Nhiều ca đột quỵ nặng đã được cứu sống ngoạn mục, phục hồi vận động và ngôn ngữ chỉ sau thời gian ngắn nhờ phác đồ điều trị hiện đại này. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân N.V.Đ (64 tuổi, ngụ tỉnh Long An (cũ)), được Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cấp cứu kịp thời bằng phương pháp điều trị phối hợp thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối.
Theo lời kể của người nhà, ông Đ. đang sinh hoạt bình thường thì đột ngột cảm thấy mệt, sau đó lơ mơ, không nói được, liệt nửa người bên trái. Nhận thấy dấu hiệu bất thường nghi ngờ đột quỵ, gia đình đã lập tức đưa ông đến Đơn vị Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An để cấp cứu.
BS.CKII Nguyễn Hồ Khánh Duy – Trưởng khoa Nội Thần kinh cho biết, bệnh nhân được đưa đến viện trong giờ đầu tiên kể từ khi khởi phát đột quỵ nhồi máu não cấp. Bệnh viện đã ngay lập tức kích hoạt quy trình “báo động đỏ” nội viện chuyên biệt cho cấp cứu đột quỵ. Toàn bộ hệ thống từ lối đi ưu tiên, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, máy móc hỗ trợ đến nhân lực đều được huy động, nhằm đảm bảo đánh giá và điều trị bệnh nhân trong thời gian ngắn nhất có thể.

Kết quả chụp CT 160 lát và CT mạch máu não (CTA) cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn nhánh M2 và một phần đoạn M1 của động mạch não giữa bên phải – nguyên nhân gây yếu liệt nửa người trái. Đây là ca đột quỵ nặng, nguy cơ cao dẫn đến hôn mê hoặc tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, chỉ định truyền thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch nhằm làm tan cục máu đông và hạn chế tổn thương não. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến phòng can thiệp mạch, thực hiện lấy huyết khối cơ học để tái thông dòng máu tại các nhánh động mạch bị tắc.
Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) hiện đại và đội ngũ can thiệp nhiều kinh nghiệm, các bác sĩ đã lấy được toàn bộ huyết khối, tái thông hoàn toàn động mạch não giữa bên phải đoạn M2, giúp khôi phục lưu lượng máu và oxy lên não. Sau can thiệp, bệnh nhân được tiếp tục chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức, phối hợp điều trị bởi các bác sĩ khoa Nội Thần kinh và Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng. Sau vài ngày điều trị, ông Đ. dần tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định, ăn uống khá và vận động được cải thiện rõ rệt. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng ổn định và tiếp tục theo dõi, điều trị ngoại trú theo chỉ định.

Theo các chuyên gia, thời gian là yếu tố quyết định trong điều trị đột quỵ do tắc mạch máu não. Nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng”, khả năng hồi phục sẽ rất cao. Cụ thể, thuốc tiêu sợi huyết phát huy hiệu quả tối ưu trong vòng 3–4,5 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng, còn can thiệp nội mạch nên được thực hiện trong vòng 6 giờ đầu, tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, không nên chờ đến giới hạn này. Việc cấp cứu càng sớm càng tăng khả năng tái thông mạch, giảm tổn thương não và giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng, trở lại cuộc sống bình thường.
“Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối mạch não bằng hệ thống DSA đã và đang trở thành ‘vũ khí’ quan trọng giúp giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do đột quỵ nhồi máu não nặng”, bác sĩ Duy chia sẻ. Ông cũng khuyến cáo, khi phát hiện người thân có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như méo miệng, yếu liệt tay chân, nói ngọng, lú lẫn, mất thị lực đột ngột..., cần lập tức gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng xử trí đột quỵ để được can thiệp kịp thời.