Lần đầu tiên tôi được gặp gỡ ông Trần Thế Nhân rất tình cờ là vào ngày 20/11/2024, tôi không nghĩ rằng ông Nhân đã 85 tuổi vì ông còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Ông tự đạp xe từ xã Trung Kiên sang xã Liên Châu (Yên Lạc) thăm thầy giáo của tôi và cũng là thầy giáo chủ nhiệm lớp người con trai cả của ông. Phút chốc gặp gỡ tôi đã rất ấn tượng với người cựu chiến binh ấy, tôi có hẹn một ngày gần được đến thăm nhà và trò chuyện thêm với ông.
Ở xã Trung Kiên hầu như ai cũng biết tiếng ông Trần Thế Nhân, bởi thế mà chúng tôi không khó khăn để tìm đến nhà ông. Ông Nhân đứng đón cô trò chúng tôi từ đầu xóm, vẫn với dáng vẻ nhanh nhẹn, đôi mắt sáng của người cựu chiến binh hôm nào tôi gặp, ông hồ hởi nắm tay từng cô trò chúng tôi rồi dẫn vào nhà. Cuộc gặp gỡ với một nhân chứng sống của lịch sử ngày hôm ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc với cô trò tôi.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Lưỡng 2, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tháng 2/1960, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Trần Thế Nhân lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Ông tham gia huấn luyện tại Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 316, đóng tại Him Lam, Điện Biên, sau đó được điều động sang mặt trận Lào. Trong 3 năm chiến đấu cùng quân dân nước bạn Lào, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi trở về nước, ông được tuyển chọn tham gia khóa huấn luyện đặc công đặc biệt ở Thị trấn Phùng (Hà Tây cũ) rồi điều động vào đơn vị A10, Tỉnh tỉnh đội Khánh Hòa, hoạt động bí mật tại cảng Cam Ranh - Khánh Hòa.
Ông mở tủ lấy ra cho chúng tôi xem một tập hồ sơ các bản sao và ảnh chụp các kỷ vật mà ông nhân đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Nhìn danh sách các kỷ vật, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi có đến sáu danh hiệu dũng sĩ, trong đó có một danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cấp ba trao tặng năm 1966 và 3 danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới (xe tăng) của Mỹ được nhận vào năm 1974 và 1975. Ngoài ra còn có bốn huy hiệu dũng sĩ được Bác Hồ gửi tặng kèm theo giấy chứng nhận mang tên Trần Thế Nhân và một số hiện vật khác.
Học trò đi cùng với tôi trầm trồ, tỏ vẻ thắc mắc về những lần ông được tặng danh hiệu dũng sĩ. Ông kể lại với cô trò chúng tôi về trận đánh ác liệt trên quốc lộ 21, đây là cửa ngõ từ Cam Ranh - Khánh Hòa lên Tây Nguyên nên giặc Mỹ xả súng điên cuồng từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa 30/10/1966. Gần 11 giờ trưa, chiến trường bỗng trở nên im ắng do cả ta và địch cùng hết đạn. Tình thế lúc đó căng thẳng lắm nhưng với quyết tâm giành được trận địa, các chiến sĩ trinh sát phối hợp với đơn vị 548 của Tỉnh đội Khánh Hòa đã nhất tề xông thẳng về phía địch, đánh cho giặc Mỹ phải tháo chạy. Tôi quay lại tháo chiếc dây lưng và chiếc bi đông của tên chỉ huy làm kỷ vật. Sau trận đánh này, ông được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ lần đầu tiên.
Khi hỏi ông về Danh hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới (xe tăng) của Mỹ, ông kể như vừa trở về từ trận đánh năm xưa. Đường 21 lên cửa ngõ Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cứ điểm trọng yếu của bộ đội chủ lực Khánh Hòa lúc đó. Quân chủ lực Tỉnh đội Khánh Hòa thì hoạt động chủ yếu tại các cơ sở bí mật ngay trên vùng vịnh Cam Ranh, vũ khí quân ta còn thiếu trong khi địch hoạt động công khai được trang bị vũ khí hiện đại, có cả xe tăng. Bằng kinh nghiệm khi còn ở đơn vị đặc công, ông đã đưa ra phương án giúp đơn vị diệt được rất nhiều xe tăng của địch.
Với nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận, ngày 5/5/1968, ông Trần Thế Nhân được Đảng bộ quân sự tỉnh Khánh Hòa kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Xuất ngũ về địa phương vào ngày 30/4/1976, sau vừa tròn một năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, cùng với 6 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, ông Nhân còn được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và được công nhận là thương binh loại A, thương tật hạng 1/8 vĩnh viễn.
Phát huy bản chất của người lính cụ Hồ, trở về địa phương, ông Nhân tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội, có 8 năm làm bí Bí thư chi bộ thôn, là hội viên Hội Cựu chiến binh, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Năm 2019, ông được UBND tỉnh khen tặng danh hiệu “Cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc”. Năm 2023, ông được tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đúng dịp kỉ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tâm sự cùng chúng tôi về những kỷ vật hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông Nhân nói trong niềm vui và niềm tự hào: Hưởng ứng cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến của Tổng cục chính trị và Bảo tàng, gia đình tôi đã hiến tặng tất cả những kỷ vật còn lưu giữ được cho bảo tàng với mong muốn góp phần giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, các thế hệ trẻ về cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, về truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt cùng nhân chứng lịch sử nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp thế hệ trẻ chúng tôi ôn lại truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc. Chia tay người cựu chiến binh - dũng sĩ Trần Thế Nhân ra về, chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông: “Các cháu đang được học hành trong điều kiện sung sướng nhất, ngày trước bác có mơ cũng không dám mơ tới. Thế nên hãy gắng học cho tốt, làm được nhiều việc tốt, có ích cho đời thì đi đâu cũng được người ta quý trọng”.