập vô. Không nhà nào dám mở cửa vì sợ tụi lính chạy vô. Chúng tôi chạy lung tung, ra tới Kim Giao.

Trong ngày 1/5, tôi thấy một ông già vứt từ trong nhà ra một đống súng, đạn, áo quần lính. Tôi hỏi:

- Có kẻ nào lẩn trốn trong nhà không?

Ông già ghé miệng qua kẽ cửa (cửa nhà vẫn đóng chặt), nói:

- Tôi có thương các ông mới đưa súng đạn ra. Nếu có kẻ nào lẩn trốn, đời nào tôi lại để im?

Trên đường phố đã có những cổng chào, những khẩu hiệu của ta.

Mấy ngày nay, địch vẫn tiếp tục oanh tạc thị trấn. Cầu dài Bồng Sơn đã bị sập một nhịp.

Trong đợt tổng tấn công và nổi dậy này, chúng ta đã phá rã 56 trung đội Phòng vệ dân sự, 30 trung đội Thanh niên chiến đấu, bắt 190 ác ôn quận, 40 ác ôn xã, 15 ác ôn quân đội (cấp úy), 15 ấp trưởng, bức hàng, tước súng 447 tên, diệt tại chỗ 23 ác ôn, thu 2.736 súng, thu nhiều đạn, bức rút 62 chốt, bức hàng, tước súng 3 chốt, phá rã 3 chốt. Tính chung cả 3 thứ quân, đã đánh 23 trận, diệt 2.263 tên địch, làm bị thương 1.708 tên, bắt và diệt 550 tên ác ôn, diệt gọn ban chỉ chuy Trung đoàn bộ trung đoàn 40 chủ lực ngụy cùng nhiều đơn vị khác, phá hủy và thu hàng nghìn khẩu súng các loại. Về nổi dậy, chỉ từ 25 tháng 4 đến 2 tháng 5, quần chúng đã bắt 500 tên ác ôn, có 190 tên cấp quận, gọi hàng 800 tên, bắt 180 tên tàn quân, tước 500 khẩu súng. Trong thành tích diệt địch và tước súng, một nửa là của quần chúng và một nửa thuộc các lực lượng vũ trang. Toàn bộ hệ thống ngụy quyền xã, thôn đã tan rã và ra trình diện với chính quyền cách mạng. Trong khi đó, tỉnh và huyện đều chú ý chỉ đạo xây dựng vùng giải phóng: thu mua được trên 150 tấn gạo, huy động gần 2.000 lượt người đi dân công, bổ sung cho tỉnh một đại đội bộ binh, huy động được 377 thanh niên đi bộ đội chủ lực, bổ sung cho bộ đội địa phương 338 chiến sĩ. Các xã Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Sơn, Hoài Thanh, Hoài Mỹ, Hoài Đức, Bồng Sơn, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, mỗi xã đều có 2 trung đội du kích xã. Trong 83 thôn của huyện có 80 trung đội và 20 tiểu đội du kích thôn, với 2.800 chiến sĩ. Phát triển được gần 10 nghìn hội viên các hội nông hội, phụ nữ, công đoàn, thanh niên, thiếu niên.

NGÀY 4/5/1972

Sáng sớm, chúng tôi đi Tam Quan. Con đường số một vẫn nườm nượp người và xe cộ. Qua trụ sở Trung đoàn 40. Khu vực này rất rộng. Nằm sát đường có lẽ là khu gia binh. Bom đạn cày tung lên tất cả. Tất cả biến thành tro bụi. Còn nhiều đám cháy nghi ngút. Còn nhiều xác nguỵ nằm ngổn ngang. Người gồng gánh, xe cộ chen nhau mà đi tản cư. Suốt mầy ngày nay, máy bay thi nhau oanh tạc khu vực này.

Tuy giải phóng sau, Tam Quan vẫn có nhịp sống sôi nổi và đĩnh đạc hơn ở Bồng Sơn. Ở Bồng Sơn còn có vẻ gì đó hơi ngơ ngác, sợ sệt. Còn ở đây, người ta hớn hở, cởi mở, vui ra mặt. Điều nổi bật là dọc phố có rất nhiều băng lớn với những dòng chữ:

- Hoan nghênh quân giải phóng đánh mạnh thắng to.

- Nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ chính quyền cách mạng.

- Toàn dân kiên quyết giữ vững vùng giải phóng.

Các nhà đều treo cờ, các tường đều dày đặc khẩu hiệu. Người ta vẫn giữ nhịp sống bình thường: sửa đồng hồ, bán giải khát, chữa xe. Bên cạnh đó, có cái mới: nắn nót viết khẩu hiệu, bản tin, hì hục đào hố cá nhân dọc đường. Một số thanh niên biết lái xe thì hăm hở ra lái xe lam, xe Zép, GMC tới dốc thu chiến lợi phẩm cho bộ đội. Hảo - con trai nhà ảnh Kim Môn - kể rằng tại đó còn rất nhiều đồ dùng quân sự: xe tăng, pháo, máy bay, lương thực, thực phẩm... Một quả bom xăng nổ giữa đường, cách xe cậu ta chừng vài mét, phụt lửa lên. Nếu là bom mảnh chắc đã chết - cậu ta cười, bảo vậy.

Tôi vào một nhà. Nhà có 2 vợ chồng và mấy đứa con. Hai vợ chồng ngoài 40 tuổi, khá cởi mở. Họ nói, một nửa gia đình họ ở miền Bắc. Ông chồng kể: “Bữa ấy, 8 giờ sáng chúng rút, bắn lọan xạ mà chạy. Mọi người đều đóng cửa chặt, nằm trong nhà. Tôi đứng trên bàn ghé mắt qua khe tường, thấy chúng xô nhau chạy. Tiếc quá, nếu bộ đội tới sớm, chắc chúng không chạy thoát. Một số du kích chặn chúng nhưng không nổi. Có chừng một Trung đội chủ lực là diệt gọn bọn này”. Bà vợ cãi: “Chỉ cần một Tiểu đội thôi!”.

Ông già chủ nhà tôi ở đã ngoài 70. Ông nói: “Bữa ấy uổng quá, tôi không kịp lấy khẩu súng ngắn của thằng lính. Nó chết ngoài đường. Tôi bò ra, gần tới nơi thì phải quay vô vì có hai thằng lính dìu một thằng khác tới. Hai thằng lượm mất. Lên tới quận, chúng cũng chết”.

NGÀY 6/5/1972

Tới Đệ Đức, căn cứ của Trung đoàn 40 thuộc sư đoàn 22 quân chủ lực nguỵ. Khu vực này rộng hàng mấy cây số vuông, trọc lốc cây cối, nát nhừ gạch ngói vì bom, đạn. Trên đường đi vào “Trại Bắc Tiến”, không thể nào không bịt mũi và vẫn không thể nào cản được mùi hôi thối khăn khẳn xộc vào mũi - có nhiều xác lính chết rập dưới các đống tôn, gạch. Gặp mấy bộ đội. Họ đòi bằng được chúng tôi chụp ảnh cho để kỷ niệm những ngày vinh quang này. Rồi họ nói:

- Các đồng chí làm gì thì làm cho nhanh rồi về sơm sớm kẻo máy bay sẽ tới ném bom đấy.

Đi trên những con đường trải nhựa rộng thênh thang, lỗ chỗ những vết đạn pháo. Gặp hai chiếc xe tăng còn nguyên vẹn nằm im lìm bên trận địa pháo. Thấy 2 khẩu pháo 105, một khẩu đã xẹp lốp, gục nòng xuống và một khẩu còn nguyên vẹn. Đạn pháo rất nhiều, đạn trần có, đạn để trong hòm có.

“Trại Quang Trung” cũng bị tan nát như thế. Nhiều xe Zíp, GMC cháy đen, đổ ngổn ngang. Nhiều đạn cối 60, 81 nằm lung tung. Ở một căn hầm sập, tôi thấy chất đầy những hòm đạn AR15. Gần một ngôi nhà, xác một tên lính nằm chổng mông lên trời, cháy vàng như chó thui. Thỉnh thoảng còn nghe những loạt súng, những tiếng lựu đạn nổ - bộ đội tảo trừ. Rải rác trong các hầm ngầm còn địch lẩn trốn. Thỉnh thoảng có những tên chui lên đầu hàng.

NGÀY 7 - 9/5/1972

Trên đường phố, đồng bào tiếp tục dựng lên những cổng chào bằng gỗ chắc chắn và kẻ khẩu hiệu bằng sơn. Ở chiếc cổng chào gần quận, người ta treo cả đèn nêông. Lại được sống những ngày na ná như ở Hà Nội. Có nước đá, chè đậu xanh, có điện, có phở, có xe đủ loại... Đến các hiệu may đều thấy đang bận rộn may cờ Giải phóng.

NGÀY 10/5/1972

Xẩm tối, đi xe Lam về Bồng Sơn. Thêm những ngôi nhà sập vì bom. Nhiều xe lam chở đầy ắp hàng hoá hối hả chạy về Tam Quan. Có những xe Honđa cột cồng kềnh những hòm xiểng, gỗ, tôn chạy về phía Mỹ Thành.

NGÀY 11 - 14/5/1972

Đi về tỉnh. Qua các vùng trắng trước đây của Hoài Ân thấy đã có những thay đổi. Có những ngôi nhà tranh sơ sài được dựng lên và những vạt đất mới phát.

Tất nhiên, trong những ngày đầu này, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ở chân đồi Thánh Giá, khu chuồng bò lúc này trở thành khu tạm cư của một số đồng bào bị dồn trong các ấp Long Mỹ, Long Khánh... Số này trên đường về Ân Hoà, Ân Hảo dừng lại để ra đồng mót lúa, kiếm thêm lương ăn cho những ngày sắp tới - những ngày chiến đấu với sự hoang vu mà làm nên cơ đồ.

NGÀY 15 - 25/5/1972

Về tới Ban Tuyên huấn tỉnh. Vùng này hồi sau Tết bị B52 thả bom làm nhà cửa hư một số - nay ta sửa lại ở.

Gặp đầy đủ bạn cùng Khu: Văn Chi, Hà Xuân Phong, Cao Duy Thảo, trừ Bùi Thị Chiến bị ngã gãy chân còn nằm ở Phù Mỹ. Gặp Bích Anh trong niềm đau thương của chị: bom B52 đã giết mất đứa con gái bé bỏng của chị - cháu Thảo, mới 4 tuổi đầu. Hôm ấy, B52 dội bom trúng khu vực Ban Tuyên Huấn ở. Có quả trúng ngay cửa hang. Người hy sinh duy nhất là cháu Thảo. Anh Mai - phó Hiệu trưởng trường Đảng - bị thương vào tay.

Anh Lợi, anh Ba dành cho chúng tôi sự đón tiếp ân cần, niềm nở và thoải mái. Riêng anh Ba dành cho tôi cả một ngày để chuyện trò, phổ biến nghị quyết mới của Khu uỷ, Tỉnh ủy và yêu cầu của công tác tư tưởng thời gian tới. Anh chỉ rõ: Sắp tới, cần phát động quần chúng nổi dậy, tấn công về chính trị. Đặc biệt là phải chịu ác liệt, trụ lại làng cũ, đào hầm hố tránh phi pháo, ổn định đời sống, lo làm ăn. Cán bộ phải trụ bám, dũng cảm, giải quyết công việc có lý, có tình. Du kích xã, thôn cần chú ý tác phong đúng đắn trong quan hệ với nhân dân. Hướng phục vụ là nông thôn và cao trào cách mạng ở thị xã. Trước mắt, cần mở ra giành dân và làm chủ ở nông thôn, đồng thời làm chủ ở thị xã bằng cán bộ cơ sở, chuẩn bị thời cơ. Phát huy mạnh phương thức đấu tranh hợp pháp, chống bắt lính, đòi lật đổ Thiệu, vãn hồi hòa bình. Cần giải quyết tư tưởng trông chờ, ỷ lại cú đấm quân sự của bộ đội chủ lực. Chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Là Bí thư Tỉnh ủy, anh Ba có tầm nhìn xa trông rộng, lại cũng rất gần gũi cán bộ cấp dưới. Giọng nói anh êm, ấm và thái độ anh rất cởi mở. Qua làm việc với anh Ba, tôi nắm tương đối toàn diện tình hình trong tỉnh cũng như ý đồ chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy.

Tới nay, quân và dân Bình Định đã đánh quỵ một nửa quân số địch, giải phóng 25 vạn dân, với diện tích trên 1.000 km2. Lực lượng vũ trang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quần chúng nổi dậy bức hàng, bức rút 107 chốt, bắt gọn 1 trung đội dân vệ, thu vũ khí. Riêng ở Đệ Đức, quân Giải phóng bắn vào 400 quả pháo, diệt nhiều tên địch, vây chặt 3 phía nhưng để một ngõ phía núi cho gia đình binh sĩ vào vận động, dẫn dắt được 800 binh sĩ ngụy ra vùng giải phóng. Phía Nam khó khăn hơn, nhưng cũng đã giải phóng hoàn toàn 6 xã, nối liền đông bắc Bình Khê với đông và tây An Nhơn. Toàn Khu Năm làm tan rã và bắt 5.000 tên địch thì Bình Định chiếm 4.000. Toàn tỉnh tăng được 2.500 du kích; huyện An Nhơn trong suốt 6 năm qua không có du kích, nay mỗi xã đều có 1 trung đội. Thành tích nổi bật của Hoài Nhơn là nổi dậy đồng loạt, chủ động (hình thành thế bao vây 66 chốt địch trong một lúc), chỉ trong 7 ngày giải phóng xong toàn huyện (dự kiến 20 ngày), cơ bản giữ được dân. Hoài Ân xây dựng lực lượng nhanh. Phù Mỹ, từ 20 tháng 4 trở đi khí thế khởi nghĩa lên cao. An Nhơn nổi dậy đúng khâu then chốt, phát triển nhanh lực lượng. Thị xã Quy Nhơn, lực lượng cách mạng phối hợp với chiến trường chung, làm địch rối loạn, bị tê liệt, tên tỉnh trưởng hô hào thành lập Chiến đoàn bảo vệ Quy Nhơn nhưng không có lính. Bình Khê, quân ta bám được trong dân, dân tự giải phóng, bung về, làm chủ quê cũ. Nét nổi bật chung toàn tỉnh là giải phóng phía Bắc nhanh, chọc thủng được tuyến phòng thủ phía Nam, cắt được đường 19 trong nửa tháng. Như vậy, Bình Định đã đánh bại căn bản chương trình bình định và làm thất bại nghiêm trọng kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của địch, làm chuyển biến rõ toàn bộ cục diện chiến trường. Bọn địch đang trong tình trạng lực suy, tư tưởng thất bại chủ nghĩa lan tràn. Nguyên nhân của tình hình trên là: Sự chỉ đạo đúng đắn, chặt chẽ của Khu ủy. Toàn đảng bộ và quân dân trong tỉnh quyết tâm cao, nỗ lực lơn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên. Có sự hỗ trợ đắc lực của cú đấm quân sự - mà vai trò nòng cốt là Nông trường 3 (quân chủ lực). Có tác động của chiến trường chung. Tổ chức chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp, linh hoạt, chuyển biến kịp, bám sát chiến trường, bám sát trọng điểm. Tuy vậy, chiến thắng chưa tương xứng với khả năng.

Tổ chức tiếp thu và phát huy thành quả chậm, có mặt bị động, không đáp ứng kịp yêu cầu sau giải phóng (tiếp thu địa bàn, quản lý tù, hàng binh, truy tróc tàn quân chậm, không chặt. Chậm ổn định đời sống nhân dân vùng thị trấn, quận lỵ mới giải phóng).

Bài học mà anh Ba rút ra là: Tốc độ càng nhanh thắng lợi càng lớn. Biết lợi dụng đúng thời cơ thì nơi yếu, nơi không có bộ đội chủ lực cũng giành được thắng lợi lớn. Tập trung cho trọng điểm, chuyển nhanh điểm ra diện. Tấn công, nổi dậy liên tục - liên tục cho tới khi dứt điểm.

Anh Ba đưa ra lời nhận xét chắc nịch: Địch đang trên đà suy sụp nặng, tiến tới tan rã hoàn toàn, không có khả năng hồi phục. Tuy vậy, chúng có thể lợi dụng sơ hở của ta, đổ quân chớp nhoáng vào vùng giải phóng. Chúng sẽ rút bớt chốt, co cụm lớn, cố giữ lực lượng để khỏi bị tiêu diệt, tăng cường đàn áp phong trào cách mạng ở thành thị, tăng cường phi pháo đánh phá vùng giáp ranh, trục giao thông, vùng giải phóng, thị trấn.

Trong khi tôi ngồi chăm chú ghi, anh Ba đứng dậy, châm một điếu thuốc rồi chuyển qua vấn đề phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới: Đẩy mạnh tốc độ tác chiến, võ trang để liên tục tiến công, liên tục nổi dậy nhằm giải phóng toàn bộ nông thôn, đưa phong trào cách mạng ở thành thị lên thành cao trào. Phải nắm vững hướng tấn công và nổi dậy. Yêu cầu cao nhất lúc này là giải phóng thị xã. Động viên cao nhất nhân tài vật lực cho tiến công và nổi dậy. Anh chỉ rõ 6 công tác phải làm như sau:

1. Quân sự: Tác chiến tập trung, diệt sinh lực địch. Xây dựng lực lượng. Đảm bảo vật chất.

2. Nổi dậy: Không phải nổi dậy từng đợt, mà liên tục, cuốn chiếu, tiến tới dứt điểm. Không chờ cú đấm quân sự. Tiếp tục truy tróc tàn quân ngụy, thuần khiết nội bộ quần chúng. Bức hàng, bức rã các lực lượng kìm kẹp của địch tại chỗ, bung dân về. Phía Nam: bao vây chặt các thị trấn, chi khu, làm chủ từng đoạn đường chiến lược. Quân sự tạo cú đấm làm đòn xeo cho quần chúng nổi dậy. Càng sâu về phía Nam càng phải chú ý khâu binh vận. Đánh tới đâu giữ tới đó. Vấn đề then chốt là phải phát động quần chúng nổi dậy.

3. Thành thị: Chuyển lên cao trào công khai cách mạng. Khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch.

4. Xây dựng vùng giải phóng: Biến mỗi thôn xã thành một pháo đài cách mạng. Truy tróc sạch tàn quân ngụy, trấn áp bọn phản cách mạng. Thuần khiết quần chúng. Nhanh chóng ổn định đời sống. Nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chính trị phải mạnh - quần chúng giác ngộ cao, căm thù địch sâu sắc, có ý thức trách nhiệm, làm chủ. Phát động quân sự hóa toàn dân. Đẩy mạnh du kích chiến tranh, tòng quân nhập ngũ; chú ý tuyến du kích ven biển. Dân công thường trực. Đón và nuôi thương binh. Đẩy mạnh sản xuất - chuẩn bị tốt cho vụ tháng 8, giải quyết tốt vấn đề ruộng đất, thu mua lương thực. Làm tốt công tác văn hóa xã hội - thực hiện nếp sống văn minh, xóa sạch tàn tích của địch.

5. Binh vận: Tấn công ra phía trước làm tan rã hàng mảng lớn lực lượng địch. Cải tạo, sử dụng tốt tù, hàng binh, không để địch bắt trở lại hàng ngũ của chúng.

6. Xây dựng Đảng: Làm cho cán bộ, chiến sĩ chuyển biến mạnh mẽ, có nhận thức phù hợp tình hình - đánh giá đúng địch, ta, thấy rõ thời cơ lớn đang tiếp tục đến. Có quyết tâm giành thắng lợi quyết định - quyết tâm cao nhất, khẩn trương nhất, triệt để nhất. Khắc phục tư tuởng chủ quan, thỏa mãn, dừng lại xả hơi, hòa bình hưởng lạc, mất cảnh giác, ỷ lại, thiếu tự tin, sợ chết.

Phải chuyển nhanh về tổ chức và tổ chức thực hiện, phải đạt 4 yêu cầu: Có niềm tin vững chắc, nhận thức, hành động nhảy vọt. Hết sức khẩn trương. Táo bạo, làm việc quy mô, tập trung. Phải nhanh chóng hình thành và phát triển bộ máy quân, dân, chính, đảng.

Anh Ba dặn tôi khi viết phải thể hiện rõ chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng, chú ý đến vấn đề dân tộc, qua đó thuyết phục về giai cấp chứ không viết trực diện vấn đề giai cấp, thể hiện đúng tinh thần hòa giải dân tộc.

Tinh thần chỉ đạo nói trên của Đảng ta đã được Tỉnh ủy Bình định quán triệt đến từng cơ sở, cán bộ chủ chốt. Hôm nay, tôi được anh Ba phổ biến riêng, thể hiện sự tin cậy và chu đáo của anh đối với tôi, cũng thể hiện sự coi trọng của đồng chí lãnh đạo Đảng đối với công tác thông tấn - báo chí, càng làm cho tôi phải có trách nhiệm hơn đối với nghề nghiệp, đối với sự nghiệp cách mạng.

Anh Ba tiễn tôi về ban Tuyên huấn. Đi đến đỉnh đồi, nơi có những bụi sim, mua mọc lúp súp, không còn rừng cây lớn ngăn cản gió đồng bằng đang thổi về nhè nhẹ, anh Ba đưa tôi xem một chiếc quạt làm bằng một loại gỗ thơm mùi trầm. Anh cười: "Cậu hít thử coi, một mùi thơm thoát tục, mình rất thích". Tôi thầm cảm phục anh, một bộ óc lãnh đạo thật sáng suốt và một tâm hồn thật thanh bạch. Tôi cũng thầm cảm ơn anh đã giúp tôi có nhận thức mới, toàn diện, hết sức bổ ích đối với nghề làm báo.

Tôi sẽ đi khu Đông, chuẩn bị vào Quy Nhơn.

NGÀY 26, 27/5/1972

Lên đường đi khu Đông.

Ghé lại trường “Tổng hợp” của tỉnh. Tại đây có khoảng 50 học sinh của các địa phương gửi học làm công tác tuyên huấn và mấy đội “Tuyên truyền vũ trang” của tỉnh mới đi công tác về. Hầu hết là người của hai huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân. Phía Bắc đã được giải phóng là nguồn cung cấp nhân tài, vật lực lớn cho toàn tỉnh.

Chúng tôi lên đường vào sáng 27. Một số nữ học sinh ở lại học tiếp đứng tiễn mà khóc sướt mướt. Những người ra đi thì hăm hở, tươi roi rói. Họ gồm những đội viên tuyên truyền vũ trang, binh vận, trinh sát võ trang... Cả tỉnh đang dồn sức cho phía Nam, cho vùng Đông, cho Quy Nhơn.

Những năm tháng khó khăn, khu Đông nổi tiếng là ác liệt “Khu Đông đi dễ, khó về”, “Khu Đông gạo trắng, nước trong. Đã đi đến đó, không mong ngày về”. Nơi này dày đặc khu dồn, dầy đặc đồn bốt. Còn bây giờ, mở ra, vùng Đông có bớt sự kìm kẹp của địch, nhưng vẫn còn đầy nguy hiểm.

THƯ ĐỒNG CHÍ

Vũ Đảo. Ngày 27/5/1972.

Thân gửi Văn Chi, Việt Long !

Mình đã nhận được thư của Chi và Việt Long. Thư của Long có gửi kèm cả 2 mẩu chuyện. Hồi này chắc là Chi và Long có nhiều việc đáng làm lắm, giải phóng rồi, nhiều vấn đề mới nảy ra, không suy nghĩ kỹ thì búi lên đó.

Anh em lại vừa làm một chuyến hành quân nữa, đến nay căn bản làm xong chỗ ở. Tuy vậy, công việc tin tức hàng ngày vẫn bảo đảm. Mình, Chu, Lợi vào chỗ chị Văn (Văn phòng Khu uỷ) từ đầu tháng, còn lãnh đạo thì lúc anh Huấn, nay anh Phương. Công việc khá bận nên viết thư không được nhiều cho Chi và Long, thông cảm nhé.

Anh Toàn đã về tới nhà 10/5, bị sốt mất mấy ngày. Hoàng Chu đi đón hai chuyến mới hết hàng.

Anh Hà cũng đã vào 14/5 (ra đi 14/4), xin được khá nhiều hàng, nhưng chưa chuyển về nhà được vì thiếu nhân lực, anh em lại yếu nhiều. Anh Bình ra Bắc chữa bệnh. Anh Hồng, Đồng đi bệnh xá từ gần hai tháng nay rồi, tình trạng sức khoẻ cũng không tiến triển bao nhiêu- Anh Hoài, Phò cũng bị teo chân hoặc tay (bác sĩ khám nói là bị vôi xương và thoái hoá).

Anh Hà về có mang thư của anh Đỗ Phượng, chị Sáu. Vì thời gian gấp rút nên anh Phượng và chị Sáu viết thư chung, thông báo một số tình hình gia đình anh em. Cơ quan có gửi chung một số thuốc bổ, bệnh, một số thuốc hút... nhưng hãy còn ngoài đầu mối, chưa mang về. Dép cao su cơ quan cũng gửi vào một ít (mình xin 9 đôi, bên Hồng Sinh xin 10 đôi nhưng vì trọng lượng trên xe hạn chế nên có 9 đôi cả 2 bộ phận). Riêng mình nhận được thư gia đình và ảnh - cơ quan chụp, anh Hà chụp mang vào.

Cơ quan điện vào cho biết có 6 đồng chí đã lên đường vào: Hồng Phấn, Thanh Tụng, Phước Huề... và 2 cô nữ cho bộ phận Hồng Sinh; có lẽ cũng sắp vào tới nơi.

Chung, Quả, Ca, Quảng thường xuyên viết thư về. Quả có đi Đắc Tô. Quảng bị sốt trận kịch liệt.

Còn công việc thì Long và Chi chú ý nghiên cứu tìm hiểu những nét mới nhất thể hiện: xây dựng vùng giải phóng, sản xuất... sinh hoạt của nhân dân ở nông thôn, thành phố.

Nếu thiếu tiền thì Chi, Long mượn của cơ quan Tuyên huấn sau thanh toán. Bây giờ gửi về không bảo đảm. Khi nào có điện thì về.

Thân thương.

(Còn nữa )