Tọa đàm là một trong những hoạt động trong Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông “Vì hạnh phúc của gia đình Việt” do Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp các chuyên gia ATGT Viện Khoa học Cảnh Sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân thực hiện nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, Nhà nước về an toàn giao thông và tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong cộng đồng và trong mỗi gia đình Việt Nam.
Đến với chương trình tọa đàm có sự hiện diện của: PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; Thượng tá - PGS.TS. Lê Huy Trí - Phó viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện Cảnh sát Nhân dân; PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển, nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam , Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội; TS. Phạm Việt Long - Tổng biên tập Tạp chí điện tử văn hóa và phát triển - Nguyên chánh văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin; NSND Thanh Hoa; Hoa hậu ảnh Nguyễn Thị Ngọc Nữ - Top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Tổng giám đốc công ty Behomes. Cùng đông đảo các chuyên gia các nhà khoa học và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, văn hóa giao thông là một phần của xã hội, và văn hóa giao thông được hiểu là những thói quen khi tham gia giao thông - phản ảnh văn hóa, phản ánh xã hội Việt Nam. Xã hội nào thì giao thông đó - Giao thông nào thì xã hội đó. Nhìn giao thông Việt Nam có thể hiểu được phần nào tính cách con người, xã hội và văn hóa Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng đã chỉ ra những thức trạng nhức nhối của văn hóa giao thông và tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận 3.314 người chết vì tai nạn giao thông, mỗi ngày có khoảng 19 người chết. Giao thông ở Việt Nam là mối quan ngại lớn nhất của khách du lịch quốc tế. Giao thông cũng phần nào tác động đến hình ảnh tươi đẹp, thân thiện và hiếu khách của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cũng đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên. Đó là nguyên nhân khách quan do hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ khiến các loại phương tiện phải đi chung một làn đường gây ra tình trạng tắc ngẹn giao thông thường xuyên ở các đô thị lớn. Về mặt chủ quan do nhận thức của người tham gia giao thông phần đông chưa cao dẫn tới những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, vi phạm luật giao thông trở nên phổ biến.
Nhân dịp này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển cùng một số cơ quan đã tổ chức Tọa đàm “Những ứng xử cần tuyên truyền xây dựng văn hoá giao thông” trong chuỗi các hoạt động thuộc Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông “Vì hạnh phúc của gia đình Việt”. Ông cho rằng những hoạt động thiết thực như vậy sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông, văn minh giao thông. Ở đó luật giao thông là nguyên tắc đi đường tối thiểu, bất kể người nào cũng phải tuân thủ. Văn minh giao thông là ứng xử giao thông tối đa. Ở đó bên cạnh luật pháp, những giá trị đạo đức, tôn trọng, trách nhiệm, chia sẻ...phải là những nguyên tắc căn bản trong giao thông của người Việt.
Tại buổi Toạ đàm các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập phân tích và đưa ra những nhận định thông qua những tình huống quen thuộc khi tham gia giao thông mà chúng ta bắt gặp trong cuộc sống như: Xả rác bừa bãi khi tham gia giao thông; không tuân thủ luật giao thông, không tôn trọng những người xung quanh và sử dụng phương tiện giao thông để vi phạm pháp luật...
Đề tài An toàn giao thông không còn xa lạ với người dân, và cũng được nhiều cơ quan chức năng, ban ngành tổ chức thực hiện tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, với đề tài “Văn hóa giao thông” sau gần 2 năm triển khai của Đề án được thực nghiệm ở các địa phương, không ít người dân còn thắc mắc, và đôi lúc thấy xa lạ khó hiểu. Không đơn thuần là tham gia giao thông đúng luật, đôi khi còn lách luật, chống chế thì câu chuyện sẽ phức tạp hơn ở yếu tố tự giác.
Về nội dung này, PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển lý giải: Bên cạnh những người có ý thức tham gia giao thông thì vẫn còn rất nhiều hành vi chống đối, qua mặt lực lượng chức năng hoặc thậm chí lách luật của người tham gia giao thông, gây mất ATGT và phản cảm cho cộng đồng. Đây là hệ quả của ý thức trong bộ phận những người tham gia giao thông. Luật pháp đã có nhưng lực lượng mỏng và dàn trải trên diện rộng nên đâu đó trong quá trình xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Trong quá trình xử lý vi phạm ATGT chưa tranh thủ được sự đồng thuận và vào cuộc của người dân.
Cũng với đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển đề xuất đi đôi với công tác tăng cường truyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay. Đây vừa là trình độ dân trí, biểu hiện cụ thể của sự văn minh, thanh lịch trong ứng xử đời thường, cũng như thể hiện thái độ sống, lòng tự trọng mà mỗi cá nhân trong xã hội phải phấn đấu rèn luyện. Ông cũng cho rằng, những thay đổi trong văn hóa giao thông trong đời sống hiện nay là cả một quá trình và cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành. Văn hóa giao thông cần được đẩy mạnh không chỉ trong giáo dục nhà trường mà còn phải được đưa vào các "thiết chế", nội quy của các cơ quan, đơn vị, gia đình đến cộng đồng.
Phát biểu tại Tọa đàm, NSND Thanh Hoa đánh giá rất cao ý nghĩa của Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông vì hạnh phúc gia đình Việt đang hướng tới việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức cũng như kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng hành vi tích cực khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, trong đó đặc biệt phối hợp với những chuyên gia, người nổi tiếng tiên phong, làm mẫu để tạo hiệu ứng tới cộng đồng.
Là một trong những nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm và hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, NSND Thanh Hoa cho rằng, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là một trong những vấn đề bà rất quan tâm và trăn trở. Không chỉ bởi đó là hoạt động mang tính bộ mặt văn hóa trong đời sống của nhân dân, mà nó còn là hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Bà tin rằng không riêng gì các văn nghệ sĩ và phần lớn những người có trách nhiệm với văn hóa nước nhà sẽ luôn trăn trở về việc tìm ra các giải pháp để hành động cải thiện văn hóa giao thông trong đời sống như một biểu hiện cụ thể của văn minh đô thị.
Thực tế cho thấy, bên cạnh rất nhiều hành động đẹp về giúp đỡ người gặp nạn khi tham gia giao thông, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp vì lo ngại những phiền phức, thậm chí là hệ lụy khi giúp đỡ người gặp nạn. Cũng chính vì có thể gặp phải những hệ lụy và tâm lý lo lắng “làm ơn mắc oán” mà dần dần xuất hiện tâm lý thờ ơ khi gặp tai nạn hoặc gặp sự cố khi tham gia giao thông.
Tại buổi Tọa đàm, BTC cũng đã đưa ra nhiều tình huống vi phạm pháp luật diễn ra hoặc trên phương tiện giao thông công cộng, hoặc tại các phương tiện cá nhân. PGS.TS. Lê Huy Trí - Phó viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã chia sẻ thêm những tình huống có thể xảy ra, người dân có thể bắt gặp hoặc bản thân vô tình phạm phải mà không biết. Ông cho rằng, người tham gia không chỉ tuân thủ luật giao thông, mà còn phải biết chia sẻ với người tham gia giao thông gặp nạn, hay gặp sự cố khi tham gia giao thông.
"Trong nhiều trường hợp, người tham gia giao thông nếu không kịp thời chia sẻ giúp đỡ người bị tai nạn giao thông, người đang trong tình huống nguy cấp cần được sự giúp đỡ thì cũng vi phạm pháp luật. Việc kịp thời hỗ trợ giúp đỡ người cùng tham gia bị tai nạn hoặc bị hư hỏng phương tiện là một biểu hiện của văn hóa. Tuy nhiên, người giúp đỡ người khác khi tham gia giao thông cũng cần phải có nhận thức đầy đủ về pháp luật trong việc làm của mình. Không thể vì muốn giúp đỡ hết xăng, phương tiện hư hại bằng việc nhiệt tình vừa điều khiển giao thông vừa đẩy xe giúp đỡ người khác...", PGS.TS. Lê Huy Trí chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Công Tuấn - Phó hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, vấn đề sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy nên bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ. Thậm chí, có kẻ lợi dụng cơ hội để hôi của, ăn cắp, lấy tài sản của người gặp nạn. Hành động đó không chỉ dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức trong xã hội mà còn được xem là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Theo PGS.TS Đinh Công Tuấn cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền về cách giúp đỡ người gặp nạn khi tham gia giao thông để vừa thể hiện văn hóa giao thông vừa kịp thời giúp đỡ người gặp nạn, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho người được đỡ. Ví dụ như khi gặp người bị tai nạn hay gặp sự cố giao thông thì khẩn trương tìm người xung quanh hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ hiện trường; quay lại clip khi giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, hô hào những người xung quanh cùng tham gia giúp đỡ; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Với một góc nhìn đại diện cho giới trẻ về văn hóa giao thông tại buổi Tọa đàm, Hoa hậu ảnh Nguyễn Thị Ngọc Nữ - Top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Tổng giám đốc công ty Behomes chia sẻ sự cần thiết phải tuân thủ Luật giao thông và việc không ngừng phải nâng cao nhận thức, ứng xử có văn hóa và trách nhiệm xã hội khi tham gia giao thông.
Cô cho rằng, ứng xử văn hóa trong giao thông sẽ góp phần tạo thêm hình ảnh đẹp cho đường phố, xây dựng đô thị văn minh, trật tự, an toàn cùng nền nếp và lối sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng luôn cần được chú trọng và làm thường xuyên, liên tục. Mỗi người hãy tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông từ ngay trong những hành động nhỏ, để chúng ta có một xã hội giao thông an toàn.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu dự Tọa đàm đã dành thời gian thảo luận các luận điểm: Văn hóa giao thông là ý thức tự giác tuân thủ luật giao thông; Văn hóa giao thông là không xả rác hay gây cản trở giao thông; Văn hóa giao thông là tôn trọng mọi người xung quanh; Văn hóa giao thông là chủ động giúp đỡ người khác khi cần thiết; Văn hóa giao thông nói không với nồng độ cồn; Và hóa giao thông là mỉm cười và chủ động xin lỗi; Văn hoa giao thông là xe lớn nhường xe nhỏ, phương tiện nhường người đi bộ.
Các đại biểu cũng đã thống nhất cho rằng, “Văn hoá giao thông” là những hành động “có văn hoá”, những hành động đẹp khi tham gia giao thông. Văn hoá giao thông có quan hệ khăng khít với pháp luật về giao thông, trước hết là hành động tuân thủ pháp luật giao thông, song nó là những hành vi ứng xử có văn hoá hơn những điều được quy định trong luật. Tuân thủ Luật khi tham gia giao thông là một trong những động thái góp phần xây dựng văn hóa. Xây dựng văn hóa giao thông là xây dựng thói quen tham gia giao thông một cách có văn hóa. Muốn hình thành thói quen này, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục. Bên cạnh việc xây phải đi đôi với chống và bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, đồng thời phải có những biện pháp mạnh tay xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.