Cô đơn trên đất Mỹ, có nhiều bạn ở Việt Nam
Tôi quen ông tình cờ lúc ra ngồi hóng mát trên ghế đá công viên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội dăm năm trước. Cảm giác đầu tiên đó là một người kiệm lời, không quảng giao, khá khó gần, nhưng ẩn sau nụ cười hiền hậu là một “vỉa quặng” những câu chuyện thú vị.
John Wagner năm nay ngót 80 tuổi, vốn là một lính thủy trên tàu trong chiến tranh Việt Nam nhưng ông bảo, chỉ biết đến cây súng lúc tập luyện còn chưa bắn một phát nào ngoài đời thực. Khi cuộc chiến qua đi, trở về nước Mỹ, ông làm công việc bình thường rồi về hưu với mức lương rất khiêm tốn, chỉ khoảng trên dưới 1.000 USD/tháng, tức hơn 23 triệu đồng. Không lập gia đình, bạn bè ông chỉ có vài người nhưng chẳng mấy ai thân, còn em gái thì cả năm có khi cũng chẳng đến gặp anh nên giống như người xa lạ. Cô đơn, ông chỉ bầu bạn với chú chó có tên là Spud và vui với thú đi du lịch khắp đó đây.
Mức lương hưu đủ để ông sống ở mức tùng tiệm, nhưng cũng có khi chẳng đủ để chữa bệnh cho chó khi tiền bác sĩ thú y ở Mỹ nhiều lúc còn đắt hơn cả bác sĩ nhân y, cỡ vài ngàn USD cho một ca phẫu thuật, hay tiền gửi chó khi đi du lịch xa còn đắt hơn cả tiền trọ của người, tới 800 USD/tháng. Cuối cùng thì chú chó yêu quý ấy cũng bỏ lại người bạn già một mình trên cõi đời. Ông đã yêu cầu ngân hàng in hình mình chụp chung với nó lên cái thẻ, nhét vào trong ví để luôn nhắc nhớ về một tình bạn đẹp.
Trong lộ trình du lịch nhiều quốc gia, một dịp tình cờ ông đến Việt Nam. Cũng tưởng như bao chuyến đi khác trên thế giới rộng lớn này nhưng không ngờ lại gắn bó từ đó với mảnh đất hình chữ S suốt bao năm, trở đi trở lại biết bao lần. Lúc đầu ông ở Hà Nội là chính vì yêu quý con người, phong cảnh và ẩm thực ở đây nhưng vẫn còn đôi chút nghi ngại chuyện khói bụi, chuyện giao thông lộn xộn. Sau đó thì ông “phải lòng” với Đà Lạt và đánh giá mọi thứ ở thành phố này gần như là hoàn hảo.
Ngoài những lúc dạy tiếng Anh miễn phí ra thì ông đi du lịch khắp đó đây với đôi chân một bên đau nhức vì bệnh xương khớp tuổi già. Khi thì ông đến nhà người bạn ở Lục Ngạn, Bắc Giang hái vải, lúc thì đi theo với một đoàn các bạn đến Mộc Châu, Sơn La để trải nghiệm mùa hoa cải, và phần nhiều thì tự tản bộ lãng đãng ở các khu phố cổ Hà Nội.
Một dịp, tôi mời ông đi Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hòa Lạc, Hà Nội, đôi lúc vì trình độ tiếng Anh lõm bõm mà phải kết hợp cả tay để ra hiệu cho ông hiểu về các tập quán lạ, các món ăn ngon. Chờ đợi, háo hức thử món đặc sản thắng cố dê của đồng bào Mông ở đây bao nhiêu nhưng đến khi ăn ông lại thử một, hai miếng rồi buông đũa bởi nó dai như kẹo… cao su. Đặc sản với người Việt có khi là một điều kỳ lạ trong mắt của người Tây là vậy.
Tình bạn không biên giới, không lứa tuổi giữa tôi và ông cứ thế diễn ra. Có lúc ông tâm sự rằng tôi còn hiểu về ông nhiều hơn cả chính cô em gái của mình nữa. Cho đến một hôm ông mời tôi ra quán gà chiên rồi buồn bã bảo: “Tôi sắp phải về Mỹ rồi, chắc là không trở lại Việt Nam nữa nên mời Tường một bữa để chia tay”.
Tôi hỏi tại sao thì ông kể: “Tôi rất thích ở Việt Nam, không muốn rời đi đâu nhưng đợt về Mỹ vừa qua, đi khám bác sĩ bảo mắt có vấn đề. Có thể nó sẽ kém đi nhanh trong thời gian tới, mà ở Việt Nam thì điều kiện chữa trị lại không thể bằng Mỹ được nên tôi phải trở về, dù rất tiếc…”.
Chia tay tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài lời chúc sức khỏe và tặng ông chiếc mũ để giữ ấm cái đầu đã hói tới tận đỉnh, chống lại những luồng gió lạnh nơi quê nhà Portland, Oregon. Thế mà mấy tháng sau, ông lại nhắn rằng mình đã trở lại Việt Nam rồi, giọng không giấu nổi niềm vui: “Xác định lần về Mỹ này là ở hẳn nên tôi sắm khá nhiều đồ đạc, mua cả cái tivi để xem tin tức nữa. Nhưng cuộc sống ở Mỹ buồn lắm, chẳng thể thích đi đâu thì đi, mời ai đến nhà thì mời như Việt Nam mà nhắn trước cả tuần có khi cũng khó có thể cà phê, gặp gỡ nên được một thời gian thì tôi trả lại phòng, nhường cái tivi mới mua cho bạn rồi đặt vé trở lại đây. Cũng may là đôi mắt tôi không có vấn đề gì nghiêm trọng lắm, vẫn còn nhìn khá tốt”.
Lan tỏa tình yêu Việt Nam đến với thế giới
Thế rồi đại dịch Covid-19 đã thay đổi cả thế giới và cuộc sống của chính ông. Trong cơn hoảng loạn vì số ca mắc mỗi lúc một nhiều, số người chết mỗi lúc một tăng, cách ứng xử của mọi người cũng khác. Ông cảm thấy mỗi bước mình đi, mỗi nơi mình đến không còn những nụ cười, ánh mắt trìu mến như xưa nữa mà đã như ở một hành tinh khác. Lại trở về Mỹ, số bạn bè chừng bằng số ngón tay trên một bàn tay, ông hẹn cà phê chẳng ai thèm đến mà nại ra đủ thứ lý do. Ông gửi thư điện tử hỏi sự trợ giúp của em gái thì cô lạnh lùng bảo: “Anh cần tiền à? Em có thể giúp chút ít”. Ông trả lời rằng không, thứ mình cần không phải là tiền.
Khác với hoàn cảnh nghèo của người anh, em gái ông thuộc vào dạng trung lưu, lương tháng thừa dùng, xe cộ thừa đi, mới mua cái nhà cỡ hơn nửa triệu USD nhưng không hề nhắn cho ông địa chỉ và dù cách có đôi tiếng chạy xe cũng chẳng buồn đến thăm, trước Covid-19 cũng vậy. Kể cả khi ông đã tiêm được 5 lần thì khoảng cách giữa ông với bạn bè, với người thân cũng không thể xích lại. Đã thế, mọi thứ giá cả cũng thay đổi đến chóng mặt, nhất là giá thuê nhà, giá nhiên liệu, giá thức ăn. Trước đại dịch ông có thể thuê căn hộ 2 phòng nhưng sau chỉ 1 phòng nhỏ đã ngốn 800 USD/tháng rồi, ông không dám đi ăn ngoài hàng nữa mà toàn phải tự nấu, với những khẩu phần lớn lại chỉ có một mình nên phải ăn cố, béo lại càng thêm béo. Cuộc sống với người nghèo ở Mỹ đã chật vật rồi chứ chưa nói đến những người vô gia cư…
“Trước đây khi nghe tôi bảo đi du lịch ở Việt Nam bạn bè ngạc nhiên lắm vì ở châu Á họ chỉ nghĩ đến những bãi biển đẹp tại Thái Lan, Indonesia hay đến các phong cảnh tại Nhật thôi. Nhiều người Mỹ chỉ nhớ đến Việt Nam thời chiến tranh chứ không biết đến Việt Nam thời hiện đại thế nào, phong cảnh tuyệt đẹp và con người thân thiện ra sao. Bởi thế mà sau này đi đến chỗ nào tôi đều cập nhật trên facebook cho bạn bè biết. Vừa rồi người anh họ của tôi sau nửa thế kỷ không liên lạc bỗng một ngày gọi cho tôi. Anh ấy trước đây là phi công từng ném bom trong chiến tranh Việt Nam, khi nghe tôi kể về phong cảnh, về con người, về cuộc sống ở Việt Nam hiện nay cứ nhất định nói sắp tới sẽ quay trở lại, để nói một lời xin lỗi với người dân và để xem đất nước này đã đổi thay thế nào”.
Tôi lướt trên trang facebook cá nhân của ông, thấy còn chia sẻ rất nhiều clip, ảnh, bài báo giới thiệu về những phong cảnh đẹp, món ăn ngon, công trình văn hóa, lịch sử độc đáo của Việt Nam như cây cầu kính ở Mộc Châu, Sơn La mới khánh thành, cà phê phố đường tàu ở Hà Nội, du lịch ở Sa Pa đón khách trở lại...
Tôi hỏi ông giờ nhiều người Việt vẫn mơ về giấc mơ Mỹ, ông cười bảo, dù không giàu có nhưng người Việt đang sướng mà có khi lại không biết. Với những ai còn trẻ và muốn học tập hay làm việc thì cứ ra nước ngoài, đó có thể là Úc, là châu Âu, là các nước phát triển chứ không nhất thiết là Mỹ. Còn ở Mỹ, kiếm tiền thực sự là một cuộc chiến mà một phải đấu với hàng trăm, hàng ngàn, phần lớn là những người thông minh cả. Nếu để sống thì Việt Nam quả thực là một thiên đường trên trái đất này nên ông cảm thấy kỳ lạ khi nhiều người Việt lại muốn bỏ nơi có bát phở giá 2 USD sang nơi có bát phở giá 14 USD mà không thể ngon bằng như vậy.
Và trong thời Covid-19 tình hình an ninh ở Mỹ mỗi lúc một tồi tệ hơn, khi chỉ cách đây 2 năm các vụ xả súng xảy ra theo mật độ của tháng thì giờ hầu như diễn ra hàng ngày, như mới đây nhất 1 thanh niên da trắng 18 tuổi đã bắn chết 10 người tại một khu da đen ở bang New York. “Văn hóa” súng ống khiến cho nhiều người thay vì đến cửa hàng để mua, phải trình ra giấy phép thì lại tìm đến những show để mua hay thậm chí mua ngay trên mạng, từ súng lục đến súng trường tấn công đều có đủ cả. Súng khi rơi vào tay những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hay rơi vào tay trẻ con lúc người lớn vắng nhà thì cực kỳ nguy hiểm. Với hàng triệu khẩu súng, nước Mỹ đã trở thành vùng đất của những người sở hữu súng ích kỷ và các chính trị gia không biết tự xấu hổ vì để xảy ra xả súng thường xuyên.