Xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo...) bằng số điện thoại là quy định vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa ra trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Mạng xã hội không thể để “náo loạn” như cái chợ
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT), Bộ TT&TT cho biết, việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Lý giải nguyên nhân đưa ra yêu cầu này, đại diện Cục PT-TH&TTĐT nêu: “Thứ nhất, tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang gia tăng. Quy định này được đề xuất từ nhu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội để hạn chế lừa đảo trực tuyến. Hai là mạng xã hội rất rộng, việc xác thực bằng số điện thoại cá nhân sẽ góp phần để người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội”.
Quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội thông qua số điện thoại nhận được sự đồng tình của người dân, song cũng không ít người còn băn khoăn về nguy cơ có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân và tính khả thi khi áp dụng thực tế.
“Phải thừa nhận mạng xã hội phát triển đã giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau, dù ở bất cứ đâu... Bản thân chúng tôi còn tìm được cả những người bạn đã thất lạc từ lâu thông qua mạng xã hội. Thế nhưng bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng là “mảnh đất” cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, kích động, tấn công đời tư, bắt nạt và nhiều hoạt động tội phạm khác… Việc không rõ danh tính khiến cho nhiều người phát ngôn thiếu ý thức và dễ a dua đám đông. Hậu quả thì đã thấy qua nhiều vụ việc. Nếu áp dụng định danh thông qua số điện thoại, có thể khiến mọi người bày tỏ ý kiến thận trọng hơn”, anh Trần Bảy, quận Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ.
Chị Nguyễn Hương Giang, quận Hai Bà Trưng cũng cho rằng: “Xác thực tài khoản mạng xã hội tương tự như việc giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt. Như vậy có thể khiến mỗi người khi bày tỏ ý kiến gì cũng sẽ cẩn trọng hơn. Tránh xảy ra những việc bất chấp để thu lượt tương tác mà không quan tâm đến hậu quả. Phải quản lý mạng xã hội, đừng để náo loạn như cái chợ, tài khoản của người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng vô tội vạ, kêu gọi đầu tư vào những hình thức lừa đảo…”.
Mặt khác, việc phải định danh cá nhân người dùng thông qua số điện thoại khi tham gia bất cứ mạng xã hội nào khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân.
“Quy định này áp dụng cho mạng xã hội nào, người dùng mới hay người dùng đã có tài khoản. Bởi như hiện nay, phần lớn người dùng mạng xã hội của các doanh nghiệp xuyên biên giới. Vậy làm sao để quản lý được dữ liệu do công ty nước ngoài nắm giữ? Với nhiều mạng xã hội chung như kiểu webtretho… nhiều người tham gia chỉ nhằm tham khảo, tìm hiểu thông tin. Mạng nào cũng phải khai báo thông tin cá nhân, tôi thấy chưa an toàn. Nhiều trường hợp bị lộ lọt thông tin cá nhân, nhiều khi biết rõ lộ từ đâu, nhưng người dân chẳng thể kêu ai để bảo về quyền lợi cho mình”, anh Tôn Hoàng, nhân viên quản trị mạng tại một công ty thắc mắc.
Phân cấp mạng xã hội nên bắt buộc định danh
Theo giới chuyên gia, Việt Nam đã có hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, đang triển khai xác thực định danh điện tử. Nếu đồng bộ hóa dữ liệu này với dữ liệu người dùng mạng xã hội thì mỗi hành vi, phát ngôn của người dùng đều gắn chặt với trách nhiệm pháp lý của họ. Khi ấy, các vấn đề tiêu cực, tội phạm, mới giảm thiểu, môi trường không gian mạng mới lành mạnh, văn minh.
Thế nhưng, để quy định có tính khả thi cao và đi được vào cuộc sống còn rất nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, việc định danh cá nhân trên mạng xã hội cái được lớn nhất là khi giải quyết các vấn đề kiện cáo, tranh chấp, thì có thể xác định được chủ thể để xử lý. Song, cần phải phân cấp mạng xã hội, tập trung vào các nền tảng có quy mô người dùng lớn sẽ có giá trị thực tế hơn.
“Các mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo, Instagram… hiện đã thực hiện định danh người dùng qua số điện thoại rồi. Vậy khi quy định có hiệu lực, vấn đề chia sẻ, kết nối dữ liệu này thực hiện thế nào khi những mạng này đều thuộc các công ty xuyên quốc gia và không có trụ sở tại Việt Nam. Còn với các mạng xã hội nhỏ, ít người dùng, việc kiểm soát định danh không có nhiều giá trị, không cần thiết và còn có rủi ro ngược về lộ lọt thông tin cá nhân”, ông Đồng nêu ý kiến.
Theo Viện trưởng IPS, các mạng xã hội nhỏ, doanh nghiệp, công ty… tại Việt Nam, hiện nay năng lực quản trị bảo vệ dữ liệu thông tin còn rất hạn chế. Quy định pháp luật, hành lang pháp lý từ vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn an ninh mạng… đều đã có, song cái khó là thực thi thế nào.
“Quy định chúng ta đều đã có nhưng trong trường hợp không tuân thủ thì lực lượng chức năng có điều tra, xử lý hàng triệu triệu các hành vi sai phạm đó không, có xử lý đến tận từng đối tượng, nhóm đối tượng ở quy mô nhỏ đó không? Đơn giản như quy định cấm vượt đèn đỏ, tuy nhiên chỉ thiếu “bóng” lực lượng chức năng, người ta lại vượt đèn đỏ. Có bắt hết được những trường hợp như vậy không?”, Viện trưởng IPS đặt vấn đề.
“Mục tiêu quy định đặt ra rất tốt, tuy nhiên những thách thức kỹ thuật đi kèm để hiện thực hóa quy định này là không nhỏ”, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.