Phú Thọ: Vĩnh Hưng phát triển nông nghiệp bền vững, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới hiện đại giai đoạn 2025–2030

Nhiệm kỳ 2025–2030, xã Vĩnh Hưng (tỉnh Phú Thọ) xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học – công nghệ và chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới hiện đại. Bên cạnh đó, xã tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện đời sống người dân và giữ vững quốc phòng – an ninh.
img-9169-1753443235.jpeg

Nông dân xã Vĩnh Hưng chăm sóc rau giống – mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người dân địa phương

Bước vào nhiệm kỳ mới, xã Vĩnh Hưng đứng trước yêu cầu phát triển trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện, đặc biệt là tư duy phát triển, hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả. Đây là nền tảng quan trọng để các địa phương thuần nông như Vĩnh Hưng tận dụng thời cơ, từng bước phát triển theo hướng toàn diện, bền vững.

Là xã mới hình thành sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính, Vĩnh Hưng có nhiều điều kiện thuận lợi: đất đai màu mỡ, giao thông kết nối, văn hóa làng xã đậm đà bản sắc, người dân cần cù, chịu khó. Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó có thế mạnh về giống cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn phân tán, quy mô nhỏ, năng suất chưa cao; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng; quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Đại hội Đảng bộ xã Vĩnh Hưng nhiệm kỳ 2025–2030 xác định rõ phương hướng: phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý và từng bước hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Trọng tâm là nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường hiệu lực quản lý của bộ máy chính quyền.

Xã đã đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có những chỉ tiêu đáng chú ý: thu ngân sách tăng bình quân 10%/năm, đến năm 2030 đạt 205 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,31%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; 100% cán bộ xã được bồi dưỡng kỹ năng số; xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, xã chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và hiệu quả sử dụng đất. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được khuyến khích mở rộng. Xã tập trung hỗ trợ phát triển hợp tác xã, xây dựng vùng sản xuất tập trung, hình thành chuỗi liên kết giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Về hạ tầng, xã ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh như giao thông, thủy lợi nội đồng, chợ dân sinh, trường học và cơ sở y tế. Đặc biệt, công tác quy hoạch sử dụng đất, thu hút đầu tư vào nông thôn và bảo vệ môi trường được siết chặt theo hướng dài hạn, đảm bảo phát triển bền vững.

Trên lĩnh vực quản lý nhà nước, xã tiếp tục cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng công vụ. Mục tiêu đến năm 2030, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của xã được giải quyết trực tuyến toàn trình; đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm toàn diện. Xã triển khai đồng bộ các chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Các phong trào văn hóa, thể thao quần chúng được duy trì và phát huy; bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn, góp phần tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, xã đặc biệt chú trọng củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao năng lực nắm tình hình và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tại cơ sở. Lực lượng công an xã được kiện toàn, chính quy, làm tốt vai trò giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển kinh tế – xã hội.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, xã Vĩnh Hưng đang từng bước chuyển mình, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới hiện đại, có nền nông nghiệp phát triển bền vững, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của tỉnh Phú Thọ.