Báo chí Việt Nam trong phát triển kinh tế số

Hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí đa phương tiện, 127 tờ báo, 670 tạp chí và 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Khó khăn về tài chính do cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo truyền thông và cả người đọc, người xem. Ngoài ra, doanh nghiệp bị cắt giảm chi phí quảng cáo - truyền thông. Bên cạnh đó, nguồn lực và cơ chế của Nhà nước đặt hàng báo chí còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.

anh-chup-man-hinh-2024-06-13-luc-220612-1718292823.png
Chuyển đổi số báo chí được truyền phát trên các nền tảng đa dạng (Ảnh: minh họa Internet)

Theo giới truyền thông, việc phát triển kinh tế báo chí cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và sự phát triển toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với sự phát triển kinh tế số hiện nay để có bước phát triển đột phá.

Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông; PGS.TS Bùi Chí Trung cho biết: “Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ nhìn từ trường hợp cụ thể của một lĩnh vực hay những loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với phát triển kinh tế số hiện nay để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí trong hệ thống truyền thông chuyên nghiệp và nhân văn”.

Nhằm làm rõ vấn đề đặt ra, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử Vietnamnet (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp cùng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số, trong khuôn khổ sự kiện thường niên hằng năm của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6 năm 2024”.

Hội thảo có 3 phiên thảo luận tâp trung vào các chủ đề Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam; Xây dựng mô hình kinh tế báo chí đặc thù và Phát triển thị trường truyền thông trong sự bùng nổ nền kinh tế số.

Nguồn tin từ Ban Tổ chức cho biết, các phiên thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề nổi bật đó là: Những thành công, hạn chế và bất cập trong kinh tế báo chí Việt Nam; Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí được đúc kết từ kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến của Việt Nam; Phân tích những dự báo, những vấn đề cần được quan tâm trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới; Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong kinh tế báo chí và phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-06-13-luc-220618-1718292822.png
Báo in Việt Nam trong kỷ nguyên số (Ảnh Vietnamnet)

Tham dự đồng thời là diễn giả chính của diễn đàn khoa học lần này có Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo VN, Tổng Biên tập Báo Nhân dân.
Hội thảo có sự hiện diện của các vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Hội đồng lý luận TW, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan; Lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông từ trung ương đến các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu, các nhà nghiên cứu đến từ Liên minh châu Âu, ASEAN, Trung Quốc, chuyên gia các tập đoàn kinh tế lớn với sự quan tâm sâu sắc và sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý giá.

Từ nhiệt tình và quyết tâm cao của các nhà báo trong cả nước, chúng ta có niềm tin sâu sắc và hy vọng báo chí Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới./.