CCB. Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính sư đoàn 304 (Kỳ 8)

Ở chiến trường K., dù gian khổ, hy sinh nhưng những người lính trẻ chúng tôi vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Mỗi khi có thời gian rãnh rỗi, chúng tôi lấy câu chuyện làm quà, kể cho nhau nghe về gia đình, bạn bè, về bạn gái … có khi chỉ là những chuyện bịa vì đa phần chưa có người yêu.

Kỳ 8: Lính bộ hành quân thủy.

Em ơi đợi anh về

Tôi cũng vậy, đổi lại, vốn yêu văn, thơ từ thời học phổ thông nên tôi thuộc một vài bài và thường đọc cho anh em nghe mỗi khi có dịp. Trong đó, bài thơ “Đợi Anh Về” của nhà thơ Simonov (Nga) nói về một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đang ở chiến trường đánh quân phát-xit nhắn nhủ với người vợ ở quê nhà. Đó là tình yêu bất tử của người chiến sĩ ngoài mặt trận với người hậu phương, họ không thể chết vì có người mình yêu thương đang chờ đợi.

t1-1652680389.jpg
 Đường hành quân bộ (màu xanh) đến cảng Shihanoukville, quãng đường hơn 20km, sẳn sàng đánh địch mà đi.

Sự chờ mong, niềm tin tưởng của những người mẹ, người vợ, người yêu… đối với những người chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế xa Tổ quốc giúp chúng tôi nơi chiến trận vững tin vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, thắng trận trở về.

Bài thơ 38 câu được nhà thơ Tố Hữu dịch, đã đi vào tâm hồn của biết bao người Việt Nam, đoạn mở đầu viết:

“Em ơi đợi anh về

Đợi anh hoài em nhé.

Mưa có rơi dầm dề

Ngày có dài lê thê

Em ơi em, cứ đợi!

Dù tuyết rơi gió nổi

Dù nắng cháy em ơi

Bạn cũ có quên rồi

Đợi anh về, em nhé!

Tin anh dù vắng vẻ

Lòng ai dù tái tê

Chẳng mong chi ngày về

Thì em ơi cứ đợi!”

… 

“Vì sao anh chẳng chết

Nào bao giờ ai biết?

Có gì đâu em ơi

Chỉ vì không ai người

Biết như em chờ đợi.”

Từ sau khi chặn đứng cuộc tập kích của địch đêm hôm trước, không khí trên chốt có vẻ căng thẳng và luôn cảnh giác. Chúng tôi ăn cơm chiều sớm hơn mọi ngày. Hằng đêm, khẩu đội duy trì tăng cường 3 vọng gác với 9 người, phải thức đêm nhiều hơn vì chỉ có 3 người mỗi vọng gác suốt đêm; còn 1 người ngày lo việc nấu cơm nước thì được nghỉ gác đêm. Ban ngày, chúng tôi chỉ duy trì 2 vọng gác để ngủ bù. Được ngủ ít nên ai cũng có vẻ hốc hác, mắt thâm quầng, sâu hoắm

t2-1652680412.jpg
 Cảng Shihanoukville, Campuchia hôm nay và - Ký ức ngày trở về 5- 3-1979.

Trưa 17-2-1979, dưới cái nắng chói chang trong công sự, chúng tôi nhận được tin vào rạng sáng nay, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lột mặt nạ “hữu hảo”, lộ rõ bộ mặt bẩn thỉu và dã tâm đen tối xua quân xâm lược nước ta. Quân giặc dã man thực hiện chính sách “tam quang” (ba sạch): “giết sạch, đốt sạch, cướp sạch” rất man rợ ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Dù không nói nên lời nhưng tâm can người lính cháy bỏng căm hờn bọn giặc thù, trong lòng ai cũng hiểu mệnh lệnh sắp tới chúng tôi phải thi hành là gì.

Xế trưa 4-3-1979, chúng tôi được lệnh bàn giao chốt cho một đơn vị thuộc Quân khu 9. Tôi chỉ dẫn nhanh vị trí cài lựu đạn và cách sử dụng mìn Claymore. Mấy chiến sĩ tiếp quản có vẻ chưa biết mìn Claymore là gì, tôi đành bấm điều khiển cho nổ 1 quả làm mẫu rồi lập tức hành quân về vị trí tập kết nhận nhiệm vụ mới. Có lẽ chúng tôi sẽ được về nước, được chiến đấu trên mảnh đất Tổ quốc thân yêu, đánh đuổi giặc Trung Quốc xâm lược … Không biết có đúng thế không, nhưng nghĩ đến đó, ai cũng cảm thấy phấn chấn rạo rực, mong chờ.

Đêm hôm đó, Tiểu đoàn chúng tôi nghỉ tạm ở khu vực tập kết tại Phum Thma Thum. Hết phiên gác, tôi ngả lưng nằm xuống thảm cỏ ngủ một giấc ngon lành, gần sáng thì nghe tiếng súng nổ từng tràng dài ở hướng chốt đơn vị tôi vừa bàn giao hôm qua, có lẽ bọn địch tập kích.

Hành quân đến cảng Shihanouville

Không khí buổi sáng nay trong lành và yên bình, với người lính, những giây phút thế này nơi chiến trường thật hiếm. Từng cơn gió từ biển thổi vào xuyên qua hàng cây thưa thớt ven đường, mấy con chim chích chuyền cành hót líu lo. Mặt trời lên, nắng vàng rực rỡ, thoang thoảng mùi hương của rơm rạ trên cánh đồng xa xa bay về, gần gủi tưởng như mình đang ở một miền quê đất mẹ.

Tin truyền nhau sẽ được về nước bằng tàu biển khiến ai cũng khấp khởi mừng.

Sáng ngày 5-3-1979 chúng tôi được hậu cần phát cục cơm nắm còn nóng ấm. Ăn xong, mỗi người nhận đầy một ruột tượng gạo mang theo. Tính cả vũ khí, quân dụng mỗi người mang xấp xỉ 25kg. Mấy anh em bàn nhau hay vứt bớt mấy khẩu AR-15 “ngoài biên chês” cho đỡ nặng, nhưng nghĩ lại mình đang ở chiến trường, có thêm súng đạn thì vẫn yên tâm hơn.

Cả đơn chờ ô tô. Một đoàn xe chở đơn vị bạn thuộc Trung đoàn 24 (F304) ngang qua, tôi tìm hỏi thăm mấy anh em cùng quê, biết được 2 anh người cùng làng, cùng nhập ngũ đã hy sinh, lòng lặng đi vì tiếc thương.

Chờ mãi mà vẫn không có xe, chúng tôi được lệnh hành quân bộ từ ngã ba cảng Ream theo Quốc lộ 4 đến cảng Shihanoukville, quãng đường hơn 20km, đường lộ băng qua rừng núi. Đây chính là đoạn đường mà bọn Khmer Đỏ đã phục kích bắn cháy nhiều xe tăng của hải quân đánh bộ ta trong các ngày từ 6-1 đến 8-1-1979 khi Sư đoàn bộ binh 304 chúng tôi chưa đến kịp để hợp đồng tác chiến.

t3-1652680433.jpg
 Sơ đồ cuộc hành quân thần tốc của F304 từ K về Sài Sòn và ra biên giới phía Bắc Tổ quốc tháng 3-1979

Chúng tôi giữ cự ly hành quân, vừa đi vừa cảnh giác sẳn sàng chiến đấu, đề phòng địch phục kích. Mệt mỏi vì đường xa, dọc đường thi thoảng còn gặp xác lính Miên chết khô queo nằm rãi rác bên đường, nhưng nghĩ đến sắp được lên tàu về nước nên ai cũng quên đi nổi mệt nhọc. Trời xế chiều thì chúng tôi đến cảng Shihanoukville, mấy chiếc tàu đang neo chờ sẳn. Nghỉ tạm ở dãy nhà trên bến cảng, tôi lấy nước ngọt cho vào cơm sấy ăn, thở phào nhẹ nhõm vì mình may mắn còn sống trở về.

Đơn vị tôi được lệnh lên chiếc tàu mang tên Sông Bé, một con tàu đánh cá của ngư dân, trong hầm tàu còn tanh mùi cá biển. Tàu hụ một hồi còi dài và rời cảng, lênh đênh trên mặt biển hoàng hôn còn in đậm trong ký ức. Lúc bấy giờ là tối ngày 5-3-1979, khoảnh khắc mà tôi không thể nào quên dù đã hơn 43 năm trôi qua.

Kỳ 9: Di sản "Bộ đội Cụ Hồ" ở xứ Chùa Tháp