Các địa phương liên kết phát triển, đổi mới sáng tạo: Xanh và bền vững

Liên kết hợp tác về thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, văn hóa… giữa các tỉnh/thành phố trong Vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như các địa phương trong cả nước có vai trò rất quan trọng, nhằm đảm bảo khai thác hết các lợi thế, tiềm năng của các địa phương, hướng đến phát triển xanh và bền vững.

Sáng 12/2, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".

Kết nối không gian, liên kết phát triển

Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của Vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực, Thủ đô Hà Nội xác định trọng trách, trách nhiệm của mình đối với phát triển Vùng và cả nước, cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng quyết tâm phấn đấu tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch tại địa phương mình, đặc biệt chú ý đến tính kết nối không gian, liên kết phát triển.

Các địa phương liên kết phát triển, đổi mới sáng tạo: Xanh và Bền vững - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cụ thể, về thể chế, chính sách: Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. 

Tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội Vùng, liên vùng, quốc tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hình thành chuỗi đô thị Bắc sông Hồng (thành phố trong Thành phố) kết nối thành vòng cung từ Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái tạo thành hành lang kinh tế Bắc Bộ với đô thị lõi phía bắc Hà Nội (Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh), trong tương lai đảm nhiệm vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế này.

Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế. Liên kết, hợp tác thương mại bắt đầu từ các giải pháp đồng bộ như quy hoạch phát triển thương mại toàn vùng Thủ đô và từng địa phương, nghiên cứu thành lập trung tâm xúc tiến thương mại quốc tế tại Hà Nội để hỗ trợ các địa phương phát triển và liên kết thương mại.

Hình thành các cụm, chuỗi liên kết du lịch vùng nhằm khai thác có hiệu quả cao tài nguyên du lịch rất phong phú của toàn vùng, bao gồm việc các tỉnh, thành phố tích cực tham gia xây dựng chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng, lập chương trình và các dự án phát triển du lịch, đầu tư thực hiện các dự án có quy mô và ý nghĩa toàn vùng để tích hợp vào quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng và quy hoạch các tỉnh, thành phố đang được nghiên cứu xây dựng. Liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác như ngành văn hoá, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng.

Về liên kết phát triển ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, Hà Nội chủ trương phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hướng tới lựa chọn đối tác tin cậy, có năng lực trước khi thực hiện xây dựng vùng liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng liên kết.

Về liên kết phát triển văn hóa, coi văn hóa như là động lực phát triển Hà Nội và cả vùng, trong đó Thủ đô Hà Nội là hạt nhân, trung tâm hội tụ, lan tỏa. Hà Nội phải trở thành địa phương sáng tạo đặc thù, có những đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc, tiêu biểu về văn hóa - lịch sử.

Các địa phương liên kết phát triển, đổi mới sáng tạo: Xanh và Bền vững - Ảnh 2.

Hải Phòng phát huy lợi thế là địa phương có biển - Ảnh minh họa

Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm chính trị cùng sự điều hành linh hoạt trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GRDP Thành phố đạt 12,32%, gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước, là năm thứ 7 liên tiếp Hải Phòng đặt mức tăng trưởng 2 con số.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển, khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc.

Thành phố đã tập trung đầu tư mở rộng kết nối hạ tầng logistics các loại hình giao thông; nhiều công trình giao thông trên địa bàn thành phố có vai trò liên kết vùng đã hoàn thành, đưa và sử dụng. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là khu kinh tế ven biển để thu hút các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn phát triển Thành phố.

Bên cạnh đó, các ngành kinh tế biển tiếp tục phát triển và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố. Tỉ trọng kinh tế biển trong GRDP thành phố Hải Phòng tăng từ 48,45% năm 2015 lên 62,04% năm 2020.

Phát huy lợi thế là địa phương có biển, Thành phố đã tích cực phát triển ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt đang tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn phát triển điện gió ven bờ và ngoài khơi nhằm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh.

Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào năm 2014. Trong đó, xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh hóa và bền vững, xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị (trong đó định hướng Hải Phòng: Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới), Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có quy hoạch nhà máy điện rác, điện gió tại thành phố Hải Phòng làm cơ sở triển khai các dự án sử dụng năng lượng tái tạo của Thành phố.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển đảm bảo khả thi, đồng bộ và theo hướng phát triển bền vững, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế biển. 

Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động lấn biển; phê duyệt Quy hoạch Không gian biển Quốc gia, Quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ Quốc gia. 

Định kỳ rà soát, điều chỉnh đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên thực tế các địa phương. Sớm công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm cho các đảo có diện tích lớn nhất của các huyện đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…


Các địa phương liên kết phát triển, đổi mới sáng tạo: Xanh và Bền vững - Ảnh 3.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ "phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học" là một nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các điều kiện để hình thành và phát triển Khu công nghệ cao; ngày 14/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung Khu Công nghệ cao Hà Nam vào quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2098/QĐ-TTg; căn cứ quy hoạch tổng thể được duyệt, UBND tỉnh Hà Nam đã xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam.

Khu công nghệ cao Hà Nam định hướng phát triển 3 vùng chức năng (Vùng thí nghiệm công nghệ cao; Vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao; Vùng trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo) tập trung vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới. 

Đây là các lĩnh vực mới, hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng vượt trội, cần nguồn lực đầu tư lớn; trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn hẹp, việc thu hút đầu tư và sử dụng tối ưu nguồn đầu tư là một đòi hỏi khách quan, phù hợp với xu thế phát triển.

Để thu hút hiệu quả nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước, tỉnh Hà Nam đề xuất tập trung hoàn thiện các thể chế, chính sách về phát triển công nghệ cao.

Theo đó, để giải quyết khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân phát triển khu Công nghệ cao cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý quy định đồng bộ, trọng tâm là khẩn trương ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Khu công nghệ cao và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ bổ sung đối với mô hình Khu Công nghệ cao do doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân đầu tư được triển khai lần đầu tại Việt Nam để khuyến khích, nhân rộng mô hình phát triển như: Ưu đãi, hỗ trợ bổ sung về thuế, đất đai, hỗ trợ chi phí thuê hạ tầng, nhà ở; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân cấp, ủy quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch ...

Tập trung hoàn thiện, ban hành các quy hoạch thời kì 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác). 

Đây là cơ sở quan trọng để sắp xếp, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư nói chung, đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới nói riêng.

Đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng (điện), hạ tầng khu công nghiệp; phát triển các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển khu công nghệ cao như nhà ở, các dịch vụ phục vụ chuyên gia, người lao động.

Quan tâm xây dựng hệ thống giáo dục, các thiết chế khoa học và công nghệ nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kĩ năng nghề nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp. 

Khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, ưu tiên các hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tự động hoá và sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, nhất là xây dựng chính quyền số; từng bước xây dựng xã hội số để tạo thị trường cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, đảm bảo hoạt động xúc tiến đầu tư mang lại kết quả cụ thể, thực chất; quan tâm thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp công nghệ cao để tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.    

Nguồn: Baochinhphu