Thị trường phục hồi trở lại
Theo Bộ Công Thương, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 đạt 486.364,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 9/2022. Ước tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm đạt 4.643.574,5 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 (10 tháng năm 2021 giảm 5,1% so cùng kỳ).
Trên thực tế, các loại hàng hoá trên thị trường đều dồi dào, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, dù thị trường nói chung đang sôi động trở lại, quan hệ cung-cầu thông suốt nhưng vẫn cần lưu ý, chủ động xử lý một số hạn chế, tổn tại liên quan đến chất lượng hàng hóa bán ra cũng như nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng bán lẻ bao gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, hệ thống các chợ đầu mối kiêm sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, các kho dự trữ, bảo quản hàng lạnh, hàng chuyên dùng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của năng lực Việt, sản phẩm Việt ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt, cần tăng cường công tác liên kết vùng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt, tạo sức mạnh chung của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,81% của bình quân 10 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 10 tháng năm 2020 (3,71%). Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2022 tăng 2,14%. Lạm phát được kiểm soát, điều này phản ánh thực tế sự hồi phục của thị trường và thể hiện sự bình ổn trên thị trường suốt từ đầu năm đến nay. Như vậy, có thể thấy vẫn còn khá nhiều dư địa cho việc kiểm soát lạm phát tăng dưới 4% cho cả năm 2022.
“Kết quả CPI nói trên cho phép đánh giá việc xác định mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát là đúng đắn và thực tế đã thể hiện sự thành công trong điều hành giá, thị trường; tạo điều kiện để ổn định giá trên diện rộng và kiềm giữ đà tăng giá”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Hiện, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022, việc kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu quan trọng, không thể lơ là. Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát, cảnh báo nguy cơ và kiểm soát lạm phát. Nhận định mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt để có giải pháp đảm bảo nguồn cung, không gây đứt gãy nguồn cung, gắn với theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu… Đồng thời, cần theo sát tình hình, điều hành hợp lý để gặt hái một năm thành công trong hoạt động điều hành thị trường, giá cả. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến cung-cầu xăng dầu.
Do tác động từ tình hình thế giới dẫn tới giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào trong nước liên tục tăng cao, kéo theo giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng, đã ảnh hưởng đến sức mua và nguồn cung trong nước, tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi: nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu; xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam
Hiện tại, sức mua tăng từ 10% đến 15% so với mức trung bình và là thực tế hợp lý. Dự báo nhu cầu và giá thịt lợn, rau, củ, quả cao cấp, thuỷ, hải sản sẽ tăng mạnh hơn còn các loại hàng hoá như chè, nước ngọt…sẽ không có biến động lớn. Mặt khác, nếu có biến động thì chỉ là do thời tiết nóng cục bộ với các mặt hàng như bia, nước giải khát trogn khi nếu dịp cuối năm mà mát, lạnh thì rượu sẽ được ưu tiên sử dụng và giá có thể nhích lên.
Về lạm phát năm 2022, TS. Lê Huy Khôi, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, năm nay sẽ đánh dấu sự thành công trong ổn định đời sống dân sinh và kiểm soát lạm phát. Thị trường được kiểm soát tốt, cung-cầu diễn ra bình thường. Về sản xuất, xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn chiếm ưu thế và tăng trưởng khá. Năm 2022, xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng. Từ nay đến hết năm thời gian không còn nhiều nhưng với những tín hiệu tốt từ thị trường và sức mua dự báo sẽ tăng trong dịp Tết, cùng với đó nếu không có diễn biến nào đó đột ngột thì chắc chắn lạm phát sẽ được khống chế dưới 4%.
Để đẩy mạnh khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ này tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế. Trong đó, theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để có giải pháp điều hành phù hợp.