Hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 90 quyết định quy phạm pháp luật.
Tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố… Riêng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 11 luật, 2 Nghị quyết quy phạm; 1 Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 9 Nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội.
Chính phủ đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với những cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng, đầu tư, kinh doanh....
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tại Hội nghị các đại biểu tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống, đồng thời điểm lại một số kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai một số luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua.
Các đại biểu lắng nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực tế cũng như trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, nhất là Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới, trình bày báo cáo, tham luận, phát biểu về các vấn đề: Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội nghị cần trao đổi những vấn đề quan trọng, đề xuất giải pháp khả thi, thiết thực, góp phần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác triển khai, bảo đảm đưa luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các Luật, Nghị quyết, nhất là việc chậm triển khai, nợ đọng, ban hành văn bản quy định chi tiết, rà soát văn bản quy phạm pháp luật...
Hội nghị đã nghe quán triệt các nội dung chính, điểm mới và tình hình công tác chuẩn bị, triển khai thi hành, thực thi các Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV gồm: Nghị quyết số 129/2024/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban chấp hành trung ương về kiếm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và việc chuẩn bị nguồn lực cho công tác triển khai thi hành - Đề xuất, kiến nghị, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực thi bám sát phương châm “5 đẩy mạnh” để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn, khởi thông nguồn lực cho phát triển.
xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.
Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, nếu không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển; thể chế phải đi trước mở đường cho đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng chỉ rõ.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khái quát “5 tạo lập” của thể chế đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đó là: Tạo lập cơ sở pháp lý để kiến tạo, phát triển năng lực các chủ thể, phát huy đúng vai trò của từng chủ thể; tạo lập cơ chế, chính sách huy động và phân bổ mọi nguồn lực; điều tiết hài hòa lợi ích phát triển giữa các chủ thể…; tạo lập “sân chơi” lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, phù hợp, hiệu quả, điều tiết lợi ích hài hòa đối với các chủ thể trong từng lĩnh vực; tạo lập khung khổ pháp lý phù hợp để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; tạo lập cơ chế vận hành, kiểm soát có hiệu quả, khắc phục, phòng ngừa rủi ro, tiêu cực.
Thủ tướng nêu một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật như trong ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật; nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật…
Thủ tướng chỉ rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phân công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ sản phản để triển khai thực thi các luật, nghị quyết được Quốc hội bám sát phương châm “5 đẩy mạnh”. Đó là đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thủ tướng cũng đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng các hình thức phù hợp. Cùng với đó là vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.