Phú Thọ: Đảng bộ xã Vĩnh Hưng xác định bốn khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 28/7, Đảng bộ xã Vĩnh Hưng (tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã công bố Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác nhân sự, chỉ định đồng chí Trương Đức Tuấn giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hưng; đồng chí Nguyễn Thanh Bằng giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã; đồng chí Nguyễn Thành Hưng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, nhiệm kỳ 2025–2030.
img-9361-1753671735.jpeg

Phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ xã Vĩnh Hưng lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030, đồng chí Trần Việt Cường ( ảnh trên) – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ – ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Đảng bộ xã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

img-9364-1753672363.jpeg

Đồng chí Trần Việt Cường (thứ tư từ phải sang) – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ – thay mặt Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Vĩnh Hưng lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030

Đảng bộ xã cần thảo luận sâu sắc, làm rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm từ những tồn tại như: thu ngân sách tuy đạt mục tiêu nhưng còn thấp; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển; nông nghiệp chuyển đổi chậm, chưa có sản phẩm đặc trưng; dịch vụ phát triển chưa tương xứng; thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Công tác quản lý đất đai chưa quyết liệt, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Việc xây dựng Đảng ở một số mặt còn hạn chế, tinh thần tự phê bình chưa cao, chất lượng sinh hoạt chi bộ và năng lực tổ chức của một số tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng yêu cầu.

img-9362-1753671951.jpeg

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Vĩnh Hưng lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030

Cấp ủy khóa mới cần đổi mới tư duy lãnh đạo, phương thức quản lý, vận hành bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn chặt công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng – an ninh, chuyển đổi số và cải cách hành chính. Cần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành các chương trình hành động, kế hoạch khả thi, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực chuyển đổi số và kỹ năng quản trị hành chính hiện đại; chủ động thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển dịch vụ – thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

img-9368-1753674103.jpeg

Đồng chí Trương Đức Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hưng – phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030

Nhiệm kỳ 2025–2030, xã Vĩnh Hưng (Phú Thọ) xác định mục tiêu trọng tâm là xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện đại.

Xã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 14 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường và 2 chỉ tiêu về xây dựng Đảng. Một số mục tiêu nổi bật gồm: thu ngân sách đến năm 2030 đạt 205 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3.497 tỷ đồng, 100% cán bộ xã được bồi dưỡng kỹ năng số và xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình, tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,31%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 98%, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bốn khâu đột phá phát triển kinh tế xã hội được xác định trong nhiệm kỳ 2025- 2030: Cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác cán bộ; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nông thôn; quy hoạch, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng trọng điểm.

img-9310-1753667953.jpeg

Đồng chí Nguyễn Thanh Bằng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Hưng – phát biểu tại Đại hội.

Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế theo xã hội hướng tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao; quan tâm xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chăm lo an sinh xã hội. Cùng với đó, chú trọng xây dựng chính quyền số, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và định danh điện tử, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát, phản biện xã hội.

Dự kiến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người tại xã Vĩnh Hưng đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xã đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng mức thu nhập bình quân lên khoảng hơn 100 triệu đồng/người/năm, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân và thúc đẩy phát triển.

Trong nhiệm kỳ 2020–2025, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch hợp lý, chú trọng nông nghiệp, từng bước đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; giáo dục, y tế, chăm sóc người có công được quan tâm. Quốc phòng – an ninh giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, dân vận, cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên về phẩm chất, năng lực.

Tuy nhiên, kinh tế vẫn còn khó khăn; việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp chưa rõ nét; giá trị sản phẩm còn thấp. Vi phạm đất đai, ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được xử lý dứt điểm. Công tác phát triển đảng viên gặp nhiều vướng mắc; một số chi bộ sinh hoạt chưa nền nếp; hoạt động văn hóa – thể thao chưa đồng đều.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân: tình hình kinh tế – xã hội còn khó khăn, nguồn lực địa phương hạn chế, một số cán bộ chưa mạnh dạn trong tham mưu, tổ chức thực hiện. Công tác dự báo, phối hợp, giám sát trong hệ thống chính trị có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả tuyên truyền và vận động chưa cao.

Xã Vĩnh Hưng, tỉnh Phú Thọ được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã cũ: Ngĩa Hưng, Yên Lập, Đại Đồng.