Cấm người và phương tiện qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng dâng cao

Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, UBND TP Hà Nội quyết định cấm toàn bộ phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h ngày 10/09 do lũ sông Hồng dâng cao.

Trong bối cảnh mực nước sông Hồng đã lên báo động một với mức nước 9,5 mét (cao nhất là báo động ba), UBND TP Hà Nội đã quyết định cấm tất cả các loại phương tiện giao thông qua cầu Long Biên từ 15h hôm nay ngày 10/09, cho đến khi tình hình được đánh giá là an toàn để lưu thông trở lại. 

Đây là mức nước cao nhất kể từ năm 2008, dẫn đến quyết định cấm đột xuất nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực. Lệnh cấm này áp dụng với mọi hình thức giao thông từ người đi bộ, xe đạp, xe máy cho đến xe ba bánh.

Đồng thời, từ 9h sáng cùng ngày, ngành đường sắt cũng đã thông báo tạm dừng toàn bộ các chuyến tàu hỏa qua cầu Long Biên, khiến khoảng 5 - 6 đôi tàu phải ngừng hoạt động.

cam-cau-7359.jpg
 

Không chỉ cầu Long Biên, sáng nay Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng ra quyết định cấm xe khách, xe hợp đồng, ô tô du lịch trên 9 chỗ và các xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn qua cầu Chương Dương từ 8h30. 

Đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện, hành khách và tránh tình trạng ùn tắc giao thông trong bối cảnh mưa lũ phức tạp.

Hiện tại, để có thể lưu thông qua sông Hồng, các phương tiện có trọng tải lớn buộc phải chuyển hướng sang các cây cầu khác như Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thanh Trì. 

Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể gây áp lực lên các tuyến đường dẫn vào những cây cầu lớn này, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Cầu Long Biên đã trải qua nhiều lần sửa chữa và gia cố

Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng kiến trúc lịch sử của Hà Nội, được khởi công xây dựng vào tháng 09/1898 và chính thức khánh thành vào năm 1902. 

Do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế, cây cầu dài 1.691 m, với thiết kế ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa và hai bên dành cho các phương tiện đường bộ. Qua hơn một thế kỷ tồn tại, cầu Long Biên đã trở thành một biểu tượng văn hóa và lịch sử quan trọng của Thủ đô.

Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng nghiêm trọng ở một số nhịp và sau đó đã được gia cố tạm thời bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn từ 1995 - 2010, cầu Long Biên trải qua quá trình gia cố và sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng.

1931-20000101070057__mg_7998-60g
 

Đến năm 2015, cầu tiếp tục được sửa chữa tổng thể với nguồn vốn gần 300 tỷ đồng, nhằm đảm bảo khả năng khai thác an toàn cho đến khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cho cầu Long Biên.

Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị số 1 hiện vẫn chưa được khởi động, khiến cầu Long Biên phải tiếp tục duy trì hoạt động với các biện pháp bảo trì thường xuyên.

Năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kinh phí, tập trung vào việc sửa chữa lối đi cho người đi bộ trên cầu. Các công việc bao gồm thay thế tấm đan, gia cố và sơn lại lan can cầu. 

Kinh phí bảo trì cầu Long Biên trong năm 2021 là 8,5 tỷ đồng, đến năm 2022 con số này tăng lên hơn 9,7 tỷ đồng, bao gồm chi phí bảo trì cho cả cầu đường sắt và cầu đường bộ.